logo

Đọc hiểu Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài (3 đề)

Hướng dẫn trả lời 3 đề Đọc hiểu Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi

Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây…

Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá, cánh bay như bão thốc
Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…
Đảo tự giấu mình (*) trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài..

(Trần Đăng Khoa, Bên cửa sổ máy bay, NXB Tác phẩm mới, 1985) 


Đọc hiểu Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài (Tự luận) - Đề 1

Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Hình ảnh “cái giọt máu thiêng” trong câu thơ: “Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng” chỉ đối tượng nào?

Câu 3. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

Câu 4. Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về ý kiến: Người lính là một hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam.

Đáp án

Câu 1.

- Chủ thể trữ tình trong bài thơ là người lính đảo.

Câu 2.

- Hình ảnh “cái giọt máu thiêng” trong câu thơ: “Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng” chỉ đảo Thuyền Chài.

Câu 3.

- Thông điệp về giáo dục tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em bởi qua đoạn trích em có thể cảm nhận được tinh thần cống hiến, có trách nhiệm với công việc, bảo vệ tổ quốc của những người lính đảo dũng cảm, kiên cường. 

Câu 4.

Hình tượng người lính là hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam. Hình tượng người lính được xây dựng một cách giản dị, chân thực nhất, là một hình tượng chủ đạo, xuyên suốt trong văn học đặc biệt giai đoạn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Hình tượng người lính chính là biểu tượng đẹp nhất cho lý tưởng của thời đại: gan dạ, dũng cảm, lạc quan, kiên trì, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, cống hiến, bảo vệ tổ quốc.

Đọc hiểu Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài

Đọc hiểu Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài (Tự luận) - Đề 2

Câu 1. Văn bản được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ nào?

Câu 3. Nêu và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Đêm trong lều như trôi trong mây”

Câu 4.Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị qua văn bản?

Đáp án

Câu 1. 

- Văn bản “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2.

- Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ như:

+ “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời”

+ “Đến một cái gai cũng không sống được”

+ “Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút”

+ “Đêm trong lều như trôi trong mây”

+ “Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc”

+ “Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh”

Câu 3.

- Biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ "Đêm trong lều như trôi trong mây" có tác dụng tô đậm hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt đến cùng cực, khó khăn, gian nan thậm chí còn vượt quá giới hạn của con người. Hai câu thơ đã vẽ nên cái bỏng rát của nắng trời và cái chòng chành giữa biển như trôi ở cõi không gian không trọng lượng khắc họa một cuộc sống chiến đấu vô cùng khó khăn của những người lính, đồng thời biện phấp giúp tăng tính gợi hình, gợi cảm cho lời thơ thêm phần sinh động, hấp dẫn.

Câu 4. 

- Thông điệp ý nghĩa nhất với em qua văn bản chính là tình yêu quê hương, dất nước, lòng kiên trì, dũng cảm, gan dạ, bất khuất của những người lính Việt Nam trước những khó khăn, thử thách qua đó làm cho chúng ta cảm thấy tự hào, trân trọng hơn những giá trị mà họ đã dành cho đất nước và thêm yêu, cố gắng, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng tổ quốc.


Đọc hiểu Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài (Tự luận) - Đề 3

Câu 1. Đề tài của bài thơ trên là gì?

Câu 2. Hai câu thơ đầu: "Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời/Đến một cái gai cũng không sống được" cho em hiểu điều gì về cuộc sống trên đảo Thuyền Chài?

Câu 3. Em hiểu câu thơ sau như thế nào: "Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống."

Câu 4. Bài thơ có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật?

Đáp án

Câu 1. 

- Đề tài của bài thơ trên về người lính biển đảo.

Câu 2. 

- Hai câu thơ đầu: "Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời/Đến một cái gai cũng không sống được", giúp em có cái nhìn rõ ràng hơn về khung cảnh sóng gió nơi biển đảo rất dữ dội, thiên nhiên khắc nghiệt đến nỗi một cái gai cũng không thể sống sót vượt qua được chúng. Từ đó ta có thể thấy cuộc sống nơi đảo Thuyền Chài rất khó khăn, thiếu thốn, cực khổ, gian nan.

Câu 3. 

- Câu: "Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống." Được hiểu là tình yêu đất nước được thể hiện qua tiếng gọi thân thương, gọi bằng cả trái tim và trên hết vẫn là bộc bạch ý thức trách nhiệm gìn giữ bảo vệ Tổ quốc. Ánh mắt nhìn xuống là nhìn xuống biển đảo, nhìn xuống đất nước với ý chí quyết tâm gìn giữ và bảo vệ tổ quốc, đất nước, quê hương mình đang sinh sống. 

Câu 4. 

- Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ:

+ Thể thơ tự do linh hoạt trong vần nhịp, phóng túng trong biểu đạt cảm xúc, tâm tư.

+ Xây dựng được hình tượng người lính vừa mang nét chung của người bộ đội cụ Hồ, vừa mang nét riêng của những người lính đảo, những người con của tổ quốc.

+ Hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội được miêu tả độc đáo qua hệ thống ngôn từ tự nhiên, giàu hình ảnh, sinh động. 

icon-date
Xuất bản : 28/03/2024 - Cập nhật : 20/04/2024
/* comment facebook */