logo

Phân tích Lưu biệt khi xuất dương ngắn nhất


Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương ngắn nhất

Phân tích bài thơ: Lưu biệt khi xuất dương | Văn mẫu 11 hay nhất

        Trong hoàn cảnh đất nước cần được thổi một luồng gió mới để ngày càng phát triển, bài thơ “Xuất dương lưu biệt “của Phan Bội đã thể hiện chí lớn cứu nước,  khí thể hăm hở, khí phách anh hùng tinh thần quyết liệt và những tư tưởng cách tân tiến hộ của ông.

       Mở đầu bài thơ, lại là chí nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, của trang nam nhi hảo hán một thời:

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời”

         Nguyễn Công Trứ từng nói: Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Chí làm trai, nợ nam nhi vốn là sứ mệnh, là câu niệm của bất kể người hảo hán nào lúc bấy giờ.Nhưng ở đây, cái mới mẻ của Phan Bội Châu là ông nhận ra và nhấn mạnh rằng, cái nợ công danh ấy, phải xuất thân từ sự chủ động của người nam nhi, không phải để càn khôn xoay chuyển còn mình thụ động trong dòng luân hồi ấy của tạo hóa. Chủ động, hăm hở, quyết liệt lập nên danh trạng để xứng đáng với dân tộc, non sông, với gia tộc, đó là nghĩa lớn, là lí tưởng lớn mà ở đây Phan Bội Châu nhấn mạnh. 

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai?”

        Câu thơ thứ nhất, thể hiện rất rõ ý thức thị tài của nhân vật trữ tình, rằng mình là trọng yếu, là cốt điểm , ý thức thị tài thực chất không phải đến bây giờ mới xuất hiện, nó đã mon men xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, và đến Phan Bội Châu một lần nữa ý thức thị tài được khẳng định mạnh mẽ hơn. Đồng thời, ở câu thơ tiếp theo sau, nhà thơ thể hiện niềm tin của mình vào tuổi trẻ, vào hậu thế, vào non nước thiên thu vạn đại với những bậc hiền tài có thể làm rạng danh non sông. Nhưng tin tưởng mà không mù quáng, trong thời buổi lúc bấy giờ, việc chỉ chăm chăm đọc sách thánh hiền, ngâm thơ thưởng họa, liệu có là thượng sách giúp nước, ông chỉ ra sự lạc hậu, u mê của dân tộc lúc bấy giờ:

“Non sông đã chết sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài”

        Hai câu thơ nhưng đã bao quát được toàn bộ bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, thấy được rằng trong hoàn cảnh đất nước cần đổi mới, canh tần, cần một luồng gió mới để phát triển, đạo Nho không còn là trọng yếu, và cũng không còn phù hợp trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Tất cả những lí thuyết, những chữ thánh hiền ấy, không giúp ích gì trong việc phát triển, canh tân đất nước. Vậy nên, đừng quá mê muội, chỉ biết chăm chăm đọc sách tu tâm, cần phải có tư tưởng lớn, đổi mới, thoát khỏi những nguyên tắc đã cổ hủ lỗi thời để tạo thêm bước tiến mới: 

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.

       Câu thơ lấp lánh ánh sáng, vẻ đẹp lãng mạn, nâng cánh tâm hồn người đọc, đồng thời thể hiện khí phách hào hùng, sự quyết tâm của nhân vật trữ tình trong hành trình nỗ lực không ngừng tiến ra biển lớn. Thế nên hình ảnh thơ “sóng bạc”, “bể Đông”, như được lấp đầy bởi sự lãng mạn, lí tưởng và một niềm lạc quan hứng khởi vào tương lai của dân tộc. Chính vì thế mà ăm ắp niềm tin, như phơi phới con thuyền hy vọng được giong buồm ra khơi.

       “Xuất dương lưu biệt” dường như là gạch nối giữa hai thể loại thơ, mở ra những liên tưởng, suy ngẫm, và bước tiến, bước cách tân mới trong việc thể hiện lí tưởng của trang nam nhi, đặc biệt là việc canh tân phát triển đất nước. Không chỉ mang màu sắc lãng mạn, bài thơ cũng đã phản ánh phần nào hiện thực suy yếu của đạo Nho lúc bấy giờ, chính vì thế càng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dòng chảy văn học muôn thuở của dân tộc.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021