logo

Lý thuyết Địa 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Tóm tắt Lý thuyết Địa 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Tổng hợp lý thuyết Địa lí 11 trọn bộ chi tiết, đầy đủ.

Bài 4. Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Soạn Địa 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu


I. Một số tổ chức quốc tế và khu vực


1. Liên hợp quốc (The United Nations - UN)

- Tổ chức Liên Hợp Quốc (UN) được thành lập năm 1945 với mục đích duy trì hoà bình và trật tự thế giới bền vững.

- UN hiện có 193 thành viên và Việt Nam gia nhập vào năm 1977.

- Mục tiêu hoạt động của UN bao gồm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, và thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản. Xây dựng UN là trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.


2. Tổ chức Thương mại Thế giới (The World Trade Organization - WTO)

- WTO được thành lập và hoạt động từ năm 1995 để thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Hiện tại, tổ chức này có 164 thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 150 từ năm 2007.

- Mục tiêu hoạt động của WTO là

+ Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hoá và dịch vụ trên thế giới phục vụ cho sự phát triển, ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường.

+ Thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế.

+ Nâng cao mức sống, tạo công ăn, việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảm các quyền và tiêu chuẩn lao động tối thiểu.

Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 4. Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu (trang 14)

3. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

- IMF được thành lập năm 1944 với tôn chỉ hoạt động là thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, bảo đảm sự ổn định tài chính, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy việc làm, tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm nghèo trên toàn thế giới.

- Đến năm 2021, IMF có 190 thành viên. Việt Nam là thành viên của tổ chức này từ năm 1976.

- Mục tiêu hoạt động của IMF là:

+ Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước thành viên khi các nước này gặp khó khăn.

+ Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế - hệ thống tỉ giá và hệ thống thanh toán toàn cầu để các quốc gia và mọi người dân giao dịch được với nhau và với công dân của nước khác.


4. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

- APEC được thành lập năm 1989 với tôn chỉ là thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư và mở cửa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- APEC gồm có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam là thành viên của tổ chức này từ năm 1998.

- Mục tiêu hoạt động của APEC là:

+ Giữ vững sự tăng trưởng và phát triển trong khu vực.

+ Tăng cường hệ thống đa phương mở vì lợi ích của châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

+ Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng tăng của kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá - dịch vụ, vốn và công nghệ.


II. An ninh toàn cầu và bảo vệ hòa bình trên thế giới


1. Một số vấn đề an ninh toàn cầu

- An ninh toàn cầu bao gồm trạng thái bình yên, ổn định và hoà bình của toàn thế giới, và đảm bảo an ninh con người là một yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh toàn cầu.

- An ninh toàn cầu có thể chia thành hai loại: an ninh truyền thống (chủ yếu liên quan đến an ninh chính trị và quân sự) và an ninh phi truyền thống (liên quan đến các vấn đề như kinh tế, lương thực, năng lượng, nguồn nước) được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá.

- An ninh phi truyền thống trở thành một vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước để giải quyết.

a) An ninh lương thực

- An ninh lương thực là đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lương thực an toàn cho mọi người để duy trì cuộc sống khoẻ mạnh.

- Việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới.

- Nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an ninh lương thực như xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai...

- Đảm bảo an ninh lương thực giúp giảm đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị-xã hội.

- Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực gồm cung cấp lương thực và cứu trợ nhân đạo, đẩy mạnh sản xuất lương thực, nâng cao vai trò các tổ chức quốc tế như FAO, WEP, WBG.

b) An ninh năng lượng

- An ninh năng lượng đảm bảo đầy đủ năng lượng phục vụ nhu cầu con người và kinh tế-xã hội.

- An ninh năng lượng đang gặp nhiều thách thức như thay đổi thị trường và nguy cơ xung đột, biến đổi khí hậu,...

- Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng bao gồm tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, khai thác nguồn tài nguyên, hợp tác giải quyết vấn đề năng lượng và tăng cường vai trò của tổ chức quốc tế.

c) An nình nguồn nước

- An ninh nguồn nước là đảm bảo số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh và các hoạt động kinh tế, tiếp cận công bằng và đáp ứng khả năng ứng phó với các thảm hoạ liên quan đến nước, bảo vệ môi trường.

