logo

Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh diều

Cố hương là bức tranh xơ xác, tiêu điều về xã hội Trung Quốc. Qua văn bản tác giả cũng cho ta thấy sự thay đổi nhanh chóng của con người sau nhiều năm không gặp. Dưới đây là bài văn mẫu Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh diều. Mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.


Dàn ý Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh diều

Mở bài 

Giới thiệu về tác giả Lỗ Tấn.

+ Là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc với nhiều tác phẩm nổi tiếng. 

Giới thiệu khái quát bài Cố hương.

Thân bài: 

Phân tích theo bố cục của bài gồm: 3 phần

Phần 1 (Từ đầu đến “Làm ăn sinh sống”): Nhân vật “tôi” trên đường về quê.

+ Cảnh vật trời đông lạnh giá.

+ Mục đích về quê là gì?

+ Không gian làng quê như thế nào?

Phần 2 (Tiếp đó đến “Sạch trơn như quét”): Nhân vật “tôi” những ngày ở quê.

+ Cảnh vật làng quê.

+ Con người nơi đây:

Nhuận Thổ

Thủy Sinh

Thím Hai Dương

Nhấn mạnh sự thay đổi của con người sau nhiều năm không gặp.

Phần 3 (Còn lại): Nhân vật “tôi” trên đường xa quê.

+ Hoàn cảnh.

+ Tâm trạng lẻ loi, ngột ngạt khi ngồi trên thuyền.

+ Mong ước chúng sẽ có cuộc sống tốt hơn. 

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, bố cục chặt chẽ.

Nghệ thuật hồi ức và đối chiếu được kết hợp một cách nhuần nhuyễn và khéo léo để làm nổi bật sự thay đổi của con người và cảnh vật nơi đây. 

Kết bài: 

Khái quát lại nội dung và nghệ thuật của bài. 

Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh diều

>>> Tham khảo: Phân tích và cảm nhận truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn


Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh diều

      Tác giả Lỗ Tấn (1881-1936) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Là nhà văn của nhân dân lao động, cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là người khởi xướng đổi mới hình thức thể loại truyện ngắn và phát triển thể loại tạp văn. Tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại

       “ Cố hương” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của tập “Gào Thét” (1923 ). Cố hương có nghĩa là quê cũ. Người dịch không để nhan đề quê cũ mà là cố hương - một cái tên nghe khá "cổ" để nhấn mạnh vào cái cũ, gợi về xã hội nông thôn cũ trước kia, đồng thời đây là cái tên mang đậm màu sắc trữ tình, thể hiện tình cảm của "tôi" với cố hương. Cố hương là bức tranh xơ xác, tiêu điều về xã hội Trung Quốc những năm cuối thế kì XIX đầu thế kỉ XX. Thông qua việc tường thuật chuyến về quê lần cuối của nhân vật “tôi”, những rung cảm của “tôi” trước sự thay đổi của quê hương, đặc biệt là của Nhuận Thổ, tác giả phản ánh thực trạng xã hội phong kiến Trung Quốc. 

       Ở phần đầu của bài đó là hình ảnh trên đường về quê của nhân vật “tôi” và cuộc gặp gỡ tình cờ với người bạn thời thơ ấu Nhuận Thổ. Giữa trời mùa đông giá rét, khi đang ngồi nhâm nhi tách trà sau bữa cơm nhân vật “ tôi” bỗng nghe thấy có ai đi vào. Thật tình cờ không ai khác người đó chính là Nhuận Thổ người bạn thời thơ ấu của nhân vật “tôi”. Nhuận Thổ giờ đây trông thật khác với ngày xưa và khác so với suy nghĩ của tác giả. Trong kí ức của tác giả Nhuận Thổ là cậu bé với khuôn mặt tròn trĩnh và nước da bánh mật. Những chi tiết miêu tả về đặc điểm ngoại hình của cậu bé là chiếc mũ lông đội đầu và chiếc vòng bạc lấp lánh ở cổ. Đó là điều không phải đứa bé nào cũng có được, tưởng chừng như cả tương lai rộng mở phía trước kia sẽ chào đón cậu. Thế nhưng, giờ đây vì cuộc sống thiếu thốn, cùng cực nên trông cậu già đi hẳn và lại có thêm những nếp nhăn sâu hoắm. 

Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh diều

      Nhuận Thổ không những khác là về vẻ bề ngoài mà đến tính cách của cậu cũng nhu mì đi, cậu chậm chạp, ít nói và trông hèn kém. Điều đó cũng hết sức bình thường, cậu cũng như bao người khác bị xã hội đưa đẩy, chèn ép và cuối cùng trở thành người như vậy. Trong chuyến về quê lần này tác giả để từ giã làng quê, chào tạm biệt với những người thân nơi đây và đưa gia đình đến nơi khác sinh sống tốt hơn. Nhuận Thổ và nhân vật “ tôi” là những người bạn thân thiết từ thời thơ ấu, khi nghe tin người bạn của mình trở về Nhuận Thổ vui sướng biết bao sang thăm bạn của mình thế nhưng giữa hai người bạn này giờ đây như có bức tường ngăn cách, không còn được thoải mái như trước kia mà lại bẩm ông và xưng con. Biết bao nhiêu câu chuyện muốn nói nào là: chim chào mào, cá nhảy..... nhưng như có thứ gì đó chặn lại nếu như là ngày xưa có thể nói ngay được thì bây giờ đây bức tường ngăn cách quá lớn khiến hai nhân vật không còn thoải mái như xưa. Thay vào đó là thái độ cung kính và nghe có vẻ xa lạ. 

      Nhân vật Thủy Sinh là con trai thứ năm của Nhuận Thổ, nhút nhát, e thẹn như bố. Núp sau lưng bố và không chịu ló mặt ra. Thủy Sinh giống hết bố còn nhỏ chỉ khác là gầy còm, vàng vọt và cổ không đeo vòng bạc. Tác giả cũng ngầm lo lắng cho tương lai của Thủy Sinh, liệu sau này nó có như bố nó không, vẫn con đường đó rồi lại vất vả, khổ cực không thoát ra được. Tác giả cũng cảm thấy buồn thay cho tình bạn của Hoàng và Thủy Sinh chúng cũng như tác giả trước kia vừa gặp đã rất thân thiết, hứa hẹn đủ điều. Thế nhưng vì cuộc sống mà phải chia tay nhau liệu khi gặp lại có bị cản trở như tình bạn của “ tôi” và “ Nhuận Thổ” như bây giờ không. 

      Những ngày ở quê của tác giả khung cảnh làng quê vào buổi sáng tinh mơ, trên mái ngói mấy cọng rơm khô bay phấp phơi. Xung quanh làng xóm họ đã chuyển đi nhiều, nên lại càng hoang vắng, hiu quạnh hơn. Khung cảnh hoang vắng, xác xơ, ảm đạm như vậy làm cho tác giả cảm thấy buồn tẻ hơn. Con người nơi đây cũng đã thay đổi một cách chóng mặt. Thím Hai Dương 20 năm trước là một người phụ nữ duyên dáng, được mọi người yêu mến, sau 20 năm trở thành người phụ nữ xấu cả bề ngoài lẫn tính tình. Nàng Tây Thi Đậu Phụ, Nhuận Thổ tất cả đều thay đổi, vì cuộc sống xô đẩy mà con người không còn được như trước nữa, vất vả khổ cực nhiều nên tính tình cũng từ đó mà thay đổi theo. Nhà văn đang nhìn thẳng vào hiện thực xã hội tha hóa con người và dùng văn chương phơi bày hiện thực để thức tỉnh con người, “chữa bệnh tinh thần cho dân tộc”. 

