logo

Phân tích hai câu thơ kết bài thơ Thu ẩm (ngắn gọn)

Mùa thu luôn được biết đến là mùa thơ mộng nhất trong bốn mùa, vậy nên nó đã trở thành đề tài sáng tác của nhiều tác phẩm nổi tiếng, một trong số đó là bài Thu ẩm của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Để giúp các bạn hiểu hơn về tâm tư của tác giả khi uống rượu mùa thu, chúng tôi đã mang tới bài viết dưới đây.


Dàn ý Phân tích hai câu kết bài thơ Thu ẩm 

- Mở bài: Giới thiệu qua về bài thơ và hai câu thơ cuối

- Thân bài: Hai câu thơ đã thể hiện nỗi lòng và tâm tư của Nguyễn Khuyến khi uống rượu trong khung cảnh mùa thu:

+ Đối với nhiều người rượu “hay” nhưng nhà thơ thấy “hay chẳng mấy” => Vì uống rượu nhà thơ không thể vui lên hay giải được sầu. Nguyễn Khuyến lo cho đất  nước còn loạn lạc, cuộc sống nhân dân chưa thể ấm no, hạnh phúc. Tài năng của nhà thơ không được phát huy hết ở thời buổi đó.

+ Uống say nhà thơ vẫn rất phong nhã, không hề ồn ào mà “say nhè”, nằm im và ngủ

- Kết bài: Khái quát lại hai câu kết của bài thơ Thu ẩm

>>> Tham khảo: Thu ẩm nghĩa là gì?


Phân tích hai câu kết bài thơ Thu ẩm (ngắn gọn) – Mẫu 1

Phân tích hai câu thơ kết bài thơ Thu ẩm (ngắn gọn)

     Mùa thu là mùa mơ mộng nhất trong năm, nó luôn mang tới không khí dịu dàng, xoa dịu tâm trạng con người. Có lẽ chính vì vậy, mùa thu đã trở thành đề tài sáng tác đặc biệt được nhiều nhà thơ, nhà văn quan tâm tới. Nhắc đến các tác phẩm văn học thời xưa khi viết về mùa thu, có lẽ Nguyễn Khuyến chính là một trong những tác giả nổi bật với nhiều tác phẩm như Thu điếu, Thu vịnh và Thu ẩm. Trong đó, bài thơ Thu ẩm có nghĩa là mùa thu uống rượu, vẫn với những cảnh vật quen thuộc nơi quê nhà Nguyễn Khuyến như Thu điếu và Thu vịnh, nhưng bài thơ đã hút đầy đủ cả hồn thu chứa đựng tâm tư của tác giả. Đáng chú ý trong bài Thu ẩm chính là hai câu kết của bài: 

“Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy

Chỉ dăm ba chén đã say nhè”. 

      Có lẽ rượu là một thức uống thần kì đối với nhiều người, khi vui ta uống rượu ăn mừng, khi sầu ta uống rượu giải ưu. Chính vì vậy mà người đời gắn cho nó cái mác “hay”, nhưng với thi nhân Nguyễn Khuyến, sau khi uống tới mức say rồi, vẫn chưa thấy được cái hay của nó, nên nhà thơ đã thả nhẹ lời thơ “hay chẳng mấy”. Nguyễn Khuyến uống rượu nhưng không thấy nó hay, có lẽ bởi vì người ta uống rượu để mừng vui, để giải tỏa nỗi ưu sầu, nhưng nhà thơ lại không hề vui cũng không giải được sầu. Bởi nước nhà còn đó loạn lạc, dân chúng chưa hưởng được thái bình hạnh phúc, nhà thơ đã cố hết sức nhưng không thể lay chuyển tình thế, chỉ đành mượn rượu tạm quên, nhưng rồi cũng không quên được thực tại còn đó đang đè nặng trong tâm trí của mình. Nhà thơ quả là một người yêu nước, thương dân, tiếc rằng tài không gặp thời, nên Nguyễn Khuyến chưa thể dùng tài năng của mình để lay chuyển tình thế xã hội lúc bấy giờ. Nguyễn Khuyến cũng tự nhận trong câu thơ cuối, rằng mình là một người có tửu lượng không tốt “Chỉ dăm ba chén đã say nhè”, có lẽ vì vậy mà bài thơ của ông kết thúc tại câu cuối này, sau khi rượu vào ý thơ gửi gắm trong đó là nỗi lòng của mình đã được thể hiện hết. Khi say nhà thơ cũng vẫn thể hiện phong thái nho nhã của một thi nhân, Nguyễn Khuyến không hề say rượu làm loạn hay phá phách mà lại “say nhè”, kiểu say nằm im và chìm vào trong giấc ngủ một cách rất an tĩnh.

