logo

Phân tích Nhật kí Đặng Thùy Trâm (lớp 12)

Tập “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã ghi lại những trải nghiệm, cảm nhận của chị trong quá trình hoạt động cách mạng. Để hiểu rõ hơn về tập nhật kí này, hãy cùng Toploigiai đến với bài phân tích sau đây!


Dàn ý Phân tích Nhật kí Đặng Thùy Trâm

1. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả (cuộc đời, sự nghiệp...) 

- Giới thiệu đoạn trích, tác phẩm “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”

- Giới thiệu chung về nhân vật Thùy Trâm và cảm xúc của bản thân. 

2. Thân bài: 

- Hoàn cảnh xuất hiện nhân vật (qua những dòng nhật kí: tuổi tác, hoàn cảnh sống, công việc,...lấy dẫn chứng phân tích) 

- Những vẻ đẹp của nhân vật Thùy Trâm: Thùy Trâm là hình ảnh tiêu biểu cho những thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước

- Là cô thanh niên có lý tưởng sống cao cả, là chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, không sợ nguy hiểm. (dẫn chứng cụ thể phân tích) 

+ Từ bỏ cuộc sống yên bình bên gia đình ở Hà Nội để thực hiện lý tưởng đóng góp sức cho sự nghiệp giải phóng đất nước...

+ Mặc dù khối lượng công việc lớn, vất vả nhưng không quản khó, đem hết sức mình cống hiến cho cách mạng.

+ Đến lớp không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn bằng cả tình thương...

+ Gắn tuổi xuân, ước mơ tuổi trẻ với cách mạng, niềm vui, hạnh phúc là khi bước trên con đường cứu quốc. 

+ Đối mặt với những bệnh nhân bị thương do chiến tranh nhưng Thùy Trâm không hề nao núng, sợ hãi.

+ Tiến vào chiến trường khói lửa với tâm thế tự tin, sẵn sàng, chủ động...

+ Mưa bom bão đạn, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng không bỏ cuộc ...

- Là cô gái sống tình cảm với những mơ ước đời thường giản dị. 

+ Yêu thương, đồng cảm với cảnh ngộ của những người xung quanh mình (Thuận, Liên, Xuân...)

+ Thoáng thấy buồn khi tuổi xuân qua đi trong khói lửa, phải dẹp lại những ước mơ, khát vọng tuổi trẻ...(phân tích dẫn chứng) 

+ Nhớ gia đình, mong muốn được trở về với vòng tay cha mẹ, muốn được quay lại Hà Nội... 

=> Ước mơ, lợi ích cá nhân đều phải tạm thời gác lại, tất cả trở thành động lực, sức mạnh để “tôi” kiên trì với lý tưởng của mình... 

- Luôn tràn đầy nhiệt huyết với công việc và lạc quan, yêu đời. 

+ Công việc vất vả như thế nhưng cô luôn vui vẻ, nhiệt huyết với công việc, sự bình phục của những chiến sĩ bị thương làm cô càng trách nhiệm với công việc hơn...

+ Dùng sự bình tĩnh và nụ cười để xóa tan nguy hiểm, sự ngột ngạt của chiến tranh (dẫn chứng phân tích)

=> Phản ánh sự tàn phá khốc liệt, hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân ta. Lý tưởng sống cao đẹp của nhân vật Thùy Trâm luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay và mai sau...

* Nghệ thuật: Sự chân thật, xác thực trong lời kể được thể hiện qua các mốc thời gian cụ thể (đặc trưng thể loại nhật kí), tâm trạng của nhân vật được miêu tả một cách sinh động, chi tiết bằng ngôi thứ nhất (tôi)...


Phân tích Nhật kí Đặng Thùy Trâm

Những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm là những trang lịch sử vừa đau thương nhưng cũng vừa sáng ngời tinh thần dân tộc. Trong mưa bom bão đạn, mịt mù khói lửa, những tinh thần quả cảm, anh dũng, lý tưởng cách mạng cao đẹp vẫn được nung nấu, sục sôi không bao giờ tắt. Chiến sĩ Đặng Thùy Trâm là một trong những thanh niên xung phong hi sinh không chỉ tuổi xuân của mình mà cả tính mạng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Tập “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã ghi lại những trải nghiệm, cảm nhận của chị trong quá trình hoạt động cách mạng. Từ đoạn trích trong tập nhật kí đã cho người đọc nhiều xúc động về vẻ đẹp của cô cũng như niềm tự hào trước những vị anh hùng, chiến sĩ đã đấu tranh dành độc lập tổ quốc.

Phân tích Nhật kí Đặng Thùy Trâm (lớp 12)

Đặng Thùy Trâm sinh ra trong gia đình tri thức ở Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc, cô đã tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội trước một năm với tấm bằng hạng ưu. Nếu tiếp tục ở Hà Nội, chị sẽ tìm được công việc theo đúng ngành nghề nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam, nơi những chiến sĩ đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất. Chị được phân công công tác tại một bệnh viện ở huyện Đức Phổ, huyện Quảng Ngãi, chuyên chữa trị cho những thương, bệnh binh. Luôn mơ ước đất nước lập lại hòa bình, quay về với gia đình, bạn bè, người thân ở Hà Nội thế nhưng chị đã phải ngã xuống trong một chuyến công tác, để lại nhữngg ước mơ còn dang dở. Nhật kí Đặng Thùy Trâm là tập nhật kí được tác giả viết từ năm 1968 đến năm 1970, kể một cách chân thực về cuộc sống thường ngày nơi tuyến đầu chống Mỹ, về nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh và cả ước mơ, khát khao cháy bỏng ngày đất nước được thống nhất để được về với gia đình, Hà Nội. 

