logo

Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Tìm hiểu tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương 

Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất

Trước khi phân tích bài thơ Quê hương, bạn cần nắm được những nét chính về tác giả Tế Hanh cũng như bài thơ Quê hương 

1. Đôi nét về nhà thơ Tế Hanh 

      Tế Hanh (sinh năm 1921 – mất năm 2009) có tên khai sinh là Trần Tế Hanh. Ông sinh thành tại một làng chài ven biển ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Làng chài có dòng sông Trà Bồng bao quanh ấy chính là hình ảnh để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng nhà thơ và trở đi trở lại rất nhiều trong những sáng tác của nhà thơ sau này. Tế Hanh có khoảng thời gian gắn bó, học tập ở làng quê sau đó ông có cơ hội ra Huế học trung học vào năm 15 tuổi. 

      Cái duyên của Tế Hanh với thơ ca xuất phát từ niềm ham mê thuở nhỏ khi có cha làm nghề dạy học. Bên cạnh đó, khoảng thời gian học tập ở Huế đã cho ông nhiều trải nghiệm với thơ ca khi được gặp gỡ những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, được tiếp xúc với những bài thơ trữ tình, lãng mạn của Pháp, ông bắt đầu có những sáng tác đầu tay. 

      Đến năm 1945, ông đã bắt đầu “dấn thân” vào sự nghiệp cách mạng và hoạt động văn hóa văn nghệ ở Liên khu V. Khoảng thời gian tập kết ra Bắc vào năm 1954 cũng là thời gian Tế Hanh gắn bó với các hoạt động ở Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là dịp để ông có thể thể hiện khả năng sáng tác của bản thân và chính nhờ những nỗ lực của mình mà năm 1996, Tế Hanh đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

      Bên cạnh những tác phẩm viết về niềm khát khao cháy bỏng Nam Bắc hai miền sum họp một nhà, Tế Hanh thường được biết đến với những sáng tác viết về những bài thơ thể hiện nỗi nhớ thiết tha, trìu mến với quê hương bằng giọng thơ nhỏ nhẹ, hiền hòa và đằm thắm. Ông có những tác phẩm có thể kể đến như: “Hoa niên” (năm 1945, còn có tên khác là “Nghẹn ngào”), “Gửi miền Bắc” (năm 1955), “Tiếng sóng” (năm 1960), “Hai nửa yêu thương” (năm 1963), và “Khúc ca mới” (năm 1966)…

2. Tìm hiểu nội dung chính bài thơ Quê hương

      Trước khi phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh, ta cần nắm được hoàn cảnh cùng những nét chính về tác phẩm này. “Quê hương” là bài thơ được rút ra từ tập “Nghẹn ngào” (năm 1939). Đây là một trong những sáng tác đầu tay, cũng là bài thơ mở đầu cho nguồn cảm hứng lớn về quê hương của suốt đời thơ Tế Hanh. Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ với âm hưởng khỏe khoắn, đã diễn tả được những tình cảm đậm đà, sáng trong mà nhà thơ dành cho làng chài “cách biển nửa ngày sông” của nhà thơ.


Dàn ý Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về nhà thơ Tế Hanh:

+ Tế Hanh (1921 - 2009) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam trong giai đoạn phong trào thơ mới cũng như giai đoạn thơ tiền chiến, tác giả của rất nhiều bài thơ về chủ đề quê hương đất nước.

- Giới thiệu khái quát về bài thơ Quê hương:

+ Bài thơ Quê hương đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển bằng cảm xúc chân thành giản dị của Tế Hanh với quê hương.

2. Thân bài

* Khái quát về bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ viết năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương - một làng chài ven biển tha thiết. Bài thơ được rút trong tập Nghẹn ngào (1939) và sau đó được in trong tập Hoa niên (1945).

- Mạch cảm xúc: Bài thơ đã được viết bằng tất cả tấm lòng yêu mến thiên nhiên thơ mộng và hùng tráng, yêu mến những con người lao động cần cù, tình yêu quê hương sâu sắc của nhà thơ.

* Phân tích bài thơ

- Bức tranh làng quê miền biển trong nỗi nhớ của tác giả (2 câu đầu):

"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"

+ "Vốn làm nghề chài lưới": làng nghề truyền thống đánh bắt cá từ bao đời.

+ Vị trí địa lí: làng quê sát ngay bờ biển, “nước bao vây”.

=> Lời giới thiệu giản dị, mộc mạc không hoa mĩ, rườm rà thể hiện được sự gắn bó, hiểu biết cùng nỗi nhớ của đứa con xa quê đối với làng quê thân thuộc trong tâm tưởng.

- Cảnh lao động của người dân làng chài (6 câu tiếp theo)

+ Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá

  • Thời gian bắt đầu: "Sớm mai hồng" => gợi niềm tin, hi vọng
  • Không gian: “trời xanh”, “gió nhẹ”

=> Không gian thiên nhiên hiền hoà, tươi sáng và tràn đầy sức sống hứa hẹn một chuyến ra khơi bình an, thuận lợi.

  • "Dân trai tráng": hình ảnh con người hiện lên trong một vóc dáng khoẻ khoắn, tràn đầy sinh lực.
  • Chiếc thuyền “hăng như con tuấn mã”: phép so sánh thể hiện sự dũng mãnh của con thuyền khi lướt sóng ra khơi, sự hồ hởi, tư thế tráng sĩ của trai làng biển.
  • “Cánh buồm như mảnh hồn làng”: phép ẩn dụ "cánh buồm" chính là linh hồn của làng chài, hồn quê hương cụ thể gần gũi, đó là biểu tượng của làng chài quê.
  • Phép nhân hóa “rướn thân trắng” kết hợp với các động từ mạnh: con thuyền từ tư thế bị động thành chủ động.

=> Cảnh tượng lao động hăng say, hứng khởi tràn đầy sức sống.

+ Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

  • Không khí trở về: trên biển ồn ào, dân làng tấp nập, hớn hở với thành quả của một ngày đánh bắt
  • Hình ảnh người dân chài: làn da “ngăm rám nắng", thân hình “nồng thở vị xa xăm” -> khỏe mạnh, đậm chất miền biển, đầy lãng mạn với “vị xa xăm” - vị của biển khơi, của muối, của gió biển - đặc trưng cho người dân chài.
  • “con thuyền” được nhân hóa “im bến mỏi trở về nằm” kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác -> Con thuyền như một con người lao động, biết tự cảm nhận thân thể của mình sau một ngày lao động mệt mỏi.
  • "Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy khoang": người dân làng chài biết ơn mẹ thiên nhiên đã giúp đỡ để có một cuộc đánh bắt thuận lợi, mang về những thành quả tốt đẹp. -> một nét đẹp trong phẩm chất của người dân chài.

=> Bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển và hình ảnh khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, tinh thần lao động của người dân làng chài, gợi tả một cuộc sống bình yên, no ấm.

