logo

Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Người xưa thường nói: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Họ đã nhận thực được rằng, nền móng căn bản để gây dựng sự hưng thịnh của một đất nước phải nhờ vào những người có tài. Dưới đây là dàn ý và bài văn mẫu Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia do Toploigiai biên soạn, mời các bạn tham khảo.


1. Lập dàn ý Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia 

a. Mở bài: Giới thiệu ý nghĩa của tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia

b. Thân bài:

- Giải thích định nghĩa của tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia

- Vì sao người xưa lại quan niệm rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia?

+ Lấy những ví dụ về những bậc hiền tài ngày xưa đã cống hiến gì cho đất nước.

+ Lấy ví dụ trong thời điểm hiện tại: Nhà khoa học nghiên cứu thuốc chữa bệnh, bác sĩ cứu người,...

+ Những người có tầm nhìn thành những chính trị gia tài ba, đưa đất nước phát triển ổn định.

- Làm thế nào để thể hiện sự trọng dụng và khuyến khích việc học tập?

- Ý nghĩa của việc khắc tên những tiến sĩ, sĩ tử đỗ đạt lên bia đá ngày xưa.

- Ngoài tài giỏi, còn đức tính nào cần thiết?

c. Kết bài: Liên hệ bản thân và khẳng định lại tầm quan trọng của hiền tài.

Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

2. Bài văn mẫu Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia 

Trong một xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, việc xây dựng đất nước và khai thác công nghệ đang là một vấn đề cấp thiết. Và để giải quyết vấn đề này, phần lớn động lực thuộc về lực lượng chính để phát triển đất nước hiện nay - những người tuổi trẻ có tài. Vấn đề này cũng đã được người xưa đề cập đến qua câu nói: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Họ đã nhận thực được rằng, nền móng căn bản để gây dựng sự hưng thịnh của một đất nước phải nhờ vào những người có tài.

Giải thích định nghĩa của tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Theo các định nghĩa của cổ nhân, hiền tài là những người có tài, giúp được vua trong việc trị nước ngày xưa. Không những vậy, họ còn có đức. Đây là những tấm gương sáng, luôn đi đầu trong việc tu dưỡng đạo đức để cống hiến cho nước nhà. Hiện nay, định nghĩa này cũng không được thay đổi, dùng để chỉ chung những người có tài và còn có phẩm chất tốt đẹp. Còn “nguyên khí” trong nhiều sách xưa lại có những định nghĩa khác nhau. Có định nghĩa cho rằng, nguyên khí là thứ được tạo nên từ tinh hoa đất trời, cũng có văn tự cho rằng đây là tính khí của con người sinh ra. Tuy nhiên, theo ngữ nghĩa trong câu, ta có thể hiểu rằng nguyên khí là thực lực của một đất nước.

Vì sao người xưa lại quan niệm rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia?

Từ ngày xưa, những bậc vua chúa đã hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng những người tài sẽ định đoạt đến vận mệnh của đất nước. Vậy nên trong lịch sử, những cuộc thi diễn ra để triều đình chọn người tài làm quan, và mức độ khó khăn cũng không kém các kì thi hiện nay. Thời đại được đánh giá chú trọng về vấn đề thi cử nhất chính là thời vua Lê Thánh Tông. Minh chứng rõ nhất là việc ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xây dựng. Vậy nên, thời đại này cũng được đánh giá là hưng thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Những nhà chính trị vĩ đại thời kỳ trước đều là những người có đầu óc và trí tuệ hơn người. 

Không lấy làm xa, gần đây nhất ta có thể kể đến chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị và vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người thông thạo nhiều thứ tiếng, có sự hiểu biết sâu rộng và lòng đức độ hơn người. Vậy nên, dưới sự dẫn dắt của người, dân tộc Việt Nam tìm ra ánh sáng chân lý. Và sau quá trình giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân ta lại đạt được nhiều thành tựu về kinh tế. Mà phần sức lực này không thể không kể đến những người tài giỏi ngày đêm góp sức cho Tổ quốc. 

Làm thế nào để thể hiện sự trọng dụng và khuyến khích việc học tập?

Ngày nay, để thể hiện sự trọng dụng những bậc hiền tài, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như học bổng, phần thưởng,... Những điều này giúp cho học sinh đặt ra mục tiêu và cố gắng phấn đấu đạt được nó. Tại những vùng sâu xa, từng ngôi trường được xây dựng và khuyến khích đưa con em tới trường. Vấn đề học tập ngày nay được cả nhà nước và xã hội quan tâm vượt bậc. 

Ý nghĩa của việc khắc tên những tiến sĩ, sĩ tử đỗ đạt lên bia đá ngày xưa.

Điển hình của việc khuyến khích các sĩ tử thời trước là việc khắc tên, họ và chức vị đỗ đạt lên bia đá trong văn miếu Quốc Tử Giám. Hiện nay, những di tích đó vẫn còn và trở thành những nét văn hoá đặc sắc còn lưu lại của thời đại vua Lê Thánh Tông. Đến ngày nay, biến tấu so với việc khắc tên lên tượng, người ta dùng cách ghi tên lên những báo cáo, bảng vàng được đặt tại trường học, lớp học để cổ vũ tinh thần của học sinh. Đây cũng là một cách rất hiệu quả để khích lệ tinh thần học tập của mọi người.

Ngoài tài giỏi, còn đức tính nào cần thiết?

Đặc biệt, ngoài tài giỏi, người xưa đến nay đều biết kết hợp giữa đức và tài. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Sự liêm khiết là một tiêu chí trong quan liêu, trung thực trong thi cử,... là những yêu cầu quan trọng mà xã hội đặt ra hiện nay. Vậy nên, không chỉ luyện tài, mỗi chúng ta còn cần phải rèn đức.

Là một công dân đang sống tại thế kỉ 21, thế kỷ của sự phát triển về khoa học công nghệ như vũ bão, mỗi chúng ta cần rèn cho mình những đức tính tốt đẹp và một hành trang đầy đủ. Đó chính là kiến thức, thứ sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn. Thông qua đây, ta cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng câu nói của cổ nhân “hiền tài là nguyên khí quốc gia” là vô cùng chính xác. 

------------------------

Trên đây là dàn ý và bài văn mẫu Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia dành cho các bạn học sinh tham khảo. Hy vọng qua bài các bạn đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích cho quá trình học tập, chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/11/2022 - Cập nhật : 01/07/2023