logo

Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn)

Quê hương và mẹ, mỗi người chỉ một. Cũng vì lý do đó mà chủ đề về mẹ luôn là một chủ đề lớn trong thơ ca Việt Nam và “Đường về quê mẹ” của Đoàn Văn Cừ cũng nằm trong số đó. Cùng Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn) để hiểu rõ hơn về tác phẩm nhé!


Dàn ý Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn)


a. Mở bài

- Giới thiệu qua về tác giả và tác phẩm.


b. Thân bài

* Kỉ niệm về con đường về quê cùng mẹ (khổ 1+2).

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,

Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân.

 

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn ven đê.

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

Dàn ý Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn)

- Mỗi mùa xuân, u lại dẫn tôi về quê ngoại nhận họ.

- Đường về quê phải đi qua những rặng đề, những dòng sông trắng ven đê, những cồn xanh bãi tía.

- Khung cảnh về quê yên bình, khiến người đọc như chìm vào khung cảnh yên ả của làng quê.

* Hình ảnh về người mẹ Việt Nam (khổ 3):

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

- Hình ảnh người mẹ hiện lên dịu dàng, cần mẫn đúng chất phụ nữ Việt Nam thời xưa.

* Mượn cảnh đông vui của làng quê để nói về tâm trạng của mình (khổ 4)

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

- Quang cảnh quê hương tươi đẹp với gió mát và ánh nắng vàng nhạt.

- Trời xanh cùng đàn cò trắng bay từng lớp là cảnh không thể thiếu khi đi về quê.

- Ba câu đầu tả cảnh rất vui nhưng đến câu cuối lại là cảnh rất buồn.

* Những hoài niệm về mẹ (khổ 5+6):

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,

Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.

Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cúi nón mang đi cặp má hồng.

 

Tới đường làng gặp những người quen.

Ai cũng khen u nết thảo hiền,

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên.

- Hình ảnh tà áo nâu, cúi lưng đội nón của mẹ chăm chỉ giữa đồng.

- Khi về tới làng, mọi người đều khen mẹ không những u nết hiền thảo mà còn hiếu thảo, dù lấy chồng nhưng vẫn nhớ quê hương.


c. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị về nội dung và nghệ thuật.


Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn)

Phân tích Đường về quê mẹ (ngắn gọn)

      Hoài Thanh đã viết: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ". Câu nói đã như một lời khẳng định Đoàn Văn Cừ luôn hướng ngòi bút của mình tới quê hương, và “Đường về quê mẹ” là một trong số tác phẩm như thế.

      Chỉ với sáu khổ thơ, tuy không dài nhưng cũng không ngắn nhưng cũng đã đủ thể hiện tình cảm yêu thương về quê hương, đặc biệt về mẹ của tác giả. Trong sáu khổ thơ, hai khổ thơ đầu của bài đã thể hiện rõ nỗi nhớ về quê hương và kỉ niệm về con đường về quê cùng mẹ. 

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,

Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân.

 

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn ven đê.

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

       “U tôi”, một tiếng gọi thân thương cũng như một lời khẳng định. Vào mỗi mùa xuân, u sẽ đưa tôi về quê ngoại, nhận lại họ hàng và thăm mọi người ở quê. Có con đường nào đẹp bằng con đường về quê, nơi có người luôn yêu thương và chờ đợi ta. Con đường về quê luôn đẹp với những rặng liễu, rặng đề ven đường, trời trong xanh với những áng mây trắng bay. Đường về quê luôn có dòng sông trắng uốn lượn chào đón, luôn có những cồn xanh bãi tía cùng người nông dân bộn bề việc nông. Quang cảnh tả thực chứ không hề tô vẽ, phóng đại. Tuy nhiên, cái đẹp của quang cảnh cũng không thể nào sánh được với vẻ đẹp của u.

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

       U chính là đại diện cho những nét đẹp của người con gái Việt Nam thời xưa. Dù đã lớn tuổi nhưng u vẫn không khác gì thời con gái với thúng cắp bên hông, đầu đội nón lá, đeo khuyên vàng, mặc yếm thắm, áo the nâu. Tuổi tác cũng không che được những nét hồng hào ở u. Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au, tất cả đã làm bừng sáng cả bài thơ. Đối với tác giả, với cương vị là người con và dưới con mắt đa tình của nhà thơ, u luôn đẹp, luôn trẻ, luôn hiện hữu bên cạnh mình, để chỉ cần nhấc bút là có thể vẽ lên mẹ trên những vần thơ.

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

       Tuy nhiên, sự thật vẫn luôn là sự thật. Ở khổ thơ bốn, tác giả đã mượn cảnh đông vui của làng quê để che giấu đi nỗi buồn, nỗi cô đơn trong lòng mình. Dù con đường về quê vẫn vậy, dù cảnh sắc thiên nhiên vẫn thế, nhưng mùa xuân này, tác giả lại về quê một mình. Thời gian cứ trôi, con người vẫn luôn miệt mài trong cuộc sống của họ, những hình ảnh bình dị về quê hương như những buổi chiều mát, con đường đón nhận những tia nắng vàng cùng đoàn người gánh khoai lang ra về. Tất cả vẫn còn hiện hữu, chỉ có người cùng mình về quê mỗi mùa xuân là không còn. Mùa xuân đến cũng là lúc lá bàng lìa khỏi cây. “Xác lá bàng” ở đây chỉ là cái lá rụng rơi trên mặt đất còn hồn lá bàng đã đi theo sự tan biên của mùa đông. Qua hình đó, tác giả đã thể hiện sự biết ơn và nỗi nhớ về mẹ.

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,

Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.

Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cúi nón mang đi cặp má hồng.

 

Tới đường làng gặp những người quen.

Ai cũng khen u nết thảo hiền,

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên.

       Hai khổ thơ cuối đã cho ta thấy những hoài niệm của tác giả về u. Không chỉ mang nét đẹp ngọt ngào, dịu dàng mà còn mang nét đẹp lao động cần mẫn, chăm chỉ. Tà áo nâu cùng chiếc nón lá, u “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dưới gió chiều bụi mịt mù, bóng lưng chăm chỉ làm tác giả phân vân không biết là của mẹ hay của thiếu nữ nào. Còn gì vui hay tự hào khi về quê, nghe được những lời khen ngợi về gia đình. Cũng chính vì nết na, thảo hiền, lại chăm chỉ, biết lẽ đúng, u luôn được người làng khen ngời hết lời. U không chỉ là đại diện cho nét đẹp thời xưa của con gái Việt Nam mà còn là biểu tượng đẹp nhất trong lòng con.

      Với ngôn từ giản dị, với những nét bút tả thực, hình ảnh làng quê cùng người mẹ đã hiện lên thật đẹp và ý nghĩa. Có thể nói, với mỗi nhà thơ, nhà văn, việc viết lên trang giấy những dòng chữ cùng chính là cách mà họ lưu giữ lại những kỉ niệm, những điều mà họ muốn giữ lại đến muôn đời, và mẹ cùng đường về quê mẹ chính là thứ mà Đoàn Văn Cừ muốn lưu giữ cho bản thân mình.

------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích Người mẹ vườn cau (ngắn gọn). Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể có được thêm nhiều kiến thức cho mình và học tập tốt nhé!

icon-date
Xuất bản : 11/02/2023 - Cập nhật : 15/08/2023