Hướng dẫn soạn bài Đoàn thuyền đánh cá để thấy được khung cảnh tráng lệ và đậm chất thơ của cảnh đoàn thuyền đánh cá trước khi ra khơi và trở về vào buổi sáng sớm, mời các bạn cùng đọc ở bài viết dưới đây nhé
Câu 1. Bố cục bài thơ, thời gian và không gian được miêu tả
Bài thơ có bố cục vô cùng chặt chẽ, vừa kết cấu theo trình tự thời gian đoàn thuyền ra khơi vừa kết cấu theo trình tự thay đổi và mở rộng dần về không gian.
* Bố cục:
- Phần đầu (2 khổ thơ đầu): thời gian dịch chuyển về đêm và đó cũng là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
- Phần giữa (3 khổ thơ tiếp theo): Khi màn đêm hoàn toàn buông xuống và ở giữa lòng đại dương, đoàn thuyền đánh cá bắt đầu hành trình lao động đầy hứng khởi
- Phần cuối (2 khổ thơ cuối): Cảnh thu hoạch của đoàn thuyền và cảnh trở về trong vui tươi, phấn khởi.
* Nhận xét về thời gian, không gian
- Không gian:
+ Không gian trong bài thơ là khung cảnh biển cả rộng mở, kì vĩ. Biển về đêm lúc đoàn thuyền ra khơi vừa hấp dẫn lại có chút bí ẩn và đáng để chờ mong. Biển đón bình minh với thắng lợi của đoàn thuyền sáng rực và huy hoàng.
+ Mở rộng ra không gian trong bài thơ có thể là không gian vũ trụ bao la.
- Thời gian: Thời gian từ lúc đoàn cá ra khơi đến khi thu hoạch trở về kéo dài từ lúc hoàng hôn buông xuống nhường chỗ cho màn đêm đến khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện và bình minh ló rạng.
Câu 2. Hình ảnh người lao động
Hình ảnh của người lao động ở đây được miêu tả gắn liền với công việc đánh bắt và khai thác biển cả. Bức tranh chân dung người lao động hiện ra với những nét vẽ gân guốc, rắn rỏi trong không gian trời cao đất rộng, bốn bề tứ phía đều là biển cả mênh mông.
- Công việc quen thuộc của họ là đánh cá “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”
=>Hành động lặp đi lặp lại hằng ngày như thói quen, ăn sâu vào tiềm thức và lối sống. Họ sinh ra đã mang dòng máu của biển, là những ngư dân lành nghề và gắn bó với biển cả
- Khí thế ra khơi vô cùng hùng dũng và mạnh mẽ “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, “Thuyền ta dệt biển muông luồng sáng”, “ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”
=> Nhịp độ làm việc vô cùng khẩn trương và mạnh mẽ. Con thuyền lướt sóng đi băng băng, chở trên đó bao ước mơ và hi vọng về một vụ mùa bội thu của người lao động. Biển cả đem lại cho họ sản vật, cho họ nguồn sống. Nhưng người lao động cũng cần đổ mồ hôi và bao tâm huyết để đạt được mục đích của mình. Cuộc sống chính là một cuộc đua, họ đang chạy đua với thời gian, với sức mạnh của thiên nhiên để xây dựng cuộc sống và làm giàu đẹp hơn cho quê hương.
=> Con người xuất hiện với một tư thế mới: ung dung làm chủ và điều khiển biển khơi. Đây là tâm thế của con người mới trong thời đại mới – thời đại của sự tự do và làm chủ.
- Tuy làm việc vất vả nhưng họ vẫn giữ trong mình tâm hồn lãng mạn. Câu thơ “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” xuất hiện hai lần trong bài đã thể hiện sâu sắc điều đó. Tiếng hát thể hiện niềm lạc quan và tự tin trước không gian bao la kì vĩ trong tâm thế người làm chủ. Tiếng hát như tăng thêm động lực để con thuyền căng gió hơn, lướt nhanh hơn. Tiếng hát thu hút bao nhiêu sản vật và là đại diện cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có thể thấy dù điều kiện và hoàn cảnh làm việc có vất vả đến bao nhiêu, những người lao động vẫn đầy tự tin và nhiệt huyết.
