logo

Phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện

Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã đi sâu vào và khắc họa rõ nét, đồng thời phản ánh thế giới tâm hồn hi vọng vào một tương lai tương sáng của những số phận nghèo khó, hẩm hiu, bất hạnh cùng khổ trong xã hội cũ. Hình ảnh đoàn tàu như một ánh sáng tuy chỉ xuất hiện thoáng qua rồi lại vụt tắt nhưng nó vẫn khiến cho người dân nơi phố huyện nghèo cảm thấy vui vẻ. Sau đây mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện


Dàn ý phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Thạch Lam, tác phẩm Hai đứa trẻ.

- Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận là cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện. 

II. Thân bài 

1. Khái quát

- Tác giả Thạch Lam ( tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp văn học, các tác phẩm tiêu biểu, phong cách nghệ thuật,…)

- Tác phẩm Hai đứa trẻ

+ In trong tập Nắng trong vườn

+ Thể loại: truyện ngắn

2. Phân tích

Cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện:

+ Hai chị em Liên và An cùng nhau nhìn ngắm đoàn tàu mang bao ánh sáng lung linh, sự nhộn nhịp => Xua tan đi vẻ tăm tối, hiu quạnh nơi phố huyện nghèo nàn.

+ Mang bao niệm hi vọng, ước ao về một tương lai tươi sáng.

+ Lúc tàu rời đi đã để lại niềm tiếc nuối và sự hụt hẫng

3. Tổng kết lại nội dung, nghệ thuật của tác phẩm

4. Tư tưởng nhân văn, thông điệp mà tác giả gửi gắm

III. Kết bài

Nêu suy nghĩ và tình cảm của bản thân dành cho tác phẩm.

Dàn ý phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện

Phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện


Mẫu số 1

Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam được trích từ tập Nắng trong vườn. Đây là một kiểu truyện ngắn trữ tình tuy tác phẩm có nhiều chi tiết nhỏ bé, ngỡ như vụn vặt, vô nghĩa, nhưng thật ra đã được tác giả chọn lọc và ghi lại một cách chân thực, chặt chẽ qua đó đã thành công diễn tả từng cảm xúc, tâm trạng nhân vật. Câu truyện đi sâu miêu tả những cảnh ngộ đời thường, vất vả của những số phận nhỏ bé, nghèo khổ, lam lũ trong xã hội cũ. Qua đó, Thạch Lam đã gửi gắm một cách kín đáo, nhẹ nhàng tới độc giả về tư tưởng nhân đạo đáng quý. Trong đó, cảnh chuyến tàu đêm chạy ngang qua phố huyện nghèo mang một ý nghĩa sâu sắc khiến người đọc không khỏi xúc động, chuyến tàu đêm đi qua mang bao ước mơ, khát vọng mãnh liệt hướng đến một tương lai tươi sáng của những người dân nơi phố huyện nghèo.

Nhân vật chính trong câu chuyện là hai chị em Liên và An. Chị Liên năm nay khoảng mười ba tuổi, còn An độ lên bảy lên tám. Các nhân vật khác ở nơi phố huyện gồm có những đứa trẻ con bới rác, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, bác Siêu bán phở, vợ chồng con cái nhà xẩm mù… những nhân vật này đã góp phần không nhỏ trong việc gợi lại bức tranh cuộc sống tẻ nhạt và khốn khó. 

Phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện

Buổi chiều nơi phố huyện nghèo tràn ngập sự buồn tẻ cùng những hình ảnh, âm thanh quen thuộc Bầu trời phương tây đã ngả màu đỏ rực, những đám mây ánh lên như những hòn than màu hồng, “tiếng trống thu không” vang lên “từng tiếng một”, tiếng kêu ran của lũ ếch, nhái ngoài đồng cũng theo gió nhẹ vang lên văng vẳng, tất cả như đang báo hiệu một ngày sắp tàn. Rồi màn đêm dần buôn xuống mà dấu hiệu là “dãy tre làng đen lại” và “bóng tối ngập đầy dần cái buồn của buổi chiều quê thấm thìa và tâm hồn ngây thơ” hiện lên qua đôi mắt sáng ngời, trong trẻo của Liên. Phố huyện lúc về đêm gần như vắng tanh, hiu quạnh, ngoài đường chỉ có vài “ngọn đèn lay đọng trên chõng hàng của chị Tí”, gánh phở của bác Siêu hay đôi vợ chồng bác Xẩm. Tuy “buồn ngủ rức cả mắt”, nhưng hai chị em Liên và An vẫn cố thức, để giúp mẹ bán hàng với hi vọng “may ra còn có một vài người mua” và còn vì “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.