- Nỗi nhớ da diết, tình cảm thắm thiết của tác giả với quê hương:

+ “màu nước xanh”, “cá bạc”, “chiếc buồm vôi”, “con thuyền rẽ sóng”,…

-> Một loạt các hình ảnh của làng quê được liệt kê thể hiện nỗi nhớ quê hương chân thành, da diết của tác giả.

=> Từng hình ảnh giản dị đời thường của quê hương khắc sâu trong tâm khảm của nhà thơ.

"Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!"

+ “mùi nồng mặn”: mùi của biển khơi, cá tôm, mùi của con người là hương vị đặc trưng của quê hương miền biển.

=> Câu cảm thán không hề khoa trương mà với cùng mộc mạc chân tình như một lời nói thốt ra từ chính trái tim của người con xa quê với một tình yêu thủy chung, gắn bó với nơi đã bao bọc mình.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

+ Nội dung: Bài thơ đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và cảnh sinh hoạt lao động chài lưới. Qua đó cho thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.

+ Đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ tám chữ phóng khoáng, bộc lộ cảm xúc giản dị, tự nhiên; hình ảnh liên tưởng, so sánh, nhân hóa độc đáo; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc; giọng điệu nhẹ nhàng, da diết; kết hợp các phương thức miêu tả và biểu cảm, trữ tình; hình ảnh thơ giàu tính sáng tạo và gợi cảm.

- Liên hệ với lòng yêu quê hương, đất nước.


Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất - Bài mẫu 1

Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất (ảnh 2)

      Quê hương luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt đối với các thi sĩ. Mỗi người có một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, đặc trưng về quê hương của mình. Chúng ta bắt gặp những bài thơ viết về quê hương của Đỗ Trung Quân, Giang Nam. Trong đó không thể không kể đến bài thơ “Quê hương” tác giả Tế Hanh.

      “Quê hương” là hai tiếng thân thương, được tác giả dùng làm nhan đề của bài thơ. Mở đầu bài thơ bằng sự mộc mạc, chân thành mà sâu sắc:

“ Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.”

      Làng nhà thơ là một làng chài lưới, chỉ có một câu thơ đầu thôi nhưng nhà thơ đã giới thiệu được cho chúng ta nghề truyền thống của làng mình. Hẳn là chúng ta khi đọc những câu thơ ấy lên thấy được những trân trọng của nhà thơ khi nhắc đến làng nghề truyền thống của mình. Cách giới thiệu rất giản dị, gần gũi và quen thuộc. Và làng chài ấy như một cái cù lao giữa biển, chỉ cách biển “nửa ngày sông”. Và cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng này cũng theo nếp đó mà hình thành:

“ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.”

      Đoàn thuyền nối đuôi nhau rời bến lúc bình minh. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Bầu trời ca lồng lộng đồng điệu với lòng người phơi phới. Hình ảnh những chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh, cùng với con thuyền băng băng lướt sóng đã in đậm trong tâm trí nhà thơ:

“ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...”

      Biện pháp so sáng chiếc thuyền đi với vận tốc của một con tuấn mã cho thấy cảnh tượng ra khơi hào hùng và nhanh nhẹn thể hiện sự hăng say công việc của người dân nơi đây. Một đoàn thuyền đi đi nhẹ nhưng mà hăng phăng mái chèo rẽ sóng vượt trường giang. Không thể không kể đến cánh buồm kia được tác giả ví von như mảnh hồn làng. Một phép so sánh thật độc đáo khi lấy cái hữu hình là “cánh buồm” so sánh với cái vô hình là “mảnh hồn làng”. Làm sao ta biết mảnh hồn làng ấy là gì, ở đâu, có hình dạng ra sao, đặc điểm thế nào, nhưng có lẽ đối với Tế Hanh thì đó là hồn cốt làng chài, tình cảnh hậu phương, dấu hiệu của những con người quê hương ông. Đi kèm với so sánh, ông đã nhân hóa cánh buồm như một sinh thể biết “rướn thân” để đón gió giống như tâm hồn con người quê hương đang hướng tấm lòng mình đến một thế giới tương lai bao la, tốt đẹp.

      Và sau những chuyến ra khơi mỏi mệt, con thuyền lại bỗng chốc hóa hiền lành:

“ Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

      Nhớ trời yên bể lặng cho nên những người dân noi đây đã kéo được rất nhiều cá. Hình ảnh tấp nập ồn ào trên bến đỗ cho thấy được sự vui vẻ của con người nơi đây. Cuộc sống lao động là vậy đấy nếu như không có những ghe cá đầy kia thì làm sao mà họ có thể vui được. Trời yên bể lặng không chỉ con người được bình yên mà còn thu được về những con cá thân bạc trắng. Đó là thành quả mà công sức của người dân đạt được.

      Những câu thơ tiếp theo nhà thơ miêu tả vẻ đẹp của con người quê hương ông. Họ không có những vẻ đẹp của một làn da trắng thanh lịch của trai tráng hà nội mà họ có vẻ đẹp chỉ có người làng chài mới có:

“ Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”

      Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng, cái nắng của biển khơi, của sóng gió cuộc đời đã tôi rèn và làm nên nét rắn chắc của con người miền biển. Đó là màu nâu của đất đai, của quê hương dung dị, của tâm hồn mộc mạc, của những nhớ và thương vô ngần trong thơ Tế Hanh. Cả thân hình họ đượm vị biển khơi, nồng thở vị xa xăm “ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Như thế con thuyền cũng mang hơi thở quê hương, cũng mang một linh hồn, một ao ước, một lối sống nơi đây. Tế Hanh đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn đó như một điều bình dị trong cuộc sống này.

      Có lẽ cũng chính vì những cảm giác như thế mà nhà thơ:

“ Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.”

      Nhà thơ đã lớn lên trên quê hương ấy và ông đã đi xa nơi đó rồi chính vì thế mà lòng nhà thơ luôn tưởng nhớ đến. Đúng vậy “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Một người con khi đi xa vì sự nghiệp không thể nào nguôi nỗi nhớ quê hương. Nhớ màu nước xanh, nhớ thân cá bạc, nhớ chiếc buồm vôi, nhớ cả cảnh những chiếc thuyền rẽ sóng ra khơi và nhà thơ cảm nhận được cái mùi nồng mặn xa xăm của quê biển.

      Thật vậy, bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh không chỉ là riêng tình cảm của tác giả giành cho quê hương; mà bài thơ này còn nói hộ rất nhiều tấm lòng khác đang ở xa quê hương. Chúng ta càng trân trọng hơn nữa mảnh đất chân rau cắt rốn, yêu hơn nữa những điều bình dị nhưng thiêng liêng.


Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất - Bài mẫu 2

      Quê hương luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt đối với các thi sĩ. Mỗi người có một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, đặc trưng về quê hương của mình. Chúng ta bắt gặp những bài thơ viết về quê hương của Đỗ Trung Quân, Giang Nam, Tế Hanh. Trong đó sự nhẹ nhàng, mộc mạc của bài “Quê hương” tác giả Tế Hanh khiến người đọc xốn xang khi nhớ về nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mình.

      Bài thơ mở ra bằng hai câu thơ có ý nghĩa khái quát nhưng nội dung không chỉ có ý thuyết minh hạn hẹp:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”

      Một cách nói thật bình dị mà dễ đi vào lòng người biết mấy: “làng tôi ở” và qua đó ông giới thiệu về nghề nghiệp của người dân quê ông: nghề chài lưới. Đó là một cách rất tự nhiên của một người con xa quê kể cho chúng ta về làng chài quê mình, làng chài ấy nghe thật giản dị, bình thườn như bao làng chài khác nhưng toát lên một không khí chỉ là quê hương của riêng tác giả, không lẫn vào đâu. Và làng chài ấy như một cái cù lao giữa biển, chỉ cách biển “nửa ngày sông”. Và cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng này cũng theo nếp đó mà hình thành:

“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”

      Đúng là mọt câu thơ có nhạc, có họa. Đẹp vô ngần với màu sắc của bức tranh vùng trời vùng biển giữa một sớm mai hồng với gió nhẹ, trời xanh như có sức thanh lọc và nâng bổng tâm hồn. Cũng đẹp vô ngần là nhạc điệu, tiết tấu. Bằng nhịp 3/2/2, câu thơ như mặt biển dập dềnh, con thuyền ra khơi nhịp nhàng với những cơn sóng chao đi lượn xuống, như một sự nâng đỡ, vỗ về. Không dùng kích thước để đếm đo, thay vào đó là một tấm lòng đưa tiễn, dịu ngọt, thân thương, trìu mến. Tuy nhiên hình ảnh trung tâm vẫn là hình ảnh con thuyền. Con thuyền với nhà thơ, với những trai tráng khỏe mạnh, con thuyền mang khuôn mặt họ, sức sống niềm vui của họ. Sự hồ hởi trong phút lên đường của con thuyền trên mặt biển được so sánh với con tuấn mã vượt đường xa là một liên tưởng độc đáo. Con thuyền vì thế mang một vẻ đẹp riêng, sức sống riêng. Dân trai tráng trên con thuyền ấy vốn bình thường cũng trở thành những tao nhân, tráng sĩ. Cánh buồm trên con thuyền ấy, trong một phút xuất thần đã được đặc tả, được linh diệu hóa rất hay:

“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”

      Thiêng liêng biết bao, sâu nặng biết bao, nó như những “mảnh hồn làng”, nghĩa là một thứ hồn vía quê hương thân thuộc đến bâng khuâng. Các động từ tình thái trong hệ thống ấy là chủ động, một sự chủ động hào hùng thể hiện khả năng sức mạnh, “thâu góp gió” đầy chất lãng mạn, thi nhân. Ta có thể nhận ra rằng phép so sánh ở đây không làm cho việc miêu tả cụ thể hơn mà đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng mang ý nghĩa lớn lao. Đó chính là sự tinh tế của nhà thơ. Cũng có thể hiểu thêm qua câu thơ này là bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hy vọng mưu sinh của người dân chài đã được gửi gắm vào cánh buồm đầy gió. Dấu chấm lửng ở cuối đoạn thơ tạo cho ta ấn tượng của một không gian mở ra đến vô cùng, vô tận, giữa sóng nước mênh mông, hình ảnh con người trên chiếc tàu nhỏ bé không nhỏ nhoi đơn độc mà ngược lại thể hiện sự chủ động, làm chủ thiên nhiên của chính mình.

Nếu cảnh đoàn thuyền ra khơi được nhà thơ miêu tả bằng bút pháp lãng mạn bay bổng thì cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về lại được miêu tả thực đến từng chi tiết.

“Ngày hôm sau ồn ào trên bên đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”

      Sau một ngày lăn lội trên biển thì cuối cùng những đoàn thuyền đã nối đuôi nhau kéo về bến. Những người dân làng hồ hởi cùng nhau ra đón những đoàn tàu trở về thắng lợi. Họ tạ ơn trời đất đã ủng hộ nên chuyến ra khơi mới được xuôn sẻ như thế. Những người dân biển hơn ai hết hiểu được sự nguy hiểm khi ra biển. Có thể những chuyến ra biển sẽ gặp những cơn bão tố dữ dội khiến họ khó mà quay trở lại đất liền bình yên được. Chỉ có những người dân bám biển lâu năm họ mới thấu nỗi vất vả của người dân làng chài. Tác giả cũng là một người con của làng chài nên tác giả cũng phần nào thấu hiểu được sự cực nhọc đó. Vì thế trong giọng điệu của từng câu thơ ta ta thấy tác giả cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi mà đoàn thuyền đánh cá đã trở về bình yên đầy ắp những con cá tươi ngon. Sau chuyến ra khơi vất vả là cảnh làng chài đi vào nghỉ ngơi.

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc tuyền im bến mới trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

      Với lối tả thực, thân hình người làng chài hiện ra vơi “làn da ngăm rám nắng” tiếp sau đó là “thân hình nồng thở vị xa xăm”chỉ với hai câu thơ tác giả đã miêu tả tầm vóc và linh hồn của người dân chài biển. Đó là những sinh thể được tách ra từ biển, mang vị mặn mòi của biển mang theo cả những hương vị của biển, họ chính là những đứa con của biên khơi. Hình thể và sức vóc đó chỉ có những người dân chài mới có được. Hai câu thơ tiếp theo dùng để nói những con thuyền đang neo đậu trên bến đỗ. Nhà thơ không chỉ thấy con thuyên nằm im mà còn thấy sự mệt mỏi của nó. Đây là một hình ảnh sáng tạo trong bài thơ. Cũng như dân chài thì con thuyền có vị mặn của biển và sau một chuyến ra khơi dài thì nó cũng thấm dần cái mệt. Có lẽ chất mặn mòi kia đã thấm sâu vào trong từng hơi thở của nhà thơ bởi thế mà ta thấy những thứ tinh tế tài hoa trong cách hành văn của nhà thơ. Bởi thế mà nhà thơ cũng nhớ nó thương nó đên tột cùng và ông đã dành những câu thơ cuối cùng để dành cho nỗi nhớ đó:

“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh cá bạc chiếc thuyền vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”

      Trong nỗi niềm “tưởng nhớ” ấy, dường như chỉ cần nhắm mắt lại là cảnh và người lại hiển hiện rõ mồn một. Bởi nó đã nhập tâm, nhập vào kí ức của thi nhân thời bé dại ấu thơ. Nó sẽ còn là hành trang đi suốt cuộc đời. Cảnh và người ấy hiện ra bằng màu sắc và bằng đường nét y như thật, y như đương diễn ra. Bởi màu nước xanh, bởi màu cá bạc, cả chiếc buồm vôi nữa chỉ ở quê biển nhà thơ mới như thế. Sau này, trời nước xanh Quảng Trị, nhà thơ vẫn một cái nhìn biến lạ thành quen: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị - Tận chân trời mây núi có chia đâu”.  Bài thơ đã kết thúc, nhưng bức tranh về quê hương vùng biển, cảnh và người vùng biển, nhất là tình của nhà thơ với quê hương vẫn đầy dư vị, ngân nga. Tình cảm ấy như chất muối thấm đẫm trong những câu thơ, cả giọng thơ bồi hồi tuy ngôn ngữ vô cùng bình dị.

