logo

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá


Mở bài Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

        Nếu trước cách mạng, Huy Cận đi tìm nỗi buồn rơi rải rác để kết thành những trang thơ âu sầu ảo não, thì sau cách mạng cái tôi Huy Cận đã hòa nhập hơn với cuộc sống, nguồn thơ ông trở nên tươi vui, tràn đầy không khí của thời kì xã hội đổi mới, Đoàn thuyền đánh cá chính là những câu thơ thể hiện đậm nét sự lột xác trong hồn thơ ông.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá | Văn mẫu 9 hay nhất


Thân bài Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

        Không gian hoàng hôn rực rỡ mà cũng diễm lệ như một bức tranh thủy mặc. Trên nền của bức tranh ấy là hình ảnh mặt trời như khối lửa đỏ rực khổng lồ đang từ từ lặn xuống, để đi vào thế nghỉ ngơi. Cách so sánh của Huy Cận khiến cho hình ảnh mặt trời trở nên đẹp, hùng vĩ tráng lệ, khối lửa nóng đỏ rực giống như khí thế hừng hực của đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Đại dương bao là giờ bỗng trở thành bến đỗ bình yên, giang tay đón những người con của biển cả trên hành trình vượt biển xa xăm. Biện pháp nhân hóa khiến cho hình ảnh vũ trụ đại dương bao la vốn rộng lớn, hùng vĩ nay bỗng trở nên gần gũi, nó không còn là nỗi ám ảnh không gian của hồn thơ với nỗi sầu thiên cổ Huy Cận nữa, mà bình dị hơn, mộc mạc hơn, hòa vào cuộc sống của người dân lao động. Đoàn thuyền đánh cá “lại” ra khơi, từ lại phần nào nhấn mạnh rằng hành trình ấy của những người dân lao động là cuộc hành trình dài, thường xuyên, đồng thời cho thấy khát vọng chinh phục đại dương thẳm sâu mãnh liệt của họ. Cánh buồm no gió như sự hình tượng cho không khí rạo rực, hăng say lao động của người dân trong thời kỳ đổi mới. Cánh buồm ấy thắm đượm tình yêu lao động, và cũng đầy niềm tự hào về sự giàu có của đại dương bao la:

“Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!”

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng".

         Những người dân lao động căng buồm ra khơi, đánh cá, không đơn thuần chỉ là công việc lao động chân tay nặng nhọc mà thấm đẫm lời ca tiếng hát reo vui, như một khúc hùng ca rạo rực. Công cuộc lao động ấy không chỉ đòi hỏi sự miệt mài chăm chỉ, mà nó cũng phần nào cho ta thấy sự trí tuệ của họ đặt vào đó, khi dàn trận quăng lưới bắt những mẻ cá. Những người dân lao động không chỉ hăng say trong công việc mà còn đang hòa cùng vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên để biến cuộc hành trình của mình trở thành cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, chất thơ nơi đại dương sâu thẳm, họ như đang tái hiện hình tượng cha ông ta ngày trước trong những cuộc chiến đấu, chinh phục tự nhiên, đào núi lấp biển, luôn hăng say, hào hùng, tráng kiện như vậy:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”

        Bằng những nét vẽ khỏe khoắn gân guốc, nhưng lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn, Huy Cận đã giúp người đọc phần nào hình dung được vẻ đẹp khỏe khoắn, tráng kiện của người thanh niên trai tráng trong hành trình chinh phục biển khơi, “kéo xoăn tay trùm cá nặng”. Đó là động tác vừa thể hiện sự bền bỉ, cường tráng, mà cũng phần nào thấy được sự nhọc nhằn trong đó. “Chùm cá nặng” chính là món quà của đại dương bao la gửi tặng tấm chân tình của những người lao động đã hăng say trong cuộc hành trình đầy mệt nhoài của mình. Con người hăng say lao động, tỏa sáng một niềm tin vào công cuộc lao động của xã hội mới, thiên nhiên cũng như rạo rực trước khí thế ấy của con người, như muốn đồng điệu cùng với nhịp sống vội vàng, khẩn trương, reo vui ấy khi đoàn thuyền đánh cá trở về:

“Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

         Tiếng hát hòa cùng điệu tâm hồn tươi vui, nhịp đập rộn ràng hối hả của con người, khiến cho bức tranh lao động vừa đẹp vừa hùng vĩ mà cũng mang đậm hơi thở của cuộc sống. Tưởng như thiên nhiên với con người đang hòa làm một, không còn thấy sự cô đơn quạnh hiu, đôi ngả giữa thiên nhiên và con người như trong thế giới thơ âu sầu ảo não của Huy Cận trước đó, tiếng hát ấy là sự cổ vũ của thiên nhiên, là tiếng reo vui của hồn người, cũng là tiếng lòng hối hả, tràn đầy sức sống mới của hồn thơ Huy Cận sau những chặng bế tắc, lạc lối. Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời, đó chính là việc nhân hóa sức mạnh của những người dân lao động, cho thấy vẻ đẹp dũng mãnh của họ, họ chính là đại diện tuyệt đẹp cho tư thế và tâm thế của con người trong công cuộc lao động xã hội mới. Mặt trời đội biển nhô màu mới, đoàn thuyền đánh cá ra đi khi vũ trụ đã vào thế nghỉ ngơi, họ dong buồm trở về khi thiên nhiên đã bừng tỉnh giấc, con người thiên nhiên, nối vòng nhau cùng hát lên bài ca bất tận về công cuộc lao động, xây dựng, phát triển.


Kết bài Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

          Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ nhỏ Huy Cận gửi tặng chính Huy Cận của những năm trước cách mạng, cô đơn, chán nản, bế tắc. Nay cái tôi ấy đã tìm thấy sự thức ngộ, tìm thấy niềm tin vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới, nên những câu thơ hứng khởi lạc quan như đang reo vui, như tâm hồn nhà thơ đang tỏa nắng trên trang hoa của mình.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021