logo

Phân tích Lưu biệt khi xuất dương nâng cao

Phân tích bài lưu biệt khi xuất dương hay nhất | Văn mẫu 11 hay nhất


DÀN Ý PHÂN TÍCH LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG NÂNG CAO

1. Mở bài

- Phan Bội Châu (1867-1940) quê ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1900 đỗ Giải nguyên. Ông sáng lập ra Hội Duy Tân (1904). Năm 1905, bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du, tổ chức Việt Nam Quang phụ hội. Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, đưa về Hà Nội với cái án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta, chúng đưa ông về giam lỏng ở Huế.

- Là chiến sĩ yêu nước vĩ đại, là nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ 20 - Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn yêu nước và tuyên truyền cổ động cách mạng sôi sục đầy nhiệt huyết.

- Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu viết năm 1905, trong lúc chia tay đồng chí, bạn bè, trước lúc bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du.

- Bài thơ khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương, là nên sự nghiệp lớn cứu nước cứu dân.

2. Thân bài

2.1. Hai câu đề

Kẻ nam nhi phải mong có điều lạ, nghĩa là không thể sống tầm thường mà phải làm nên sự nghiệp lớn. Lưu lại tiếng thơm muôn đời. Con người ấy sống chủ động, tích cực, có tinh thần làm chủ thiên nhiên, há để càn khôn tự chuyển dời?.

2.2. Hai câu thực

Tác giả tự ý thức về cái Tôi (ngã: tôi, tờ). Rất tự hào về vai trò của mình trong cuộc đời (một trăm năm) và trong xã hội, lịch sử (ngàn năm sau).

Tác giả hỏi: Chẳng lẽ ngàn năm sau, lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Nhằm khẳng định một ý tường vĩ đại mà như người đồng hương của Phan Bội Châu trước đó nửa thế kỉ đã nhiều lần rồi:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phái có danh gì với núi sông.

(Nguyễn Công Trứ).

Quan niệm về công danh, về chí nam nhi của Phan Bội Châu mới mẻ, tiến bộ, hướng về Tổ quốc và nhân dân, như ông đã viết: Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ. Tất cả vì nước, vì dân chứ không phải vì nghĩa vua — tôi: “Dân là dân nước, nước là nước dân”.

2.3. Hai câu luận

Nêu lên một quan niệm sống đẹp của kẻ sĩ trước thời cuộc và lịch sử dân tộc. Non sông đã chết, một cách nói rất hay, cảm động về nỗi đau thương của đất nước ta, nhân dân ta đang bị thực dân Pháp thông trị. Trong Hải ngoại huyết thư, tác giả viết: hồn nước bơ vơ. Kẻ nam nhi, kẻ sĩ lập công danh trước hết bằng con đường học hành và thi cử. Một ý thơ phủ định về cách học cũ kĩ lạc hậu là đọc sách thánh hiền (đạo nho)... cách học ấy rất lạc hậu, vô nghĩa, càng học càng ngu, càng u mê. Đây là hai câu có tư tưởng sâu sắc, tiến bộ nhất, cho thấy Phan Bội Châu là một chí sĩ tiên phong:

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.

2.4. Hai câu kết

Hình tượng thơ kì vĩ lên một chí lớn mang tầm vũ trụ. Không phải gió nhẹ mà là trường phong. Không phái quanh quẩn chốn quan trường hoặc nơi trường thi chật hẹp, mà là di ra biển Đông với một sức mạnh phi thường, cùng bay lèn với ngàn lớp sóng bạc. Đây là những câu thơ đẹp nhất của Phan Bội Châu biểu lộ một bầu nhiệt huyết:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

3. Kết luận

Vẫn là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, bằng chữ Hán. Giọng thơ trang nghiêm, đĩnh đạc hào hùng, mạnh mẽ, lôi cuốn.

Thể hiện một chí lớn phi thường: không cam tâm làm nô lệ, quyết đi tìm đường cứu nước. Không phải là khẩu khí mà sự thật lịch sử đã xác nhận Phan Bội Châu đã sống và hành động như thơ ông đã viết ra.


BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG NÂNG CAO

  “Con người viết văn, con người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị. Ngòi bút Phan Bội Châu sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, lí tưởng anh hùng”. Đó là lời nhận định của một nhà phê bình văn học khi nói về sự nghiệp văn học cũng như phong cách của nhà văn Phan Bội Châu. Những bài ca tuyên truyền sắc bén mang đậm lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng có thể xem là cảm hứng chủ đạo trong thơ của ông. Một trong số đó không thể không kể đến tác phẩm “Lưu biệt khi xuất dương” của ông.

        Chúng ta có thể thấy Phan Bội Châu luôn được ca ngợi cũng như biết đến là một người con yêu nước, văn thơ của ông ngập tràn hơi hướng về quê hương, đất nước, một tâm hồn thi sĩ  luôn hướng về những điều lớn lao, tốt đẹp cho đất nước. Ông hiểu sâu sắc và càng yêu thương nhân dân, đất nước  để chuyển tải, đưa chúng vào trong lời văn thơ của mình sâu sắc vô cùng bởi Phan Bội Châu – một nhà lãnh đạo Cách Mạng với nhiều năm dài bôn ba, tổ chức nhiều phong trào yêu nước .

        Phan Bội Châu được biết đến là một nhà Cách mạng lớn ở đầu thế kỉ XX. Khi ông lên đường sang Nhật Bản vào năm 1905 cũng là thời điểm ông sáng tác bài thơ lưu biệt khi xuất dương. Vốn dĩ xuất thân từ một người yêu nước, nhà Cách mạng do đó mà hơi hướng của một người chí sĩ cách mạng hùng hồn, rực lửa đứng lên tìm đường, bảo vệ nước nhà toát lên ở từng lời văn, câu từ. Ông đặt “chí làm trai” làm chủ đề, sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ. Đối với chủ đề này không còn quá xa lạ nữa, người ta có thể thấy nó trong văn học dân gian như là: “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên”, hay trong văn học trung đại nó được Nguyễn Công Trứ thể hiện rõ nét trong bài “Chí làm trai”: “Chí làm trai Nam Bắc, Đông, Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”.

       Tuy cùng một chất liệu để khai thác nhưng Chí làm trai trong Phan Bội Châu cũng vô cùng độc đáo, khác biệt theo một cách mới mẻ:

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời”

       Hai câu thơ mở đầu vô cùng hào hùng, dõng dạc không gì lay chuyển được khi nói về chí làm trai. Đối với Phan Bội Châu làm trai là không tầm thường, phải “lạ ở trên đời”. điều này nghĩa là nam nhi sinh ra phải có chí, có lý tưởng sống, mục đích cao đẹp, dám nghĩ dám làm với mưu đồ hiển hách, thể hiện sức mạnh, chứng tỏ bản thân mình có ích cho đời cho người.  Ở ông không có sự cam chịu, đứng yên một chỗ chấp nhận số phận mà phải tự mình xoay vần, tác động để thay đổi số phận, cuộc đời mình. Đó là người nam nhi biết vượt qua giới hạn bản thân, làm những điều phi thường, lớn lao mà hiếm ai làm được bởi đã là nam nhi thì phải làm những điều cho xứng đáng là một bậc nam nhi. Dù chỉ là “Một phút huy hoàng rồi chợt tắt? Còn hơn le lói suốt trăm năm” (Tố Hữu). Nam nhi với ông trong vũ trụ này là phải có khẩu khí mạnh mẽ, vẫy vùng ngang dọc, việc anh dũng, sống đẹp cho bản thân mình , hơn nữa ông muốn nhắc đến sự nghiệp của nước nhà, kiến thân lập nghiệp, phụng sự cho Tổ Quốc.

