logo

Phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Tiến ngắn nhất

         Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc, nhận định đó dường như thật khớp khi ta cảm nhận về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Tây Tiến là sự hòa hợp giữa hai đối cực của bức tranh thiên nhiên, vừa hùng vĩ dữ dội mà cũng rất đỗi thơ mộng trữ tình, như hai lực hút và đẩy, tạo nên sức hấp dẫn trong lòng người đọc. Hãy cùng TOPLOIGIAI cảm nhận qua bài phân tích dưới đây nhé:

Phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Tiến | Văn mẫu 12 hay nhất

Phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Tiến

      Trước hết bằng bút thơ với những nét vẽ chắc khỏe, gân guốc của mình, Quang Dũng đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên Tây Tiến mang vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

        Quang Dũng đã triệt để trong việc khai thác tác dụng của các từ láy tạo hình để tăng thêm ấn tượng về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến. Các con dốc khúc khuỷu treo leo như đang hiện ra qua từng câu thơ, từng nhịp thơ. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, dồn dập, như đang cọ vào nhau, như đang nghe thấy cái nhịp dữ dội phập phồng trong trái tim người chiến sĩ hành quân, mà cũng đồng thời vẽ ra một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng vô cùng hiểm trở. Các từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút” tự nó như đã mở ra những khoảng lặng bất tận về thiên nhiên nơi đây. Như gợi ra cả ba chiều rộng, chiều sâu, chiều cao thăm thẳm của vách đá, vách núi, thậm chí như mở ra cả những không gian mênh mông, rợn ngợp đã từng ngự trị trong thơ cổ. Là một người rất am hiểu Đường thi, hẳn Quang Dũng đã khơi nguồn cảm hứng thơ của mình phần nào từ những câu thơ trong “Thục đạo nan” của Lý Bạch:

Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên!”

(Đường xứ Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh)

       Nếu như qua những câu thơ trên, ta thấy hiện lên hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội thì tiếp theo, điểm thêm vào những nét gân guốc ấy, là nét vẽ mềm mại, trữ tình, của thiên nhiên thơ mộng:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến mờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc,

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

         Quang Dũng, là một hồn thơ lãng mạn, vậy nên chắc chắn trong những trang hoa tờ hoa của mình, ông sẽ luôn phổ vào đó một vài nét vẽ mềm mại, hay một vài điểm gợi truyền cảm để để nhớ để thương rất nhiều trong tâm hồn người đọc. Có thể thấy, so với những địa danh trước đó như “Mường Hịch..” có âm hưởng nặng, trắc, trong khi đó, những địa danh ở các câu thơ này lại mềm hơn, da diết hơn, như đang trải ra cùng không gian mênh mông, dịu nhẹ “Mường Lát, Sài Khao”. Từ đó, có thể thấy, Quang Dũng không chỉ sử dụng tên địa danh như những tên đất, tên làng dân dã, mộc mạc, mà còn gửi vào đó biết bao ý tình nồng đượm, tạo nên những miền đất với sức gợi mênh mông trong tâm hồn người đọc. Đặc biệt là cảnh chiều sương châu Mộc chính là nét vẽ đẹp nhất, uyển chuyển thơ mộng nhất của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến mờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc,

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

         Thời gian buổi chiều, tự nó đã mở ra những khung nhạc buồn trong tâm hồn người đọc, chiều sương thì gợi ra sự mơ hồ, khói sương huyền ảo, chính vì thế làm cho không gian nơi đây càng gợi sự ảo huyền, sương khói. Hồn lau, chỉ một từ thôi nhưng Quang Dũng như đã điểm thêm vào nó sức sống, điệu hồn cho cây lau vốn hồn, vô sắc, cây lau như đang uyển chuyển nghiêng mình cùng dòng nước. Dáng người trên chiếc thuyền độc mộc, dòng nước lũ hoa đong đưa. “Đong đưa” chứ không phải đung đưa, chính cách dùng từ tinh tế, tài hoa ở đó đã giúp Quang Dũng phả thêm một điệu hồn vào cho cảnh vật, đó không đơn thuần là sự chuyển động vật lí, mà là sự chuyển động của tâm hồn, giàu sức gợi, như vương vấn, như níu kéo tâm hồn người đọc để ghé xuống trang sách để cùng cảm nhận cái cựa mình tinh tế, duyên dáng của thiên nhiên. Con người, thiên nhiên như đang hòa làm một, để cùng họa nên một bức tranh thủy mặc đẹp mà buồn đến lạ.

        Quang Dũng là người thơ, người thơ ấy đã phả tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, của mình vào cả trang hoa tờ hoa Tây Tiến, để mở ra những mênh mông nhớ thương, mênh mông gợi nhớ trong tâm hồn người đọc.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 15/11/2022