      Những vần thơ đơn giản và sâu lắng đó đi vào tâm hồn nghe như chính bản thân nó vậy. Tế Hanh là nhà thơ của quê hương sông nước và trong bài thơ này quê hương chỉ thu gọn về một làng chài lưới của riêng ông. Đọc những vần thơ của Tế Hanh ta có cảm giác được trở về trong cái yên bình cái bay bổng mà chân thực sâu lắng đến lạ thường.


Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất - Bài mẫu 3

      Có thể nói “quê hương” chính là hai tiếng thiêng liêng nhất, quen thuộc nhất đối với mỗi con người, đặc biệt là với dân tộc Việt Nam ta, nơi vốn có truyền thống trọng nghĩa tình, một lòng khắc ghi quê cha đất tổ dù có lưu lạc bốn phương trời. Quê hương cũng là một trong những đề tài quen thuộc và được nhiều nhiều các tác giả đưa vào tác phẩm của mình một cách trân trọng yêu thương. Ví như bài thơ Quê hương của tác giả Đỗ Trung Quân, đã được phổ nhạc, với âm điệu mượt mà in dấu trong lòng biết bao thế hệ con người với câu hát “...Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người...” rất thấm thía và sâu sắc. Hoặc Tế Hanh với bài thơ Nhớ con sông quê hương với những nét dân dã trong ký ức của tác giả, Nguyễn Đình Thi với bài Việt Nam quê hương ta hào sảng, truyền thống, Nguyễn Hưng cũng với một Quê hương mộc mạc, ân tình,... Chung quy lại, đề tài viết về quê hương lúc nào cũng hay và khơi gợi nhiều cảm xúc của độc giả. Lại nhắc về Tế Hanh một trong những nhà thơ nổi bật nhất của nền thơ mới giai đoạn 1932-1941, người được Hoài Thanh nhận xét là “tinh lắm”, ông thích viết về những cái gì đó bình dị, tầm thường, ông cứ lặng lẽ làm thơ và mặc nhiên có một chỗ đứng trong thi bởi cái lối viết trầm lặng, nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc của mình. Mà như Thanh Thảo nói "Ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, thơ Tế Hanh đã là hiện tượng vì sự "mộc mạc, chân thành", vì sự "trong trẻo, giản dị như một dòng sông", quả thực hồn thơ như vậy viết về quê hương thì còn từ nào để diễn tả nữa. Và Quê hương chính là một trong những sáng tác nổi bật nhất của Tế Hanh trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ, dẫu rằng sau này ông có nhiều tác phẩm hơn nữa nhưng khi nhắc Tế Hanh người ta vẫn không quên nhắc về Quê hương.

      Mở đầu bài thơ Quê hương chính là lời đề từ do cha của Tế Hanh viết “Chim bay dọc biển mang tin cá”, lời đề từ ấy đã khái quát một cách chung nhất về cuộc sống gắn bó với miền sông nước, với hơi thở mặn mòi của biển cả trong cuộc sống của những người dân làng chài nơi quê hương Quảng Ngãi của tác giả. Để giới thiệu về quê hương của mình Tế Hanh đã dùng một giọng thơ rất dịu dàng, ấm áp như là lời kể, lời tự sự đầy yêu thương rằng:

“Quê hương tôi vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”

      Từ hai câu thơ ấy người đọc cũng đã dần hình dung ra những đặc điểm của làng chài quê hương tác giả, đó là một nơi với công việc đánh bắt quan năm, vốn quen thuộc với biển cả. Cũng gợi ra dáng hình của quê hương với đặc điểm địa hình đặc biệt “nước bao vây”, tựa như một cù lao nổi lên giữa sóng nước mênh mông, và khoảng cách địa lý được đo đếm bằng thời gian “cách biển nửa ngày sông”, rất đậm lối nói của người vùng sông nước. 

      Và nói về một miền quê nghèo làm nghề chài lưới thì người ta không thể kể thiếu cái cảnh giương buồm ra khơi của dân làng, mà trong đôi mắt tinh tế, nhạy bén, cùng với nỗi lòng tha thiết sâu nặng với quê hương cảnh ra khơi đã được diễn tả một cách vô cùng sống động và đẹp đẽ. 

“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...”

      Đó là một khung cảnh tuyệt đẹp thời tiết vô cùng thuận lợi, tựa như cái ôm ấm áp của người mẹ thiên nhiên dành cho những đứa con của mình trước khi bước ra biển lớn. “Trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” là những nét vẽ mang màu sắc hứng khởi, cảm xúc lãng mạn tràn ngập, khởi đầu cho công cuộc ra khơi của ngư dân được thuận lợi. Ta có thể lý giải hình ảnh “trời trong” tức là cảnh trời quang mây tạnh, không có mưa gió bão bùng, vốn là những thứ mà người ngư dân e ngại, “gió nhẹ” là thứ gió vừa đủ căng buồm, đẩy thuyền ra khơi, còn “sớm mai hồng” gợi ra khí sắc ấm áp của thời tiết, đồng thời gợi ra khung cảnh bình minh tươi đẹp là thời điểm dân chài chuẩn bị ra khơi. Sau hình ảnh thiên nhiên đó chính là hình ảnh con người được gợi ra trong câu thơ “Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”. Thú thực rằng, khi nhắc về người ngư dân cái người ta thường mường tượng ra ấy là sự lam lũ vất vả, con người với nước da đen nhẻm, mang đậm hơi thở mặn mòi của muối, của gió khơi xa. Thế nhưng bước vào thơ Tế Hanh người ngư dân đã được nhìn với đôi mắt đầy yêu thương, trìu mến, nổi lên với vẻ đẹp khỏe khoắn, tràn đầy sức sống trong lao động. Cụm “dân trai tráng” dễ khiến người ta liên tưởng đến những chàng trai sức vóc vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn nắm chặt mái chèo, với tinh thần hứng khởi lao động, dưới ánh ban mai rực rỡ. Có thể nói rằng bút pháp lãng mạn của chàng trai trẻ có nhiều rụt rè như Tế Hanh trong bài thơ Quê hương đã được vận dụng một cách tinh tế và giản dị, chỉ với đôi nét vẽ nhưng người đọc đã khái quát được cả vẻ đẹp tuyệt vời của bức tranh lao động bên biển cả. Và ấn tượng hơn cả vẫn là câu “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”, Tế Hanh sử dụng biện pháp tu từ so sánh thông dụng nhất trong thi ca để diễn tả ra cái khí thế trong lao động của người dân mà chiếc thuyền chính là hình ảnh đại diện cho hàng chục ngư dân đang hướng về biển khơi. Ở đây ta có thể hiểu rằng công cuộc đánh bắt ngoài biển khơi, dù là kế sinh nhai nhưng nó cũng chẳng khác nào việc người lính ra chiến trận cả, họ vẫn luôn phải đối đầu với những nguy hiểm nhất định, và đều phải lao động, phải chiến đấu hết mình để giành được kết quả tốt nhất. Nếu với người ngư dân thì chiếc thuyền là phương tiện di chuyển thì người lính chiến có con tuấn mã bên mình. Nói “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã” trước là để chỉ khí thế hăng hái khi vượt biển ra khơi của người dân, thứ hai còn là để chỉ sự mạnh mẽ, kiên cường, vẻ đẹp kiêu hùng của người dân trong lao động sánh ngang với những người lính chiến khi bước ra sa trường, ở họ luôn có vẻ hiên ngang, kiêu hãnh, và lòng quyết tâm sâu sắc. “Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang” chính là sự miêu tả quá trình lao động của người ngư dân, tác giả sử dụng động từ mạnh “phăng” để thể hiện sức mạnh và tầm vóc của con người trong lao động, “trường giang” tức là con sông dài, rộng lớn, thế nhưng khi vào thơ của Tế Hanh thì nó lại trở thành bệ phóng cho tầm vóc kỳ vĩ của con người. Bởi dẫu sông có dài cũng chẳng giữ được bước chân, mái chèo của người ra khơi. 

