logo

Phân tích bài Người mẹ vườn cau Văn 8 Cánh diều (ngắn gọn)

"Người mẹ vườn cau" là một tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Hãy cùng Toploigiai Phân tích Người mẹ vườn cau trong bộ SGK Ngữ Văn 8 Cánh diều tập 1 để hiểu rõ hơn về tác phẩm này nhé!


Dàn ý Phân tích Người mẹ vườn cau 


a. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm


b. Thân bài

* Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện "Người mẹ vườn cau":

- Cô giáo yêu cầu viết bài văn về mẹ, tuy nhiên “tôi” không biết viết như nào.

- Nhớ lại rằng ba có nhiều mẹ và mình có nhiều bà nội, trong đó, ba có một “người mẹ vườn cau”.

* Những kỉ niệm thời nhỏ tại quê của "Người mẹ vườn cau":

- Con đường đến nhà bà là con đường đất, những khi trời mưa đường bùn ướt nhẹp. Nhà Nội là nhà mái lá nhỏ xíu.

- Nội gầy gò, cười phô cả lợi những vẫn luôn lo lắng cho các con các cháu.

- Hôm ấy là giỗ chú Sơn. Bữa cơm giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản những vẫn rất ngon và ấm áp.

- Khi trời tạnh mưa, mọi người ào ào kéo đến làm nhân vât “tôi” phải thắc mắc rằng tại sao bà lại có nhiều con như thế.

- Các chú cùng bố nhậu một bữa nhưng vẫn phải xin phép bà. Mọi người vui vẻ nói chuyện ngày xưa.

- “Tôi” được Nội dẫn ra vườn cau và vườn hoa quả trĩu trái.

- Đêm hôm ấy được bà mắc mùng cho tôi ngủ và được nghe những câu chuyện bà kể khi khó ngủ.

* Trở về thực tại và bài làm văn điểm kém.

- Do ba chuyển công tác nên gia đình cũng chuyển lên phố.

- Mẹ nhắc chuyện lâu chưa về thăm nội nhưng bố không lo. Chỉ khi chú Biểu đến nhà, nghe câu chú nói mình bạc, bố mới thấy nằm suy nghĩ và quyết định mai về lại "Người mẹ vườn cau".

- Đó là những kỉ niệm về mẹ vườn cau của bố còn với mẹ của “tôi” thì chỉ "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc". 

- Bài văn tuy 4 điểm nhưng “tôi” cũng không hề buồn vì tả về mẹ đâu chỉ bằng vài câu.


c. Kết bài

- Khẳng định lại những giá trị về nội dung và nghệ thuật của truyện.

Dàn ý Phân tích Người mẹ vườn cau (ngắn gọn)
Tác giả Nguyễn Ngọc Tư

Phân tích Người mẹ vườn cau - Mẫu số 1

“Đối tượng của văn học vốn là than phận con người, nên chỉ những kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hoá thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc” (Văn chương lâm nguy, Todorov). Quả đúng như vây, bởi “ văn học chính là cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của của văn học”. Mỗi nghệ sĩ lớn đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và cuộc sống. Đời sống và con người luôn là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn cho những sác tác văn học được nảy nở, kết tinh tư tưởng của nhà văn. Đến với kho tàng truyện ngắn Việt Nam, ta sẽ bắt gặp một nghệ sĩ chân chính, “hiểu biết con người một cách sâu sắc” mang tên Nguyễn Ngọc Tư. Trong đó, “Người mẹ vườn cau” của cô đã gây một tiếng vang lớn và chưa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc về con người. 

Một tác phẩm văn chương chân chính phải là “giao liên dẫn dắt đưa đường” dẫn người đọc đến “xứ sở của cái đẹp”. Và với “Người mẹ vườn cau” Nguyễn Ngọc Tư đã dẫn dắt độc giả đến nhiều cung bậc cảm xúc khó tả!