Câu 3. Hình ảnh hài hòa giữa không gian và con người
a. "Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng"
- Hình ảnh con thuyền được nâng tầm lên với vũ trụ. Thuyền ở đây không phải là con thuyền bình thường nữa là chạy bằng sức mạnh vô tận của gió và được trăng là cánh buồm dẫn đường chỉ lối. Hình ảnh nhân hóa này nâng tầm con người ngang với thiên nhiên. Có sự hòa quyện giữa vẻ đẹp lao động miệt mài với vẻ đẹp kì vĩ và bất tận của đất trời. Nếu không có trí tượng tượng vô song thì tác giả khó có thể nào liên hệ 2 hình ảnh tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau giữa con người và không gian vũ trụ như vậy
- Hình ảnh thuyền lướt giữa mây trời cùng với mặt biển khiến cho cảm nhận về con thuyền và người lao động càng chủ động và chứa đầy sức mạnh làm chủ hơn nữa. Con người hoàn toàn không lép vế hay sợ hãi trước thiên nhiên.
b. " Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng".
- Cách dùng từ “dò bụng biển” khắc họa được quá trình thám hiểm và chinh phục từ ngàn đời nay của con người với thiên nhiên. Thiên nhiên luôn là đối tượng kì vĩ và bí ẩn bậc nhất trên hành tinh này nhưng trong cuộc sống sinh tồn của mình, con người luôn có sức mạnh của người đi chinh phục và nhờ vậy nên con người có thể dễ dàng làm chủ thiên nhiên
- Cuộc đánh cá ngoài biển khơi được tác giả ví như cuộc chiến cân sức giữa con người và thiên nhiên mà ở đó con người phải thăm dò, phải “dàn đan thế trận” mới có thể dành chiến thắng và khải hoàn trở về.
Câu 4. Bài thơ là khúc ca gì, nhận xét thanh điệu,…
Không khó để nhận ra rằng trong bài thơ xuất hiện rất nhiều từ hát. Nhịp thơ vang lên lúc thì mềm mại, lúc lại sôi động và dồn dập như một bài hát chứa nhiều cung bậc cảm xúc.
Bài hát có thể được xem như một khúc ca hùng tráng, mãnh liệt, một bài ca lao động đầy hăng say của những con người mới với cuộc sống lao động mới.
Âm điệu bài thơ có sự hòa trộn giữa sự khỏe khoắn, mãnh liệt của nhịp độ lao động khẩn trương và sự lãng mạn, yêu quê hương, đất nước của những người lao động mới
Lời thơ chứa nhiều động từ mạnh dồn dập cùng với điệp khúc đầy say mê, hào hứng.
Gieo vần linh hoạt, chủ yếu dựa vào cảm xúc.
Câu 5. Cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên và người lao động
- Tình cảm gắn bó và yêu mến của tác giả với thiên nhiên và người lao động. Bài thơ bắt nguồn từ chuyến đi thực tế và qua những trải nghiệm chân thực nhất với đời sống, tác giả đã sáng tạo nên tác phẩm này
- Niềm tự hào trước sự hùng vĩ của thiên nhiên và sức mạnh của người lao động
- Niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân làng chài Quảng Ninh được Huy Cận tái hiện đầy màu sắc qua bài thơ “Đoàn Thuyền đánh cá”. Đây là bức tranh chân thật, mới mẻ, thể hiện quyết tâm và tinh thần lao động của người dân làng.
Câu 1. Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Dựa vào trình tự ấy, em hãy tìm bố cục của bài thơ.
Hãy nêu thời gian và không gian được miêu tả trong bài thơ.
- Thời gian: mặt trời xuống biển, cả đất trời vào đêm, trăng lên cao, đêm thở, sao lùa,…
- Không gian: rông lớn, mênh mông với mặt trời, trăng, sao, mây, gió,…
- Bố cục:
+ Khổ 1,2: Đoàn thuyền đánh cá xuất phát trong hoàng hôn đỏ rực, trong tiếng hát mê say của mọi người.
+ Khổ 3,4,5,6: Ngợi ca cảnh đánh bắt cá trong đêm trăng trên biển.
+ Khổ 7: Đoàn thuyền đánh cá trở về khi bình minh lên tuyệt đẹp.
Câu 2. Hình ảnh người lao động và công tác của họ được miêu tả trong không gian nào? Bằng những biện pháp nghệ thuật gì, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp và và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên, vũ trụ?
- Con người cùng đoàn thuyền ra khơi trong không khí hào hùng, khẩn trương cùng những câu hát khỏe khoắn, lạc quan. Là sự kết hợp từ nguồn cảm hứng giữa đất trời, thiên nhiên, vũ trụ, từ những người lao động mới đang xây dựng đất nước.
