logo

Phân tích bài Người thầy đầu tiên (ngắn gọn)

Nằm trong chương trình học Ngữ Văn lớp 8 ( Học kỳ II) đoạn trích Người thầy đầu tiên đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của đông đảo độc giả. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tham khảo ngay bài phân tích người thầy đầu tiên ngắn gọn được Toploigiai để có những định hướng phù hợp trong khi viết bài trên lớp giúp bạn đạt điểm cao nhé! 


Dàn ý phân tích bài người thầy đầu tiên ngắn gọn 

I. Mở bài

- Giới thiệu tổng quan về tác giả và đoạn trích Người thầy đầu tiên 

II. Thân bài 

- Tấm lòng yêu thương, sự tận tình của người thầy Đuy-sen dành cho các học trò: 

+ Nhẹ nhàng quan tâm, hỏi thăm các em nhỏ khi chúng đi kiếm ki-giắc trở về 

+ Tự sửa sang lại trường học, đi kiếm củi dự trữ 

+ Bế các em qua núi trong thời tiết giá lạnh mùa đông 

- Tấm lòng biết ơn, trân trọng của An-tư-nai với công ơn của thầy Đuy-sen

+ Xúc động trước suy nghĩ của thầy

+ Yêu quý, kính trọng bởi tấm lòng nhân từ, cao cả của thầy

+ Khắc ghi công ơn to lớn của thầy 

- Sự trân trọng và xúc động khi biết câu chuyện của người họa sĩ

+ Cảm xúc sau khi đọc bức thư của bà viện sĩ An-tư-nai 

+ Cảm thấy băn khoăn, lo lắng khi không tìm được ý tưởng cho bức vẽ

+ Người họa sĩ cuối cùng đã nghĩ ra ý tưởng cho bức tranh về thầy Đuy-sen 

III. Kết bài 

- Khẳng định giá trị tác phẩm 


Phân tích bài người thầy đầu tiên ngắn gọn 

Phân tích bài Người thầy đầu tiên hay nhất

Với những sáng tác của mình, nhà văn người Cư-rơ-gư-dơ-xtan Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp vẫn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong lòng độc giả Việt Nam. Góp mặt vào chương trình Ngữ Văn 7 với đoạn trích truyện “Người thầy đầu tiên” ông đã thổi vào đó khắc họa chân thực về cuộc sống khổ cực, khắc nghiệt ở quê hương. Tác phẩm chính là lời ngợi ca về tình cảm thầy trò cao đẹp, thiêng liêng giữa người thầy giáo Đuy-sen và cô bé An-tư-nai. 

“Người thầy đầu tiên” mở ra câu chuyện xoay quanh người thầy giáo Đuy-sen và các em nhỏ tại làng Cư-rơ-gư-dơ-xtan. Ông là người thầy giáo đầu tiên mang con chữ đến với vùng quê nghèo nàn, lạc hậu nơi miền núi. Với tấm lòng tràn đầy tình yêu thương, ông từng ngày cố gắng đem lại tương lai tươi sáng hơn cho những đứa học trò. Nhờ đó mà tạo nên một thứ tình cảm thầy trò thiêng liêng, cao đẹp. 

Trước tiên, thứ tình cảm này được tạo nên bởi chính thầy Đuy-sen - người thầy giàu tình yêu thương. Thầy tự tay sửa sang lại mái trường, căn phòng học. Thầy làm hết tất cả mọi chuyện lớn bé. Từ đắp lò sưởi cho tới bắc ống khói lên mái nhà. Lo sợ học trò rét vào mùa đông, thầy còn tính tới việc dự trữ củi để sưởi ấm căn phòng. Khi chứng kiến cảnh các em nhỏ phải đi kiếm ki-giắc, thầy nhẹ nhàng hỏi thăm, an ủi chúng. Tình yêu thương cao cả ấy của thầy giống như ánh nắng mặt trời, rực sáng trong tâm trí bọn trẻ. Chính thứ ánh sáng ấy đã thắp lên niềm hy vọng, động lực đưa chúng đến trường. 

Tình cảm thầy trò tiếp tục được tác giả khắc họa rõ nét qua tấm lòng biết ơn của An-tư-nai với thầy Đuy-sen. Trước những hành động tốt đẹp của thầy, cô bé ấy bày tỏ sự xúc động vô cùng. Cô và bọn trẻ ở đây chưa bao giờ ngừng kính trọng và yêu mến thầy. Bởi “tấm lòng nhân từ, vì những ý nghĩ tốt lành, vì những ước mơ của thầy về tương lai chúng tôi”. Thời gian qua đi, khi đã trở thành viện sĩ, An-tư-nai vẫn không bớt nguôi ngoai về công ơn dạy dỗ của người thầy đầu tiên ấy. Chính vì vậy mà bà đã viết thư cho một người họa sĩ, nhờ anh ta truyền tải đi câu chuyện tốt đẹp về thầy Đuy-sen. Bà mong rằng “ không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này”. 

Tấm lòng của bà viện sĩ cùng tình thầy trò cao đẹp đã để lại niềm xúc cảm vô bờ cho anh họa sĩ. Tuy chỉ đơn thuần là được nghe kể lại, thế nhưng, khi đã thấu hiểu được hết toàn bộ câu chuyện, anh cũng không khỏi “mang nặng trong lòng những ấn tượng của lá thư ấy mấy ngày liền”. Cũng chính vì mong muốn lan tỏa câu chuyện đẹp này tới tất cả mọi người, anh đã trăn trở, lo lắng khi chưa tìm được ý tưởng cho bức tranh. Anh tự dặn lòng mình bằng mọi cách phải nghĩ ra thứ gì đó thực sự hoàn hảo. Để rồi, đáp lại sự cố gắng là nhiều ý tưởng bức tranh lần lượt ra đời. 

Thông qua đoạn trích “Người thầy đầu tiên”, nhà văn Ai-tơ-ma-tốp đã khéo léo gửi gắm niềm yêu mến, trân trọng và tôn vinh tới thứ tình cảm thầy trò đầy cao cả. Gửi lời tri ân sâu sắc tới những người thầy cô giáo đang miệt mài cố gắng chèo lái con đò tri thức. Cùng với đó là bày tỏ tấm lòng nâng niu, thương yêu những số phận kém may mắn trên cuộc đời, vươn mình khỏi hoàn cảnh của bà viện sĩ An-tư-nai. Dù thời gian có trôi đi những dấu ấn sâu đậm về bài văn chắc chắn vẫn luôn còn mãi trong lòng bạn đọc. 

---------------------------------------

Hy vọng nội dung trên đây sẽ là tài liệu tham khảo giúp ích được cho các em trong quá trình đọc hiểu, phân tích bài người thầy đầu tiên ngắn gọn. Chúc các em học tập thật tốt.

icon-date
Xuất bản : 06/02/2023 - Cập nhật : 15/08/2023