Tổng hợp nội dung bài mẫu Phân tích Cái giá trị làm người được Vũ Trọng Phụng nhắc đến trong truyện ngắn cùng tên ngắn gọn, hay nhất, giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn.
* Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả Vũ Trọng Phụng, tác phẩm Cái giá trị làm người
* Thân bài:
- Nội dung câu chuyện được thể hiện trong Nhan đề tác phẩm
- Cái giá trị làm người được hiện lên trên bối cảnh cái đói, cái rét trước Cách Mạng tháng 8 đang ở đỉnh điểm
- Nhân cách con người bị chà đạp, như trò vui và thú tiêu khiển của người giàu
- Sức lao động và giá trị con người còn bị coi thường, khinh miệt qua cách gọi tên, định giá
- Sức lao động của họ cũng bị kì kèo từng đồng, từng cắc, như bó rau ngoài chợ
- Phẩm giá của con người, đặc biệt là người phụ nữ bị hạ thấp
- Sự lãnh cảm trước đồng loại còn thể thiện qua chi tiết họ coi nhẹ sự sống, cái chết của người khác
- Sự lãnh cảm ấy chưa chắc đã đáng trách trong hoàn cảnh họ thiếu thốn từ miếng ăn
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện
* Kết bài: Khẳng định lại tài năng của Vũ Trọng Phụng và giá trị hiện thực sâu sắc trong tác phẩm
Nhắc đến các nhà văn trào phúng, ta sẽ nhớ ngay đến cây bút kì cựu Vũ Trọng Phụng. Với ngòi bút có năng lực tả thực đến từng ngõ ngách của xã hội, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm lột tả sự bất công, thối nát của xã hội cũ. Đồng thời, thể hiện sự tiếc thương với những giá trị làm người cốt lõi bị cái đói, cái nghèo chà đạp. Các tác phẩm của ông đầu toát lên niềm căm phần mãnh liệt xã hội đen tối, thối nát đương thời và đoạn trích “Cái giá trị làm người” cũng là tác phẩm như thế. Được trích trong phóng sự “Cơm thầy, cơm cô” xuất bản năm 1936, tác phẩm là những câu chuyện rất “đời” về những số phận người lao động nghèo trước Cách mạng tháng 8, phải làm vú, bồi bàn, chạy xe,… để kiếm kế sinh nhai.
Không phải đi đâu xa, chúng ta nhìn thấy phần nào nội dung câu chuyện qua ngay phần tên câu chuyện. “Giá trị” được nhắc đến như một thứ hết sức quý giá, là điều tốt nhất của mỗi con người. Chúng ta cố gắng, phấn đấu để tìm và giữ gìn “giá trị của bản thân mình. Ấy thế mà, từ “giá trị” ấy được gắn với từ “cái”, để chỉ đồ vật, con vật. Ta thường nghe thấy người ta đếm “cái cuốc”, “cái cày”,… chỉ những thứ có giá trị nhỏ, có thể đong đếm. Lạ thay, từ “cái” ở đây lại được đi kèm với “giá trị con người”, thể hiện sự rẻ rúng của con người trong nạn đói. Họ bị coi thường, bị chà đạp, và đau khổ hơn, chính họ cũng là những người không dám khẳng định “giá trị con người” của chính bản thân mình.
Đoạn trích lấy bối cảnh những người lao động nghèo, thất nghiệp đi kiếm cái ăn bằng cách tụ tập để tạo ra những chợ “bán người”. Nơi họ có thể tìm cho mình một thầy kí, cô đầm rước về làm việc vặt. Mật độ lời thoại dày đặc thể hiện tính cách từng con người xuất hiện trong đoạn hội thoại.
Mở đầu tác phẩm, ta thấy được nhân cách con người bị chà đạp, như trò vui và thú tiêu khiển của người giàu. Trong bối cảnh cái đói còn đang đe dọa, “giá” sức lao động của một người không bằng một con súc vật. Đến “con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn”, còn những người lao động ngồi đây chỉ đợi người ta bố thí vài đồng bạc lẻ để đủ cơm cháo qua ngày. Giá trị của họ trong mắt người giàu không bằng một con thú cưng mua vui, nhưng buồn thay, những người ngồi đây chỉ “cầu mong được như một con chó, nhiều khi kém một con chó, mà lại còn đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc”. Nghe xót xa đến nhường nào. Hạ mình là vậy, nhưng, họ vẫn không kiếm được việc làm nuôi sống bản thân.
Không chỉ vậy, sức lao động và giá trị con người còn bị coi thường, khinh miệt qua cách gọi tên, định giá. Qua lời “người bán”, cái tên của mỗi người trở nên quá đỗi “sang trọng”, không đáng để nhắc đến trong khung cảnh cái chợ tạm nghèo này. Họ được gán cho những cái tên như “bọn nhãi nhép”, “cái con mẹ ấy”. Nhưng khi các “mợ ba” nhà giàu xuất hiện, họ được gọi bằng những cái tên thật mĩ miều và lịch sự - U. Trong thế giới mà cái đói cái nghèo còn đang treo từng ngày, phép lịch sự và tôn trọng tối thiểu giữa người với người được đánh giá qua ví tiền, ai có tiền người đó được coi trọng.