Trong nhật kí chị đã viết công việc của mình là chữa trị cho những chiến sĩ bị thương trong quá trình chiến đấu. Bên cạnh đó, cô còn lên lên lớp giảng dạy những lý luận về y học cho học sinh. Ở Thùy Trâm, người đọc thấy được một cô gái với lý tưởng sống cao cả, là chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, không sợ nguy hiểm. Sinh ra và lớn lên trong gia đình tràn ngập tình yêu thương nhựng chị đã rời bỏ cuộc sống yên bình ấy để dấn thân nơi chiến trường bom đạn, vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, với đồng bào. Lý tưởng cao cả nhất mà chị đặt lên hàng đầu là cống hiến sức mình cho cách mạng. Chính vì lý tưởng cao cà ấy mà tất cả những mơ ước, cảm xúc cá nhân đã hòa vào khát vọng, ước mơ to lớn của dân tộc. Niềm vui lớn nhất của cô là “đôi mắt người thương binh hôm nào còn đau nhức” bây giờ đã “sáng phần nào” hay “cánh tay bộ đội sưng vù...” cũng đã lành lặn...Bên cạnh đó, Thùy Trâm giảng dạy không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình thương đối với những đứa em phải chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn. Cô hi sinh tuổi trẻ, ước mơ của mình để thực hiện ước mơ chung của đất nước. Với cô, ước mơ bây giờ là “đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do”, tuổi trẻ của bản thân “thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt” , “cứng cáp trong thử thách gian lao” và “nóng rực vì ngọn lửa căm thù”. Lý tưởng ấy thật cao đẹp, lớn lao! Chị còn xem rằng hạnh phúc ấy chỉ riêng bản thân mới được tận hưởng, cũng chính vì vậy chị luôn tự động viên mình giữ nụ cười và niềm tin trong đôi mắt và tuổi trẻ.

Dù là chiến sĩ kiên cường, mạnh mẽ trước quân thù nhưng ở Thùy Trâm, ta vẫn thấy vẻ đẹp của cô gái trong tuổi đôi mươi với những tình cảm chân thành, ước mơ bình dị đời thường. Cô thương những Liên, những Thuận, Nghĩa cùng những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Cô đặt mình vào vị trí của từng người để thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Trâm cũng tiếc tuổi xuân và những ước mơ riêng của mình. Chị thoáng thấy buồn khi vài năm nữa thôi, mình sẽ trở nên đứng đắn, già dặn. Chính vì thế chị tự hỏi “Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đội mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi?...” Thế nhưng ngay sau đó Thùy Trâm đã nhận thấy những gì mình đang hi sinh cũng là đang hết mình với tuổi xuân, đang thực hiện ước mơ của mình. Khi đọc những bức thư của mẹ, chị lại thổn thức nhớ nhà, nhớ người thân và muốn quay về Hà Nội. Nguy hiểm từ quân thù không thể làm chị khóc nhưng nhớ gia đình, những giọt nước mắt “thấm nặng yêu thương tràn đầy đôi mắt”. Càng mong ước được về vợi vòng tay bố mẹ, lý tưởng giải phóng, thống nhất đất nước trong chị càng mãnh liệt, sục sôi hơn. Chính gia đình, ước mơ giản dị là động lực lớn nhất để Thùy Trâm vững bước trên con đường cách mạng, lý tưởng sống của mình. 

Sống trong môi trường luôn rình rập hiểm nguy như vậy nhưng ở chị, ta vẫn thấy tinh thần lạc quan, yêu đời, nhiệt huyết với công việc. Khối lượng công việc khổng lồ khiến chị phải làm từ sáng sớm tới tận tối khuya nhưng chị không than trách hay có suy nghĩ từ bỏ. Ngược lại thành quả, ý nghĩa công việc lại càng khiến chị thêm yêu nghề và nhiệt huyết hơn. Chị tự nhận mình là “chiến sĩ trong cuộc chiến đấu này”, dù địch tập kích, bắn súng, phải ngủ trong rừng hay mưa bom bão đạn trên đầu thì chị vẫn cười và bình tĩnh mặc kệ. Như vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả khi cái chết cận kề bên cạnh thì chị cũng dùng nụ cười để vượt qua tất cả. Chị luôn lạc quan và tin tưởng vào tương lai giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Nghệ thuật kể chuyện chân thật, xác thực được thể hiện qua các mốc thời gian cụ thể (đặc trưng thể loại nhật kí), tâm trạng nhân vật được miêu tả một cách sinh động, chi tiết bằng ngôi thứ nhất (tôi), dọng kể vừa tha thiết vừa mãnh liệt, kiên quyết, ngôn ngữ mộc mạc giản dị đời thường kết hợp với ngôn ngữ trữ tình... Đoạn trích  “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã phản ánh sự tàn phá khốc liệt, hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh cùng khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân ta. Lý tưởng sống cao đẹp của nhân vật Thùy Trâm luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau.

icon-date
Xuất bản : 17/01/2024 - Cập nhật : 23/02/2024