      Tiếp theo cho phân cảnh ra khơi này chính là hai câu “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”, được xem là điểm nhấn nghệ thuật của toàn bài thơ, khẳng định tài năng và cách hình dung tinh tế về quê hương của Tế Hanh. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng viết: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương... Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy mờ mờ…”. Và ở đây rõ ràng rằng chúng ta đã thấy tác giả vẽ nên mảnh hồn làng, mảnh hồn quê hương bằng một cánh buồm trắng, lấy cái trừu tượng đem so với cái hữu hình, thế nhưng nó lại hợp lý và độc đáo đến bất ngờ. Nếu hỏi rằng để đại diện cho cái hồn quê của một làng chài thì nên lấy gì làm đặc trưng cho hợp lý, tấm lưới, con thuyền, con người hay một cái gì đại loại như thế. Nhưng chỉ riêng cánh buồm trắng ấy là đủ sức đại diện, có buồm là có thuyền, có con người, có hoạt động đánh bắt, hơn thế nữa có vẻ rằng cánh buồm vẫn mang trong mình một cái gì đó lãng mạng mà mang tính biểu tượng hơn cả. Thế nên Tế Hanh mới chọn nó để làm nơi gửi gắm hồn làng, hồn quê hương, cánh buồm theo ngư dân đi đánh cá, nó mang theo trong đó là nỗi nhớ, nỗi mong chờ tha thiết của những người ở lại, là lời nhắc nhở, gợi nhớ của quê hương sâu nặng đối với những người ra đi. Và dĩ nhiên rằng cánh buồm không chỉ mang tính biểu tượng, mà bản thân nó dường như cũng có linh tính, cũng cố gắng góp công góp sức trong công cuộc lao động của người ngư dân như một cách thể hiện tình cảm, sự ủng hộ của quê hương qua hình ảnh “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Điều đó đã gợi ra trong tâm hồn độc giả sự đoàn kết trong công cuộc lao động của người dân làng chài, họ phối hợp một cách nhịp nhàng tuần tự với nhau trong công việc đánh bắt, biết rõ và làm thật tốt công việc của mình. Họ gắn bó với nhau không chỉ trong hoạt động mà còn là trong tâm hồn, đến mức cả một vật vốn vô tri cũng cảm nhận được mà chúng tay góp sức tạo thành quả.

      Sau cảnh ra khơi tràn đầy hăng hái, phấn khởi chính là cảnh dân làng đón thuyền trở về trong không khí vui mừng náo nhiệt, hạnh phúc trước những thành quả đạt được sau tròn một ngày lao động cật lực.

“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

      Cả đoạn thơ đem đến cho người đọc những cảm tưởng về sự ấm no, yên vui trong khung cảnh “ồn ào”, “tấp nập”. Và không quên đi truyền thống ân tình, ân nghĩa họ thầm biết ơn mẹ thiên nhiên đã nuôi dưỡng và ban cho “những con cá tươi ngon thân bạc trắng”, đã lặng lẽ, bao dung tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được lao động, đánh bắt, cho họ một cuộc sống ấm no, đủ đầy và bình yên bên biển cả yêu thương. 

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

      Một lần nữa hình ảnh người dân làng chài lại được Tế Hanh tái hiện, cũng với cái vẻ khỏe khoắn với “làn da ngăm rám nắng” thế nhưng vẻ đẹp độc đáo của họ còn được tô điểm bằng một cái mùi “nồng thở vị xa xăm”. Chẳng biết rằng Tế Hanh cảm nhận được cái mùi ấy bằng cách nào, thế nhưng có lẽ đó chính là cái vị mặn mòi của muối biển cùng với hơi thở của khơi xa đã làm nên một cái vị rất riêng thấm đẫm vào tận trong tâm hồn, trong cốt cách mỗi người ngư dân mà Tế Hanh đã tinh tế định nghĩa là “vị xa xăm” ấy. Để dựng lên hình tượng người ngư dân đậm phong vị biển cả với vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần lam lũ vất vả trong công cuộc mưu sinh. Bên cạnh trạng thái của con người, thì Tế Hanh cũng rất tinh ý khi quan sát và suy ngẫm về con thuyền sau buổi ra khơi dài đằng đẵng. Trong mắt nhà thơ, thuyền cũng có sinh mạng có tâm hồn như con người vậy, cũng biết mệt mỏi, cũng cần được nghỉ ngơi sau mỗi lần lao động mệt nhọc để hồi sức. Và những khi như thế con thuyền đâu chỉ nằm im mà nó còn dường như có giác quan, biết nghe biết cảm nhận vị muối của quê hương thấm dần vào từng thớ vỏ, đang lặng lẽ ngẫm nghĩ về những chuyến khơi xa, những lần vượt muôn trùng sóng biển đầy kỷ niệm gắn bó. Có thể thấy rằng Tế Hanh là một nhà thơ rất tinh tế và nhạy cảm, tầm mắt của ông không chỉ dừng ở con người mà nó còn nằm ở cả sự vật ông dành tình cảm yêu thương trân trọng cho con người quê hương, cũng dành ánh mắt thông cảm, thấu hiểu, thậm chí là vẽ lên vẻ đẹp tâm hồn cho từng sự vật. Khiến người ta cảm thấy rằng bức tranh quê hương của Tế Hanh dù đụng vào bất cứ chỗ nào cũng đều thấm đẫm tình cảm, đều thấm đẫm hồn quê. 