Nguyễn Ngọc Tư sinh ra ở Bạc Liêu, vùng đất có rừng bần lấp loáng sáng trăng những đêm rằm trong trẻo. Cô được mệnh danh là hiện tượng văn học đặc biệt ở Nam Bộ. “Vào đời sớm” nhưng có lẽ chính vì thế mà những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư đều mang đậm dấu ấn về cuộc sống, về hiện thực con người một cách sâu sắc. Là nhà văn của mộc mạc và bình dị thôn quê, độc giả yêu mến hay gọi bằng những cái tên thân thương cô Tư.

"Người Mẹ Vườn Cau" là một tác phẩm văn học ngắn nằm trong tập truyện ngắn "Chuyện đất Thổ" của tác giả. Được mệnh danh là “viên ngọc quý” trong văn học Việt Nam đương đại, nó không chỉ là một câu chuyện về cuộc sống nông thôn mà còn là một bức tranh tinh tế về tình yêu thương mẹ con và cuộc sống với những thách thức đầy khó khăn. 

Nguyễn Ngọc Tư cũng gửi gắm lòng mình thông qua nhan đề của tác phẩm. Chỉ gọi là người mẹ vườn cau chứ không đặt một cái tên cụ thể, là người mẹ có công với cách mạng, đã hy sinh con cái của mình cho Tổ quốc, người mẹ được gọi theo nơi ở bởi lẽ trên dải đất hình chữ S này vẫn còn rất nhiều mẹ Việt Nam anh hùng. Hơn thế, “người mẹ” và “vườn cau” thường được coi là biểu tượng của tình mẹ và gia đình. Vườn cau đại diện cho sự bền vững và gắn kết, trong khi người mẹ thể hiện sự hy sinh và tình yêu thương vô điều kiện. Cả hai biểu tượng này đều mang lại những ý nghĩa sâu sắc về tình mẹ và gia đình.

Bối cảnh của tác phẩm kể về nhân vật “tôi “khi được giao bài tập về nhà viết về người mẹ, nhưng “tôi” không biết viết gì nhiều. Phải chăng không một từ ngữ nào có thể diễn tả được hết công lao và tình yêu thương của người mẹ? Với suy nghĩ ngây ngô của trẻ con, “tôi” không thể hiểu sao mình chỉ có một mẹ còn ba thì lại có hai mẹ, làm cho “tôi” có hai nội, trong đó ba có một “người mẹ vườn cau”.

"Người viết văn là người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội"(Nguyễn Minh Châu). Phải chăng, Nguyễn Ngọc Tư cũng đã lặn mò trong hiện thực cuộc sống để xây dựng được hình tượng nhân vật tôi giàu tình cảm như vậy! “Tôi” đã hồi tưởng về những kí ức thưở nhỏ tại quê nhà của “Người mẹ vườn cau” khi được ba dẫn đi. Con đường đến nhà bà là con đường đất nhỏ quanh co, “đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oàng oạch”, nhà Nội là nhà mái lợp lá nhỏ xíu và bình dị. Nội gầy gò, cười phô cả lợi nhưng vẫn lo lắng cho con cháu. Đây có lẽ cũng là hình ảnh bao người mẹ Việt Nam khác! Hôm ấy “tôi” về đúng ngày giỗ của bác, bữa cơm cỗ chỉ vài ba món canh cá chua rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản nhưng ấm cúng vô cùng. Ba gắp thức ăn cho bà, bà gắp thức ăn cho “tôi”. Có thể người con trai lâu ngày không về thăm mẹ, nhưng qua những giao tiếp và tương tác với người mẹ, người đọc có thể cảm nhận được mối quan hệ đặc biệt giữa họ, nơi mà tình yêu, sự bao dung và hy sinh được thể hiện một cách rõ ràng. Khi trời tạnh mưa, các cô chú lần lượt kéo nhau đến, khiến nhân vật “ tôi” cũng phải thắc mắc sao bà có nhiều con đến thế! Các chú mang đồ nhắm để nhậu cùng ba, nhưng đều xin phép bà trước. Bà ôm “tôi” vào lòng ngồi trên chiếc võng đung đưa, vui cười không ngớt, “cái vui như thức dậy sau đêm dài vươn mình ngắm bình minh” thật hạnh phúc làm sao!

