Hướng dẫn trả lời 2 đề Đọc hiểu Tôi đi dưới nắng trưa trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi
( 1) Tôi đi dưới nắng trưa
Mùa xuân ấm áp
Nghe hơi thở của đồng quê mập mạp
Bãi phù sa xanh mượt ngô non
Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn
Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ.
Rực rỡ những làng vàng tươi mái rạ
Gạch mới nung, đá trắng chất bên đường
Khói lò bay quanh những phố phường
Sắt sáng chói những bể dầu xưởng máy
Và trường học đã mọc lên từng dãy…
(2) Sướng vui thay, miền Bắc của ta!
Cuộc sống tưng bừng đổi sắc thay da.
Ta nghe rõ: Mỗi giờ mỗi phút
Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt
Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ
Mà bàn tay thần diệu của Bác Hồ
Cầm chắc lái, bay trên đường vạn dặm
Đường gai góc đang nở đầy hoa thắm…(5/2/1956)
(Trích “Trên miền Bắc mùa xuân”, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1981)
Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.
Câu 2: Đề tài của đoạn trích trên là gì?
Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ sau:
Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt
Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ
Câu 4: Anh/ chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích?
Câu 5: So sánh hình ảnh quê hương, đất nước trong khổ thơ thứ nhất (1) với hình ảnh quê hương, đất nước trong đoạn thơ sau:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
(Trích Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm)
Đáp án
Câu 1:
- Nhân vật trữ tình trong đoạn trích xưng "tôi".
Câu 2:
- Đề tài của đoạn trích trên nói về quê hương, đất nước.
Câu 3:
- Biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ: "Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt "như “cỗ xe trăm mã lực khổng lồ” có tác dụng nhấn mạnh sức mạnh, sự phát triển và vươn lên kì diệu của đất nước, điều đó thể hiện niềm vui phơi phới, niềm tự hào lớn lao của nhà thơ về đất nước. Đồng thời phép so sánh còn làm cho đoạn thơ trở giàu hình ảnh, tăng tính gợi hình, biểu cảm, sinh động hon.
Câu 4:
Qua đoạn trích tác giả bộc lộ tình yêu, sự gắn bó với quê hương, đất nước thể hiện qua những xúc cảm sâu sắc về vẻ đẹp, sự thay đổi của thiên nhiên và cuộc sống con người khi đất nước bước vào xuân, bộc bạch niềm vui, niềm tự hào và niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước. Hết thảy, tình yêu mà tác giả dành cho quê hương, tổ quốc cho thấy được sự chân thành, trân trọng, gửi hết hi vọng, nềm tin sự mong chờ một tương lai hạnh phúc vào đất nước.
Câu 5:
- Hình ảnh quê hương, đất nước trong khổ (1) của đoạn trích trên được miêu tả qua những từ ngữ: mùa xuân ấm áp, đồng quê mập mạp, xanh mượt ngô non, đàn trâu… béo tròn, vàng tươi mái rạ… Còn hình ảnh quê hương đất nước trong đoạn thơ của Hoàng Cầm được miêu tả qua những từ ngữ như khủng khiếp, ngùn ngụt lửa hung tàn, ruộng…khô, nhà …cháy, chó ngộ… Như vậy, ta thấy được hình ảnh quê hương, đất nước trong đoạn thơ Tố Hữu tràn đầy sức sống tươi mới, nhiệt huyết của những ngày độc lập, tự do, đang vươn mình lớn mạnh trong công cuộc xây dựng CNXH. Ngược lại, hình ảnh quê hương, đất nước trong khổ thơ Hoàng Cầm lại trở nên đau thương, u buồn, chịu tình cảnh bị tàn phá do chiến tranh.
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên.
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Biểu cảm và miêu tả
Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ trên.
A. Nghệ thuật
B. Sinh hoạt
C. Báo chí
D. Chính luận
Câu 3. Tác giả sử dụng cách gieo vần nào trong thơ?
A. Vần lưng
B. Vần chân
C. Vần liền
D. Vần cách
Câu 4. Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:
Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt
Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ
A. Nhân hóa
B. Điệp ngữ
C. So sánh
D. Ẩn dụ
Đáp án
Câu 1. D => Phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là biểu cảm và miêu tả.
Câu 2. A => Phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ trên là nghệ thuật.
Câu 3. B => Tác giả sử dụng cách gieo vần chân trong bài thơ.
Câu 4. C => Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ là so sánh.