“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”

      Bốn câu thơ cuối có thể xem là lời tổng kết của nhà thơ về những nét chính của quê hương đã in sâu trong trí nhớ, nào là “nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi”, con thuyền ra khơi và cả cái mùi “nồng mặn” đặc trưng của biển cả. Tất cả đều gợi lên trong lòng tác giả, một người con xa quê nỗi nhớ thương tha thiết, nhớ những gì đã gắn bó với nhà thơ trong gần hai mươi năm cuộc đời êm ấm, dẫu có vất vả, nghèo nàn, lam lũ thế nhưng quê hương là một cái gì đó rất thiêng liêng, mà ai đi xa cũng chỉ mong một lần trở về, để được quê hương dịu dàng, ôm ấp, vỗ về sau những sóng gió cuộc đời.

      Quê hương là tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn đầu khi tác giả mới bước vào làng thơ, thế nhưng khác với cái vẻ ngoài rụt rè, nhút nhát của mình, khi viết về quê hương Tế Hanh đã viết thật nồng nàn, thật cảm xúc, sẽ chẳng ai nghĩ rằng một bài thơ đầy yêu thương, tha thiết sâu nặng tựa như nỗi lòng của một người xa xứ lâu năm ấy lại đến từ ngòi bút của thanh niên chưa chạm ngưỡng đôi mươi. Có lẽ làm được điều ấy là bởi Tế Hanh bẩm sinh đã là người tinh tế, có đôi mắt nồng nàn đặc biệt, có tấm lòng thiết tha sâu nặng với những gì thuộc về quê hương, về đất nước, những thứ giản dị và mộc mạc như chính tâm hồn ông vậy.


Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất - Bài mẫu 4

Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất (ảnh 3)

      Tế Hanh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, ông đã góp phần đem đến cho thơ ca Việt Nam một hương sắc mới mẻ và lạ lẫm. Nếu như đến với Huy Cận, ta bắt gặp một hồn thơ mang nặng nỗi đau đời, tuyệt vọng. Hay Chế Lan Viên, với nỗi đau được tạo nên từ một tâm hồn đang trỗi dậy với bao điều suy nghĩ, bao nỗi xót xa về cuộc đời. Thì đến với Tế Hanh, ta bắt gặp một hồn thơ mang một vẻ đẹp non tơ, trong trẻo khác lạ. Điều đó được thể hiện rõ trong bài thơ "Quê hương" của ông được viết 1938 - khi đó nhà thơ mới tròn 17 tuổi.

      Hai tiếng "quê hương" nghe rất thân thương, mộc mạc và gần gũi với mỗi con người Viêt Nam. Đó là nơi ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, là khi đi xa ta muốn trở về trong vòng tay của gia đình để được yêu thương, bao bọc. Vì vậy, trong tâm trí của mỗi người, quê hương rất đỗi quen thuộc, nó gắn liền với tuổi thơ là những giếng nước, gốc đa, với vườn rau, buồng chuối, với cánh đồng lúa mênh mông.... Còn quê hương trong tâm trí Tế Hanh là một làng chài ven biển nằm trên cù lao giữa bốn bề sông nước:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

      "Làng tôi" - hai tiếng được cất lên một cách rất tự nhiên. Tác giả muốn giới thiệu chung về làng quê của mình, một làng quê nghèo bình dị như bao làng quê khác. Ở đây người dân sống bằng nghề chài lưới, cuộc đời gắn liền với tiếng sóng, tiếng gió, với vị mặn của vùng biển thôn quê. Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, mà nhà thơ còn miêu tả cụ thể bức tranh làng quê thật sinh động, tỉ mỉ đến từng chi tiết:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

      Đến đây, một khung cảnh làng quê đang được mở ra trước mắt với một không gian bao la rộng lớn, với bầu trời cao rộng trong veo ngập ánh sáng. Cùng với gió nhè nhẹ nhuốm thêm ánh nắng hồng của buổi bình minh. Một ngày mới bắt đầu. Ngày mới tràn đầy năng lượng với tinh thần hăng hái của người dân ra khơi.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

      Bức tranh lao động được tác giả miêu tả cụ thể như đang được chứng kiến tận mắt vậy. Với lối viết độc đáo, đặc sắc bằng việc sử dụng biện pháp so sánh "con thuyền như con tuấn mã", cùng với việc sử dụng liên tiếp các động từ mạnh "hăng, phăng, vượt", thêm tính từ "mạnh mẽ" đã tạo nên một bức tranh vô cùng hùng vĩ. Làm cho ta thấy được khí thế phăng phăng, một tinh thần dứt khoát của những người con đất biển, thấy được sức mạnh dũng mãnh của con thuyền băng băng như muốn vượt lên sóng vỗ, vượt lên gió to giữa không gian biển cả để vươn mình ra khơi.

Chiếc buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

      Với tình cảm tươi trẻ và hồn nhiên, tác giả đã cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống bền vững của quê hương qua những hình ảnh thơ đẹp, giàu sức sáng tạo. Chiếc thuyền, một hình ảnh bình dị mà thân quen nay được nhà thơ ví như "mảnh hồn làng". Hình ảnh thơ bay bổng, giàu tính tưởng tượng. Từ một vật vô tri vô giác, cánh buồm đã được ví như như một linh hồn rất đỗi linh thiêng của quê hương. Nó như một phần không thể thiếu, không thể tách rời của người dân làng chài. Chỉ có những người gắn bó rất gần gũi, có tình cảm yêu thương sâu nặng với cuộc đời, với làng chài ven biển và với con người nơi đây thì nhà thơ mới cảm nhận được một cách tinh tế đến vậy.

      Nếu như ở trên tác giả miêu tả đoàn thuyền ra khơi đánh cá với một khí thế sôi nổi, vui vẻ, năng động thì cảnh đoàn thuyền đánh cá về bến cũng được nhà thơ khắc họa với một giọng điệu đầy sự phẩn khởi, lạc quan:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

      Đoạn thơ là cảnh thuyền cá về bến sau một ngày lao động vất vả trên biển. Với việc sử dụng tính từ "ồn ào, tấp nập" đã toát lên một không khí náo nhiệt đầy hối hả của những người dân vui mừng đón đoàn thuyền đánh cá trở về với "những con cá tươi ngon thân bạc trắng" nhìn bắt mắt.