“Tôi” được Nội dẫn ra vườn, khu vườn nhỏ bé mà quả gì cũng có, vườn hoa cau và vườn hoa quả sai trĩu, quả nào cũng chín mọng đỏ lừ. Làm hiên lên những hình ảnh về cuộc sống thôn quê Việt Nam, nơi mà vườn cau không chỉ là nơi trồng trọt mà còn là biểu tượng của sự mộc mạc và thanh bình. Bối cảnh này tạo ra một không gian đặc biệt, nơi mà nhân vật chính có thể tìm thấy sự bình yên và cảm nhận sâu sắc về gia đình và nguồn gốc.

“Tôi” nhìn thấy mái tóc trắng phau của Nội ngà ngà như màu hoa cau, “bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc” đầy những vết tích của thời gian. Đêm hôm ấy, bà mắc mùng cho “tôi” ngủ và được nghe ba kể những câu chuyện ngày xưa. Ba kể Nội là “một bà mẹ anh hùng”. Trong suy nghĩ ngây thơ, non nớt của một đứa trẻ con cứ nghĩ “anh hùng là phải cao to, đẹp khoẻ”, đã thế còn phải có súng. Thế mà Nội của “tôi” lại bán ve chai. Thế nhưng, “Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba, Nội mang thức ăn, tin tức”. Rồi ba kể về người chú đã mất, tấm ảnh còn hương khói trên ban thờ mà nói” Giá mà các chú ấy còn sống, bây giờ Nội đã có cháu, đâu phải sống một mình.” Bởi mới nói, không đơn thuần là bán ve chai mà chỉ là cái cớ để làm cách mạng, để góp phần vào công cuộc giải phóng nước nhà. Ở đây, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng hình ảnh người mẹ anh hùng Việt Nam dũng cảm mà rất đỗi mộc mạc, tự nhiên, đi vào văn học một cách tự nhiên nhất, giống như: thứ “ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.” (Bertold Brecht)

Bây giờ, do ba chuyển công tác nên gia đình “tôi” cũng chuyển lên thành phố sống. Mẹ nhắc lâu ba không về thăm bà, nhưng ba không nghĩ gì nhiều. Chỉ khi chú Biểu đến nhà trách “lũ mày bạc làm sao đâu”. Lời chú Biểu nói gần gũi, chứa đầy tình cảm khi nói về má nhưng cũng không quên trách người em không dành thời gian quan tâm má. Lời quở trách nhẹ nhàng nhắc nhở người em về tình yêu thương dành cho gia đình. Suy cho cùng, đây cũng là lời nhắc nhở với tất cả chúng ta khi mải bôn ba với cuộc sống mà quên đi những người vẫn đang chờ mong và yêu thương mình hết lòng! Khi ấy, ba mới nằm suy nghĩ và quyết định mai về lại “Người mẹ vườn cau”. Lúc ấy, chắc bà lại giúi cho “tôi” “nhiều quả chín mang về biếu mẹ, xâu ếch cho ba, thứ thức ăn mà không có hương vị cao lương nào thay thế được”.

Đó là những kỉ niệm về mẹ vườn cau của ba, còn với mẹ của “tôi” thì chỉ “Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc”. Bài văn ngắn ngủi nhận điểm 4 nhưng tôi không thấy buồn mà còn chống chế nói rằng” làm sao viết vế mẹ bằng mấy dòng được, phải không?"

Trong một vài công trình mình đã đọc về Nguyễn Ngọc Tư, có một đoạn viết như thế này. Với nhà văn viết truyện cũng như với bất cứ người lao động nghệ thuật nào khác, vẫn còn mãi một câu hỏi tự vấn:” Trước khi  chảy qua ngòi bút, những điều ấy đã chảy qua trái tim của anh như một dòng máu chưa?” ( Một vài suy nghĩ về thế kỷ). Đó phải chăng là những điều mà cô Tư đã không ngừng trăn trở khi viết lên những trang văn của mình? Và “Người mẹ vườn cau “quả thật là nơi để Nguyễn Ngọc Tư “gửi mình”. Không đơn thuần là một câu chuyện về những ký ức thở ấu thơ của một cậu bé mà còn là một tác phẩm sâu sắc về tình mẹ con và giá trị của việc hi sinh cho gia đình. Bên cạnh đó, tác giả cũng lồng ghép nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Là thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Lòng biết ơn từ lâu đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của ta. Phải kể đến từ khi còn bom rơi lửa đạn, những ngày tháng cả dân tôc gồng mình chống giặc. Nhiều chàng trai cô gái tuổi đôi mươi không ngần ngại hi sinh thân mình trên chiến trường với tinh thần cao cả:

“Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”

(Thanh Thảo)

Đau buồn hơn người ra đi là người ở lại, những người mẹ gạt nước mắt tiễn con ra trận, ở lại làm hậu phương vững chắc hay thậm chí còn tham gia vào làm cách mạng. Khi hoà bình lập lại, con người quá mải mê với cơm áo gạo tiền mà quên đi quá khứ, thế nhưng quá khứ ấy vẫn luôn vẹn nguyên, thuỷ chung giống như hình ảnh người mẹ vườn cau ngày ngày chờ đợi những đứa con về chơi lúc tuổi già. Văn bản cũng là lời cảnh tỉnh với những ai đã quên đi quá khứ, cần phải biết ơn thế hệ đi trước đã không ngần ngại hi sinh cho cuộc sống hôm nay.

Nói về một tác phẩm có giá trị, Biê- lin- xki cho rằng: “Trong tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng và hình thức phải hoà hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác. Nếu huỷ diệt hình thức thì cũng có nghĩa là huỷ diệt tư tưởng và ngược lại cũng vậy”. Và quả thật, “ Người mẹ vườn cau “ là sự thống nhất hài hoà giữa nội dung và hình thức dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Ngọc Tư. 
Tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất, cho thấy cái nhìn và cảm nhận chủ quan của nhân vật tôi về sự việc trong truyện, từ góc nhìn trẻ thơ người đọc sẽ có nhiều giải nghĩa khác nhau về văn bản. Cốt truyện của văn bản có những tình huống khá đặc biệt, tựa như dòng suy nghĩ của những đứa trẻ, không thống nhất theo một trình tự nào. Cốt truyện mượn câu chuyện có thật về những người mẹ Việt Nam anh hùng để tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các mẹ. Đồng thời, Nguyễn Ngọc Tư còn cuốn hút độc giả bằng lối kể chuyện giản dị mà sâu sắc. Ngôn ngữ mộc mạc nhẹ nhàng chạm đến trái tim độc giả.

Nguyễn Ngọc Tư viết “Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn và tinh tế” Thế mới hiểu tại sao “ Người mẹ vườn cau “ lại chạm đến trái tim độc giả nhiều như vậy. Bởi nó xuất phát  từ hiện thực cuộc sống khách quan, đi qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, để rồi kết tinh thành câu chuyện giàu ý nghĩa. Tác phẩm sẽ cùng sống mãi bao thế hệ cùng những giá trị sâu sắc mà nó mang đến! Hãy nhớ rằng, đứa con nào cũng “đủ lônh đủ cánh” bay đi xa, rồi sẽ có những mái ấm gia đình riêng nhưng luôn có một nơi chờ ta về, đó là vòng tay mẹ!


Phân tích Người mẹ vườn cau - Mẫu số 2

Nguyễn Ngọc Tư không còn là cái tên xa lạ với những bạn thích thể loại truyện ngắn. Với phong cách viết văn giản dị mà tình cảm, “Người mẹ vườn cau” đã trở thành một tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng và đem lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Viết về mẹ, chắc chắn là không thể có từ ngữ nào có thể kể hết công lao nuôi dưỡng sinh thành và tình cảm thiêng liêng của mẹ giành cho con. Chính vì lý do đó mà mở đầu truyện ngắn, nhắc đến việc làm văn về mẹ, với đề bài mở nhưng nhân vật “tôi” vẫn không thể nghĩ ra không nên bắt đầu như nào.