- Thiên nhiên vũ trụ cùng nhau hòa quyện với con người, con người không xuất hiện nhỏ bé, cô đơn giữa thiên nhiên hùng vĩ. Sức mạnh của con người hiện lên trong sự đẹp đẽ của khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. “Câu hát căng buồm cùng gió khơi….cùng mặt trời.” Sử dụng biện pháp phóng đại, liên tưởng mới mẻ tạo nên hình ảnh người lao động đẹp đẽ, lãng mạn. Nghệ thuật tương phản, khi màn đêm buông xuống nghỉ ngơi thì đoàn thuyền ra khơi làm việc.
Câu 3. Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp, tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Em hãy chọn phân tích một số hình ảnh đặc sắc trong các khổ thơ 1,3,4 và 7. Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả trong bài thơ có đặc điểm gì nổi bật?
- Bài thơ là bức tranh lung linh sắc màu, vang vọng âm thanh vừa thực vừa bay bổng lãng mạn về thiên nhiên và lao động, xuất hiện theo thời gian, không gian, trong hành trình chuyến đi biển đánh cá, từ lúc mặt trời xuống biển đến khi mặt trời đội biển mà lên. “Mặt trời xuống biển … sập cửa”. Hình ảnh liên tưởng độc đáo, sự liên tưởng lãng mạn, kì vĩ. Vũ trụ thiên nhiên như một ngôi nhà mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Từ “lại” cho ta hiểu đây là hoạt động là công việc thường ngày của người dân biển. Đây là một trong muôn nghìn chuyến đi biển đêm của người dân nơi đây. Những chàng trai biển đang vừa chèo thuyền đưa con thuyền ra khơi, vừa cất cao tiếng hát. Đó là tiếng hát chan chứa niềm vui của những người dân lao động được làm chủ thiên nhiên, là chủ công việc yêu thích và gắn bó suốt đời.
- Những loài cá khác nhau được gọi tên, được tả với những đặc điểm, hình thù và hoạt động cụ thể. Công việc đánh qua cái nhìn và tưởng tượng của tác giả chỉ đơn giản là ra khơi, chọn địa điểm, dàn thuyền, buông lưới, chờ đợi,
Câu 4. Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca gì và tác giả làm thay lời ai? Em có nhận xét gì về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ? Các yếu tố: thể thơ, vần, nhịp đã góp phần tạo nên âm hưởng của bài thơ như thế nào?
Âm điệu vang vọng khỏe khoắn, tràn đầy cảm xúc lãng mạn, màu sắc lung linh kỳ ảo, qua đó ngợi ca cuộc sống lao động và con người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời.
Bài hát trên đường ra khơi vừa dứt thì bài hát gõ thuyền gọi cá lại vang lên. Tinh thần lạc quan không bao giờ ngừng lại, luôn tươi mới và biến đổi trong mỗi trường làm việc dù cho có vất vả hay khó khăn. Các yếu tố về thể thơ, cách gieo vần nhịp mang nhiều sự biến hóa linh hoạt. Bài thơ có nhiều sáng tạo trong công việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo, âm hưởng vừa khỏe khoắn vừa sôi nổi, vừa hào hùng lạc quan.
Câu 5. Qua những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em có nhận xét về cái nhìn và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên đất nước và con người lao động?
Dưới con mắt của tác giả bức tranh thiên nhiên về cuộc hành trình trong một buổi ra khơi của con người hiện lên thật chân thật và độc đáo. Thấy được sự nhiệt huyết, yêu đời, tinh thần lạc quan của người dân lao động chân thật. Công việc đánh bắt cá không phải công việc dễ dàng, đơn giản nhưng dưới ngòi bút của tác giả thì công việc đó của những người dân làng chài lại vô cùng thú vị. Biển cả luôn là một cái gì đó bao la, có phần dữ tợn, chứa nhiều hiểm nguy rình rập. Tuy vậy dưới câu hát căng buồm ra khơi đánh cá mọi thứ đều trở nên lãng mạn, hiền dịu và tươi đẹp. Đó không phải là bức tranh thiên nhiên dữ tợn mà trở thành bức tranh hài hòa giữa con người và thiên nhiên tươi đẹp.
*) Tổng kết: Bài thơ là nét khắc họa các hình ảnh tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Đó là niềm vui, sự hãnh diện của tác giả trước sự đổi mới của đất nước và cuộc sống.
Các bài viết liên quan bài Đoàn thuyền đánh cá: