logo

Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường (5 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.

Cho đoạn trích:

“Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!

Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm.

Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!… Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?…”

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2019) 


Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường - Đề số 1

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn trích trên thuộc truyện ngắn nào? Nêu hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn này.

Câu 2: Vì sao “nhìn lũ con”, ông Hai lại “tủi thân”, “nước mắt ông lão cứ giàn ra”?

Câu 3: Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch để làm rõ tình yêu làng, yêu đất nước của ông Hai trong đoạn trích trên. Đoạn văn có sử dụng câu ghép và lời dẫn trực tiếp (gạch dưới, chú thích rõ một câu ghép và một lời dẫn trực tiếp).

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Đoạn trích trên thuộc truyện ngắn Làng của Kim Lân.

Hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn này là: Được sáng tác trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu 2: 

Ông Hai lại “tủi thân”, “nước mắt ông lão cứ giàn ra” khi nhìn lũ con là vì nghĩ đến chuyện làng mình là Việt gian theo giặc. Vậy thì tất cả mọi người ở làng đều là Việt gian, kể cả đứa con nhỏ của lão cũng bị gọi là Việt gian dù không làm gì sai trái và gia đình lão sẽ bị đuổi khỏi làng mới, không chốn dung thân.

Câu 3: Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch để làm rõ tình yêu làng, yêu đất nước của ông Hai trong đoạn trích trên. Đoạn văn có sử dụng câu ghép và lời dẫn trực tiếp (gạch dưới, chú thích rõ một câu ghép và một lời dẫn trực tiếp).

      Đoạn trích trên là một đoạn văn diễn tả nội tâm rõ ràng của ông Hai khi nghe tin làng mình theo Việt gian và đã thể hiện rõ tình yêu làng, yêu đất nước của ông Hai. Là một người yêu làng, yêu nước, đi đâu ông cũng luôn tự hào về làng mình. Dù ở làng mới thì ông vẫn luôn muốn quay trở lại đó và nhớ về anh em xóm giềng cùng những ngày tháng vui vẻ ở làng. Vì thế, khi nghe tin làng theo Việt gian và nghe người khác nói xấu về làng cùng những người làng mình, ông Hai không chịu nổi mà đi về nhà. Nhìn lũ con, ông tủi thân, ông nghĩ đến chuyện chúng bị mọi người khinh rẻ, nghĩ đến chuyện sắp không có nhà để ở, không buôn bán kiếm sống nữa mà rơi nước mắt. Dù giận làng vô cùng nhưng ông vẫn không tin được chuyện đó có thể diễn ra. Nghĩ lại thì những người làng xóm mình đều là những người như mình cả, yêu làng yêu nước nên đó chính là điều ông không thể tin nổi. “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!” - câu nói thốt lên vừa đáng thương vừa đắng cay. Dù thương yêu làng là thật nhưng nghe tin làng theo giặc thì ông nhất quyết không chịu về lại làng, căm ghét làng vô cùng. Điều đó cho thấy ông Hai có tình yêu nước vô cùng to lớn.

Câu dẫn trực tiếp: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!” được đặt trong dấu ngoặc kép trích dẫn lời nhân vật.

Câu ghép: Nhìn lũ con, ông tủi thân, ông nghĩ đến chuyện chúng bị mọi người khinh rẻ, nghĩ đến chuyện sắp không có nhà để ở, không buôn bán kiếm sống nữa mà rơi nước mắt có hai cặp chủ - vị trong câu:

+ ông tủi thân.

+ ông nghĩ đến chuyện chúng bị mọi người khinh rẻ…


Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường - Đề số 2

Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Chỉ vừa mới lúc trước đây, "ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá", thế mà lúc này ông lại thấy "tủi thân nước mắt cứ giàn ra". Chuyện gì đã xảy ra khiến tâm trạng của ông lão có sự thay đổi đến vậy? 

Câu 2: Hãy xác định những lời độc thoại, độc thoại nội tâm trong đoạn trích trên. Tác giả sử dụng yếu tố độc thoại, độc thoại nội tâm trong đoạn trích trên có tác dụng gì? 

Câu 3: Theo em, vì sao ông lão lại cảm thấy "tủi thân, nhục nhã'? 

Câu 4: Hãy kể tên một tác phẩm khác viết về đề tài người nông dân trong chương trình THCS và nêu tác giả.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Điều khiến tâm trạng của ông lão có sự thay đổi đến vậy là do ông nghe tin làng mình theo giặc, là Việt gian.

Câu 2: 

Những lời độc thoại, độc thoại nội tâm trong đoạn trích trên là:

- Độc thoại nội tâm: 

+ Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…

+ Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!… Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?

+ Độc thoại: Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!

- Tác giả sử dụng yếu tố độc thoại, độc thoại nội tâm trong đoạn trích trên có tác dụng diễn tả tâm trạng đau đớn, rằn vặt của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc.

Câu 3: 

Theo em, ông lão lại cảm thấy "tủi thân, nhục nhã'' vì nghĩ đến chuyện làng mình luôn tự hào bấy lâu giờ theo giặc phản nước, nghĩ đến chuyện con cái và gia đình mình dù không làm gì cũng mang tiếng nhục.

