logo

Phân tích bài thơ Tây Tiến ( chi tiết khổ 1, 2 , 3)

         Quang Dũng không chỉ là một nhà thơ, mà như Nguyễn Tuân nói, ông là người thơ, nghĩa là chất thơ, chất nhạc, chất họa đã thấm trong tâm hồn đến từng thớ vỏ. Điểm qua sự nghiệp nghệ thuật, có thể thấy Tây Tiến là mốc son chói lọi nhất trong những tuyệt tác mà nhà thơ để lại. Hãy cùng TOPLOIGIAI phân tích chi tiết từng khổ 1, 2, 3 bài thơ Tây Tiến các bạn nhé"

       Khổ thơ 1 bài thơ là những nét vẽ của sự đối chọi hòa điệu độc đáo, tài hoa của bức tranh thiên nhiên Tây Tiến.


Phân tích khổ 1 bài thơ Tây Tiến

Phân tích khổ 1, 2, 3 bài thơ Tây Tiến | Top 3 bài phân tích hay nhất

        Quang Dũng là một hồn thơ đậm chất lãng mạn, và hồn thơ đã dẫn dắt người đọc đi vào chiều sâu của cái đẹp bằng những trang thơ đầy chất nhạc chất họa của mình. Và Tây Tiến, đặc biệt là khổ thơ mở đầu chính là một minh chứng sống động cho những kết hợp hài hoa độc đáo ấy trong thơ ông, khổ thơ là những nét vẽ chân thực về cuộc hành quân gian khổ của người chiến sĩ, và qua đó khắc họa vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi".

         Bài thơ mở đầu bằng nỗi nhớ, nỗi nhớ vốn vô hình nay được hồn thơ của Quang Dũng phổ vào trong nó một điệu hồn riêng. Nhớ chơi vơi là nỗi nhớ gợi cho người đọc một cảm giác lạ về cách kết hợp từ, vừa gợi nỗi lòng mênh mang của người đang nhớ, vừa gợi một chút gì đó về cái chập chùng, xa ngái của núi rừng hoang vu. Từ chơi vơi khiến nỗi nhớ như đang bao trùm, xâm chiếm cảnh vật, và tưởng như hồn thơ Quang Dũng không thể kìm nén được những xúc cảm trong lòng mà bật thốt ra thành tiếng, để rồi mạch cảm xúc ấy dẫn dắt người đọc vào thế giới của những người chiến sĩ hành quân:

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

Mường Lát hoa về trong đêm hơi".

        Hai câu thơ nhẹ tựa như một làn hơi mỏng, như một biển khói sương chốn rừng sâu thăm thẳm. Những đêm sương giăng đầy trên hành trình hành quân của người chiến sĩ, tưởng như muốn đem cái lạnh làm rệu rã mệt mỏi bước chân người đi đường, thế nhưng những người chiến sĩ ấy vẫn đi trong sương và gửi trong đó tâm hồn rất đỗi hào hoa, lãng mạn của mình. Hình ảnh hoa về trong đêm hơi là một hình ảnh giàu sức gợi. Hoa ấy là tượng trưng cho tâm hồn đầy chất thơ của những người lính, hay hoa ấy chính là ngọn đuốc trong đêm hành quân các anh thắp lên, và trên những nẻo đường ánh đuốc sáng lấp lánh gợi cho nhà thơ liên tưởng đến ánh đuốc hoa. Tưởng như tất cả những điệu nhạc và tiếng thơ của Quang Dũng đã tạo nên cho câu thơ một cảm giác bồng bềnh, nhẹ dịu đến lạ, nhưng cũng từ đó mà nét đối nghịch, dữ dằn của thiên nhiên mới được dịp phô trương hết sức mạnh của nó:

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”

