logo

Lý thuyết Phú sông Bạch Đằng

Phú sông Bạch Đằng không chỉ làm sống dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc. Cùng tìm hiểu thêm về bài Phú sông Bạch Đằng thông qua “Lý thuyết phú sông Bạch Đằng” do Top lời giải biên soạn dành cho các bạn học sinh và thầy cô giáo tham khảo.


I. Giới thiệu về tác giả


1. Đôi nét về tác giả

- Trương Hán Siêu hiện chưa rõ năm sinh, mất năm 1354, tự là Thăng Phủ

- Quê quán: làng Phúc Am, huyện Yên Ninh (nay thuộc thành phố Ninh Bình)

- Ông là môn khách (khách trong nhà) của Trần Hưng Đạo, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Hàn lâm học sĩ (dưới đời Trần Anh Tông), Tham tri chính sự. Khi mất, ông được vua tặng tước Thái bảo, Thái phó và được thờ ở Văn Miếu (Hà Nội).

- Trương Hán Siêu tính tình cương trực, học vấn uyên thâm, được các vua Trần tin cậy, nhân dân kính trọng.

- Sự nghiệp sáng tác: Tác phẩm của ông hiện còn lại không nhiều, trong đó có bài Phú sông Bạch Đằng.


2. Các tác phẩm chính

- Các tác phẩm của ông hiện còn 17 bài thơ: Cúc hoa bách vịnh (Vịnh hoa cúc còn 4 bài), Hoá Châu tác (Thơ làm ở Hoá Châu), Dục Thuý sơn (Núi Dục Thuý sơn), Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống).

- Về văn xuôi ông có 2 bài: Khai Nghiêm tự bi ký (Văn bia chùa Khai Nghiêm) và Dục Thuý sơn linh tế tháp ký (Bài ký tháp linh tế núi Dục Thuý sơn). 


II. Giới thiểu tác phẩm

Lý thuyết Phú sông Bạch Đằng chi tiết nhất

1. Tìm hiểu chung

a. Hoàn cảnh ra đời

- Bạch Đằng là một nhánh sông Kinh Thầy nằm ở giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.

- Nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến thắng lẫy lừng: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), Lê Hoàn chiến thắng quân Tống (981), Hưng Đạo Vương đánh tan quân Nguyên Mông (1288).

- Trong một lần dạo chơi, Trương Hán Siêu đã có cảm hứng viết bài phú về dòng sông này: vừa tự hào, vừa hoài niệm, nhớ tiếng anh hùng xưa. Phú sông Bạch Đằng được viết từ cảm hứng hào hùng và bi tráng.

b. Thể phú

- Là thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi, dùng tả cảnh vật, phong tục, kể sự vật, bàn chuyện đời.

- Phân loại: 2 loại

+ Phú cổ thể: có trước đời Đường (Trung Quốc), đặc trưng chủ yếu là mượn hình thức đối đáp giữa hai nhân vật chủ - khách để bày tỏ, diễn đạt nội dung, câu có vần, không nhất thiết có đối, kết bằng thơ. Bố cục gồm 4 đoạn: mở, giải thích, bình luận, kết.

+ Phú Đường luật (phú cận thể): xuất hiện từ thời Đường, có vần, có đối, theo luật bằng trắc. Bố cục thường có 6 đoạn.

c. Bố cục: 4 phần

- Đoạn mở: từ đầu đến “còn lưu!” => Tráng chí và cảm xúc của nhân vật khách trước cảnh sắc trên sông Bạch Đằng.

- Đoạn giải thích: tiếp đến “nghìn xưa ca ngợi” => Các bô lão kể lại các chiến tích trên sông Bạch Đằng.

- Đoạn bình luận: tiếp đến “chừ lệ chan” => Các bô lão suy ngẫm và bình luận về nguyên nhân chiến thắng trên sông Bạch Đằng.

- Đoạn kết: còn lại => Lời ca khẳng định, đề cao vai trò, đức độ của con người Đại Việt, của các bô lão và nhân vật khách.


3. Đọc hiểu Phú Sông Bạch Đằng

a. Văn bản 

Phú sông Bạch Đằng

Khách hữu:

Quải hạn mạn chi phong phàm,

Thập hạo đãng chi hải nguyệt.

Triêu dát huyền hề Nguyên, Tương,

Mộ u thám hề Vũ huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ,

Tam Ngô, Bách Việt.

Nhân tích sở chí,

Mị bất kinh duyệt.

Hung thôn Vân Mộng giả sổ bách nhi,

Tứ phương tráng chí do khuyết như dã.

Nãi cử tiếp hề trung lưu,

Túng Tử Trường chi viễn du.

Thiệp Đại Than khẩu,

Tố Đông Triều đầu.

Để Bạch Đằng giang,

Thị phiếm thị phù.

Tiếp kình ba ư vô tế,

Trám diêu vĩ chi tương mâu.

Thuỷ thiên nhất sắc,

Phong cảnh tam thu.

Chử địch ngạn lô,

Sắt sắt sâu sâu.

Chiết kích trầm giang,

Khô cốt doanh khâu.

Thảm nhiên bất lạc,

Trữ lập ngưng mâu.

Niệm hào kiệt chi dĩ vãng,

Thán tung tích chi không lưu.

Giang biên phụ lão,

Vị ngã hà cầu.

Hoặc phù lê trượng,

Hoặc trạo cô châu.

