logo

Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ (4 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

Đọc bài đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Tre xanh 

Xanh tự bao giờ?​ 

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh 

Thân gầy guộc, lá mong manh​ 

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?​ 

Ở đâu tre cũng xanh tươi​ 

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu 

Có gì đâu, có gì đâu​ 

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều​

 Rễ siêng không ngại đất nghèo​ 

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù... 

(Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

Tre xanh

Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ - Đề số 1

Câu 1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ. 

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được dử dụng trong 2 câu thơ: "Rễ siêng không ngại đất nghèo​ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù." 

Câu 3. Nội dung đoạn thơ gửi gắm đến chúng ta những bài học gì trong cuộc sống? 

Câu 4. Viết đoạn văn(từ 7 đến 10 câu) suy nghĩ về ý chí, nghị lực

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ: Biểu cảm. 

Câu 2. 

Trong 2 câu thơ: "Rễ siêng không ngại đất nghèo/​ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù" tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa và ẩn dụ.

- Nhân hóa: Cây tre vốn là một sự vật vô tri vô giác được nhà thơ miêu tả như một con người: rễ tre siêng năng, cần cù không ngại khó; thân tre vươn mình đu trong gió; cây tre hát ru lá cành; tre biết yêu biết ghét.

- Ẩn dụ: Tre là biểu tượng đẹp đẽ cho đất nước và con người Việt Nam.

Câu 3. 

Nội dung đoạn thơ gửi gắm đến chúng ta những bài học sâu sắc về sự cần cù, chịu khó, đoàn kết và thươnng yêu nhau. Cây tre tượng trưng cho con người Việt Nam. Qua hình tượng cây tre, tác giả ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: đoàn kết, giàu tình thương yêu, ngay thẳng, chính trực. Cây tre đã trở thành một trong những biểu tượng cực kỳ đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách con người Việt Nam chúng ta.

Câu 4. 

Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn là một chuỗi khó khăn và thử thách. Nếu hèn nhát và yếu đuối chắc chắn ta sẽ thất bại và gục ngã. Nhưng nếu có ý chí nghị lực chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua để vươn tới thành công. Như vậy trong cuộc sống, ý chí nghị lực luôn là người bạn đồng hành cùng con người. Trước hết ta cần hiểu “ý chí nghị lực” là gì? Ý chí nghị lực là sự dũng cảm, là nghị lực phi thường, là bản lĩnh của con người vượt qua mọi khó khăn và thử thách để vươn tới thành công. Biểu hiện của ý chí nghị lực đó là những tấm gương dám sống, dám thành công như chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ý chí nghị lực có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Thứ nhất, ý chí nghị lực tạo cho ta bản lĩnh và lòng dũng cảm. Người có ý chí và nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ, dám làm, dám sống. Ý chí nghị lực giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai. Thứ ba, ý chí nghị lực giúp con người ta luôn tự tin về bản thân, tự tin với công việc mình làm. Dù thất bại vẫn vui vẻ và khắc phục lại chứ không hề nản chí. Tóm lại, ý chí nghị lực là thước đo phẩm giá của con người. Là một người học sinh chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần phải có ý thức vươn lên, rèn luyện cho bản thân mình một ý chí mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách. Mỗi ngày rèn luyện bản thân một chút ta sẽ thấy được nhiều ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống hơn. Sống không hèn nhát và yếu đuối.


Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ - Đề số 2

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt

Câu 2. Từ “cần cù” trong câu thơ “Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù” thuộc loại từ gì 

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên 

Câu 4. Qua đoạn thơ trên nhà thơ Nguyễn Duy đã dựng nên hình ảnh cây tre tượng trưng cho hình ảnh con người Việt Nam với những phẩm chất vô cùng cao quý, theo em đó là những phẩm chất cao quý nào?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: Phương thức biểu cảm. 

Câu 2. 

Từ “cần cù” trong câu thơ “Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù” thuộc loại từ: Từ láy 

Câu 3. 

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên:

- Sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa dùng những từ chỉ hoạt động của con người để gán cho tre: "Siêng, không ngại, cần cù, vươn, đu, kham khổ, yêu, khuất mình." Tác dụng: Nhấn mạnh phẩm chất của cây tre, tre cũng giống như con người siêng năng, cần cù, không ngại khó ngại khổ, thân tre vươn mình đu trong gió, tre cũng biết hát ru lá cành, biết yêu, biết ghét.

- Sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ: Tre là biểu tượng của con người Việt Nam. Tác dụng: giúp cho các câu văn hay hơn làm cho đoạn văn sinh động hơn. 

Câu 4.

Qua đoạn thơ trên nhà thơ Nguyễn Duy đã dựng nên hình ảnh cây tre tượng trưng cho hình ảnh con người Việt Nam với những phẩm chất vô cùng cao quý đó là những phẩm chất: Siêng năng, cần cù, chăm chỉ, kiên cường, bất khuất.


Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ - Đề số 3

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên.

Câu 2. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ:

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

Câu 3. Hình tượng cây tre trong hai dòng thơ in đậm mang đến cho em cảm nhận gì về vẻ đẹp của con người Việt Nam?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên là: Biểu cảm

Câu 2. 

Nghệ thuật nhân hóa: Thân gầy guộc, lá mong manh

Tác dụng: Cho thấy thân thể mảnh khảnh, nhỏ bé của cây tre nhưng lại làm nên những điều hết sức phi thường: kết thành, lập lũy bảo vệ ngôi làng. Biện pháp còn miêu tả được đặc điểm siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó, cố gắng vươn lên vượt qua nghịch cảnh. 

Câu 3. 

Hình ảnh cây tre cho em cảm nhận con người Việt Nam là những người người có thân hình tuy nhỏ bé, gầy guộc nhưng lại là những con người có ý chí kiên cường, làm nên những điều lớn lao đáng tự hào, tiêu biểu là chiến thắng của nhân dân ta trước những thế lực thù địch để giành lại đất nước tự do, độc lập. 


Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ - Đề số 4

Câu 1. Câu thơ nào miêu tả cây tre?

Câu 2. Hai câu thơ sau nói lên đặc điểm gì của cây tre?

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Câu 3. Tìm biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ sau:

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Câu 4. Hãy cho biết nhận xét của anh/chị về việc sử dụng hình ảnh, từ ngữ của tác giả trong đoạn thơ trên.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Câu thơ miêu tả cây tre là: Thân gầy guộc, lá mong manh    

Câu 2.

Hai câu thơ “Ở đâu tre cũng xanh tươi/Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu” nói lên đặc điểm của cây tre: dễ sống, dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, cho dù đất có bạc màu. Qua đó nói về sức sống bền bỉ dẻo dai của con người Việt Nam và tình cảm tự hào, yêu quý của tác giả với cây tre và con người Việt Nam.

Câu 3. 

Trong 2 câu thơ: "Rễ siêng không ngại đất nghèo/Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù", biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ trên là nhân hóa.

Câu 4. 

Nhận xét của em về việc sử dụng hình ảnh, từ ngữ của tác giả trong đoạn thơ trên: Tác giả đã sử dụng hình ảnh, từ ngữ gần gũi, mộc mạc nhưng rất sinh động, tài tình khi viết về tre Việt Nam. Đặc biệt tre Việt Nam là hình ảnh ẩn dụ có tính thẩm mĩ cao, gợi liên tưởng tới những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam, khơi gợi tình cảm yêu quý tự hào ở người đọc.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Tre xanh, xanh tự bao giờ. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 23/12/2022 - Cập nhật : 30/06/2023