logo

Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

Khái quát Tác giả - Tác phẩm: Hương Sơn phong cảnh bao gồm Giới thiệu tác giả Chu Mạnh Trinh và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật tác phẩm Hương Sơn phong cảnh - SGK Văn 10 Chân trời sáng tạo.

Tác giả - Tác phẩm: Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh


I. Giới thiệu tác giả Chu Mạnh Chinh

Chu Mạnh Trinh sinh năm 1862, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha là Chu Duy Tĩnh, từng làm quan đến chức Ngự sử.

Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

Từ bé đã nổi tiếng thông minh, có tài văn chương. Năm 19 tuổi đỗ Tú tài rồi đến xin học với Phó bảng Phạm Hy Lượng; mấy năm sau được thầy gả con gái cho. Năm 25 tuổi đỗ Giải nguyên trường Hương khoa thi Bính Tuất (1885). Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1892), ông đậu Tiến sĩ. Sau khi đỗ Tam giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (đời Thành Thái thứ tư, Chu Mạnh Trinh được bổ làm Tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội, có tiếng là công minh chính trực; có lần ông đã phạt đánh roi một tu sĩ người Pháp cậy thế lộng hành.

Làm Tri phủ ít lâu thì cha mất, Chu Mạnh Trinh xin cáo quan về cư tang. Lúc trở lại làm quan được thăng chức Án sát tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Ông mất năm 1905, khi mới 43 tuổi.

Tên ông được đặt cho nhiều con đường lớn tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) quê hương của Chu Mạnh Trinh có một ngôi trường mang tên ông là trường THCS Chu Mạnh Trinh tại Thị trấn Văn Giang, Huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên.

+ Sự nghiệp văn chương

Ông có rất nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhân văn cao để lại cho đời đặc biệt là những bài ca trù, trong đó tác phẩm vô cùng nổi tiếng là Hương Sơn phong cảnh ca được viết với tình yêu nước sâu đậm của mình. Những sáng tác thơ của ông cũng vô cùng phong phú, các tác phẩm nổi tiếng như thơ chữ hán tập Trúc Văn thi tập, thơ chữ nôm Thanh Tâm tài nhân thi tập. Ngày nay ông được công nhận là “Danh nhân văn hóa” của tỉnh Hưng Yên, nhiều ngôi trường, con đường mang tên ông để tưởng nhớ tới con người đa tài mà quãng đời ngắn ngủi.


II. Khái quát tác phẩm Hương Sơn phong cảnh


1. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ có thể được sáng tác trong thời gian Chu Mạnh Trinh tham gia trùng tu chùa Thiên Trù trong quần thể Hương Sơn.


2. Thể loại

Hát nói.

- Là thể tổng hợp giữa ca nhạc và thơ, có tính chất tự do thích hợp với việc thể hiện con người cá nhân.

- Hát nói đã khá phổ biến từ các thế kỉ trước, nhất là cuối thế kỉ XVIII, song Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên đã có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó.


3. Bố cục

Bài thơ có thể chia thành ba đoạn:

- Đoạn 1 (Bốn dòng thơ đầu): Giới thiệu thắng cảnh Hương Sơn, nhận xét tổng quát về cảnh đẹp và thể hiện tình cảm.

- Đoạn 2 (Từ Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái đến Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây): Tả cảnh đẹp Hương Sơn. Hương Sơn mang vẻ đẹp của chốn tiên cảnh, như một bức tranh đẹp và nhiều sắc màu.

- Đoạn 3 (Phần còn lại): Suy nghĩ của nhà thơ về giang sơn đất nước. Đọc Đoạn thơ này có thể gắn với hiện thực đất nước để hiểu rộng và sâu hơn giá trị của bài thơ. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước tha thiết và tâm sự sâu kín của một nhà thơ về đất nước, cuộc đời.

>>> Xem thêm: Soạn bài Hương Sơn phong cảnh SGK 10 trang 66, 67 - Văn Chân trời sáng tạo


4. Giá trị nội dung 

- Văn bản thể hiện được vẻ đẹp của Hương Sơn với vẻ nên thơ, trầm tĩnh và yên bình

- Thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước.


5. Giá trị nghệ thuật 

Sử dụng từ tạo hình, giọng thơ nhẹ nhàng, sử dụng nhiều kiểu câu khác nhau, ngữ điệu tự do, phù hợp với tư tưởng phóng khoáng.


III. Câu hỏi vận dụng kiến thức tác phẩm Hương Sơn phong cảnh

Câu 1: Mở đầu Bài ca phong cảnh Hương Sơn là bầu trời cảnh Bụt. Anh (chị) hiểu câu này thế nào? Câu này gợi cảm hứng gì cho cả bài hát nói? Không khí tâm linh của cảnh Hương Sơn thể hiện ở những câu thơ nào?