Thạch Lam đã miêu tả đoàn tàu đêm một cách rất rõ nét và trân trọng khoảnh khắc này. Đó cũng chính là sự trân trọng Thạch Lam dành cho nhữn ước mơ và khát vọng của số phận nhỏ bé nơi phố huyện nghèo. Từ những dấu hiệu đầu cũng được nhà văn ghi lại và miêu tả rất cụ thể: “Mấy người làm công ở hiệu khách đi đón bà chủ ở tỉnh về”, “hai ba người cầm đèn lồng lung lay các bóng dài”, “đèn ghi đã ra”,…. Đoàn tàu từ xa kia đang tiến đến phố huyện với “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra ngọn gió xa xôi”. Những dấu hiệu ấy khiến cho mọi người xôn xao, nô nức hẳn.

Và khi đoàn tàu tới: “Tiếng còi đã rít lên, và rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vượt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh sáng cả xuống đường”. Hai chị em lặng nhìn, hướng mắt tới “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Và thế rồi chuyến tàu ấy lại đi qua “để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo lên trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”.

Có thể nói cách Thạch lam quan sát và miêu tả sự việc rất tinh tế và giàu tính nghệ thuật. Tuy chuyến tàu đêm ấy chỉ đi qua phố huyện trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã để lại trong lòng hai đứa trẻ bao niềm bâng khuâng và cảm xúc và nuối tiếc. Phố huyện đã được chiếu sáng bởi những ánh đèn lung linh và rồi chỉ trong chốc lát nơi đây lại chìm sâu vào sự yên tĩnh của bóng đêm. Gần như đã thành một thói quen không thể bỏ của những người dân phố huyện, mọi hoạt động chỉ thật sự chấm dứt khi chuyến tàu đêm đã đi xa.

Đối với chị em Liên, đoàn tàu ấy đã gợi lại bao kỉ niệm đẹp hồi còn ở Hà Nội - nơi hai chị em đã được sống thời thơ ấu, một nơi tràn ngập niềm vui sướng hạnh phúc, là nơi yên ấm và êm đềm nhất khi thầy chưa mất việc. Đó là cuộc sống hoàn toàn khác so với sự hiu hắt, buồn tẻ, trầm lắng nơi phố huyện nhỏ bé, nghèo nàn này. Đoàn tàu còn ước mơ, hoài bão, sự khát vọng về một tương lai tươi sáng, nó khiến người ta liên tưởng đến một thế giới với sự giàu sang, hào nhoáng, nhộn nhịp, đầy âm thanh, màu sắc và ánh sáng. Vẻ đẹp của đoàn tàu cùng thái độ háo hức khi chờ tàu đến và sung sướng đến lặng người khi được ngắm nhìn đoàn tàu đi qua của hai chị em Liên và An càng làm cho độc giả cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng và thương cảm cho những số phận nhỏ bé với mong muốn được thoát ra khỉ cuộc sống nhàm chán, nghèo khó, để tiến tới một tương lai tươi sáng và đẹp đẻ hơn.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã đi sâu vào và khắc họa rõ nét, đồng thời phản ánh thế giới tâm hồn hi vọng vào một tương lai tương sáng của những số phận nghèo khó, hẩm hiu, bất hạnh cùng khổ trong xã hội cũ. Hình ảnh đoàn tàu như một ánh sáng tuy chỉ xuất hiện thoáng qua rồi lại vụt tắt nhưng nó vẫn khiến cho người dân nơi phố huyện nghèo cảm thấy vui vẻ, nó như là một niềm an ủi, một nỗi khát khao, một mơ ước tiến tới cuộc sống tươi sáng và rực rỡ hơn.