      Qua hai câu kết của bài thơ Thu ẩm của nhà thơ Nguyễn Khuyến đã khép lại khung cảnh ngày thu thưởng rượu của nhà thơ. Mùa thu tưởng chừng sẽ dịu dàng khiến cho lòng người dễ chịu nhưng có lẽ đối với Nguyễn Khuyến, với hai câu cuối khép lại bài thơ, muà thu lại là nỗi buồn sâu lắng của một thi nhân với hoàn cảnh đất nước và cuộc đời mình.


Phân tích hai câu kết bài thơ Thu ẩm (ngắn gọn) – Mẫu 2

      Nhắc tới các bài thơ viết về mùa thu, có lẽ chúng ta không thể không nhắc tới chùm thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến, một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam với ba bài thơ Thu điếu, Thu vịnh và Thu ẩm. Bài thơ Thu ẩm là một bài thơ thể hiện rõ phong thái nho nhã của Nguyễn Khuyến nhắc, đặc biệt là hai câu kết của bài thơ:

“Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy

Chỉ dăm ba chén đã say nhè”. 

      Thu ẩm nghĩa là mùa thu uống rượu, hai câu cuối của bài thơ đã thể hiện thật rõ tâm trạng của Nguyễn Khuyến sau khi uống rượu nơi khung cảnh vườn nhà bình yên quen thuộc. Đối với rất nhiều người rượu là một thứ “hay”, nó giúp giải tỏa cảm xúc của con người kể cả khi vui hay buồn, nhưng đối với Nguyễn Khuyến rượu lại “hay chẳng mấy”, uống rượu không thể giúp nhà thơ giải tỏa được nỗi lòng của mình khi đó. Nhà thơ là một người tài năng, muốn dùng tài năng của mình để giúp đất nước nhưng xã hội khi đó vô cùng loạn lạc, một mình ông không thể giúp cho đất nước thái bình, người dân được ấm no, hạnh phúc. Chưa kể ở tuổi xế chiều, nhà thơ phải chịu cảnh tiễn biệt những người thân quen của mình dần rời xa, khiến cho ông cảm thấy cô đơn. Có lẽ vì nỗi lòng yêu nước, thương dân và cô đơn nên Nguyễn Khuyến uống rượu vào vẫn không thể giải tỏa nỗi buồn, với ông rượu cũng không phải là thứ thuốc thần gì cả. Nguyễn Khuyến là người phong nhã, điều này được thể hiện rõ nhất khi uống say. Tửu lượng của nhà thơ khá kém “chỉ dăm ba chén đã say nhè”, nhưng khi say ông chỉ nằm và chìm vào giấc ngủ, không hề ồn ào, náo loạn. Quả là hành động của một người thi nhân nho nhã.

      Chỉ với hai câu kết của bài thơ Thu ẩm, tác giả Nguyễn Khuyến đã thể hiện cho chúng ta thấy được tâm tư của mình khi thưởng rượu dưới trời thu. Qua đó, người đọc có thể thấy được tấm lòng yêu nước, thương dân của nhà thơ cũng như sự cô đơn trong tâm hồn của ông, cũng như sự ưu nhã nên có của một thi nhân với rượu.

----------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những mẫu Phân tích hai câu thơ kết bài thơ Thu ẩm (ngắn gọn) của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Qua đó, mong rằng các bạn có thể hiểu được tâm trạng và nỗi lòng thầm kín của thi nhân khi uống rượu dưới trời thu.

icon-date
Xuất bản : 26/12/2022 - Cập nhật : 15/07/2023