logo
ADVERTISEMENT

Phân tích nhân vật người mẹ trong văn bản Má la (ngắn gọn)

Mẹ là chủ đề sáng tác muôn thuở cho thơ ca. Nhắc đến những văn bản viết về mẹ, Má la là một văn bản tuy có nội dung đơn giản nhưng lại để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc. Vậy người mẹ trong văn bản là nhân vật như thế nào? Các bạn hãy cùng đến với bài viết sau đây để hiểu hơn về người mẹ đó nhé.


Dàn ý Phân tích nhân vật Người mẹ trong văn bản Má La (ngắn gọn)

a. Mở bài:

- Giới thiệu về văn bản Má la và người mẹ trong văn bản

b.Thân bài: Mẹ trong bài Má la là một người vô cùng thương yêu các con của mình

- Mẹ là một người hay la mắng các con khi đi đâu về mà thấy chưa dọn dẹp nhà cửa, mẹ sẽ vừa làm vừa la vang xóm

=> Ẩn chứa trong đó là tình yêu thương con vô bờ bến, dạy dỗ con từng chút để sau này các con có thể tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình

- Khi các con xa nhà đi học đi làm, mẹ không còn la mắng nhiều như trước, khi các con về mẹ tranh làm việc nhà

=> Mẹ thương các con ra ngoài cuộc sống khó khăn, phải sống nơi xa nhà và thấy các con đã tự lập để tự lo được cho mình rồi.

c. Kết bài:

- Khái quát lại người mẹ trong bài Má la, một người yêu thương con cái hết mực.

>>> Tham khảo: Đọc hiểu Má la (2 đề)


Phân tích nhân vật Người mẹ trong văn bản Má La (ngắn gọn)

Phân tích nhân vật người mẹ trong văn bản Má la (ngắn gọn)

“Mẹ là tia nắng đời con
Đêm ngày khổ cực héo mòn sắc xuân
Bấy lâu mẹ đã thấm nhuần
Những lọ gạo mắm đổi luân ở đời

Lo từng giấc ngủ à ơi
Mảnh quần vải áo những lời hát ru
Nhiều hôm gió bão mịt mù
Mái tranh dột nước phải thu lại gần...”

      Những câu thơ trên nằm trong bài thơ Lòng mẹ của nhà thơ Minh Lộc. Từ xa xưa đến nay, mẹ chính là đề tài sáng tác bất tận cho thơ ca. Mẹ chính là người phụ nữ quan trọng nhất trên cuộc đời này đối với mỗi người. Mẹ luôn yêu thương, chăm sóc, dạy bảo chúng ta từng li từng tí một. Nhắc đến những tác phẩm viết về mẹ, có lẽ tác phẩm “Má la” chính là một tác phẩm đặc biệt so với những tác phẩm khác. Người mẹ hay má trong văn bản Má la đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả với tình yêu thương con vô bờ và luôn quan tâm, dạy dỗ, uốn nắn các con nên người.

      Tiêu đề của văn bản đã gây ra sự tò mò và thích thú đối với người đọc “Má la” nghĩa là người mẹ hay la mắng. Và ngay câu đầu tiên trong văn bản “Má la” tác giả đã giới thiệu về mẹ một cách trực tiếp và cũng thật đặc biệt so với đa số những tác phẩm khác viết về mẹ đó là “Tính má tôi rất hay la”. Đến đây có lẽ nhiều người trong số chúng ta cảm thấy hình ảnh thật gần gũi và thân quen ở đây, ai trong số chúng ta mà chưa từng bị mẹ la mắng? Mẹ của tác giả là một người mẹ có tính hay la mắng con cái, nếu mẹ đi đâu về mà thấy nhà chưa quét, quần áo chưa phơi, chén bát chưa rửa là mẹ sẽ vừa làm những việc đó rồi vừa la vang cả xóm. Nhưng đọc đến đây khi nghĩ lại, những điều mẹ la đều là những điều đúng. Ẩn chứa trong những lời la mắng lại là những yêu thương, lo lắng của mẹ dành cho các con. Mẹ muốn uốn nắn, dạy dỗ các con từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Mẹ dạy các con sống gọn gàng, ngăn nắp để sau này dù ra ngoài, sống một mình khi không có mẹ cạnh bên các con cũng có thể tự lo cho bản thân mình, trở thành người có ích cho xã hội. Người mẹ trong văn bản quả là một người mẹ yêu thương con cái của mình, lo lắng cho các con từng chút, rèn rũa các con để tương lai các con có thể sống tốt hơn. Có lẽ khi còn ở nhà với bố mẹ, tác giả cùng với anh chị em chưa thể hiểu được hết nỗi lòng của mẹ mà chỉ vì sợ mẹ la nên cố dọn tươm tất mọi thứ trước khi mẹ về. Đến khi xa nhà, lên Sài Gòn học và làm, tác giả mới hiểu được hết tình yêu thương vô bờ mẹ dành cho mình và các anh em. Mẹ thương các con ra đời vất vả, phải chịu sự xô bồ của nơi xa nhà nên mỗi lần các con về, mẹ không còn la mắng bắt các con làm việc nhà như trước kia mà tranh làm hết với các con, cho các con làm biếng mà không rày la nữa. Tình thương của mẹ dành cho các con vô bờ nhưng không hề được biểu hiện ra bằng lời nói mà lại được biểu hiện bằng hành động thật ấm áp. Và đến khi lớn lên, xa nhà, tác giả cũng đã nhận ra một điều rằng mẹ của mình đã già rồi, vì giờ mẹ không còn hay la mắng các con nữa, những điều mẹ đã cố gắng dạy dỗ các con chỉ mong các con giờ có thể dùng để tự lập sống tốt cuộc sống của riêng mình.

      Người mẹ trong văn bản Má la là một người vô cùng thương yêu con cái và lo lắng cho con cái từng chút một. Mẹ tuy hay la mắng nhưng đó là những lời yêu thương, dạy dỗ, quan tâm các con, mong các con có thể biết sống tự lập, gọn gàng ngăn nắp. Mẹ của tác giả tuy không dùng lời nói để thể hiện tình yêu các con nhưng những hành động đầy ắp tình yêu đó của mẹ còn hơn cả trăm lời nói.

-----------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích nhân vật người mẹ trong văn bản Má la (ngắn gọn). Có thể thấy đây là một người mẹ vô cùng thương yêu con cái của mình, dạy dỗ các con nên người từ những điều nhỏ nhặt nhất.

ADVERTISEMENT