- An ninh nguồn nước đang gặp vấn đề do sử dụng nước kém hiệu quả, lãng phí, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.

- Để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần phối hợp, nghiên cứu, thảo luận các giải pháp, chủ động bảo vệ nguồn nước, phát triển công nghệ xử lí nước thải, chia sẻ, hợp tác và kiểm soát nguồn nước.

d) An ninh mạng

- An ninh mạng là việc đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- An ninh mạng trở thành một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và tính liên thông trong không gian mạng.

- Để bảo vệ an ninh mạng, nhiều quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế đã ban hành chiến lược an ninh mạng, luật an ninh mạng và thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng.

- Các quốc gia, tổ chức quốc tế, các hãng công nghệ cần hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống tấn công mạng và tội phạm mạng, cùng xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.


2. Sự cần thiết phải bảo vệ hoà bình trên thế giới

- Hoà bình là sự bình yên, tự do và hạnh phúc giữa con người và các quốc gia với nhau, nhưng vẫn có nhiều vấn đề đe dọa hoà bình thế giới.

- Bảo vệ hoà bình giúp giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và đảm bảo thịnh vượng cho đất nước.

- Các quốc gia cần duy trì và bảo vệ hoà bình tại quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.

- Để bảo vệ hoà bình, cần tăng cường đối thoại và hợp tác giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và tự chủ của mỗi quốc gia. Các tổ chức quốc tế cũng cần đóng vai trò trong việc gìn giữ hoà bình trên thế giới.


III. Trắc nghiệm Địa 11 Kết nối tri thức Bài 4

Câu 1. ASEAN là tên viết tắt của tổ chức liên kết kinh tế khu vực nào sau đây?

A. Hiệp ước tự do thương mại Bắc Mĩ.

B. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

C. Thị trường chung Nam Mĩ.

D. Liên minh châu Âu.

Giải thích:

ASEAN là tên viết tắt của tổ chức liên kết kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967, tại Bangkok, Thái Lan. Đây là một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Câu 2. WTO là tên viết tắt của tổ chức nào sau đây?

A. Tổ chức Thương mại Thế giới.

B. Liên minh châu Âu.

C. Hiệp ước tự do thương mại Bắc Mĩ.

D. Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Giải thích:

WTO là tên viết tắt của Tổ chức Thương mại Thế giới (The World Trade Organization - WTO) được thành lập và hoạt động từ năm 1995 với mục đích duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch giữa các nước.

Câu 3. Cơ sở quan trọng để hình thành các tổ chức liên kết khu vực là

A. Vai trò của các công ty xuyên quốc gia.

B. Xuất hiện các vấn đề mang tính toàn cầu.

C. Sự phân hóa giàu - nghèo giữa các nước.

D. Sự tương đồng về địa lí, văn hóa, xã hội.

Câu 4. Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực được hình thành không do nguyên nhân nào sau đây?

A. Sự phát triển kinh tế không đều của các khu vực.

B. Những nét tương đồng về văn hóa, địa lí, xã hội.

C. Có chung mục tiêu, lợi ích phát triển khi liên kết.

D. Xuất hiện những vấn đề mang tính toàn cầu hóa.

Câu 5. Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương viết tắt là

A. EU.

B. APEC.

C. NAFTA.

D. WTO.

Câu 6. Tính đến tháng 1/2020, Tổ chức Thương mại Thế giới có tất cả bao nhiêu thành viên?

A. 164.

B. 150.

C. 162.

D. 153.

Giải thích:

Tổ chức Thương mại Thế giới ra đời vào năm 1995. Trụ sở của WTO được đặt ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ).  Đây là tổ chức thương mại lớn nhất trên thế giới và ngày càng có nhiều thành viên tham gia. Việt Nam chính thức gia nhập WTO từ năm 2007. Đến năm 2020, WTO có tất cả 164 quốc gia thành viên. 

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Tóm tắt Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 4. Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới Lớp 11 nhé. Chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 14/03/2023 - Cập nhật : 12/08/2023