logo

Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy

Thuộc phân lưu của sông Thái Bình, Sài Giang - hay sông Kinh Thầy từ bao đời đã là chứng nhân lịch sử, mang trên mình vẻ đẹp thời gian cùng sự tích kỳ bí. Toploigiai sẽ cùng bạn Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy để khám phá nguồn gốc nơi đây nhé! 


Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy - Mẫu số 1

      Thuộc thể loại truyện truyền thuyết Việt Nam với đặc trưng là ca ngợi người có công lao với đất nước, sự tích sông Kinh Thầy là câu chuyện kể về chàng trai dũng cảm đã xả thân diệt trừ rồng đen hung ác. Chàng trai ấy tên là Kinh Thầy, được mẹ hạ sinh một cách rất tình cờ, khi bà vô tình giúp một bà cụ ăn xin có đồ ăn áo mặc. Vốn là con trời ban, từ nhỏ chàng đã bộc lộ phẩm chất là một thiếu niên ưu tú hơn người. Nhận ra được tài năng thiên bẩm ấy, vị đạo sĩ nọ đã nhận nuôi nấng, dạy cho chàng phép thần thông biến hóa. 

Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy

      Một ngày, ông chỉ ngọn núi phía xa có yêu quái hại người, khuyên Kinh Thầy tới đó diệt trừ cái ác. Khi chàng đi tới nơi, thấy buôn làng vắng vẻ cùng khung cảnh xơ xác đìu hiu, đã quyết tâm phải tiêu diệt bằng được con yêu quái nọ. Biết được chỉ khi nào có khói, con rồng đen kia mới tìm đến, chàng đã biến ra ngọn lửa to cháy rụi cạn nước ao hồ, còn xây cả bức tường to ngăn không để người dân bị cuộc chiến ảnh hưởng. Kinh Thầy cùng con rồng đen tranh đấu bất phân thắng bại, khói trời mịt mù, cây cối nghiêng ngả trong những đường gươm sáng rực. Rồng đen bị nhốt lại trong lồng sáng từ thanh gươm của Kinh Thầy, giãy dụa phun lửa tứ tung. Rồi chàng lại hô mưa gọi gió dập tắt đi ngọn lửa của miệng rồng, xối nước mưa vào khiến hai mắt nó nhắm nghiền lại, không còn nhìn rõ phương hướng. Vốn có tài nghệ bắn tên trăm trận trăm thắng, nhưng bởi vảy rồng đen vừa cứng vừa dày, mũi tên bay trúng đích nhưng toàn bị cong lại, khiến Kinh Thầy cũng dần kiệt sức. Rồng đen quằn quại quẫy đuôi khi mưa thốc từ đuôi nó lên, xoay chiều nào mưa đuổi theo chiều đó, nhưng rồi cũng phá được lồng sáng và tung rắn độc ra tấn công Kinh Thầy. 

      Chàng lại vung gươm chém từng đợt rết hung tợn, rồi kiệt sức sau ba ngày ba đêm. Bỗng nhiên khi sức yếu và họng rát bỏng, lại có một quả đào tiên bay tới tiếp thêm cho chàng sức mạnh. Ăn xong đào, Kinh Thầy hồi phục và kết liễu con quái vật hung ác sau ngày thứ năm, khi bắn trúng hai mắt nó, rồi chém đôi chiếc đầu, trở thành đỉnh núi An Phụ ngày nay. Mắt rồng thành hai cái giếng đục, còn thân rồng ngã xuống trở thành dải núi dọc huyện Kinh Môn. Còn sông ngòi do chàng lấy tay làm mai xẻ đất, được gọi tên là Kinh Thầy để tưởng nhớ công ơn về chàng trai dũng cảm. 


Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy - Mẫu số 2

      Bất cứ ai khi có dịp đi qua khu vực huyện Kinh Môn và sông Kinh Thầy ngày nay, đều trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên sông nước hữu tình thơ mộng cùng nét hoang sơ.tạo nên hệ sinh thái đa dạng của nơi đây. Và ít ai biết, sông Kinh Thầy gắn với nguồn gốc ra đời rất kì bí của dân gian xưa, là truyền thuyết kể về vị anh hùng Kinh Thầy có công với đất nước. 