         Một loạt những câu thơ lột tả sắc nét bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, nhưng cũng hiểm trở như đang thách thức bước chân của những người lính hành quân. Một loạt từ láy tượng hình được sử dụng đắc địa đã góp phần làm sống dậy hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội mà cũng thật dữ dằn ở nơi đây. Nếu từ khúc khuỷu gợi sự gập ghềnh, trúc trắc của những cung đường thì từ láy thăm thẳm gợi độ sâu hun hút của những vách núi, độ cao hiểm trở của những cung đường hành quân mà người lính phải vượt qua, từ láy hun hút như làm tăng thêm, bồi thêm cả độ sâu của không gian, độ cao của những vách núi, và cả sự mênh mông, rợn ngợp của chốn rừng thiêng nước độc, nơi mà mũi súng của các anh chiến sĩ cũng như chạm tới gần trời. Hình ảnh súng ngửi trời là một hình ảnh thi vị, được Quang Dũng viết với một giọng điệu rất lính, khẩu súng là hình ảnh của chiến tranh, của gồng cùm chưa được cởi bỏ, qua những nguy hiểm rập rình, còn bầu trời cao rộng với đám mây trong xanh kia lại là biểu tượng của hòa bình, của sự tự do, giải thoát, của những mênh mông hi vọng và khát vọng. Đặt hai hình ảnh trong một thế đối lập, Quang Dũng đã bắc cây cầu liên tưởng trong tâm trí người đọc để liên kết lại những hình ảnh vốn xa nhau nhưng lại tạo nên ý tứ đầy nghệ thuật.

         Quang Dũng tiếp tục đậm tô hình tượng người lính trên nền bức tranh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội , từ đó khiến hình tượng người lính trở nên lớn lao kì vĩ hơn bao giờ hết.

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!"

         Ở đây, Quang Dũng không phải đang bi lụy hóa hiện thức, mà trái lại đó là cái nhìn thẳng thắn và chân thực của nhà thơ vào những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra, cũng là một sự tri nhận những đóng góp hy sinh của người lính trên chiến trường, dãi dầu mưa nắng, với gió sương đã làm hao mòn rệu rã ít nhiều những chiến sĩ ấy, thế nhưng chính nhờ việc khắc họa chân thực ấy, mà Tây Tiến của Quang Dũng đã ghi lại một cách trọn vẹn dấu tích tâm hồn của một thế hệ lịch sử đã qua.

         Đằng sau nét vẽ khỏe khoắn gân guốc, Quang Dũng lại tiếp tục cườm vào câu thơ những nét bút tài hoa, mềm mại trữ tình:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

        Hình ảnh khói lam chiều ấm áp đã như xoa dịu thật nhiều những khó khăn gian khó của chiến tranh, đã làm ấm lên trái tim đầy thương tích của những người lính hành quân xa nhà. Nó cũng phần nào như man mác  gợi nên một niềm ước ao cuộc sống bình dị, mà ấm cúng của những người dân miền núi. Nhưng cái hay, cái thơ, cái chất nghệ sĩ tài hoa của Quang Dũng được gửi vào hình “mùa em”. Mùa em gợi sự trẻ trung, mê đắm, tình tự, cũng gợi bao nhiêu những ngọt ngào, lãng mạn của chàng trai chiến sĩ đất Hà Thành, mùa em cũng là mùa chở bao ước mơ, hi vọng, và vì thế nếu thay vì dùng cách diễn đạt là mùa xuân, cách viết mùa em mở ra nhiều liên tưởng và những đường biên mong manh giữa khả giải và bất khả giải trong tâm hồn người đọc.

        Đoạn thơ đã cho thấy những nét đối nghịch mà đầy hòa điệu trong bức tranh thiên nhiên, cũng như trong tâm hồn người lính, vừa dữ dội hùng vĩ mà cũng thật thơ mộng trữ tình, đó chính là nét đặc biệt cuốn hút trong khổ thơ đầu của Quang Dũng.

 

       Quang Dũng mang vào trong thơ không chỉ tâm hồn lãng mạn, hào hoa của mình, mà còn mang cả chất nhạc, chất họa để cùng hòa điệu trong từng lời thơ, cảm xúc thơ. Khổ thơ thứ 2 trong Tây Tiến chính là minh chứng rõ nhất cho điều đó.


Phân tích khổ 2 bài thơ Tây Tiến

Phân tích khổ 1, 2, 3 bài thơ Tây Tiến | Top 3 bài phân tích hay nhất

       Nhà thơ là người dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở của cái đẹp, nhưng bằng một dấu ấn nghệ thuật riêng, hành trình dẫn người đọc đến xứ sở ấy lại mang những nét khác nhau. Với Quang Dũng ở khổ 2 của Tây Tiến, nhà thơ dẫn người đọc vào thế giới lấp lánh của đêm hội đuốc hoa, và miền khói sương bảng lảng đậm chất thơ của chiều sương châu Mộc.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ.

