logo

Đọc hiểu Thi thổi xôi nấu cơm (2 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Thi thổi xôi nấu cơm hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 

Đọc đoạn trích sau:

THI THỔI XÔI NẤU CƠM 

      “Đây là một trong những môn thi để tuyển nữ quan ở thôn Hạc Đỉnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Cuộc thi bắt đầu từ sáng tinh mơ ngày giáp tết. Hằng năm, dân làng phải tuyển 48 (trong số hàng trăm) trinh nữ cho đội đến Mã Cương. Sau tiếng trống lệnh, mỗi nữ sinh xuống một thuyền thúng (thúng trên đầm Giang Đỉnh, mang theo kiềng, nồi, chõ, gạo nếp, gạo tẻ cùng rơm ướt và bã mía tươi ). Các cô chèo ra giữa đầm, chuẩn bị bếp, vo gạo để chờ lệnh bắt đầu cuộc thi. Sau tiếng trống lệnh mới được nhóm lửa, các cô thổi cơm hay đồ xôi trước tùy ý, miễn là xong sớm để chèo thuyền vào nộp cơm và xôi cho Ban giám khảo. Nếu xong trước, xôi vẫn phải ngon, dẻo thì mới được điểm cao. 

      Khó khăn với các cô là ở chỗ nhóm bếp, thổi lửa. Phải giữ sao cho thuyền khỏi chòng chành, bếp lửa hướng ra phía gió dễ tắt. Các bà mẹ đã dạy các cô cách thức nhóm lửa bằng mồi ướt, thổi lửa mỗi khi bếp tắt, cách chọn hướng kê bếp theo chiều gió, giữ lửa cháy điều hòa, cách ước lượng thời gian. Các cô đốt những nén hương và trông theo những đoạn hương cháy để biết nồi cơm, chõ xôi đã vừa chín chưa. 

     Nếu gặp mưa phùn gió bấc, các cô sẽ trải qua một cuộc thi vất vả, còn nếu như mưa nặng hạt thì các cô sẽ được đưa lên bãi Giang Đỉnh trổ tài dưới những mái tranh. Cuộc thi diễn ra suốt buổi sáng.” 


Đọc hiểu Thi thổi xôi nấu cơm – Đề số 1

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt gì? Dựa vào đâu để nhận ra phương thức ấy?

Câu 2. Đây là trò chơi dân gian truyền thống hay trò chơi hiện đại? Câu văn nào cho biết điều ấy? Kể tên các đồ dùng, vật liệu mà các cô gái tham gia thi thổi xôi nấu cơm mang theo? Trong những thứ ấy, có thứ gì khác thường? 

Câu 3. Những khó khăn mà các cô gái tham gia thi thổi xôi nấu cơm gặp phải là gì? Điều đó đòi hỏi ở các cô gái những đức tính gì?

Câu 4. Viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của anh chị về việc phục hồi một số trò chơi dân gian trong những năm gần đây.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt là: thuyết minh.

Dấu hiệu để nhận biết: văn bản giới thiệu lần lượt về địa danh tổ chức, thời gian tổ chức, thành phần tham gia, nguyên vật liệu và các bước tiến hành một hội thi. 

Câu 2. 

- Hội thi thổi xôi nấu cơm là trò chơi dân gian truyền thống được đề cập trên đoạn trích trên.

- Câu văn cho biết điều ấy là: “Ðây là một trong những môn thi để tuyển nữ quan ở thôn Hạc Ðỉnh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá” 

- Những đồ dùng, vật liệu mà các cô gái tham gia thi thổi xôi nấu cơm mang theo là kiềng, nồi, chõ, gạo nếp, gạo tẻ cùng rơm ướt và bã mía tươi. Trong những thứ ấy, rơm ướt, bã mía là thứ khác thường, là hai nhiên liệu dùng để đun bếp

Câu 3. 

Những khó khăn mà các cô gái tham gia thi thổi xôi nấu cơm gặp phải là ở chỗ nhóm bếp, thổi lửa. Mỗi cô gái phải vừa thổi cơm vừa giữ sao cho thuyền khỏi chòng chành trước tiết trời lộng gió  và còn phải đun bếp bằng rơm ướt và bã mía - những thứ rất khó cháy. Những điều đó đòi hỏi ở các cô gái đức tính kiên trì, chịu thương chịu khó, cùng sự nhẫn nạ, thông minh và khéo léo. 

Câu 4. 

Xã hội chúng ta ngày một càng phát triển, bên cạnh đó cũng có nhiều sự thay đổi trong hình thức giải trí hấp dẫn con người, đặc biệt là với giới trẻ càng được thể hiện rõ ràng như  truyện tranh,  mạng xã hội,  trò chơi điện tử,… Từ đó mà nhiều trò chơi dân gian đã bị lãng quên và đang dần biến mất trong đời sống giới trẻ. Tuy nhiên, việc phục hồi một số trò chơi dân gian vẫn đang được xã hội quan tâm trong những năm gần đây. Một số trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, ô ăn quan, cướp cờ.. đã được tổ chức cho thanh thiếu niên trong các dịp lễ tết, trung thu,  ngoại khóa… và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các em. Vì vậy, việc khôi phục lại những trò chơi dân gian càng cần chúng ta quan tâm hơn nữa và không ngừng tạo ra những sân chơi thực sự hữu ích dành cho giới trẻ.  

Đọc hiểu Thi thổi xôi nấu cơm (2 đề)

Đọc hiểu Thi thổi xôi nấu cơm – Đề số 2

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích nói về vấn đề gì? 

Câu 2. Ý nghiã của cuộc thi với người dân nơi đây

Câu 3. Nêu cảm nghĩ của em về cuộc thi (trình bày đoạn văn ngắn)

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Đoạn trích nói về cuộc thi thổi xôi nấu cơm ở Hạc Đỉnh, Hoằng Hóa, Thanh 

Câu 2. 

Ý nghĩa của cuộc thi với người dân nơi đây: đó là một hoạt động văn hóa mang bản sắc quê hương. Cuộc thi được tổ chức với mong muốn thể hiện được sự trân trọng, quý trọng từng hạt gạo dẻo thơm của những người dân nơi đây. Bên cạnh đó còn thể hiện rõ nét sự khéo léo, chịu thương chịu khó của những người con gái vùng quê này.

Câu 3. 

Cuộc thi thổi xôi nấu cơm là hoạt động văn hóa mang bản sắc quê hương độc đáo của vùng quê Thanh Hóa. Cuộc thi đã góp phần thổi hồn vào nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Từ những khâu chuẩn bị tỉ mẩn và công phu trong khâu tổ chức đã góp phần tạo nên sự thành công của cuộc thi. Nổi bật trong cuộc thi chắc chắn phải kể đến đó là hình ảnh của những cô gái tham gia cuộc thi, là những cô gái vô cùng duyên dáng, khéo léo  làm ta thấy càng thêm yêu và quý mến tài năng của họ. Thời gian trôi qua rất nhanh và không ngừng đổi mới nhưng không vì thế mà nét đẹp văn hóa ấy bị mai một. Những bát cơm, xôi thơm ngon chính là phần quà quý giá của người lao động. 

icon-date
Xuất bản : 24/12/2022 - Cập nhật : 04/07/2023