logo

Phân tích Hình ảnh thầy trò hiệp sĩ trong đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích Hình ảnh thầy trò hiệp sĩ trong đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió. Các bài văn mẫu được tổng hợp từ các bài viết hay, xuất sắc của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích Hình ảnh thầy trò hiệp sĩ trong đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió | Văn mẫu 8 ngắn gọn, hay nhất


Phân tích Hình ảnh thầy trò hiệp sĩ trong đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió

     Nhắc đến đất nước Tây Ban Nha chúng ta nhắc đến quê hương của điệu nhảy fla-men-cô quyến rũ làm say lòng người, quê hương của những trận đấu bò tót nảy lửa và đó cũng là quê hương của chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê. Nhà văn tài năng Xéc-van-tét đã khiến bao người đọc say mê trước những cuộc chinh chiến kì lạ, gàn dở mà đầy lí tưởng hào hiệp của thầy trò Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa. Một trong những cuộc chiến đấu “anh hùng, quả cảm, quyết liệt” củâ hai thầy trò khiến người đọc không thể nào quên đó là “Đánh nhau với cối xay gió”. Ở cuộc chiến đấu đó, người đọc được khám phá sâu hon những nét đối lập, tương phản của hai thầy trò hiệp sĩ “độc nhất vô nhị” này.

     Nhà văn Xéc-van-tét đã xây dựng nên một hình ảnh thầy trò bất hủ trong văn học, một cập thầy trò đối lập từ dáng vẻ bên ngoài đến lí tưởng sống và hành động. Đôn Ki-hô-tê là một lão quý tộc nghèo vì quá say mê truyện kiếm hiệp nên muốn trở thành hiệp sĩ giang hồ. Hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê khoác lên mình bộ áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, đó toàn là những đồ han ri của tổ tiên để lại. Khác với các hiệp sĩ là những tráng sĩ với cơ bắp cuồn cuộn, tiếng vang như sấm, thét ra lửa, hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê gầy gò, cao lênh khênh, cưỡi trên lưng con ngựa còm. Ngoại hình của chàng hiệp sĩ thật kì lạ khiến người đọc phải phì cười. Tuy là người hoang tưởng và mê muội nhưng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê lại là người có lí tưởng chiến đấu cao cả, đó là tiễu trừ quân gian ác, bảo vệ người lương thiện. Trái ngược hoàn toàn với “ngài hiệp sĩ” của mình, giám mã Xan-chô Pan-xa là một người nông dân béo lùn, cưỡi trên lưng con lừa thấp lè tè, lí tưởng của giám mã là hi vọng sau này chủ thành công, bác sẽ được làm thống đốc, cai trị hòn đảo, hưởng giàu sang phú quý. Nhà văn đã khắc hoạ hình dáng hai nhân vật thông qua những nét rất tiêu biểu chọn lọc, tái hiện nét điển hình, tạo ấn tượng với người đọc. Người đọc hồi hộp, háo hức theo dõi từng bước đi chiến đấu của hai thầy trò “kì quặc”.

     Từ lí tưởng cao cả, tốt đẹp, chàng hiệp sĩ tài ba Đôn Ki-hô-tê hãng hái, bừng bừng khí thế lên đường. Trên đường đi “Chợt hai thầy trò phát hiện có ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng”, ‘đầu óc hoang tưởng, say mê chiến đấu của hiệp sĩ được bộc lộ tối đa. Trước mắt Đôn Ki-hô-tê giờ không phải là những cối xay gió mà là những tên khổng lồ. Mặc cho người giám mã giải thích, can ngăn đó chỉ là những cối xay gió, hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê vẫn khẳng định chắc chắn : “đấy chính là những tên khổng lồ”. Với niềm tin đó, bao nhiêu sức mạnh, bao nhiêu lòng nhiệt huyết đã được Đôn Ki-hô-tê phát huy. Chàng “đơn thương độc mã”, hiên ngang lao tới những tên “khổng lồ” vừa quát tháo chúng vừa cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a sẽ cứu giúp trong lúc nguy nan. Nhà văn đã miêu tả cụ thể từng ‘hành động của hiệp sĩ : “… tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất trước mặt, và đâm mũi giáo vào cánh quạt”. Cho dù chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê có hùng dũng bao nhiêu thì kết quả thất bại thảm hại là một tất yếu “gió làm cánh quạt quay tít khiến ngộn giáo gãy tan tành, kéo theo cả ngựa và người ngã văng ra xa”. Người đọc thấy Đôn Ki-hô-tê thực sự mắc chứng bệnh hoang tưởng, hành động và suy nghĩ thật kì quặc. Chàng có oai phong, hành động như một hiệp sĩ, anh hùng thực sự nhưng cái oai phong đó lại khiến người đọc bật cười vì đối tượng mà chàng cho là những gã khổng lồ hung dữ thì chỉ là những cái cối xay gió vô tri.

     Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, Đôn Ki-hô-tê cũng là chàng hiệp sĩ có lí tưởng, khát vọng cao đẹp và một bản lĩnh chiến đấu phi thường. Chàng chiến đấu không vì lợi ích bản thân mà vì “quét sạch lũ xấu xa khỏi mặt đất”. Khi bị thương rất nặng, giám mã Xan-chô Pan-xa than thở thì hiệp sĩ khẳng định, lập luận chắc chắn : “chuyện chinh chiến thường biến hoá khôn lường chứ không như các chuyện khác”. Chàng cho rằng sự thất bại là do lão pháp sư Phơ-re-xtôn, dù thế nào chàng vẫn hừng hực khí thế chiến đấu : “Các pháp thuật xấu xa của lão cũng sẽ không thể nào đối chọi được với thanh kiếm lợi hại của ta”. Như vậy, Đôn Ki-hô-tê tỏ ra là người am hiểu chuyện tranh đấu và chàng ý thức sự chiến đấu của mình là chính nghĩa. Người đọc dù buồn cười trước hành động điên rồ của Đôn Ki-hô-tê nhưng cũng phải khâm phục bản lĩnh của hiệp sĩ. Dù đau đớn đến mức phải ngồi vẹo sang một bên nhưng hiệp sĩ vẫn không kêu đau bởi lẽ Đôn Ki-hô-tê hiểu rằng “các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài”. Đôn Ki-hô-tê sống trong tâm thế của một kiếm hiệp giang hồ, chiến đấu mà không cần ăn uống, không cần ngủ và chỉ cần nghĩ đến tình thương của nàng Đuyn-xi-nê-a cũng đủ no rồi. Đôn Ki-hô-tê đã thấm nhuần lí tưởng của hiệp sĩ giang hồ, bị các lí tưởng làm cho mộng mị, mê muội. Chàng đang sống giữa cuộc đời thực nhưng lại hình dung ra đó là thế giới giống trong tiểu thuyết nên có những cuộc chiến đấu “anh hùng” đến nực cười. Nhà văn Xéc-van-tét đã sử dụng giọng điệu chủ đạo là hài hước, châm biếm, bỡn cợt mà lạnh lùng khi khắc hoạ cuộc chiến đấu của Đôn Ki-hộ-tê và những chiếc xối xay gió. Người đọc vừa thấy buồn cười cho sự điên rồ, mê muội của Đôn Ki-hô-tê, vừa thấy đáng thương cho chàng hiệp sĩ tội nghiệp.

     Bên cạnh chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê luôn có giám mã trung thành Xan-chô Pan-xa. Giám mã Xan-chô Pan-xa lại mang những nét đối lập hoàn toàn với ông chủ của mình. Chính sự khập khiễng của hai thầy trò đã tạo ra những tiếng cười hài hước. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, đây là một cặp đôi bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo, ưu điểm của người này là thiếu sót của người kia và ngược lại. Nếu Đôn Ki-hô-tê sống trong sự mộng tưởng, huyễn hoặc bao nhiêu thì Xan-chô Pan-xa lại sống thực tế vì vật chất bấy nhiêu. Giám mã không nhìn những chiếc cối xay thành những tên khổng lồ hung dữ như ông chủ của mình mà nhìn cối xay gió là cối xay gió và còn tỏ ra hiểu biết về nguyên tắc vận hành của nó : “xuất hiện ở kia chẳng phải là các tên khổng lồ đâu mà chỉ là những cối xay gió, và cái vật trông giống cánh tay là những cánh quạt, khi có gió thổi, chúng sẽ quay tròn làm chuyển động cối đá bên trong”. Không giống Đôn Ki-hô-tê dù rất đau nhưng không hề rên rỉ, giám mã Xan-chô Pan-xa thật thà bộc lộ “Còn tôi, có thể thưa với ngài rằng chỉ cần hơi đau một chút là tôi rên ri ngay”. Đó cũng là phản ứng ngẫu nhiên của những con người thực. Có thể khẳng định Xan-chô Pan-xa là con người sống rất thực tế, thực tế đến mức thực dụng. Trong khi Đôn Ki-hô-tê mải mê lo chinh chiến đến không ăn, không ngủ thì Xan-chô Pan-xa chỉ lo cho cái dạ dày của mình, Xan-chô Pan-xa “vừa đi theo chủ vừa ung dung đánh chén, thỉnh thoảng lại tu bầu rượu một cách ngon lành…”, khi no rồi thì lăn ra ngủ một mạch.

     Nhà văn Xéc-van-tét sử dụng thành công thủ pháp tương phản, đối lập để khắc hoạ hai thầy trò ở hai thái cực khác nhau hoàn toàn. Đôn Ki-hô-tê ảo tưởng, huyễn hoặc, mê muội nhưng “dũng cảm” và biết nghĩ cho người khác bao nhiêu thì Xan-chô Pan-xa thực tế đến thực dụng tầm thường bấy nhiêu. Hai thầy trò cứ sánh bước cùng nhau, “nhại lại nhau” trong cả chiến đấu và sinh hoạt tạo thành tiếng cười cho độc giả. Tuy nhiên, nhà vãn Xéc-van-tét không chỉ đơn thuần muốn đem lại tiếng cười mua vui, giải trí mà thông qua đó muốn truyền đạt những bài học nhân văn sâu sắc. Con người sống không nên quá ảo tưởng, huyễn hoặc, cần phải thực tế nhưng không phải quá thực dụng. Chúng ta cần có sự kết hợp hài hoà giữa tinh thần và vật chất, giữa trí tưởng tượng và thực tế cuộc sống.

     Nhân vật là chiếc chìa khoá dẫn người đọc khám phá giá trị tư tưởng của tác phẩm. Thầy trò Đôn ki-hô-tê và Xan-chộ-pan-xa chính là những chìa khoá vàng giúp người đọc thấy được tài năng của nhà văn bậc thầy Xéc-van-tét và khiến người đọc hiểu thêm, yêu thêm về đất nước, con người Tây Ban Nha. 

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích Hình ảnh thầy trò hiệp sĩ trong đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021