Khèn lên man điệu nàng e ấp,

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”

         Sau những chặng đường hành quân nhọc nhằn vất vả, những người lính tạm dừng chân bên bếp lửa, cùng nhau tạm gác lại những nỗi đau thương, nhọc nhằn, thiếu thốn để say sưa trong điệu nhạc, lời ca, tiếng hát để vơi đi nỗi khó khăn muôn phần của chiến đấu. Mặc dù dấn thân vào sa trường, nhưng những người lính Hà Thành vẫn mang theo trên muôn nẻo hành quân tâm hồn hào hoa, đa tình và chút lãng mạn đậm chất thơ của mình. Điều đó được thể hiện rõ nét khi tâm hồn họ hòa cùng lời ca, điệu nhạc, mượn chất thơ của nghệ thuật để làm vơi đi nỗi nhọc nhằn thống khổ trên những chặng đường hành quân. Đuốc hoa là một cách nói hình ảnh, là sự liên tưởng cực kỳ bay bổng của Quang Dũng từ ánh lấp lánh trong đêm hội liên hoan, mà liên tưởng đến những ánh đuốc hoa đăng rực rỡ.

        Tất cả không gian nơi đây như được thắp sáng bởi ánh đuốc, ánh lửa, biến chốn rừng thiên nước độc thành đêm hội liên quan phơi phới niềm vui, nếu không phải là một người có trí tưởng tượng bay bổng, nhà thơ sao có thể có những liên tưởng tuyệt đẹp đến như vậy. Câu thơ tiếp theo một lần nữa hé mở tâm hồn của những người lính Tây Tiến, hai tiếng kìa em cho thấy sự ngỡ ngàng ngạc nhiên của họ khi được chứng kiến vẻ đẹp lạ của những điệu múa đến từ thiếu nữ miền sơn cước, họ mang cả sự thưởng thức và niềm hăng say, vui say trong đáy mắt để chiêm ngưỡng và hòa mình vào từng giai điệu của lời ca tiếng hát. Hình ảnh những cô gái e ấp diễm lệ và duyên dáng cùng điệu múa đã gọi mời, làm sống dậy chất thơ, chất nghệ trong tâm hồn những người chiến sĩ đất hà Thành. Từ e ấp vừa cho thấy sự e lệ, kín đáo, vừa đầy quyến rũ làm sao. Câu chữ như được thổi hồn thêm sức sống, vì thế mà tạo cảm giác sống động trong lòng độc giả. Ánh đuốc, điệu múa cùng tiếng nhạc tất cả hòa quyện với nhau, làm nên một bức tranh đậm chất nhạc, chất họa, vì thế mà xây nên chất thơ trong tâm hồn người đọc, dẫn người đọc vào chiều sâu của liên tưởng. Đó chính là sức hấp dẫn rất riêng, là dấu ấn thơ mà Quang Dũng chạm khắc trên trang hoa tờ hoa của mình, một hồn thơ bay bổng đậm chất lãng mạn.

         Để rồi, không chỉ chở người đọc bằng điệu nhạc câu ca, Quang Dũng còn chở tâm hồn người đọc đến với vùng khói sương mờ ảo của chiều sương:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

Có nhớ dáng người trên độc mộc,

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?"

