logo

Liên hệ mở rộng bài Nói với con của tác giả Y Phương

Hướng dẫn chi tiết cách viết liên hệ mở rộng bài "Nói với con " của tác giả Y Phương với một số tác phẩm quen thuộc. Các em cùng tham khảo để có thể hiểu sâu hơn về tác phẩm này nhé!


Những tác phẩm có thể liên hệ với bài Nói với con


1. Liên hệ mở rộng với chùm ca dao dân ca

Liên hệ với chùm ca dao dân ca về tình cảm gia đình để thấy được nét tương đồng và mới mẻ trong cách khai thác đề tài quen thuộc. Sự tương đồng nằm ở tình cảm sâu sắc, bền chặt, thiêng liêng của tình phụ tử, mẫu tử. Ở sự lo lắng hết mực của những bậc làm cha, làm mẹ dành cho con cái

Chim trời ai dễ đếm lông

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày

Tình cảm của người cha dành cho con trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương có sự tương đồng với tư duy của những bậc làm cha làm mẹ trong ca dao nói chung. Đó là niềm mong mỏi con có cuộc sống đủ đầy, ấm no. Đó là khao khát con trưởng thành, học tập nên người, có thể cống hiến cho tổ quốc và nhân dân, làm giàu đẹp bản sắc quê hương, vùng miền.


2. Liên hệ mở rộng với Lời cha dặn con

Khi phân tích lời cha dặn dò trong bài thơ “Nói với con” trong đoạn thơ:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

……………………………

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Có thể liên hệ với bài thơ “Lời cha dặn con”: “Rời tổ ấm chim tung bay xứ lạ/Gói hành trang chỉ vỏn vẹn “nhớ nguồn”. Đó là khát vọng con được bay cao, bay xa trên con đường trưởng thành, chinh phục ước mơ của mình. Nhưng con luôn luôn phải nhớ dù có đi đâu, đến bất kỳ chân trời mới nào thì con cũng không bao giờ được quên đi cội nguồn của mình. Nhất là không bao giờ được quên đi quê hương nơi chôn rau cắt rốn, quên đi người đồng mình đã kề vai sát cánh những lúc gian khổ, khó khăn.

Liên hệ mở rộng bài Nói với con của tác giả Y Phương

3. Liên hệ mở rộng với “Tiếng hát con tàu”

Phân tích vẻ đẹp của người đồng mình trong khổ thơ:

Người đồng mình thô sơ da thịt

……………………………

Còn quê hương thì làm phong tục

Có thể liên hệ với bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên trong những khổ thơ

 “Con nhớ anh con, người anh du kích

……………………………………

Con nhớ em con, thằng em liên lạc

………………………………………

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc

Để thấy được vẻ đẹp của những người miền núi trong chiến tranh cũng như trong hoà bình. Đó là vẻ đẹp của chân chất, hồn hậu, ấm áp, ân tình với đồng bào miền xuôi với cán bộ và cách mạng. Đó là vẻ đẹp của sự rắn rỏi, khỏe mạnh để đương đầu với sóng gió nơi núi rừng. Đó là vẻ đẹp của con người miền núi tự làm nên phong tục, truyền thống của quê hương và gìn giữ qua bao thế hệ.


4. Liên hệ mở rộng với Không có gì tự đến đâu con

Khi phân tích lời dặn dò của người cha trong đoạn thơ “Con ơi tuy thô sơ da thịt/Lên đường/Không bao giờ nhỏ bé được/Nghe con” có thể liên hệ với bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” của Nguyễn Đăng Tấn “Đường con đi dài rộng rất nhiều… chỉ có con mới nâng nổi chính mình” để thấy được tình cảm và niềm mong mỏi của người cha dành cho con của mình. Đó là tình cảm tha thiết, chân thành, là niềm mong muốn con mạnh mẽ, trưởng thành trên con đường chinh phục ước mơ.


Liên hệ mở rộng bài Nói với bài Tiếng hát con tàu và Không có gì tự đến đâu con

      Y Phương là một tác giả người dân tộc thiểu số. Vì vậy những sáng tác của ông mang đậm những nét bản sắc văn hoá của người vùng cao. Đó là nét tư duy hồn hậu, chất phác pha chút hoang sơ của người miền núi. Những phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những tâm tư tình cảm nồng hậu, chân thành của con người nơi đây. Bài thơ Nói với con được ông sáng tác riêng để tặng cho con gái của mình. Trong đó chúng ta thấy được hình ảnh của một người cha yêu thương con hết mực, mong muốn con khôn lớn, trưởng thành và luôn tự hào về phong tục truyền thống của quê hương. 

