Hướng dẫn trả lời 2 đề Đọc hiểu Những ngón tay cơ bắp trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
Những ngón tay cơ bắp
Một trong những thứ có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở thời đại của chúng ta, là sự nổi tiếng.
Có cơ sở để khẳng định điều này. Phần nhiều trong số các bộ não tinh túy nhất thế giới đang được thuê để giúp ta thêm yêu cái điện thoại của mình. Họ làm việc ở các công ty lớn nhất thế giới ở San Francisco hay Bắc Kinh, nhận lương rất cao, để nghĩ cách giữ chân chúng ta trên các nền tảng số.
Logic của lạm phát: thời gian chúng ta trực tuyến ngày càng cao, tương tác trên môi trường số ngày càng thuận tiện, và khối lượng tương tác tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ sản xuất nội dung. Ngón tay cái chúng ta trở nên cơ bắp hơn, nói như một báo cáo của hãng Motorola đầu thế kỷ này. Chúng ta phân phát nhiều “likes” và “thả tim” hơn, theo đúng cách mà các ngân hàng trung ương in thêm tiền trong kịch bản của lạm phát kinh tế.
Năm 2011, với tôi thì một dòng trạng thái có 300 lượt thích được coi là một kỳ tích. Năm 2017, một nghìn năm trăm “likes” được coi là một thất bại. Bất kỳ một cô gymer dáng đẹp nào cũng có thể thu hút trung bình bốn nghìn lượt thích cho mỗi bức ảnh. Số lượt theo dõi vài trăm nghìn từng chỉ dành cho các ngôi sao giải trí kỳ cựu, nay dành cho bất kỳ ai có chí tiến thủ trên mạng xã hội.
[………]
Chúng ta đang ở trong một thời đại mà lực lượng tiêu dùng của truyền thông ngày càng trẻ hóa. Những đứa trẻ vị thành niên trở thành tập khách lớn của nội dung trên mạng. Từ YouTube, chúng đi thẳng ra sân bay và nằm chờ thần tượng của mình từ Hàn Quốc sang. Từ Instagram, chúng trang điểm và mặc croptop cho giống hình mẫu. Từ Facebook, chúng học cách giết thời gian. Từ Tik Tok, chúng có thể chẳng học được gì. Lực đẩy của truyền thông mạnh hơn: những đứa trẻ không có sức phản kháng tinh thần.
Nhưng có một nghịch lý, là công cụ phản kháng với các vấn đề xã hội của chúng ta giờ nằm phần lớn trên Internet. Thỉnh thoảng, trong các bài viết về chứng nghiện mạng xã hội và lười đọc sách, chính tôi lại thêm vài dòng khuyến khích độc giả đưa ra quan điểm phía dưới bài viết – tức là lại ngồi gõ phím.
[….]
Hoặc ngay lúc này, tôi rất muốn khuyến khích quý độc giả tham gia vào bầu chọn “Ngôi sao của năm” trên báo Ngôi sao. Đó là nơi mà chúng tôi đang đi tìm sự vinh danh cho những hình mẫu xứng đáng của làng giải trí trong bối cảnh “người nổi tiếng” trở thành khái niệm đơn giản. VnExpress đã có một hội đồng bình chọn gồm nhiều nhân vật kỳ cựu trong giới văn hóa, để lựa chọn ra các ứng viên nổi bật. Nhưng ai trở thành người được tôn vinh, giá trị nào là xứng đáng nhất, vẫn phải trông chờ vào lựa chọn của chính độc giả.
Vấn đề là nếu đưa ra sự khuyến khích này, tôi tự mâu thuẫn với tất cả các phân tích về lạm phát tương tác số đưa ra ở trên.
Nghịch lý này, rất khó giải quyết. Có lẽ việc đầu tiên chúng ta có thể làm, là nhận thức được nó, bằng việc xem lại mình đã “thích” những gì trong tuần qua – và sẽ “thích” thêm gì nữa trong ngày Chủ nhật này.
(Đức Hoàng, Những ngón tay cơ bắp, 2018, VNEXPRES-Thứ năm, 7/12/2023)
Câu 1. Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2. Xác định hai bằng chứng về sự phản kháng của chính bản thân tác giả khi nói về nghịch lý của việc lạm phát tương tác số trong văn bản trên.
Câu 3. Ba câu văn sau có vai trò gì trong việc làm sáng tỏ luận đề của văn bản: Từ YouTube, chúng đi thẳng ra sân bay và nằm chờ thần tượng của mình từ Hàn Quốc sang. Từ Instagram, chúng trang điểm và mặc croptop cho giống hình mẫu. Từ Facebook, chúng học cách giết thời gian. Từ Tik Tok, chúng có thể chẳng học được gì.