      Đã là dân vùng biển, thì cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Họ lao động vất vả để mong muốn có được cuộc sống no ấm hơn. Vì thế, giây phút đón người thân trở về bình an sau chuyến đi là niềm vui lớn lao hơn tất cả. Họ thầm cảm ơn trời đất đã cho sóng yên biển lặng để người dân trở về được an toàn.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Khắp thân người nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mõi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

      Nổi bật lên giữa khung cảnh người người, nhà nhà đang tấp nập, nhộn nhịp thu hoạch cá là hình ảnh khỏe khoắn đầy sức sống của những thân hình vạm vỡ, cường tráng quanh năm bôn ba vật lộn với đại dương bao la. Những thân hình ấy thấm đẫm những hơi thở, nhịp sóng và vị mặn nồng của muối biển.

      Đến đây hình ảnh chiếc thuyền được tác giả nhân hóa lên giống như con người sau một ngày làm việc vất vả và giờ là lúc được nghỉ ngơi. Hình ảnh con thuyền đã trở nên có hồn hơn bao giờ hết. Nó không còn là một phương tiện giao thông thông thường nữa mà nó đã trở thành một người bạn thân thiết của cư dân. Không chỉ con người mà cả chiếc thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển, cái hương vị mằn mặn chan chát như thấm sâu thấm đậm vào từng làn da, thớ thịt của con người. Một bức tranh toàn cảnh đã được nhà thơ tái hiện lại vô cùng sắc bén.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tối thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.

      Đằng sau bức tranh quê hương với những hoạt động của người dân làng chài trên vùng biển là nỗi lòng nhớ thương da diết của nhà thơ. Nhớ những gì gần gũi nhất, thân thương nhất, quen thuộc nhất của quê hương mình "như màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi", đặc biệt nhớ cái mùi đặc trưng không thể lẫn đi đâu được của vùng biển, cái vị nồng mặn của đất trời yêu thương.

      Có thể nói, đây là một bức tranh toàn cảnh về quê hương yêu dấu của nhà thơ. Với một giọng điệu khỏe khoắn, với những hình ảnh sinh động cùng với sự kết hợp hài hòa, độc đáo những biện pháp nghệ thuật như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa. Tế Hanh đã tạo nên một bức tranh quê hương rất mới mẻ và tươi tắn. Phải là một nhà thơ gắn bó tha thiết với cuộc đời, với đời sống cần lao của người dân nơi đây thì nhà thơ mới có được những vần thơ hay đến vậy.


Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất - Bài mẫu 5

      Nhà thơ Thanh Thảo có đôi lời nhận xét về nhà thơ Tế Hanh rằng: “Ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, thơ Tế Hanh đã là hiện tượng vì sự mộc mạc, chân thành, vì sự trong trẻo, giản dị như một dòng sông”. Nếu để nói về vị trí của ông trong thơ Mới thì ta có thể dùng hai từ “bình lặng”, hồn thơ ông không bật lên mạnh mẽ như cái cuồng nhiệt, say mê của Xuân Diệu, cũng không đủ kỳ dị, điên cuồng như Hàn Mặc Tử, không gây ấn tượng sâu sắc bởi sự “quê mùa” của Nguyễn Bính, và cũng chẳng có cái buồn thiên thu của Huy Cận. Thế nhưng sau tất cả chưa bao giờ người ta quên đi Tế Hanh, một nhà thơ có chất giọng hồn nhiên, phong độ sáng tác đều đều, và mỗi tập thơ của ông đều được ghi dấu bằng một vài bài thơ đáng nhớ, đủ để ghi vào lòng độc giả những cảm xúc mới mẻ, tinh tế của một hồn thơ trẻ. Có thể nói quê hương là nguồn cảm hứng lớn nhất trong đời thơ của Tế Hanh mà bài thơ Quê hương chính là một khởi đầu đầy xuất sắc và hứa hẹn.

      Quê hương dù được sáng tác vào những năm đầu khi Tế Hanh chập chững đặt những dấu chân đầu tiên trên thi đàn Việt Nam, cụ thể là trong phong trào thơ Mới thế nhưng bản thân tác phẩm đã đem đến những nguồn cảm xúc mới lạ, đồng thời cũng thể hiện được cái tài năng và duyên đặc biệt của nhà thơ đối với quê hương, một khái niệm rất đỗi thân thuộc nhưng không phải nhà thơ nào cũng đủ tinh tế để viết về nó một cách mềm mại và sâu sắc. Khi nhận định về Tế Hanh và Quê hương Hoài Thanh đã viết rằng: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương... Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy mờ mờ…”. Mà sở dĩ có được ánh nhìn sâu sắc như vậy cũng bởi ông có sẵn một tâm hồn tha thiết sâu nặng với cuộc đời với quê hương và đất nước.

      Mở đầu bài thơ là hai câu thơ giới thiệu khái quát về làng quê “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”, với giọng thơ rất đỗi nhẹ nhàng tình cảm tựa như một lời tự sự chân thành. Nhưng đó không chỉ là một lời giới thiệu, mà hơn thế nữa nó còn gợi ra dáng hình của quê hương, đó một làng chài “nước bao vây” tựa như một cù lao nổi lên trên sông dập dềnh sóng nước. Nó cũng gợi ra những đặc điểm về vị trí địa lý, về khoảng cách từ làng ra tới biển cả bằng cụm từ “cách biển nửa ngày sông”, và cũng chỉ ra đó là một làng quê nghèo làm ăn sinh sống bằng nghề chài lưới vất vả. Tất cả đều được Tế Hanh dùng những từ ngữ giản dị, mộc mạc với lối ăn sóng nói gió đậm chất miền biển để diễn tả về một quê hương đầy tha thiết, với đôi mắt mặn nồng yêu thương.

  “Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...”

      Với một người con miền biển có lẽ rằng cảnh dong thuyền đi đánh cá của ngư dân đã in sâu vào trí óc, thế nên Tế Hanh đã ghi lại bằng những cảm xúc dạt dào, trong sáng với những hình ảnh đầy chất thơ. Đó là một buổi sáng đẹp, trời trong xanh, gió hiu hiu thổi, ánh nắng ban mai ráng hồng trên khắp cả làng chài, và dưới khung cảnh tuyệt đẹp ấy những người thanh niên khỏe khoắn tràn đầy sức sống, bắt đầu công việc của mình với khí thế sôi nổi, rộn ràng “Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”. Khung cảnh lao động dưới ánh mắt của nhà thơ diễn ra thật mạnh mẽ, tràn đầy khí thế, dưới sự hợp sức đầy quyết tâm của những chàng trai làng chài chiếc thuyền lướt nhẹ ra khơi, dường như không chịu bất kỳ cản trở nào, hùng dũng, tràn đầy sinh lực tựa như con tuấn mã đã kinh qua hàng trăm trận chiến. Có thể nói rằng con thuyền trong thơ của Tế Hanh luôn nắm giữ vị thế chủ động, “Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thuần thục và can trường trước sóng biển. Trước biển lớn, sóng nước mênh mông thế nhưng chiếc thuyền nhỏ bé lại nổi lên với khí thế mạnh mẽ, sôi sục lòng nhiệt huyết, dường như biển cả đã trở thành bức nền xanh làm bật lên vẻ đẹp hiên ngang của chiếc thuyền đánh cá.