      Theo như lời kể lại, đó là một chàng trai từ nhỏ đã có năng khiếu đặc biệt, tinh thông võ nghệ bắn cung, với tài thiện xạ bách trúng bách thắng. Chàng là con trời ban, giúp đỡ cho người mẹ suốt nhiều năm ròng không có mang, sau khi bà biết giúp đỡ chia sẻ cho một vị tiên giả làm người hành khất có cơm ăn áo mặc. Được thụ thai từ bông hoa rừng thơm ngát trên núi, lại được mẹ mang thai chín tháng mười ngày, Kinh Thầy mang những phẩm chất hiếm có trong thiên hạ. Chàng tinh thông các phép thần thông, được vị đạo sĩ dạy cho hô mưa gọi gió, giúp đỡ dân lành. 

Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy (Ảnh 2)

      Chàng đã lên đường theo lời căn dặn của đạo sĩ để giúp diệt trừ cái ác, khi biết phía Bắc có yêu quái hung dữ ăn thịt người, hoành hành khiến cuộc sống của dân nghèo lầm than. Tới nơi, chàng không khỏi phẫn nộ khi chứng kiến khung cảnh làng mạc tiêu điều, dân cư thưa thớt, thậm chí họ không cả dám nấu ăn vì sợ khói bếp sẽ lại dụ con quái vật kia bay tới nơi. Không ngần ngại, Kinh Thầy biến ra biển lửa cao ngất nóng tới nỗi làm cạn nước ao hồ, xây tường cao bảo vệ người dân rồi gọi con quái vật kia về ứng chiến. Quả nhiên không ngoài dự tính, con rồng đen hung ác bay về, vảy cứng như sắt còn biết phun ra tia lửa cháy bỏng. Kinh Thầy chém thanh gương sáng loáng nghênh chiến với con quái vật, tạo thành lồng sáng giam giữ tạm thời con rồng đen hiểm ác. Nó phun ra lửa đầy ác liệt. Phun tới đâu, Kinh Thầy hô mưa gọi gió dập lửa tới đó. Khi con rồng thoát được ra khỏi lồng sáng, nó đã đáp trả lại chàng một cách khốc liệt, bằng việc phun một loạt rắn rết tới tấn công, cản trở bước tiến của chàng. Không vì thế mà chùn bước, Kinh Thầy vung kiếm chém kịch liệt và cuối cùng đã thành công hạ được nó vào ngày thứ năm, sau khi được trời giúp đỡ ban tới một quả đào tiên để hồi phục sức khỏe. Nhờ tài năng cùng sự phán đoán tài tình, Kinh Thầy đã thành công bắn tên vào mắt con rồng đen, làm cản trở tầm nhìn của nó. 

      Thế rồi, chớp lấy cơ hội đã đến, Kinh Thầy vung gươm chém đôi đầu con quái vật. Thân của nó rơi xuống, trở thành dải núi dài xanh mướt thuộc huyện Kinh Môn ngày nay. Còn đầu của nó rơi xuống, tạo thành đỉnh núi An Phụ có vị trí cao nhất, được dân bản địa thường gọi là mặt rồng. Cuối cùng, hai con mắt bị bắn cung tạo thành hai miệng giếng quanh năm đục ngầu giữa non nước mây trời thoáng đạt. Khi nhận ra sông ngòi đã bị con rồng đen kia lấp cạn, dù mệt lả và thiếp đi trước đó, Kinh Thầy vẫn vươn vai, dùng đôi tay cứng cáp biến thành chiếc mai đâm xuống đất, xẻ ra thành dòng sông lớn vòng vèo để cho làng nào cũng được uống. 

      Để tưởng nhớ công ơn to lớn ấy, nhân dân đã đặt tên cho dòng sông bằng chính tên của người anh hùng dũng cảm - Sông Kinh Thầy. 

----------------------------------------

Vừa rồi, Toploigiai đã cùng các bạn Tóm tắt sự tích sông Kinh Thầy. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 22/04/2023 - Cập nhật : 06/07/2023