Mẫu số 2

Thạch Lam là nhà văn xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám. Những việc hết sức bình thường trong đời sống đã được nhà văn miêu tả một cách chân thực, sâu sắc, gợi nên nhiều nghĩ suy. Truyện ngắn Hai đứa trẻ, với hình ảnh đoàn tàu đi qua phố huyện chỉ vài ba phút trong đêm là hình ảnh đầy ý nghĩa.

Giữa một buổi chiều là buồn tẻ, “tiếng trống thu không” vang lên “từng tiếng một” để gợi buổi chiều. Rồi màn đêm dần dần đến mà dấu hiệu là “dãy tre làng đen lại” và “bóng tối ngập đầy dần cái buồn của buổi chiều quê thấm thìa và tâm hồn ngây thơ” trong đôi mắt của Liên. Phố huyện về đêm gần như vắng tanh, chỉ có vài “ngọn đèn lay đọng trên chõng hàng của chị Tí”, gánh phở bác Siêu, vợ chồng bác xẩm. Tuy “buồn ngủ rức cả mắt”, chị em Liên vẫn có thức, để bán hàng với hi vọng “may ra còn có một vài người mua”. Song “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.

Thạch Lam khá am hiểu tình cảm của người dân nghèo nơi phố huyện nhỏ này. Đoàn tàu đến là hoạt động náo nhiệt nhất của đêm khuya, đem đến cho mọi người cái hi vọng được nhìn thấy “một chút thế giới khác”. Nhà văn đã miêu tả đoàn tàu đêm một cách chi tiết và trân trọng. Đó cũng chính là sự trân trọng ước muốn của con người.

Nhà văn đã miêu tả từ những dấu hiệu đầu tiên: “Mấy người làm công ở hiệu khách đi đón bà chủ ở tỉnh về”, “hai ba người cầm đèn lồng lung lay các bóng dài”, “đèn ghi đã ra”. Con tàu từ xa đang tiến đến với “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra ngọn gió xa xôi”. Dấu hiệu ấy khiến mọi người xôn xao; tiếng bác Siêu báo đèn ghi đã ra, tiếng của Liên gọi em An.

Và chuyến tàu đến: “Tiếng còi đã rít lên, và rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vượt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh sáng cả xuống đường”. Trước mắt Liên “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Chuyến tàu đi qua, “để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo lên trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”.

Thạch Lam đã quan sát và miêu tả bằng những chi tiết khá sâu nét. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hoạt động được thể hiện phù hợp và đầy sức gợi cảm trong đêm tối.

Vì sao chị em Liên và mọi người lại háo hức chờ đón đoàn tàu như vậy? Chuyến tàu về gợi cho “hai đứa trẻ” cảm xúc gì? Phải sành tâm lí trẻ thơ lắm mới có được dòng miêu tả như vậy. Đoàn tàu đi qua gợi lên trong các em nhiều ý nghĩa lắm. Hình ảnh con tàu gợi lại trong chị em Liên trong dòng mơ tưởng về “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”, nơi các em đã sống một thời êm ấm và sung sướng. Đó là một thế giới khác, một thế giới đã qua, khác hẳn nơi phố huyện buồn tẻ và nghèo nàn. Đó là thế giới của ước mơ và không biết bao giờ còn có dịp trở lại.