Câu 4. Theo anh/chị, cách đặt nhan đề của tác giả có phù hợp với nội dung văn bản hay không? Vì sao?
Câu 5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến đề xuất của tác giả: Có lẽ việc đầu tiên chúng ta có thể làm, là nhận thức được nó, bằng việc xem lại mình đã “thích” những gì trong tuần qua – và sẽ “thích” thêm gì nữa trong ngày Chủ nhật này hay không? Vì sao?
Đáp án
Câu 1.
- Luận đề của văn băn nói lên việc một trong những thứ có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở thời đại của chúng ta, là sự nổi tiếng.
Câu 2.
- Hai bằng chứng về sự phản kháng của chính bản thân tác giả khi nói về nghịch lý của việc lạm phát tương tác số trong văn bản:
+ "Thỉnh thoảng, trong các bài viết về chứng nghiện mạng xã hội và lười đọc sách, chính tôi lại thêm vài dòng khuyến khích độc giả đưa ra quan điểm phía dưới bài viết - tức là lại ngồi gõ phím"
+ "Hoặc ngay lúc này, tôi rất muốn khuyến khích quý độc giả tham gia vào bầu chọn “Ngôi sao của năm” trên báo Ngôi sao"
Câu 3.
- Ba câu văn có vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ luận đề của văn bản bởi: Những lí lẽ, bằng chứng xác đáng, tiêu biểu để chỉ ra những trang mạng có sức hút lớn đối với giới trẻ được giới trẻ yêu thích, quan tâm, theo dõi như Youtube, Instagram, Facebook và làm sáng rõ cho luận điểm “lực lượng tiêu dùng của truyền thông ngày càng trẻ hóa. Những đứa trẻ vị thành niên trở thành tập khách lớn của nội dung trên mạng”. Qua đó sẽ làm sáng tỏ được luận đề "Lạm phát số về sự nổi tiếng."
Câu 4.
- Theo em cách đặt nhan đề của tác giả phù hợp với nội dung văn bản vì hình ảnh những ngón tay cơ bắp gây ấn tượng vô cùng đặc biết, khơi gợi nên trí tưởng tượng của người đọc về “những ngón tay” like và “thả tim” của người dùng trên các trang mạng, chính những việc tương tác đó đã tạo ra lạm phát về sự nổi tiếng ảo mà nhiều bạn trẻ hằng mong ước.
Câu 5.
Em đồng tình với ý kiến đề xuất của tác giả: Có lẽ việc đầu tiên chúng ta có thể làm, là nhận thức được nó, bằng việc xem lại mình đã “thích” những gì trong tuần qua – và sẽ “thích” thêm gì nữa trong ngày Chủ nhật này, bởi điều đó xem giúp cho bản thân em có cái nhìn nhận về sự đúng đắn, học cách bình tĩnh, quan sát, phân tích, suy nghĩ về những hành động của mình trên không gian mạng. Và khi nhìn lại những gì mình đã từng thích em sẽ cân nhắc lại nội dung bài viết đó có thực sự phù hợp, đúng đắn, chính xác, bổ ích hay không để từ đó mà rút ra cho mình những bài học quý giá khi tương tác trên mạng sao cho hợp lí, tích cực, đúng hướng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức.
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn trên.
A. Sinh hoạt
B. Nghệ thuật
C. Báo chí
D. Hành chính
Câu 2. Dựa vào đoạn trích em hãy cho biết một trong những thứ có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở thời đại của chúng ta là gì?
A. Là sự nổi tiếng
B. Là sự cố gắng trong học tập
C. Là số người đi du học ở nước ngoài
Câu 3. Các trang mạng xã hội được nhắc đến trong đoạn trích?
A. Tiktok, X, Weibo
B. Youtube, Tiktok, Instagram
C. Youtube, Tiktok, Facebook, Instagram
D. Line, X, Facebook, Instragram
Câu 4. Theo tác giả, chúng ta đang sống trong thời đại nào?
A. Thời đại đồ ăn nhanh ngày càng được phát triển
B. Thời đại của mua sắm trực tuyến
C. Thời đại nghèo khó
D. Thời đại mà lực lượng tiêu dùng của truyền thông ngày càng trẻ hóa
Đáp án
Câu 1. C => Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn trên là báo chí.
Câu 2. A => Một trong những thứ có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở thời đại của chúng ta là sự nổi tiếng.
Câu 3. C => Các trang mạng xã hội được nhắc đến trong đoạn trích: Youtube, Tiktok, Facebook, Instagram.
Câu 4. D => Theo tác giả, chúng ta đang sống trong thời đại mà lực lượng tiêu dùng của truyền thông ngày càng trẻ hóa.