Câu 4: 

Một tác phẩm khác viết về đề tài người nông dân trong chương trình THCS là: "Lão Hạc" của Nam Cao và "Tức nước vỡ bờ" của Ngô Tất Tố.


Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường - Đề số 3

Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường (ảnh 2)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì ?

Câu 2: Đoạn văn trên miêu tả tâm trạng gì của ông ? Trong hoàn cảnh nào ?

Câu 3: Tại sao ông Hai lại có tâm trạng như vậy ?

Câu 4: Nét đặc sắc trong cách miêu tả tâm trạng nhân vật ở đoạn văn trên là gì?

Câu 5: Là một người con của quê hương em hãy kể ra 4 việc thiết thực nhất mà em sẽ làm để thể hiện tình yêu quê hương của mình.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là tự sự.

Câu 2: 

Đoạn văn trên miêu tả tâm trạng đau đớn, tủi thân của ông khi nghe tin làng mình là Việt gian.

Câu 3: 

Ông Hai lại có tâm trạng như vậy vì bấy lâu nay ông vẫn luôn thương yêu và tự hào về làng của mình.

Câu 4: 

Nét đặc sắc trong cách miêu tả tâm trạng nhân vật ở đoạn văn trên là cách diễn tả độc thoại nội tâm rất sâu sắc.

Câu 5: 

Là một người con của quê hương, 4 việc thiết thực nhất mà em sẽ làm để thể hiện tình yêu quê hương của mình là:

+ Học tập thật tốt, thành tài sẽ quay lại quê hương phát triển.

+ Tuyên truyền, quảng bá những nét đẹp quê hương đến toàn thể bạn bè cả nước và nước ngoài.

+ Luôn yêu thương quê hương của mình và sẵn sàng bảo vệ, chiến đấu vì quê hương khi cần.

+ Tham gia vào các hoạt động do quê hương tổ chức.


Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường - Đề số 4

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 2: Trong đoạn: Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm.

Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy.

“Ông lão” trong đoạn trích trên là nhân vật nào? Điều “nhục nhã” được nói đến là điều gì? Những câu văn nào là lời trần thuật của tác giả, những câu văn nào là lời độc thoại nội tâm của nhân vật? Những lời độc thoại nội tâm ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?

Câu 3: Câu “Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.” thì từ “ Chả nhẽ” là thành phần gì trong câu? Nêu rõ tên thành phần đó?

Câu 4: Đoạn văn "Nhưng sao lại nảy ra cái tin...cái cơ sự này chưa?…" là lời của ai? Điều đó có ý nghĩa gì trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật ông Hai?

Câu 5: Chỉ ra thành phần tình thái trong câu: "Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được".

Câu 6: Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Từ nào là từ hán Việt trong đoạn trích.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Nội dung chính của đoạn trích là: Miêu tả tâm trạng của ông Hai khi nge tin làng mình theo giặc.

Câu 2: Trong đoạn: Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm.

Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy.

- “Ông lão” trong đoạn trích trên là ông Hai. Điều “nhục nhã” được nói đến là tin làng mình theo giặc. 

- Những câu văn là lời trần thuật của tác giả là: 

+ “Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm.

+ Ông kiểm điểm từng người trong óc.

- Những câu văn là lời độc thoại nội tâm của nhân vật: 

+ Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…

+ Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!… Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?

- Những lời độc thoại nội tâm ấy thể hiện tâm trạng đau đơn, day dứt và tủi thân của ông Hai.

Câu 3: 

Câu “Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.” thì từ “ Chả nhẽ” là thành phần biệt lập tình thái.

Câu 4: 

Đoạn văn "Nhưng sao lại nảy ra cái tin...cái cơ sự này chưa?…" là lời của ông hai. 

Điều đó đã càng nhấn mạnh thêm sự đau đớn và bất ngờ không thể tin nổi trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật ông Hai.

Câu 5: 

Thành phần tình thái trong câu: "Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được" là từ chả nhẽ.

Câu 6: 

- Đoạn trích được kể theo ngôi thứ ba. 

Từ hán Việt trong đoạn trích là: tinh thần.


Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường - Đề số 5

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn văn trích trong tác phẩm nào? Ai sáng tác? Nêu khái quát nội dung của bài.

Câu 2: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? 

Câu 3: Chỉ ra phương thức và phương tiện liên kết sử dụng trong câu văn: (1)Ông kiểm điểm từng người trong óc. (2) Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Đoạn văn trích trong tác phẩm Làng - Kim Lân. 

Nội dung của bài: Kể về lòng yêu nước, yêu làng của ông Hai. 

Câu 2: 

Biện pháp tu từ trong câu: Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? là điệp ngữ: Chúng nó cũng.

→ Tác dụng: Diễn tả tâm trạng đau buồn, xót xa khi nghĩ về tin làng mình theo Việt gian và con mình cũng trở thành kẻ thù của đất nước.

Câu 3: 

Phương thức và phương tiện liên kết sử dụng trong câu văn: (1)Ông kiểm điểm từng người trong óc. (2) Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà là:

+ Phép thế: họ thay cho từng người.

+ Phép lặp: họ.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 20/12/2022 - Cập nhật : 29/06/2023