logo

Cảm nhận về bài thơ Lưu biệt khi xuất dương


Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

 Cảm nhận về bài thơ Lưu biệt khi xuất dương | Văn mẫu 11 hay nhất

         Sê khốp đã từng có ý kiến rằng: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả, nếu anh không có giọng riêng, anh ta có trở thành nhà văn hiện thực”. Vâng, mỗi nhà văn, nhà thơ muốn để lại dấu ấn cho độc giả thì phải có đặc trưng, phong cách của riêng mình. Cây đại thụ lớn góp phần vào nền văn học Việt Nam có thể gọi tên Phan Bội Châu. Tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ mang đậm khi thế dân tộc, lý tưởng cao đẹp của ông.

        Phan Bội Châu trong một lần lên đường sang Nhật Bản vào năm 1905 đã cảm hứng sáng tác bài thơ Lưu biệt khi xuất dương. Thực trạng khó khăn của nước ta lúc bấy giờ đang trong tình cảnh mất nước, dân lầm than trước ách đô hộ tàn bạo của bọn thực dân Pháp. Ngòi bút rắn chắc, hiện thực của Phan Bội Châu không chối bỏ thực tại mà nhìn thẳng vào nó với chất văn sắc bén, có thể cảm hóa được lòng người, mang lý tưởng cao đẹp mà đấng nam nhi phải hoàn thành trong cõi đời này đó là khôi phục lại giang sơn, dựng xây nước nhà.

       Phải sống cao đẹp, cho xứng đáng với danh xưng nam nhi của mình chính là cảm hứng về chí làm trai, trách nhiệm của người con đất Việt xuyên suốt bài thơ. Cảm hứng lãng mạn sục sôi khí thế, hừng hực nhiệt huyết được thể hiện trong bài:

"Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời"

         Đối với ông, sinh ra là đấng nam nhi thì phải có lý tưởng cao đẹp, không tầm thường, không sống mặc kệ đời mà phải biết vùng lên, thay đổi số phận, vận mệnh đất nước, làm những điều mà người ta chưa làm, phải “lạ ở trên đời” là thế. Bởi chí làm trai thường đi cùng với cái mộng công danh “Công danh nam tử còn vương nợ” (Phạm Ngũ Lão), hay phải vùng vẫy tứ phương “Chí làm trai nam, bắc, tây, đông/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Nguyễn Công Trứ).

          Khi đưa ra lý tưởng sống của nam nhi, chí làm trai thì ở hai câu tiếp theo tác giả đi đến khẳng định mình giữa cuộc đời rộng lớn này:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai?”

         Ở đây Cái Tôi cao đẹp được nói lên thật dõng dạc. Nhưng cái tôi này là cái tôi của nghĩa cử cao đẹp, của đáng nam nhi với những điều cao đẹp, chủ động gánh trên vai trọng trách, phụng sự nước nhà chứ không phải cái tôi hưởng thụ, trốn tránh trách nhiệm, mặc kệ đời. Một lẽ sống anh hùng thật cao cả, vượt lên trên tất cả, không tầm thường, tiếng đồn vang xa.

         Khác với những tác phẩm văn học ngoài kia, trước những điều không tốt trong hiện thực Phan Bội Châu luôn có thái độ thẳng thắng, chấp nhận nhìn thẳng vào mọi thứ để mà lên tiếng cho cái đẹp. Ông thấm thía nỗi đau mất nước, dân sống nghèo đói, cơ cực từng ngày. “Non sông đã chết” một sự khẳng định thẳng thắng, dứt khoát nhưng đầy sự đau đớn, ông không để mình lún vào cảnh bi thương, không chấp nhận điều đó mà câu thơ ẩn chứa khí thế sục sôi của một tinh thần sung sức, dũng cảm, hiếu chiến, muốn giành lại quê hương:

 “Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”

        Hai câu thơ cho thấy sự nhìn nhận rất đúng đắn về thời thế lúc bấy giờ, tác giả đã tỉnh táo nhận ra rằng Nho học không phù hợp với nước ta khi này “hiền thánh còn đâu học cũng hoài”. Tuy nhiên không vì thế mà mặc kệ, tiếp tục đi theo hướng cũ không hiệu quả mà ông có suy nghĩ mang tầm lớn lao, hiên ngang của một nam tử giàu lòng yêu nước.

 “Muốn vượt biển Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”

       Một ý chí vươn tầm cao, đầy liều lĩnh “Muốn vượt biển Đông”, vượt mọi giới hạn, khả năng để tiến xa hơn dựng xây lại đất nước của tác giả đi cùng một hình ảnh ẩn dụ “muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” là một ý chí, sự quyết tâm chắc chắn, đầy khát khao.

       Khép lại tám dòng thơ ngắn ngủi của Phan Bội Châu nhưng âm hưởng về niềm kiêu hãnh, sự hi vọng trong khát vọng lớn lao của người chí sĩ Cách mạng còn vang mãi. Bài thơ sẽ là một khúc ca vang lên đánh thức lòng yêu nước, thái độ sống đẹp cho mọi thế hệ người dân Việt Nam.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021