        Ngay từ câu thơ mở đầu, từ ngữ mơ hồ, phiếm chỉ, không xác định “ấy” đã tạo nên sự nhòe mờ về không gian và thời gian trong câu thơ, từ đó mở ra những khoảng trống vô ngôn mà rất đỗi dữ tình. Hồn lau nẻo bến bờ, thật khó có thể tìm được cách diễn đạt nào đậm chất nghệ sĩ đến vậy. Cây lau vô tri, nay được ngòi bút thơ của Quang Dũng điểm vào, như đang tiếp thêm sự sống, sức sống, nhựa sống, vì thế mà bỗng như mang trong mình một sinh thể mới, cựa quậy khởi tạo nên điệu hồn riêng của nó. Và tiếp, lại là hình ảnh dáng người trên độc mộc, dáng người cô đơn trên con thuyền chòng chành miền sông nước, giữa một vùng khói sương, sự nhòe mờ của cảm giác được đẩy tới đỉnh điểm. Cuối cùng, để biến bức tranh thiên nhiên chiều sương châu Mộc thành bức tranh thủy mặc mờ ảo, nhà thơ chắp thêm nét đong đưa rất điệu của dòng hoa trên gương nước chòng chành. Đong đưa chứ không phải là đung đưa, bởi nếu đung đưa chỉ gợi về chuyển động vật lý thì đong đưa là sự chuyển động của tâm hồn, là sự hòa mình của bông hoa vào dòng nước, là sự gắn kết và hòa hợp giữa thiên nhiên và thiên nhiên để tạo nên sự đồng điệu và duyên dáng cho bức tranh chiều sương huyền ảo. Có thể thấy, từng nét vẽ mỏng, mềm mại và tài hoa của Quang Dũng trong đoạn thơ đã góp phần cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp buồn, lãng mạn, đậm chất thơ của thiên nhiên, để mở ra những ranh giới mong manh của khả giải bất khả giải trong cảm nhận.

         Khổ thơ thứ 2 trong Tây Tiến chủ yếu là những nét vẽ thể hiện được tâm hồn lãng mạn, hào hoa của nhà thơ Quang Dũng cũng như những chàng trai đất hà Thành, vì thế nó giống như một nốt lặng rất dịu êm trong bản hùng ca Tây Tiến.

 

        Tây Tiến là chứng tích tâm hồn cho một thời kỳ lịch sử, quả đúng là như vậy. Khổ thơ thứ 3 trong Tây Tiến thực sự đã tạc vào trong dòng chảy văn học những nét vẽ riêng về hình tượng người lính Tây Tiến.


Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến

Phân tích khổ 1, 2, 3 bài thơ Tây Tiến | Top 3 bài phân tích hay nhất

        Tây Tiến là chứng tích tâm hồn của một thế hệ lịch sử đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập dân tộc, có thể nói khổ thơ thứ ba chính là khúc vĩ thanh mà nhà thơ Quang Dũng muốn gửi tới cả một thế hệ hào hùng ấy, mang cả âm hưởng hào hùng và bi tráng.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

         Hình ảnh đoàn binh không mọc tóc quả thực là một cách diễn đạt trần trụi, và chân chất của Quang Dũng. Khắc họa về những khó khăn của người lính trên sa trường, nhà thơ không sử dụng bút pháp lãng mạn và sự tài hoa của ngòi bút, mà ông mang đến cho người đọc một cảm nhận giản dị chân thực bởi ngòi bút tả thực của bản thân mình, vì thế hình ảnh người lính hiện lên chưa bao giờ mộc mạc, chân thực, mà cũng cảm động, xót xa đến thế. Hình ảnh Đoàn binh không mọc tóc là hậu quả từ căn bệnh sốt rét rừng. Nơi chốn rừng thiêng nước độc, những người chiến sĩ sinh hoạt, chiến đấu với biết bao khắc nghiệt không chỉ đến từ thiên nhiên, mà còn từ bệnh dịch. Dường như chẳng có một lời thơ nào có thể tả xiết những đắng cay, gian truân mà người lính lúc bấy giờ phải trải qua. Câu thơ sau, Quang Dũng đã cho thấy sự tài hoa nhất mực trong ngòi bút của mình, khi dùng các từ Hán Việt và các động từ mạnh để gằn lại sắc điệu của câu thơ. Đoàn binh, dữ oai hùm, giọng thơ trắc khỏe gân guốc ấy khiến hình ảnh người lính hiện lên ốm nhưng không yếu, xanh xao bệnh tật nhưng không nhợt nhạt mất đi duệ khí. Cách diễn đạt dữ oai hùm như cho thấy tư thế và tâm thế đầy oai linh, hùng vĩ của những người chiến sĩ tây Tiến, như đang làm chủ thiên nhiên núi rừng đại ngàn rộng lớn. Hình ảnh “mắt trừng” trong câu thơ : mắt trừng gửi mộng qua biên giới cho thấy sự quyết tâm và hào khí chiến đấu sục sôi, căm phẫn của những người lĩnh, đó là ánh mắt mang đầy hoài bão, ước mơ, khát vọng của những kẻ mang trong mình chí làm trai, nguyện diệt sách quân thù để trả nợ công danh. Vì thế tạo nên nét đẹp gân guốc, khỏe khoắn, hào hùng của những người lính Tây Tiến để rồi đến câu thơ sau, giọng thơ, màu sắc biểu cảm trở nên mềm mại, thơ mộng hơn:

"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”

        Hóa ra dù hoàn cảnh chiến đấu gian khổ khắc nghiệt là thế, thế nhưng cái chất thơ của Hà Nội ngàn năm văn hiến, chất hào hoa, lãng mạn, đa tình trong tâm hồn người chiến sĩ Tây Tiến vẫn không bị phai nhạt. Dáng Kiều thơm, lại mang dáng dấp của những kí ức văn hóa, là sự chỉ dấu về cái đẹp không phải ư? Có lẽ vì vậy chăng, mà những người lính Tây Tiến mang một vẻ đẹp tâm hồn rất riêng, đó là vẻ đẹp hào hoa, đa tình và đầy chất thơ của những chàng trai ra đi từ đất Hà Thành.

        Như đã khẳng định, khổ thơ thứ ba này không chỉ mang vẻ đẹp hào hùng mà còn mang vẻ đẹp của tinh thần bi tráng, những câu thơ cuối chính là sự minh họa rõ nhất cho điều đó:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

         Những nấm mồ hoang lạnh của người chiến sĩ nơi xa trường làm dấy lên bao xót thương trong lòng người đọc, đó là sự hy sinh và cũng là cách những thế hệ hào hùng của dân tộc cống hiến cho tổ quốc thân yêu, họ hi sinh sự sống và thanh xuân của mình vì tương tai, vì mùa xuân của cả dân tộc. Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, câu thơ của Quang Dũng gợi ta nhớ đến những lời bộc bạch chân thành của nhà thơ Thanh Thảo:

“Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”.

        Sự sống là quý giá, và tuổi trẻ là mùa xuân của đời người, những người lính Hà Thành đều là những người lính ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, họ cất bút nghiên, cất những ấp ủ và hoài bão vào sâu trong tim, để lên đường nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc, họ ngã xuống vừa đầy bi thương mà cũng thật lớn lao, hùng vĩ. Bi thương bởi ngay cả đến khi ra đi, manh áo niệm cũng không được chu toàn, ngã xuống nơi sa trường, đất lạnh gió sương làm manh áo, còn gì bi thương và cảm động cho bằng hình ảnh ấy. Tưởng như sự ra đi của những người chiến sĩ không chỉ là niềm đau xót đến từ những người đồng đội, chiến sĩ, mà còn thấm đẫm sự chua xót, cay đắng và nỗi uất nghẹn đến từ thiên nhiên, khúc độc hành của sông Mã là khúc ca tiễn biệt, cũng là khúc vĩ thanh đầy tráng ca để ngợi ca sự hi sinh vĩ đại của họ. Để ý cách dùng từ của Quang Dũng ta sẽ thấy.

         Các từ “biên cương, mồ viễn xứ, áo bào, độc hành” đều là những từ Hán Việt, nhờ thế mà sắc thái đau thương được giảm bớt, tạo cảm giác trang trọng, thiêng liêng hơn bao giờ hết. Từ về, ngầm như muốn thể hiện rằng, những người chiến sĩ ra đi không phải là giã biệt đớn đau, mà là sự trở về trong vòng tay của đất mẹ thân yêu, nên sắc thái bi thương cũng phần nào được giảm nhẹ.

          Trên đây là bài phân tích bài thơ Tây Tiến, hi vọng các bạn đã cảm nhận được bức tranh thiên nhiên Tây Tiến đầy màu sắc, hùng vĩ và hình tượng người lính Tây Tiến hiên ngang, bất khuất nổi bật trên nền bức tranh ấy.

Các bài viết liên quan:

Soạn bài: Tây tiến (ngắn nhất)

Tác giả - Tác phẩm: Tây Tiến (Hoàn cảnh sáng tác, Tóm tắt, Ý nghĩa, Giá trị nghệ thuật)

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 15/11/2022