Bị khinh miệt từ cách gọi tên, đến sức lao động của họ cũng bị kì kèo từng đồng, từng cắc, như bó rau ngoài chợ. Những người lao động nghèo không dám phản kháng. Đối với họ, chỉ cần có cái bỏ bụng đã là may mắn. Họ bỏ sức khỏe, làm như trâu như ngựa, nhận vài đồng bạc lẻ nhưng vẫn phải “mang ơn” người đã thuê mình.
Và chính bởi vấn đề những người “bán mình” quan tâm duy nhất là có cái bỏ vào miệng, nên điều tất nhiên, phẩm giá của con người, đặc biệt là người phụ nữ bị hạ thấp. Họ sẵn sàng phô cái điều “thầm kín” mà đáng lẽ thuộc về mình họ để người ta đánh giá, bình phẩm: “Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn, vắt sữa vào lòng một bên bàn tay”. Họ có thể để con cái mình ở nhà không có sữa uống, nhưng bắt buộc ra ngoài để nuôi miệng ăn trong gia đình. Cuộc sống thống khổ của người dân nghèo phủ lên cả những đứa nhỏ vừa chào đời, mà chính cha mẹ chúng cũng chưa biết phải tiếp tục cuộc sống ra sao với cái nghèo dai dẳng này.
Sự lãnh cảm trước đồng loại còn thể thiện qua chi tiết họ coi nhẹ sự sống, cái chết của người khác: “Thế là, trước cái tin buồn một người chết mụ đã thở dài một cái ra ý được nhẹ mình nên sung sướng lắm”. Họ lo sợ ảnh hưởng đến miếng cơm của mình. Trong xã hội ấy, người ta chỉ chăm chăm quan tâm đến việc mình có thể sống sót qua ngày mai không? Có đủ miếng cơm bỏ bụng không? Còn mạng sống của người khác, chỉ như cọng rơm, cọng rác. Những dây thần kinh thấu cảm, yêu thương bị cái đói cái nghèo làm cho tê liệt, xót xa biết nhường nào.
Những người “cò” họ chỉ quan tâm đến họ có công, có cái bỏ vào miệng hàng ngày không. Còn lại sự no – đói, sống – chết của người đang đợi được thuê không có giá trị” Mụ cần gì, vì chính mụ có phải đói hộ người khác đâu”. Đến đây, Vũ Trọng Phụng đã cho chúng ta thấy được sự vô cảm đến tột cùng giữa người với người trong xã hội trước Cách mạng tháng 8.
Nhìn vào những lớp người trong thiên truyện, chính mỗi chúng ta gợi lên trong lòng nhiều suy nghĩ. Những người như bà môi giới, họ liệu có thật sự đáng trách? Đây là cách thể hiện sự thương xót tinh tế của Vũ Trọng Phụng với số phận của tầng lớp lao động nghèo trước Cách Mạng tháng 8. Họ không có quyền chọn lựa công việc, người môi giới cũng không còn cách nào để nuôi sống bản thân tốt hon được nữa. Họ chịu tủi, chịu nhục ngày qua ngày, và cũng không biết ngày mai liệu có tươi sáng hay không. Đói là vậy, khổ là vậy, khi đòi đâu một phần “người” trong họ trỗi dậy? Khổ là thế, vậy kiếm đâu sự “tự trọng” để con người hiên ngang sống bây giờ?
Nghệ thuật phóng sự của “Cơm thầy cơm cô” trước hết là những ghi chép chân thực, chứa đựng giá trị hiện thực. Cái hiện thực ấy được Vũ Trọng Phụng tái hiện một cách nghiệt ngã trên những số phận con người vừa nghèo, vừa “hèn”, mà chính việc đói đã khắc nên. Bên cạnh đó, thiên phóng sự còn nổi bật ở nghệ thuật trào phúng thường thấy trong phong cách của tác giả. Sở dĩ, có được điệu cười “nhếch miệng” mà chua chát về những kiếp người cơ hàn là bởi tác giả đã dày dặn vốn sống, có chiều sâu suy nghĩ và kinh nghiệm trong cuộc sống.
Qua đoạn trích, ta như được ngược dòng lịch sử về lại những tháng năm đói khổ đến cùng cực của đồng bào. Họ đói, họ khát, nên những giá trị làm người được quy về một điều duy nhất – cái ăn. Với bàn tay nghệ thuật tài tình, Vũ Trọng Phụng đã châm biếm sự coi thường giá trị sống của con người. Bên cạnh đó, ta cũng thấy được sự xót thương của tác giả trước những số phận cơ cực ngày đó.