Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu NHỆN VÀ NGƯỜI trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi
NHỆN VÀ NGƯỜI
Trần Duy Phiên
(1) Trần Việt Chiến là con ngựa chiến. Ai cũng thừa nhận như thế, kể cả những người không ưa anh.
Thuở măng non, Chiến đến trường, các giáo viên mẫu giáo đã coi anh như thần đồng. Ngồi ghế tiểu học, Chiến toả sáng như một ngôi sao báo trước với mọi người một tương lai rực rỡ. Lên trung học, Chiến luôn đứng đầu khối, xuất sắc tất cả các môn. Chưa hết, Chiến còn là học sinh giỏi cấp quốc gia. Thi vào đại học, Chiến đỗ thủ khoa cùng lúc hai trường. Bốn năm sau, Chiến hoàn tất văn bằng kĩ sư điện toán với thứ hạng cao nhất. Nhà trường giữ anh lại làm cán bộ phụ giảng một thời gian rồi gửi đi du học. Bốn năm sau, Chiến mang về văn bằng tiến sĩ hạng tối ưu.
Ngoài chuyện khoa bảng, Chiến còn được trời phú cho một số năng khiếu khác – hát hay, vẽ giỏi và hùng biện. Nhưng lắm tài thì nhiều tật. Tật thứ nhất của Chiến là bướng bỉnh. Sau ngày về nước, anh quyết liệt không trở lại trường đại học mà xin vô một tổng công ty. Tật thứ hai của Chiến là bừa bãi. Các vật dụng của anh la liệt tuỳ tiện trong nhà ngoài ngõ, có lẽ do chủ nhân ỷ vào khả năng lưu trữ tư liệu của mình còn hơn bộ nhớ của máy điện toán. Tật thứ ba của Chiến là thích sống đời đơn độc – đơn độc chứ không cô độc, cũng chị này em nọ nhưng chưa thấy đỗ lại bến nào.
Nhất nhân nhất hộ, anh hãnh hách đến cực đoan, không những người mà các loài khác cũng khó chung nhà chung cửa.
(2) Tài năng cỡ đó, tính khí thế ấy, Trần Việt Chiến khó mà leo lên hàng lãnh đạo một đơn vị nào. Nhưng đố ai dám sa thải hoặc sử dụng anh vào những lao dịch phổ thông mạt hạng. Người xưa từng dạy dụng nhân như dụng mộc. Phải có cho Chiến một chức vụ! Vậy thì phó phòng. Nhưng phó gì? Phó lưu động – một sáng kiến độc đáo do một cô gái yêu anh nhưng không được đáp lại đề nghị với tổng giám đốc, nghĩa là cấp trưởng mà không có phòng. Kì thực, ông ta khá tinh tế, vừa muốn tránh tiếng mổ gà dùng đại đao, vừa muốn khoe mẽ, mồi chài. Và người ta không ngờ Chiến hồ hởi nhận ngay vì anh rất thích những đêm một mình một giường một phòng ở khách sạn mà không vơi một xu tiền túi.
Từ đó, không mấy khi Trần Việt Chiến ngó ngàng tới nhà cửa. Anh ăn cơm bụi, thì giờ còn lại dùng để đọc sách, chơi game và ngủ. Chiến sử dụng ba chức năng ấy hết công suất nhưng không quan tâm đúng mức – sách, máy và giường bốn mùa bụi bặm. Mặc! Miễn sao khi cần tới, sách không mờ chữ, máy vẫn chạy tốt và giường đầy đủ chăn màn mắc sẵn.
(3) Sau một chuyến đi dài ngày, Chiến về lại nhà. Tắm táp xong, anh lao vào giường nằm chờ giấc ngủ nhưng không chợp mắt được. Bình thường, trong những trường hợp như thế, anh với tay lên đầu giường, kéo xuống một tập gì đó và đọc. Nhưng hôm nay, những hợp đồng kinh tế, những biên bản hội họp, những báo cáo dài dằng dặc, khiến anh chán chữ nghĩa. Mặc cho chúng nhắm mở tuỳ thích! – Anh tự nhủ. Nhưng khi nhìn lên trần mùng, mắt anh bắt gặp một vật lạ. Cái gì thế nhỉ? Một chiếc lá khô lơ lửng giữa mùng màn trắng xoá. Anh chớp mắt. Một chiếc lá khô từ vườn chui qua hai lớp cửa len vào mùng ta? Không bao giờ! Anh cuộn mình ngồi dậy, lần tới. Không phải lá, một con nhện rằn to tướng với những chân dài và những khoanh bụng ánh bạc. Nhìn kĩ, nhện ta đang an nhiên toạ thị giữa cái mạng tơ nõn mỏng manh. Đồ ngu! – Ngắm nghía một lúc, anh rủa thầm, nằm trở lại – Rõ ràng chú mày bủa lưới săn mồi. Nhưng có gì trong cái mùng này mà săn! Chợt nhớ một bức biếm hoạ vẽ một người câu cá giữa sa mạc, anh thích chí cười ha hả.
