logo

Phân tích bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến

Nguyễn Vĩnh Tiến đã lựa chọn hình ảnh cái roi tre để làm chủ đề, hình ảnh dẫn dắt vào bài thơ của mình. Đặc biệt thay, hình ảnh này lại khiến cho bài thơ không tươi vui mà chứa một tầng ý nghĩa đặc biệt. Mời các em theo dõi ngay qua bài phân tích bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến.


Dàn ý phân tích bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến

Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến và bài thơ Cái roi tre.

- Khái quát chung về nội dung của bài thơ.

Thân bài:

- Bối cảnh mà bài thơ đang đề cập đến có gì đặc biệt? (Cảnh vật gia đình, khung cảnh sân vườn khi người ông bị bệnh nằm liệt giường)

- Tình cảm gia đình: Khi ông ốm cả nhà đều lo lắng, thể hiện được tình cảm tương giao của các thế hệ trong gia đình.

- Hình ảnh chiếc roi tre thể hiện điều gì? (Là vật người lớn dùng để răn dạy con trẻ, nhưng đồng thời cũng là sự tha thứ, nỗi đau khi người thân mất qua hình ảnh người cha quăng đi).

- Cảm nhận về bài thơ và một số đặc sắc nghệ thuật được tác giả sử dụng trong bài thơ.

Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, nêu cảm nhận chung về bài thơ.

Phân tích bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến

Phân tích bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến

Từ rất lâu về trước, người xưa đã có câu răn dạy như này: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt chi bùi”. Dù không ai chắc được câu này đúng hay sai, nhưng chiếc roi đã trở thành một vật không thể thiếu trong tuổi thơ của trẻ em, nhất là các bạn ở nông thôn. Nguyễn Vĩnh Tiến đã sử dụng hình ảnh quen thuộc này trong bài thơ của mình, biến Chiếc roi tre trở thành một trong những bài thơ viết về tình cảm gia đình đặc sắc. Bài thơ đã khắc họa một bức tranh sinh động về tình cảm gia đình Việt Nam, đồng thời thể hiện sự yêu thương, bao dung của cha dành cho con và sự hối lỗi, trưởng thành của đứa trẻ.

“Bố tôi vớ cái roi tre
Khi tôi bỏ học, chạy về thăm ông
Nhà tôi người đứng, người trông
Bà ngồi than thở, trời không ngớt nồm…”

Ngay từ những dòng thơ đầu tiên đã cho ta thấy được khung cảnh của gia đình tác giả khi ấy. Người ông ốm nằm liệt giường, bên cạnh là những người thân đang lo lắng chăm sóc cho ông. Người nhà thì đứng xung quanh lo lắng, bà ngồi cạnh thở than cho người bạn đồng hành cả cuộc đời. Ngoài trời vào đông lạnh, nhưng cái nồm chợt kéo đến tê tái như nỗi buồn đặc sệt trong lòng các thành viên. Đứa con đang đi học, nhưng nỗi nhớ mong của một đứa trẻ khiến nó hiểu được định nghĩa của chi ly. Vậy nên, nó từ trường học trở về, không báo bố mẹ, nên mới nói là bỏ học. Và tất nhiên, thấy con nhỏ bỏ học chạy về nhà, nghĩ nó ham chơi nên người bố mới cần chiếc roi che như để răn dạy.

“Ông tôi ốm được mười hôm
Rễ tre, rễ mít đã chồm ra sân
Đàn gà vẫn đứng một chân
Con bên thành giếng, con gần đống rơm
Hoa nhài nở chẳng còn thơm
Ấm trà nguội ngắt, bữa cơm vội vàng…”

Những hình ảnh “rễ tre, rễ mít chồm ra sân”, “đàn gà đứng một chân”, “con bên thành giếng, con gần đống rơm” đã gợi lên một khung cảnh hoang vắng, thiếu sức sống. Khung cảnh này như phản ánh tâm trạng lo lắng, bất an của những người thân trong gia đình. Vì ông ốm liệt giường, không ai chăm sóc cho cây cối trong nhà, vì việc đó vốn là việc ông hay làm, giờ ông ốm, cũng chẳng còn ai quan tâm đến vì lo lắng cho ông quá! Bởi ông ốm được 10 hôm rồi, hoa nhài đã nở, đến nay cũng chẳng còn thơm nữa. Bình thường ông hay uống trà, khi ông nằm, không ai pha trà nên ấm chén nguội ngắt, bữa cơm cả nhà ăn cũng vội vàng.

Phân tích bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến

Chỉ bằng một đoạn thơ đơn giản, dường như khung cảnh trầm lắng của gia đình đã lan sang người đọc. Bởi chúng ta không thể biết, khi nào những gốc tre, gỗ mít mới được tỉa tốt, khi nào ấm trà mới bốc hơi thơm mùi thanh mát. Thông qua đoạn thơ, nhà thơ đã thể hiện tình cảm yêu thương, lo lắng của những người thân trong gia đình dành cho ông khi ông ốm. Tình cảm ấy được thể hiện qua sự thay đổi của cảnh vật và những hoạt động thường ngày trong gia đình.

Và cuối cùng, bức tranh ấy bị phá vỡ sự tĩnh lặng bởi tiếng khóc òa của đứa cháu lại một lần nữa bỏ học về nhà:

“Ông tôi mê tỉnh ngổn ngang
Cầm tay tôi lại đặt sang tay bà
Tôi nhìn ông, muốn khóc oà
Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre?

Chiều nay bỏ học tôi về
Bố tôi quăng cái roi tre lên trời.”

Trẻ con khi đó sợ nhất là chiếc roi tre của bố, của mẹ nhưng nhân vật trữ tình trong bài thơ lại chẳng như vậy. Bởi nỗi đau đâu chỉ có thể do chiếc roi gây nên, mà thậm chí đến từ chính những người thân trong nhà, đó là khi ông mất. Chắc hẳn, tình cảm của cháu đối với ông nội rất sâu sắc, vậy nên mới đau buồn đến vậy dù rằng còn rất nhỏ. Nhưng khi nhìn ông mê tỉnh ngổn ngang, đứa cháu đã muốn khóc òa. Và hai câu thơ cuối, khi cháu lại bỏ học trở về, khi ấy ông nội sức cũng đã yếu hẳn. Bởi vậy, người cha cũng chẳng vung chiếc roi, đau thương mà “quảng roi tre lên trời.” Từ hình ảnh chiếc roi quen thuộc, tác giả đã vẽ nên một bức tranh và vô hình xóa mờ đi khoảng cách thế hệ, gắn kết mọi thành viên trong gia đình. 

Chiếc roi tre giờ đây đã chẳng còn đáng sợ. Vì so với nỗi đau da thịt, thì những vết thương lòng trong tim lại đau lâu và dai dẳng hơn nhiều. Vậy nên, cậu bé ấy đã chẳng còn sợ chiếc roi của cha, vẫn bỏ học về bên cạnh ông khi ốm. Và dường như, những thế hệ trong gia đình người Việt qua bao năm vẫn như thế, vẫn thắm nồng và yêu thương nhau.

icon-date
Xuất bản : 05/02/2024 - Cập nhật : 05/02/2024