logo

Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi

Từ ngọn núi đến dòng sông, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S đều có những cảnh đẹp đáng tự hào. Sau khi đọc bài Núi quê tôi của nhà văn Lê Phương Liên hẳn mọi người đều có chung một cảm xúc bồi hồi, khó tả trước cảnh sắc đẹp, yên bình, bình dị của quê hương.  Dưới đây sẽ là hướng dẫn chi tiết cho bài văn nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi. Mời bạn đọc tham khảo!


Dàn ý Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi

1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm Núi quê tôi của Lê Phương Liên

- Cảm nghĩ sau khi đọc: cảnh sắc đẹp đẽ của núi quê hương khơi dậy trong mỗi người tình yêu quê hương , đất nước

2. Thân bài

- Cảnh sắc đẹp đẽ của núi quê hương: cuối thu mây trắng bay như tấm khăn mỏng, mùa hè ngọn núi hiện ra xanh mướt; hiện lên trong cơn mưa có nhiều lá… cảnh sắc xung quanh nên thơ, bình dị với cây, nước chảy, tiếng lá…

- Cảm giác bồi hồi, xúc động của tôi khi nghe tiếng nước chảy, tiếng lá, những âm thanh bình dị của quê hương… đặc biệt là khói bếp tỏa gợi khung cảnh ấm áp, sum vầy…

- Tác phẩm vẽ ra khung cảnh thiên nhiên bình dị qua đói khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào về vẻ đẹp quê hương, tình yêu quê hương, đất nước

3. Kết bài

- Khẳng định cảm xúc sau khi đọc tác phẩm.

- Liên hệ bản thân.


Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi

      Non sông tổ quốc tươi đẹp với bao cảnh sắc kỳ vĩ, thơ mộng. Này là dòng sông hiền hoà, trữ tình với dòng nước xanh lơ, hoa lục bình tím biếc. Này là hàng cây xanh rợp bóng bốn mùa reo vui với đất  trời, thay lá đỏ rực vào mùa đông. Này là những ngọn núi xanh mướt với bao cây cối, chim chóc, thú rừng sinh động, đáng yêu. Tả cảnh núi quê tôi từ cuối thu sang đông rồi đến đầu hè tác phẩm “Núi của tôi” của Lê Phương Liên đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tôi.

      Núi của tôi tập trung miêu tả cảnh ngọn núi và cảnh quan xung quanh núi từ cuối thu sang đầu đông và đầu hè. Khung cảnh núi non không có vẻ hùng vĩ, rợp ngợp mà thơ mộng, trữ tình với núi đồi, cây cối, khe nước nhỏ, các loài chim chóc và thấp thoáng bóng dáng của cuộc sống sinh hoạt trong hương khói bếp nhà ai đang toả. 

      Ngay ở đoạn mở đầu, từ xa xa là hình ảnh con đường đất đỏ chạy về làng, con đường tuổi thơ đã in dấu ấn những kỷ niệm của tác giả. Từ xa hình ảnh ngọn núi xanh thẫm trên nền trời mây trắng đã hiện ra. Khung cảnh đã thật nên thơ trữ tình với cây xanh, mây trắng. Sau sự quan sát từ xa là góc quay cận cảnh gần hơn. Nhà văn cảm nhận ngọn núi với vẻ đẹp của nhiều mùa khác nhau. Khi cuối thu sang đông, trên đỉnh núi là mây trắng bay giống như tấm khăn mỏng. Phép so sánh gợi lên khung cảnh thật nên thơ, hiền hoà của ngọn núi vào mùa đông. Về mùa hè, với đặc trưng là những cơn mưa rào và dông ngọn núi như được tiếp thêm sinh lực, hiện ra xanh mướt mỡ màng và tràn trề nhựa sống. Phép so sánh tiếp tục được sử dụng trong hình ảnh lá cây bay như làn tóc của bà tiên đang hướng về phía mặt biển, gợi vẻ đẹp của ngọn núi của một khía cạnh khác, giống như vẻ đẹp trong cổ tích, huyền thoại. Nhà văn tiếp tục khai thác hình ảnh ngọn núi quê tôi trong màn mưa. Hiện lên trong mưa là nhiều màu lá tươi xanh. Phép liệt kê lá bạch đàn, lá tre xanh, vườn chè, vườn sắn… gợi không gian xanh mướt mắt, bao la đến vô cùng của cây cối. Màu xanh của cỏ, dứa dại, mua, sim cũng góp phần làm cho bức tranh thêm xanh ngắt, rực rỡ hơn.

Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi

      Thiên nhiên của núi quê tôi thật đẹp nhưng nó không chỉ đẹp ở cảnh vật tĩnh lặng, mà nó còn đẹp bởi có những âm thanh tươi vui từ nước chảy ra từ kẽ đá trong vắt, tiếng lá bạch đàn và tiếng lá tre reo. Phép nhân hoá được sử dụng triệt để gợi thiên nhiên sinh động, có hồn như con người, cũng biết reo vui hân hoan để mừng ca cuộc sống tươi đẹp. Đặc biệt ấn tượng là hình ảnh kết thúc tác phẩm: hương thơm của chè xanh, của bếp nhà ai tỏa khói… đó chính là cuộc sống bình dị của con người, gợi hơi ấm thân thuộc, gợi cuộc sống ấm áp và no đủ.

      Núi của tôi là những nét vẽ khoáng đạt, chi tiết, tỉ mỉ về ngọn núi của quê hương. Trong hình dung của tác giả ngọn núi của quê hương mang màu xanh mướt mắt, sum suê của cây cối, tràn trề của nhựa sống. Đó chính là cảnh đẹp bình dị và thân thuộc mà chúng ta có thể gặp trên bất cứ miền quê vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ nào.

      Thông qua tác phẩm chúng ta càng thêm yêu mến và gắn bó với quê hương tươi đẹp, tự hào về cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, mộc mạc và nghĩa tình như trong lời của bài thơ:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi

Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát

Bến phà dào dạt tiếng hát Bình Ca.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Núi quê tôi. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 01/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023

Tham khảo các bài học khác