Thạch Lam đã dẫn người đọc cùng ông về một phố huyện nghèo nàn, buồn tẻ và đơn điệu, cùng ông cảm thông với cuộc sống của cả một lớp người, sống không có hi vọng vào ngày mai, nếu có chăng là nhìn thấy thoáng qua sự ồn ào, vẻ sang trọng của người khác. Phố huyện bây giờ, khi đoàn tàu đã đi xa, “chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”, chỉ còn “vợ chồng bác xẩm ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ”, và “hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong đôi mát” của Liên. Phải chăng dưới ngòi bút của Thạch Lam, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì? Không, dù chưa lạ được gì cho con người nghèo khổ, Thạch Lam đã góp một tiếng nói cảm thông, đã nhen nhóm trong họ một chút hi vọng để vượt lên trên cái tẻ nhạt, tầm thường của cuộc sống. Miêu tả cả một lớp người và tâm trạng của họ như thế, chúng ta thấy được lòng trắc ẩn của nhả vãn trước số phận của con người. Vì thế, truyện ngắn Hai đứa trẻ là một truyện ngắn hay, gợi lên trong người đọc nhiều nghĩ suy trước số phận con người, nhất là những con người nhỏ bé.


Mẫu số 3

Thạch Lam là nhà văn, người chiến sĩ trên mọi thời đại, chính vì vậy ông luôn hiểu được những mong muốn ước mong của những người dân nghèo, cảm thông và thấu hiểu được điều đó ông đã sáng tác lên tác phẩm Hai đứa trẻ để qua đó người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, con người và những ước mơ nhỏ nhoi của những đứa trẻ nơi đây. Hình ảnh chuyến tàu đêm là tia sáng để gợi lên cho người đọc nhiều cảm xúc.

Hình ảnh chuyến tàu đêm trong tác phẩm đã thể hiện một ước nguyện to lớn, và nó để lại trong trái tim người đọc nhiều cảm xúc, trước tiên khi để hình ảnh chuyến tàu đêm xuất hiện, tác giả đã miêu tả về cuộc sống, nghèo khổ, nơi phố huyện tiêu điều, con người đang phải lo từng ngày về cuộc sống của mình. Nơi đây cuộc sống tiêu tàn, cảnh phố huyện về chiều cũng làm cho người đọc cảm nhận được trái tim sâu rộng của tác giả, khi hướng tới những số phận bất hạnh, hẩm hiu. Chính cuộc sống nghèo đói này làm cho họ luôn mong muốn có được một điều gì đó nảy nở ra để cho họ bừng sáng, dù đó chỉ là trong phút chốc.

Ban ngày con người nơi đây cũng luôn phải đối mặt với những gian khổ, để có thể kiếm miếng cơm manh áo cho mình, ban đêm đây là khoảng thời gian để họ nghỉ ngơi thì mọi người lại tấp nập với cuộc sống của mình, cảnh chợ hoang sơ, vãn chợ chiều, nó tàn lụi, con người lại lao đầu vào một công việc mới, có người đi hát xẩm, có người đi bán cháo, tất cả họ vẫn đang bận bịu với công việc đang diễn ra.

Cả hình ảnh hai đứa trẻ trong câu chuyện cũng để lại cho người đọc nhiều cảm xúc, bởi tình cảm của nó đối với nơi phố huyện hoang tàn, nó luôn phải đối mặt với những cảnh đời khó khăn. Trước đây hai đứa trẻ này đã được sống một cuộc sống sung sướng trên thành phố, được uống những thứ nước xanh đỏ tím vàng… Tất cả đang trở thành quá khứ, nhiều khi cảm xúc của chúng muốn quay lại một cuộc sống như xưa, nơi đây hiện tại mà hai đứa trẻ này đang sống quá nghèo đói, đó là lý do mà hai đứa trẻ luôn chờ đợi hình ảnh chuyến tàu đêm.

Nơi phố huyện nghèo, cảnh vật vào ban đêm dường như tối tăm, và nó đã trở nên tiêu điều, mong muốn muốn tìm được một nguồn ánh sáng mới, có thể soi sáng con đường cho họ, đây là những điều vô cùng có ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Cảnh phố huyện vẫn đang diễn ra, nhưng nó không phải là một cuộc sống đầy đủ, mà con người vẫn đang phải cố gắng để có thể lo cho chính cuộc sống của mình. Hình ảnh chuyến tàu đêm, không chỉ đem lại cho họ một nguồn sáng mới, họ có thể mong ước một tương lai tươi sáng hơn, đó là những mong ước nhỏ nhoi, chính vì vậy Liên và An luôn chờ đợi để có thể chứng kiến chuyến tàu đêm.