Lời giải:

- Mở đầu bài thơ, tác giả viết “Bầu trời cảnh Bụt”: là cảnh nửa thực (bầu trời), nửa mơ (Cảnh Bụt). 

- Câu thơ như một lời giới thiệu, gợi ra trước mắt người đọc một miền non nước, rộng lớn.

-  Không khí tâm linh của cảnh Hương Sơn thể hiện ở những câu thơ: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái”, “Lững lờ khe Yến cá nghe kinh”.

Câu 2: Phân tích nghệ thuật tả cảnh của tác giả, đặc biệt chú ý đến việc tả không gian, màu sắc, âm thanh.

Lời giải:

Tác giả Chu Mạnh Trinh có lối tả cảnh đầy hấp dẫn và thu hút, cảnh đẹp Hương Sơn không cần miêu tả quá chi tiết mà vẫn hiện lên với vẻ đẹp của một thắng cảnh, cuốn hút người đọc và hình ảnh của Hương Sơn bằng nghệ thuật miêu tả của tác giả đã đi sâu vào trong lòng người đọc.

Bài thơ miêu tả cảnh Hương Sơn theo cái nhìn của một du khách. Đầu tiên là khung cảnh được nhìn từ xa:

"Bầu trời cảnh Bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, mây mây

Đệ nhất động hỏi là đây có phải"

Sau đó là cảnh được miêu tả theo lối cận cảnh. Đó là âm thanh của tiếng chim hót, tiếng chuông chùa, là hình bóng lửng lơ của từng đàn cá lượn, là suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, chùa Phật Tích... Nhà thơ sử dụng lối so sánh để làm tăng thêm màu sắc rực rỡ của cảnh:

“Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”

Thêm vào đó còn là lối sử dụng ẩn dụ để điểm tô cho cảnh một làn ánh sáng thiêng liêng, huyền ảo hang lồng bóng nguyệt, lối uốn thang mây... Mặt khác, nhà thơ tả cảnh nhưng lại dùng nhiều từ chỉ trỏ: kìa, này,... tức là lối ngôn ngữ giao tiếp giúp người đọc có cảm giác như mình đang đối diện với cảnh Hương Sơn. Đó chính là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Bài ca phong cảnh Hương Sơn.

Việc sử dụng từ láy “Kìa non non, nước nước, mây mây” khi mô tả không gian đã góp phần làm cho không gian ấy hiện lên rõ nét, có chiều sâu. “Thỏ thẻ rừng mai”, “Lững lờ khe Yến”, tác giả miêu tả cảnh vật và làm cho cảnh vật ấy trở nên có hồn, có tâm trạng và cảm xúc, những trạng thái của cảnh vật được tác giả cảm nhận sâu sắc và diễn đạt lại như chính trạng thái của con người. Từ “vẳng” làm cho không gian của Hương Sơn trở nên rộng lớn và hùng vĩ, bên cạnh đó “tiếng chày kình” lại miêu tả không gian trầm tĩnh và sâu lắng. Những màu sắc cũng được tác giả miêu tả một cách khéo léo “Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”.

Cách miêu tả của nhà thơ làm cho cảnh vật trở nên có hồn, phảng phất không khí thần tiên, xa lánh với cõi trần đầy bụi bặm. Cách miêu tả làm cho bức tranh Hương Sơn nên thơ, nên hoạ:

“Nhác trông lên [...] gấm dệt”

Những câu thơ nhất mực trong sáng. Đó là sản phẩm của một cảm hứng thẩm mĩ cao độ. Yêu cái đẹp của cảnh vật đã gắn liền với lòng yêu quê hương đất nước.

Câu 3: Nhà thơ tả cảm giác của khách vãn cảnh Hương Sơn khi nghe tiếng chuông chùa như sau: 

"Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng."

Hãy nhận xét về cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa. 

Lời giải:

Cách cảm nhận thiên nhiên của người xưa được cảm nhận qua tiếng chuông chùa. 

Chùa là nơi thanh tịnh nên khi viếng chùa mọi người đều lột bỏ cuộc đời trần tục để trở về với thế giới thoát tục cùng với phong cảnh đẹp làm mê hồn người.

>>> Xem trọn bộ: Tác giả - Tác phẩm Văn 10 Chân trời sáng tạo

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - Tác phẩm: Hương Sơn phong cảnh trong bộ SGK Văn 10 Chân trời sáng tạo theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 11/07/2022 - Cập nhật : 08/09/2022