Liên hệ mở rộng bài Nói với con của tác giả Y Phương

      Thông qua lời dặn con trong bài thơ người cha ca ngợi vẻ đẹp của người đồng mình, cũng là của quê hương mình. Cũng từ đó bộc lộ niềm tự hào về truyền thống đáng quý của quê hương

Người đồng mình thô sơ da thịt

……………………………

Còn quê hương thì làm phong tục

      Trong lời dặn dò của cha “người đồng mình” (người quê hương mình - cách nói người đồng mình là cách nói quen thuộc của người miền núi) tuy thô sơ da thịt nhưng không hề nhỏ bé, kém cỏi. Mà là vẻ đẹp của sự rắn rỏi, chất phác, khoẻ mạnh trong tư thế “tự đục đá kê cao quê hương” để quê hương xây nên phong tục, tập quán. Trong lời của người cha chúng ta thấy rõ được sức mạnh của người miền núi. Tuy sống trong điều kiện khó khăn, bốn bề là đá núi nhưng người miền núi vẫn tự tin xây dựng cuộc sống và làm nên phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương

      Trong mạch cảm hứng ca ngợi về vẻ đẹp của người miền núi trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên cũng có những vần thơ như thế:

 “Con nhớ anh con, người anh du kích

……………………………………

Con nhớ em con, thằng em liên lạc

………………………………………

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc

      Trong ký ức của nhà thơ, một cán bộ cách mạng chính người miền núi hồn hậu, chất phác đã cưu mang mình trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, khó khăn. Đó là thằng em du kích tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ, nhanh như con thoi xuyên rừng để liên lạc cho cán bộ, bảo vệ tin tức cách mạng. Đó là người anh du kích với chiếc áo nâu bạc cùng anh đi qua bao nhiêu chiến dịch. Đó là bà mế tuy không dứt ruột đẻ ra nhà thơ nhưng luôn dành cho anh những tình cảm nhân hậu, ấm áp nhất. Sẵn sàng thức suốt đêm để chăm lo cho anh trong những lúc ốm đau, hoạn nạn.

      Vẻ đẹp của người miền núi là vẻ đẹp của sự chân chất, hồn hậu, ấm áp, ân tình với đồng bào miền xuôi và với cán bộ và cách mạng. Cũng là vẻ đẹp của sự rắn rỏi, khỏe mạnh để đương đầu với sóng gió nơi núi rừng, tự làm nên phong tục, truyền thống của quê hương và gìn giữ qua bao thế hệ.

      Trong lời dặn dò của người cha trong đoạn thơ “Con ơi tuy thô sơ da thịt/Lên đường/Không bao giờ nhỏ bé được/Nghe con” chúng ta có thể thấy rõ niềm mong mỏi, khát khao của người cha muốn gửi đến con mình. Cha mong con tuy thô sơ da thịt như người đồng mình nhưng phải giữ vững được sức mạnh của quê hương. Khi lên đường, đối diện với những chông gai và thử thách của cuộc đời con không bao giờ được nhỏ bé, chùn bước. Con hãy mạnh mẽ tiến về phía trước bởi ở phía sau là cha, mẹ và quê hương luôn đồng hành, hỗ trợ.

      Ý thơ này chúng ta thấy có điểm giống với bài thơ  “Không có gì tự đến đâu con” của Nguyễn Đăng Tấn “Đường con đi dài rộng rất nhiều… chỉ có con mới nâng nổi chính mình” Người cha trong bài thơ này cũng mong mỏi và kỳ vọng rất nhiều vào con mình. Trên con đường rộng dài phía trước cha mong con phải tự tin, mạnh mẽ, tin tưởng vào sức mạnh của chính bản thân mình. Chỉ khi con tự tin thì mới có thể đương đầu với sóng gió cuộc đời. Như vậy chúng ta có thể thấy điểm tương đồng trong mong muốn của những người cha dành cho con. Đó là mong muốn con được gan dạ, bền chí trước những khó khăn để khẳng định khả năng của mình.

      Có thể thấy “Nói với con” của Y Phương là một bài thơ hay và ý nghĩa của nhà thơ người miền núi. Thông qua bài thơ chúng ta thêm hiểu và trân trọng những tình cảm của người cha dành cho con mình. Cũng là trân trọng vẻ đẹp trong cốt cách của nhà thơ Y Phương.

----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Liên hệ mở rộng bài Nói với con của tác giả Y Phương. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 21/03/2023 - Cập nhật : 13/07/2023