       Nếu như hai câu đề nói rõ quan điểm của ông về nam nhi thì đến với hai câu thực thì cái tôi công dân rõ nét được phát họa:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai”

       Trong thời chiến thì mỗi công dân khi đã là người con của đất nước đều phải biết đứng lên bảo vệ, chống lại quân thù không phân biệt giai cấp, giới tính, tuổi tác: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” . Hai câu thơ này tác giả muốn khẳng định trách nhiệm, lý tưởng của bản thân ông đối với đất nước, hay đó là món nợ công danh cần phải đền đáp. “Trong khoảng trăm năm” vốn là một dấu mốc lịch sử dài, một đời người, ông như gợi nhắc về những biến cố của dân tộc, nỗi cơ cực lầm than mà nhân dân ta phải hứng chịu khi bao lần bọn giặc phương Tây luôn lăm le cướp nước, hại dân. Do đó mà “trăm năm cần có tớ” là một lời khẳng định hùng hồn, vững chắc về tầm quan trọng của bản thân đối với công cuộc bảo vệ, phục hưng nước nhà. Nói tới đây thì một người cũng cùng chung chí hướng, tư tưởng lớn với ông là Nguyễn Công Trứ có câu thơ: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”. Do đó mà với quan niệm chí làm trai như đã được đề cập ở trên thì người nam nhi cần phải sống hết mình, sức dài vai rộng dựng xây quê hương để xứng đáng với cái danh nam nhi của mình. Khi đã khẳng định được tầm vóc, sứ mệnh của bản thân rồi thì tác giả tiếp tục dành một câu thơ như lời ngỏ ý, sự khích lệ cho lớp trẻ thanh niên hôm nay và mai sau tiếp nối sự nghiệp.

       Đất nước lúc bấy giờ rơi vào tay giặc, nhân dân cơ cực từng tháng ngày, nhận thức hiện thực bấy giờ của đất nước mà hai câu luận ông viết:

“Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”

       Đứng trước hiện trạng của đất nước lúc bấy giờ ông không phủ nhận mà luôn nhìn nhận đúng, mọi hành động luôn song hành cùng nước nhà. Đất nước khi này đã mất chủ quyền, mọi công sức xây dựng của ông cha ta đổ sông đổ biển rơi vào tay giặc “non sông đã chết”, chính vì một lòng yêu nước sâu đậm, nồng nàn đó là điều khiến ông thấy “sống thêm nhục” . Phan Bội Châu từng là một nhà Nho giáo nhưng hơi hướng của ông vô cùng phóng khoáng, mới mẻ, ông dám vạch trần, nhìn thẳng vào sự tụt hậu của nền Nho học không thể đủ sức giúp nước nhà phục hưng, tác giả thể hiện nỗi đau khổ của chí sĩ yêu nước. Hai câu thơ này có thể nói lên một Phan Bội Châu đầy mới mẻ, lý tưởng cao đẹp, sống thật và hơn hết là một trái tim yêu dân yêu nước nồng nàn, nén nỗi đau cá nhân vì dân tộc, món nợ công danh của đời mình.

       Để rồi khi nén nỗi đau vào lòng, ông đã mạnh dạn nêu lên khát vọng, ý chí mãnh liệt của mình vì đất nước ở hai câu cuối:

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.”

       Hai câu thơ thôi mà tác giả như vẽ lên một bức tranh kì vĩ, rộng lớn về biển Đông, mọi vạn vật đều lớn mạnh, trào dâng đó là những ngọn gió lớn, đợt sóng bạc. Sức mạnh, lòng yêu nước nồng nàn muốn ôm trùm thiên hạ chỉ qua những hình ảnh như thế cũng đủ để thấy rõ.

      Bài thơ lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu là một áng văn đầy ý nghĩa, khát vọng cao đẹp của một nhà Cách Mạng tài ba. Cảm hứng yêu nước, vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ, nêu lên lý tưởng sống đẹp đẽ, cao cả của một người con dân tộc như Phan Bội Châu. Chủ nghĩa yêu nước sáng ngời qua ngòi bút sắc bén của ông, một phương tiện đắt giá để chiến đấu hết sức thuyết phục. 

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021