Đối với cảnh phố huyện về đêm nó chỉ có những âm thanh của những con côn trùng như ếch ngoài đồng… hay những tiếng hát dong, những tiếng hát xẩm của những người đang kiếm sống, chính vì vậy, họ luôn mong muốn có một điều gì đó lạ lạ để cho họ có thêm niềm hy vọng mới về chính cuộc đời của mình. Đây là những giây phút mà họ ngập tràn trong một ánh sáng lớn, nó không còn là hình ảnh sáng lập lòa của những chiếc đèn dầu nữa, chính vì vậy, hình ảnh chuyến tàu đêm đã thu hút sự chú ý, và mong đợi của tất cả mọi người. Nhất là đối với Liên và An, hai đứa trẻ này trước đây đã được sống nơi phồn hoa đô thị, được chứng kiến những nơi giàu sang, những ánh sáng lộng lẫy, được thưởng thức những cốc nước xanh đỏ… Chính vì vậy chuyến tàu này cũng mang lại cho hai chị em những hoài niệm về một thời đã qua.

Khi chiếc tàu đến, nó tạo nên một không khí ấm áp hơn, lúc này đã có sự huyên náo của những tiếng nói, tiếng cười của con người, họ đang mong chờ một luồng sáng mới để cho tâm hồn của họ ngập tràn trong một không gian, rực rỡ và tươi vui, nhộn nhịp hơn. Những người dân nơi đây, họ đã phải chịu những cuộc sống cực khổ, chính vì vậy họ luôn mong muốn có một tia hy vọng mới về chính cuộc đời của họ. Trong bóng đêm đang dần che phủ lấy toàn bộ không gian nơi phố huyện, chỉ còn lại là những tiếng leo lắt, những tiếng kêu thảm thiết của những người xin ăn, của những người kiếm tiền bằng cách hát dong, của những người đi bán hàng… Tất cả cuộc sống của họ vẫn đang chật vật, và họ phải kiếm từng đồng để cuộc sống của họ khấm khá hơn.

Mong đợi từng giây phút đoàn tàu đi đến, nhưng khi nó đi khỏi nơi đây tất cả dường như lại trở lại y như cũ, nó tối tăm, và con người lại bắt đầu với công việc của mình, mỗi người một công việc, mặc dù về đêm nhưng họ vẫn lao động miệt mài, chính cuộc sống khiến họ phải vất vả như vậy, họ mong đợi có điều gì đó tốt hơn sẽ đến, họ mong chờ nguồn sáng mới, một cuộc sống tốt hơn. Đoàn tàu mang lại cho họ tia hy vọng về cuộc sống, cũng chính là động lực để họ tiếp thêm cho chính cuộc đời của mình. Hiu hắt trước không gian tối tăm, hoang vu, và tiêu điều của phố huyện, họ luôn mong đợi có được một điều mới sẽ đến.

Khi đoàn tàu đi khỏi nơi đây tất cả lại trở về đúng vị trí của mình, bây giờ không còn tiếng còi, của đoàn tàu, không còn những tia sáng rực rỡ, nữa, mà leo lắt chỉ còn ngọn lửa của chiếc đèn dầu. Nhưng khi đoàn tàu đi họ lại mang trong mình những dòng tâm trạng của sự nuối tiếc, con tàu đã mang lại cho họ một ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn, chính vì vậy khi nó đi nó để lại cho con người một sự nuối tiếc lớn lao, và cho con người những cảm giác rất hụt hẫng.

Đoàn tàu đem lại cho họ giây phút được hòa nhập, con người đang phát ra những tiếng nói tiếng cười, trước lúc đó thì không gian nơi đây thực sự rất yên tĩnh và nó lạnh lẽo trong cảnh tiêu điều. Nhưng đoàn tàu vẫn để lại cho họ nhiều tia hy vọng để có được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

 --------------------------------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn dàn ý và bài văn mẫu Phân tích cảnh đoàn tàu đi qua phố huyện. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

icon-date
Xuất bản : 26/01/2023 - Cập nhật : 28/08/2023