      Trên đường rời xa quê,  khung cảnh chiều hoàng hôn thật đẹp nhưng luôn gợi cho người ta cảm giác buồn man mác. Càng buồn hơn khi tác giả đang ngồi trên con thuyền để rời xa quê hương, lần rơi xa này chẳng biết bao giờ mới quay trở lại, chẳng biết bao giờ mới gặp lại những người dân nơi đây và chẳng biết có còn cơ hội để gặp lại lần nữa hay không. Thuyền càng đi xa khung cảnh ngôi nhà cũ cũng xa dần theo, phong cảnh ngôi làng cũng từ đó mà mờ theo. Tác giả cảm thấy lẻ loi, ngột ngạt như bị nhốt trong một bức tường kín. Tâm trạng lúc này thực sự rất khó diễn tả và mọi thứ như đè nén lên tâm trạng của tác giả. Hình ảnh của Nhuận Thổ trước đây tác giả nhớ rất kĩ nhưng giờ cũng như bị mờ nhạt đi. Tác giả nhớ  về tình bạn giữa mình và Nhuận Thổ tuy giờ đây cách một bức tường lớn nhưng trong thâm tâm họ vẫn là những người bạn tốt. Chỉ vì hoàn cảnh, cuộc sống đưa đẩy nên mới tạo nên khoảng cách như vậy. Thế nhưng con cháu của họ Thủy Sinh và Hoàng vừa gặp đã thân thiết với nhau đó chẳng phải là điều tốt hay sao. 

      Tác giả mong chúng sẽ không giống mình, không bị bức tường nào ngăn cản cả. Tác giả mong chúng sẽ có một cuộc đời mới, một cuộc đời tốt hơn, ít vất vả hơn. Để chúng sẽ không trở thành những người cha ông chúng vì cuộc sống mưu sinh vất vả rời xa quê hương để đến khi trở về thì đã có một bức tường lớn ngăn cách. 

      Hình ảnh con đường mà tác giả nhắc ở cuối văn bản chúng có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất con đường sông, đường thủy hay đường bộ là những con đường mà con người chúng ta đi hàng ngày, đi mãi đi mãi thì nó cũng thành con đường chứ đâu phải sinh ra là đã có đường đâu. Con đường này cũng chính là con đường mà gia đình cả tôi và gia đình đang đi. Cứ đi mãi đi mãi thì nó cũng thành con đường. Nghĩa thứ hai đó là đang nói đến Con đường cho cả dân tộc Trung Hoa xây dựng, đổi mới, đó là niềm hy vọng của các nhà văn về một ngày mai tươi sáng đối với cả dân tộc. 

      Hai biện pháp nghệ thuật chính được tác giả sử dụng trong truyện là hồi ức và đối chiếu được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khéo léo để làm nổi bật sự thay đổi của con người và cảnh vật. Đồng thời, tác giả làm cho người đọc cảm thấy bất ngờ trước sự thay đổi của con người nơi đây. Bằng thủ pháp đối chiếu và tương phản, tác giả đã phản ánh tình cảnh suy thoái về mọi mặt của xã hội phong kiến Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Ông phân tích nguyên nhân và lên án các thế lực hủ bại đã đẩy xã hội vào thực trạng đáng buồn. Bên cạnh đó, Lỗ Tấn cũng chỉ ra những mặt tiêu cực nằm ngay trong tâm hồn, tính cách của người lao động. Vì cuộc sống vất vả đã kìm hãm sự phát triển của con người. 

      Hình ảnh “ cố hương” trong tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa là nơi sinh ra ta, nơi quê hương đất mẹ để ta nhớ về, mà còn là bức tranh thu nhỏ của xã hội. Văn bản đã khắc họa thành công nhân vật với những nét miêu tả vô cùng chân thực, qua đó cũng thể hiện nỗi vất vả của con người nơi đây. Sự bần hèn, khổ cực của cuộc sống lúc bấy giờ được hiện lên rất rõ trong tác phẩm. Văn bản cũng đã nói lên nỗi nhớ về quê hương của tác giả khi phải rời xa quê hương mình đến một nơi khác sinh sống. 

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến cho các bạn bài văn mẫu Phân tích bài Cố hương lớp 8 Cánh Diều. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo. 

 

icon-date
Xuất bản : 12/02/2023 - Cập nhật : 15/08/2023