Tiếng chim hót ngân vang vào buổi sớm làm cho thiên nhiên như bừng tỉnh và rộn ràng thêm sức sống. Thanh âm trong trẻo, du dương và rộn ràng ấy đã được thể hiện thật hay, thật nên thơ trong bài thơ “Tiếng chim buổi sáng” của Định Hải. Hãy cùng nêu cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong bài "Tiếng chim buổi sáng" để hòa mình vào tiếng hót say vui yêu đời của vạn vật và con người trong bài thơ nhé.
Sáng ra trời rộng đến đâu
Trời xanh như mới lần đầu biết xanh
Tiếng chim lay động lá cành
Tiếng chim đánh thức chồi xanh dậy cùng
Tiếng chim vỗ cánh bầy ong
Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm
Gọi bông lúa chín về thôn
Tiếng chim nhuộm óng cây rơm trước nhà
Tiếng chim cùng bé tưới hoa
Mát trong từng giọt nước hoà tiếng chim
Vòm cây xanh, đố bé tìm
Tiếng nào riêng giữa trăm nghìn tiếng chung
Mà vườn hoa cũng lạ lùng
Nghiêng tai nghe đến không cùng tiếng chim
1, Mở bài
- Giới thiệu bài thơ, tác giả.
- Cảm nhận chung về bức tranh thiên nhiên: Bức tranh thiên nhiên giản dị, không màu mè mà tràn trề sức sống.
2, Thân bài
- Thiên nhiên được cảm nhận từ cao xa đến gần, từ bầu trời xuống mặt đất. Và được cảm nhận bằng mọi giác quan.
- Liệt kê nhiều hình ảnh dung dị, đời thường: chồi xanh, bầy ong, lúa chín… làm cho hình ảnh thiên nhiên tràn trề màu sắc và đầy sức sống.
- Trong đó thấp thoáng dáng hình lao động của con người, hé lộ một vụ mùa bội thu.
- Con người và thiên nhiên như hoà làm một làm nên một bức tranh sinh động và giàu sức sống
3, Kết bài
- Tiếng chim trở đi trở lại trong bài thơ thể hiện sự trân trọng, lắng nghe và cảm nhận thanh âm của cuộc sống
- Đó cũng là tình yêu, sự gắn bó của nhà thơ với cuộc đời.
Tiếng chim buổi sáng của Định Hải là một trong những bài thơ hay trong chùm thơ ca viết về thiên nhiên, cảnh sắc của vạn vật. Toàn bài thơ là âm thanh rộn rã của tiếng chim, làm tươi mới không gian, đánh thức vạn vật cùng sinh sôi, nảy nở. Bức tranh thiên nhiên giản dị, không màu mè mà tràn trề sức sống làm bất cứ ai cũng xốn xang
Sáng ra trời rộng đến đâu
Trời xanh như mới lần đầu biết xanh
Tiếng chim lay động lá cành
Tiếng chim đánh thức chồi xanh dậy cùng
Bức tranh thiên nhiên được nhà thơ cảm nhận từ không gian cao rộng của bầu trời “sáng ra trời rộng đến đâu”, từ độ thăm thẳm đến không cùng của một buổi sáng mùa hè với bầu trời xanh “như mới lần đầu biết xanh”. Trong không gian đó tiếng chim cất cao tiếng hát như đánh thức vạn vật, tiếp thêm sinh khí cho đất trời “lay động lá cành”, “đánh thức chồi xanh dậy cùng”
Từ không gian cao rộng của bầu trời, thiên nhiên được quan sát và cảm nhận qua những biến chuyển của vạn vật trên mặt đất. Từ bầy ong vỗ cánh đi hút nhuỵ hoa làm mật thơm cho đời, đến nắng vàng thơm rải trên cánh đồng, đến bông lúa chín, rồi đến cây rơm trước nhà. Thiên nhiên được mở rộng hơn với những cảnh sắc vui nhộn của đất trời khi vào hè. Hình ảnh nắng rải đồng, cây rơm vàng óng gợi một vụ mùa bội thu, bức tranh càng thêm giàu sức sống của cuộc đời. Sắc vàng óng của nắng, của rơm, của lúa, càng làm cho không gian thêm rực rỡ, tươi vui. Thiên nhiên còn sinh động hơn là nhờ hình ảnh bé tưới hoa, mỗi giọt nước như hòa cùng tiếng chim. Phép liệt kê tiếng chim, nhân hoá tiếng chim gọi bông lúa, cùng bé tưới hoa, đánh thức chồi xanh… khiến không gian thiên nhiên thêm sinh động, gần gũi. Nhà thơ như đang cảm nhận thanh âm của đất trời bằng tất cả các giác quan, bằng sự say mê đến lạ lùng:
Tiếng chim vỗ cánh bầy ong
Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm
Gọi bông lúa chín về thôn
Tiếng chim nhuộm óng cây rơm trước nhà
Tiếng chim cùng bé tưới hoa
Mát trong từng giọt nước hoà tiếng chim
Có thể nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tiếng chim buổi sáng là một không gian rộng lớn, được cảm nhận ở nhiều chiều từ cao rộng trên bầu trời cho đến mặt đất, ở nhiều sự vật từ cành cây, chồi lá, bầy ong cho đến con người. Trong đó thấp thoáng là dáng hình lao động vất vả nhưng hăng say của người lao động trên cánh đồng. Những hình ảnh bông lúa chín về thôn, cây rơm trước nhà hé lộ một vụ mùa bội thu. Thiên nhiên tươi đẹp, giản dị và vô cùng gần gũi với đời sống của con người. Con người với thiên nhiên như hoà vào làm một, một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, sinh động và giàu sức sống.
Tiếng chim trở đi trở lại trong bài thơ thể hiện sự trân trọng, lắng nghe và cảm nhận thanh âm của cuộc sống. Đó cũng là sự tinh tế của tác giả Định Hải khi nắm bắt những khoảnh khắc bình dị, đời thường và đưa vào trong thơ. Thông qua bài thơ hẳn mỗi người đều thấy yêu mến và gắn bó với thiên nhiên, với những thứ bình dị, thân quen trong cuộc sống của mình.
---------------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Nêu cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong bài Tiếng chim buổi sáng. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.