Trần Đăng Khoa- nhà thơ lớn với khả năng sáng tác cực kì tài ba, ông sở hữu một sự nghiệp văn thơ đồ sộ. Thơ của Trần Đăng Khoa được rất nhiều bạn đọc yêu thích, trong đó không thể không kể đến bài thơ Cây dừa. Dưới đây là bài Phân tích bài thơ Cây dừa ngắn gọn mời các bạn cùng tham khảo.
"Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao
Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh
Ai mang nước ngọt, nước lành
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo
Trời trong đầy tiếng rì rào
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra…
Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi"
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tái hiện lại phong cảnh thiên nhiên yên bình, giản đơn của một làng quê Việt Nam. Cây dừa là hình ảnh chủ đạo của tác phẩm. Toàn bộ bài thơ cây dừa luôn hòa quyện, gắn kết với thiên nhiên đất trời, lúc thì quyện vào làn gió, ánh trăng, lúc lại như chạm vào mây xanh,.. Qua ngòi bút của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện rất rõ tình yêu to lớn với quê hương với thiên nhiên đất trời.
I. Mở bài
Giới thiệu chung về tác giả Trần Đăng Khoa, bài thơ Cây dừa
II. Thân bài
* Nhà thơ đã khắc họa hình ảnh cây dừa hiện lên với đầy đủ bộ phận từ gốc đến ngọn, chỗ nào tác giả cũng có những liên tưởng độc đáo, thú vị:
- Hình ảnh cây dừa dễ mến, với tán là xanh ngát “tỏa nhiều tàu”. Nó như một người bạn mang tâm hồn hào sảng, tự do phóng khoáng
- Cây dừa lúc một người bạn trẻ tuổi tự do, phóng khoáng, lúc lại hiện lên vững chãi như một người từng trải “Thân dừa bạc phếch tháng năm”
- Hoa dừa nở bung giữa cả một trời sao sáng, kết thành một tấm thảm thật lung linh rực rỡ, sáng sớm thì hòa cùng mây trời hiện lên như một thiếu nữ đang thướt tha chải tóc
- Hình ảnh cây dừa vươn cao, tự tin, mang dáng vẻ của một người lính chắc tay cầm súng
III. Kết bài
Tình cảm dành cho cây dừa quê hương/ nhà thơ
Trần Đăng Khoa - nhà thơ lớn với khả năng sáng tác tài ba, ông sở hữu một sự nghiệp văn thơ đồ sộ. Ông được mệnh danh là “thần đồng” của nền thi ca Việt Nam bởi năm lên tám tuổi tác phẩm đầu tay của nhà thơ đã được đăng báo. Thơ của Trần Đăng Khoa được rất nhiều bạn đọc yêu thích, trong đó không thể không kể đến bài thơ Cây dừa.
Cây dừa - một loại cây thân thuộc, gần gũi với con người Việt, chúng vô cùng thân quen với lũ trẻ chăn trâu, khi mà chiều chiều vừa chơi đuổi bắt vừa có thể nghịch ngợm mà trèo lên đó. Ai cũng nhìn thấy, nhưng mấy ai có thể quan sát nó rồi miêu tả một cách sinh động như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Qua những vần thơ của mình, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh cây dừa hiện lên với đầy đủ bộ phận từ gốc đến ngọn, chỗ nào tác giả cũng có những liên tưởng độc đáo, thú vị.
Mở đầu bài thơ, là hình ảnh cây dừa dễ mến, với tán là xanh ngát “tỏa nhiều tàu”. Nó như một người bạn mang tâm hồn hào sảng, tự do phóng khoáng thích kết bạn với thiên nhiên bao la, với vũ trụ rộng lớn:
“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu
Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng"
Tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, ví cây dừa như một con người thực thụ với những động tác “dang tay”, “gật đầu” thật sống , mềm mại. Kết hợp cùng phép đăng đối được Trần Đăng Khoa dùng rất chuẩn: Nhà thơ lấy động từ để đối với động từ (“dang”-“gật”), lấy danh từ đối với danh từ (“tay” - “đầu”, “gió” - “trăng”)
“Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao…
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa.”
Cây dừa lúc như một người bạn trẻ tuổi tự do, phóng khoáng, lúc lại hiện lên vững chãi như một người từng trải “Thân dừa bạc phếch tháng năm”. Cụm từ “bạc phếch”, một màu sắc nhuốm theo màu của tháng năm. Tác giả đã tái hiện cây dừa như những người nông dân lao động Việt Nam luôn chịu thương chịu khó, dầm mưa dãi nắng, lam lũ làm việc nhưng vẫn rất khỏe khoắn. Thân dừa tuy đã mang màu “bạc phếch” nhưng trái thì vẫn sum suê quả dừa trông hệt như “đàn lợn con nằm trên cao”. Quả là một liên tưởng thú vị và độc đáo. Và vì bài thời được sáng tác khi nhà thơ vẫn còn là một cậu bé, nên tuyệt nhiên nhìn đâu cũng đều là những hình ảnh hồn nhiên, trong sáng, tác giả đã thể hiện rất duyên dáng về tuổi thơ hiếu động và ngộ nghĩnh của mình.
Không chỉ quan sát vào ban ngày, dường như tác giả đã quan sát vẻ đẹp từng cảnh vật trong khoảnh khắc của cả ngày lẫn đêm. Cây dừa về đêm mang một vẻ dịu đẹp lung linh và huyền diệu biết bao. Hoa dừa nở bung giữa cả một trời sao sáng, kết thành một tấm thảm thật lung linh rực rỡ. Tới sớm thì hòa cùng mây trời hiện lên như một thiếu nữ đang thướt tha chải tóc:
"Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh"
Tất cả vẻ đẹp của cây dừa đã được tác giả khắc họa rất rõ nét ở hai câu thơ cuối. Hình ảnh cây dừa vươn cao, tự tin, mang dáng vẻ của một người lính chắc tay cầm súng:
“Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.”
Nhà thơ đã tái hiện lại phong cảnh yên bình, giản đơn của một làng quê Việt Nam với đầy nắng gió và trăng sao. Toàn bộ bài thơ, cây dừa luôn hòa quyện, gắn kết với thiên nhiên đất trời, lúc thì quyện vào làn gió, ánh trăng, lúc lại như chạm vào mây xanh. Không những thế, “tiếng dừa” còn xua tan nắng oi ả của ngày hè:
“Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo”
Hình ảnh cây dừa từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc và thân thương trong văn học nói riêng và trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam nói chung. Bằng ngòi bút của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện rất rõ tình yêu to lớn với quê hương với thiên nhiên đất trời.
------------------------
Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn cách lập dàn ý và bài văn mẫu Phân tích bài thơ Cây dừa ngắn gọn. vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt và đạt điểm cao môn Ngữ Văn