Với suy nghĩ ngây ngô của trẻ con, “tôi” không thể hiểu sao mình chỉ có một mẹ còn bố thì lại có hai mẹ, làm cho “tôi” có hai nội: Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau. Khi còn nhỏ, “tôi” đã được về nhà Nội ở vườn cau chơi. Con đường đến nhà bà là con đường đất, những khi trời mưa đường bùn ướt nhẹp. Nhà Nội là nhà mái lá nhỏ xíu. Nội gầy gò, cười phô cả lợi những vẫn luôn lo lắng cho các con các cháu, sợ trời mưa mấy đứa sẽ bị cảm. Hôm ấy nhà “tôi” về nhà Nội là do có giỗ của chú Sơn. Bữa cơm giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản những vẫn rất ngon và ấm áp. Cảnh ba gắp thức ăn cho bà rồi bà lại gắp thức ăn cho “tôi” và bà xoa đầu bảo tôi ăn cho chóng lớn đã cho thấy khung cảnh gia đình ấm áp và hạnh phúc. 

Trời tạnh mưa cũng là lúc mị người ào ào về nhà Nội tụ tập. Tiếng gọi “má Tư” cứ liên tục vang vong khiến “tôi” thắc mắc rằng sao Nội lại nhiều con như thế. Mọi người tụ tập và cùng nhau nhậu một bữa. Lớn bằng ấy nhưng các chú vẫn phải xin phép bà. Mọi người cùng hàn huyên chuyện cũ, tiếng cười vang vọng khắp gian nhà nhỏ. “Tôi” được nội dẫn ra vườn cau. Vườn cau nhà Nội thật thú vị, chắc cũng vì lý do này, bố gọi nội là "Mẹ vườn cau". Ở vườn, cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Đêm hôm ấy, tôi được Nội mắc mùng cho ngủ, nhưng vì lạ giường mà mãi không ngủ được, Nội liền kể cho tôi nghe về câu chuyện của bà. Người trên bàn thờ hôm nay là hai đồng chí thân thiết với bố, các chú đều là những người hiên ngang và anh hùng, và bà chính là mẹ anh hùng, tuy chỉ là người nhặt ve chai, không có súng cũng không cao to, khỏe mạnh nhưng vẫn làm anh hùng. Làm anh hùng tuy tự hào, tuy vui nhưng Nội rất buồn, nếu các chú ấy còn sống thì giờ Nội đã không phải ở một mình.

Phân tích Người mẹ vườn cau (ngắn gọn)

Do ba chuyển công tác nên gia đình cũng chuyển công tác lên phố luôn. Đã lâu lắm không trở về thăm lại Nội vườn cau nhưng bố vẫn không lo lắng vì ở dưới đó có các chú lo. Chỉ đến khi chú Biểu đến nhà, nghe câu chú nói mình bạc, bố mới thấy nằm suy nghĩ và quyết định mai về lại "Người mẹ vườn cau". Đó là những kỉ niệm về mẹ vườn cau của bố còn với mẹ của “tôi” thì chỉ "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc". Bài văn tuy 4 điểm nhưng “tôi” cũng không hề buồn vì tả về mẹ đâu chỉ bằng vài câu.

Câu chuyện tuy ngắn nhưng nó lại mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ngôn từ giản dị nhưng dạt dào cảm xúc, truyện ngắn "Người mẹ vườn cau" đã mang gợi đến cho mỗi chúng ta những kỉ niệm hạnh phúc về mẹ và những bài học về việc báo đáp công ơn mẹ. Mỗi chúng ta có thể có nhiều mẹ, nhưng mẹ sinh ra và nuôi dưỡng ta chỉ có một mà thôi. Ai rồi cũng có gia đình riêng nhưng mái ấm với mẹ chờ luôn là ngôi nhà mà chúng ta nên trở về nhất.

------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích Người mẹ vườn cau (ngắn gọn). Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể có được thêm nhiều kiến thức cho mình và học tập tốt nhé!

icon-date
Xuất bản : 10/02/2023 - Cập nhật : 16/04/2024