      Nhưng không chỉ dừng lại ở việc miêu tả khí thế sôi nổi lúc ra khơi, mà Tế Hanh còn rất tinh tế và khéo léo trong việc vận dụng thủ pháp so sánh giữa “cánh buồm” với “mảnh hồn làng”. Có thể nói rằng đây là đột phá nghệ thuật trong phong cách thơ của tác giả, lấy cái hữu hình đem so sánh với cái trừu tượng vốn tưởng là điều không thể nhưng Tế Hanh đã làm được mà còn làm rất xuất sắc. Ông đã vẽ ra dáng hình mảnh hồn của làng chài miền biển một cách rất thần tình, tinh tế. Cánh buồm trắng mang theo mảnh hồn, mảnh tình, thấm đẫm tình cảm của quê hương, luôn theo sát từng bước chân ngư dân trong công cuộc lao động. Ở đó dung hòa nhiều thứ tình cảm đó là nỗi mong đợi, hy vọng thiết tha của những người ở lại và cả nỗi nhớ da diết, một lòng hướng về quê hương của những người đang lao động ngoài khơi xa. Hình ảnh so sánh độc đáo đã mang về cho vần thơ của Tế Hanh sự lãng mạn, bay bổng, ở đó tình quê hiện lên một cách nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc và gắn bó vô cùng. Ở câu thơ tiếp “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”, ta nhận ra tác giả đã dùng biện pháp nhân hóa thông qua hai từ rất có sức gợi “rướn” và “thâu”. Dường như cánh buồm mang mảnh hồn làng ấy cũng có linh tính về công việc của người ngư dân thế nên nó mới cố sức “rướn” tấm thân trắng sao cho thật rộng để “thâu” góp được nhiều gió, đẩy thuyền ra khơi thật nhanh, thật xa. Như vậy trong đôi mắt của Tế Hanh cánh buồm giờ đây cũng trở thành một nhân lực lao động, có những đóng góp nhất định vào công việc đánh bắt của người ngư dân. Từ đó ta nhìn ra được tư tưởng đoàn kết, hỗ trợ và gắn bó sâu sắc của người dân làng chài, gắn bó từ trong tâm hồn, tư tưởng, không chỉ là ở con người mà còn ở cả sự vật, tất cả đã kết hợp nhịp nhàng để làm ra những kết quả lớn.

      Có cảnh ra khơi sôi nổi, nhiệt huyết thì cảnh ngư dân trở về cũng náo nhiệt và tươi vui không kém.

 “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

      Vẫn tiếp tục với giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết yêu thương Tế Hanh, người đọc cảm nhận từ đoạn thơ cái cảm giác thư thái, thanh bình và niềm vui ấm no của ngư dân sau một đợt ra khơi đầy vất vả. Đồng thời Tế Hanh cũng thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đến biển cả quê hương, đã cho người dân được cuộc sống ấm no hạnh phúc, mẹ thiên nhiên nhân từ đã cho “biển lặng”, dốc công nuôi dưỡng nên nguồn cá dồi dào, ban cho ngư dân “Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”, để họ được hưởng niềm sung sướng hạnh phúc khôn tả về một chuyến ra khơi về bội thu.

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

      Chính bởi sinh ra và lớn lên giữa làng quê làm nghề chài lưới nên Tế Hanh mới có được những cảm nhận rất chân thực và tinh tế về người ngư dân và cuộc sống tâm hồn của họ. Người ngư dân quan năm vật lộn với biển cả thế nên họ chẳng thể nào có được một làn da trắng trẻo, thay vào đó họ mang một màu da đặc trưng “làn da ngăm rám nắng”, mang cảm giác khỏe khoắn và cũng nhiều vất vả. Tinh tế hơn cả không biết bằng cách nào mà Tế Hanh có thể cảm nhận được cái “nồng thở vị xa xăm” trên những con người của biển cả, đó là hương muối mặn mòi, hương gió tận khơi xa đã thấm vào tận trong tâm hồn, cốt cách của con người. Từ đó xây dựng nên một hình tượng rất riêng, hình tượng người dân làng chài với phong vị của biển cả, rất khỏe khoắn, rất lam lũ và cũng thân thuộc vô cùng.

      Không chỉ có riêng cảm nhận về người ngư dân sau buổi đánh bắt xa bờ, mà Tế Hanh còn chú tâm đến cả con thuyền, nếu như lúc ra khơi thuyền hăng hái, xung phong một cách mạnh mẽ, thì khi trở về thuyền cũng trở nên trầm tĩnh, nằm nghỉ mệt sau một đêm dài dong buồm ra khơi. Có thể nói Tế Hanh luôn cảm nhận sự vật ở góc độ chúng linh tính, ông luôn mang ánh mắt thông cảm và yêu thương để nhìn tất thảy mọi vật trên quê hương, kể cả mảnh hồn làng vốn không bóng hình cũng trở nên có nét. Thuyền cũng như con người cũng biết cố sức dong buồm căng gió, rồi sau những cố gắng không ngừng nghỉ thuyền cũng muốn được nghỉ ngơi, tạo nên một cảm giác thư thả, yên bình của làng chài sau những ngày lao động vất vả. Con thuyền nằm im “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” như đang tâm sự với biển cả, ôn lại kỷ niệm ra khơi, và ở đó người ta nhận thấy có một sự chuyển đổi cảm giác rất đặc sắc, vị giác của Tế Hanh nếm thấy vị mặn của muối, tai thì “nghe” thấy vị muối và dùng xúc giác để cảm nhận sự mặn mòi của biển cả đang thấm dần trong thớ vỏ con thuyền, hay trong thân thể con người quê hương. Đó chính là sự hòa quyện, gắn bó sâu sắc của vạn vật đối với biển cả của quê hương.

      Quê hương của Tế Hanh mang những đặc điểm nghệ thuật quen thuộc như so sánh, nhân hóa, từ ngữ giản dị, mộc mạc, thế nhưng bằng cái ánh nhìn và cảm nhận tinh tế nhà thơ đã đưa chúng ta đến với một bức tranh sinh hoạt của làng chài vừa sinh động vừa tình cảm nên thơ vô cùng. Ở đó ta thấy Tế Hanh đã dành cho quê hương mình những tình cảm rất đỗi tha thiết sâu nặng, thế nên dù khi đã đi xa nhưng ông vẫn mãi nhớ về một quê hương với những con người mặn mòi muối biển, hơi thở nồng đượm vị xa xăm, vẫn nhớ như in cảnh con thuyền nằm im trên bến đỗ ngẫm nghĩ về biển cả mênh mông.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích bài thơ Quê hương lớp 8 ngắn nhất do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 20/03/2021 - Cập nhật : 21/03/2021