Ấp dư nhi ngôn viết:

“Thử Trùng Hưng nhị thánh cầm Ô Mã Nhi chi chiến địa,

Dữ tích thời Ngô thị phá Lưu Hoằng Thao chi cố châu dã.”

Đương kỳ:

Trục lô thiên lý,

Tinh kỳ ỷ nỉ.

Tỳ hưu lục quân,

Binh nhẫn phong khỉ.

Thư hùng vị quyết,

Nam Bắc đối luỹ.

Nhật nguyệt hôn hề vô quang,

Thiên địa lẫm hề tương huỷ.

Bỉ:

Tất Liệt chi thế cường,

Lưu Cung chi kế quỷ.

Tự vị đầu tiên,

Khả tảo Nam kỷ.

Ký nhi:

Hoàng thiên trợ thuận,

Hung đồ phi mỵ

Mạnh Đức Xích Bích chi sư đàm tiếu phi hôi,

Bồ Kiên Hợp Phì chi trận tu du tống tử.

Chí kim giang lưu,

Chung bất tuyết sỉ.

Tái bạo chi công,

Thiên cổ xưng mỹ.

Tuy nhiên:

Tự hữu vũ trụ,

Cố hữu giang san.

Tín thiên tạm chi thiết hiểm,

Lại nhân kiệt dĩ điện an.

Mạnh Tân chi hội ưng dương nhược Lã,

Duy Thuỷ chi chiến quốc sĩ như Hàn.

Duy thử giang chi đại tiệp,

Do đại vương chi tặc nhàn.

Anh phong khả tưởng,

Khẩu bi bất san.

Hoài cổ nhân hề vẫn thế,

Lâm giang lưu hề hậu nhan.

Hành thả ca viết:

Đại giang hề cổn cổn,

Hồng đào cự lãng hề triều tông vô tận.

Nhân nhân hề văn danh,

Phỉ nhân hề câu dẫn

Khách tòng nhi canh ca viết:

Nhị thánh hề tịnh minh,

Tựu thử giang hề tẩy giáp binh.

Hồ trần bất cảm động hề, thiên cổ thăng bình.

Tín tri: bất tại quan hà chi hiểm hề,

Duy tại ý đức chi mạc kinh.

b. Phân tích

 Nhân vật khách:

- Ham du ngoạn, giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng, gót giang hồ đi khắp nơi: Cửa Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt....

- Là người có tâm hồn phóng khoáng, tự do. Ưa hoạt động, khoái trí, ham hiểu biết.

+ Nhân vật trữ tình đi vào miêu tả không gian cụ thể, phong cảnh cụ thể. Bát ngát sóng kình; thướt tha đuôi trĩ; đất trời một sắc, phong cảnh ba thu; sông chìm giáo gãy; gò đầy sương khô.

+ Khách đề cao cảnh trí sông Đằng.

=> Cảm hứng thiên nhiên chan hoà với cảm hứng lịch sử, tâm hồn "khách" luyến tiếc ngậm ngùi về thời quá khứ đã qua, thời quá khứ oanh liệt hào hùng của dân tộc. Khách vừa vui, tự hào, vừa buồn, nuối tiếc khi đến sông Bạch Đằng.

Bạch Đằng giang qua sự hồi tưởng của các bô lão:

- Cảm xúc trữ tình thành cảm xúc anh hùng ca.

- Những chiến công ở sông Bạch Đằng lừng danh không chỉ đối với thời đại mà, ý nghĩa mãi với lịch sử dân tộc.

- Là trận đánh kinh thiên động địa: trận thuỷ chiến được khắc họa cô đọng hàng loạt hình ảnh nói lên sự mãnh liệt hùng dũng.

- Kẻ địch có lực lượng hùng mạnh, lại thêm mưu ma chước quỷ. Ta chiến đấu trên chính nghĩa, vì chính nghĩa nên thuận lẽ trời. Thêm vào đó, ta lại có địa lợi, nhân hoà là những yếu tố quyết định của chiến thắng.

Bình luận về chiến thắng trên sông Bạch Đằng:

- Theo binh pháp cổ muốn thắng có 3 nhân tố cơ bản (thiên.... Địa... nhân...). Các bô lão chỉ ra: sự trợ giúp của trời; tài năng của người chèo lái cuộc chiến: con người có tài, nhân vật xuất chúng, đảm đương gánh nặng mà non sông giao phó.

- Sự anh minh của hai vua Trần, đặc biệt là Tiết chế Quốc công Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có tài thao lược, có tầm nhìn chiến lược đáng được muôn đời ca ngợi.

Lời ca của khách:

  • Lời ca các bô lão: nhấn mạnh lẽ đời mang tính quy luật: bất nghĩa tiêu vong; anh hùng lưu danh.
  • Khách: đề cao vai trò hai vị Thánh quân - Hai vua Trần. Đức cao mới thật sự là điều quyết định của chiến cuộc. Đề cao giá trị con người - mang giá trị nhân văn sâu sắc.

III. Tổng kết

- Nội dung: Phú sông Bạch Đằng là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc.

+ Nhà thơ bộc lộ tư tưởng nhân văn sâu sắc tiến bộ: vinh và nhục, thắng và bại, tiêu vong và trường tồn,...

- Nghệ thuật: Ngôn ngữ tráng lệ, giàu hình ảnh; tác giả sử dụng điển tích, điển cố rất tài tình.

icon-date
Xuất bản : 06/04/2022 - Cập nhật : 26/11/2022