Tối đến, sau khi xem xong chương trình truyền hình, Chiến vào giường. Vừa ngã người nhìn lên, anh lại bắt gặp con nhện với cái mạng tơ bùng nhùng. Vậy là chú mày dám ngang nhiên chung chạ với ta, áp tận đến nơi nghỉ ngơi. Ngứa mắt, anh muốn bắt giết ngay con nhện. Nhưng chợt nghĩ lại, sá gì một con vật nhỏ nhoi thế kia mà mình phải nhọc sức. Lại nữa, phải cho nó chết đói dần mòn mới xứng với cái ngu có một không hai! Đợi đấy! Số mày đã tận, nhưng ta thề chẳng bao giờ động thủ. Anh nằm im và khởi sự chờ đợi con nhện chết. Và mỗi ngày hai bận, anh chờ đợi như thế suốt cả tuần nay. Nhưng nhện ta vẫn ngang nhiên tồn tại.
(4) Rồi một chuyến công tác lưu động khác, Chiến tấn kĩ bốn phía mùng, chốt chặt các cửa trước khi đi. Tuy bận rộn nhưng mỗi khi có dịp nghỉ ngơi anh lại nghĩ tới nhện và hong hóng được thấy nó chết. Có lẽ cái ác trong anh kích thích. Anh nôn nao trên đường về nhà. Chú mày đã trắng mắt ra chưa? Áo thay chưa kịp cài nút, anh háo hức lao vào giường. Bắt chéo hai tay làm gối, anh hả hệ căng mắt nhìn lên. Tuy có gầy đi nhưng nhện ta vẫn lì lợm sống! Thay vào phần hao hớt, một bọc trắng tròn trịa bằng cái nắp chai lủng lẳng trước mặt. Thì ra một quý bà! Nhưng sao đã không chết lại còn đẻ a?
Chiến quỳ thẳng người lên, muốn bứt tung màng tơ, bóp nát cái bọc trứng. Nhưng trời ạ, ngay trước mắt anh, bên kia cái màng tơ, một lỗ thủng – chỗ hợp ba góc của mỗi vuông vải. Với đôi mắt tinh và sáng như sao, Chiến nhận ra một đàn muỗi đang vo ve bên ngoài rồi lần lượt từng con chui qua cái lỗ ấy và dính ngay vào mạng. Đúng là một cái bẫy – một cái bẫy rất hiệu nghiệm! Vô vàn cánh muỗi lấp lánh. Nhưng mồi đâu mà nhử? – Anh hỏi rồi nhìn xuống người mình. Hèn gì! – Chiến giật mình.
Từ ấy, Trần Việt Chiến hết muốn làm con ngựa chiến.
(Tạp chí Sông Hương, số 284, ngày 16/10/2012)
Câu 1. Phương án nào dưới đây nêu đúng về điểm nhìn của người kể chuyện trong đoạn trích sau?
“Chiến vào giường. Vừa ngã người nhìn lên, anh lại bắt gặp con nhện với cái mang tơ bùng nhùng. Vậy là chú mày dám ngang nhiên chung chạ với ta, áp tận đến nơi nghỉ ngơi. Ngứa mắt, anh muốn bắt giết ngay con nhện. Nhưng chợt nghĩ lại, sá gì một con vật nhỏ nhoi thế kia mà mình phải nhọc sức. Lại nữa, phải cho nó chết đói dần mòn mới xứng với cái ngu có một không hai! Đợi đấy! Số mày đã tận, nhưng ta thề chẳng bao giờ động thủ. Anh nằm im và khởi sự chờ đợi con nhện chết. Và mỗi ngày hai bận, anh chờ đợi như thế suốt cả tuần nay. Nhưng nhện ta vẫn ngang nhiên tồn tại.”
A. Điểm nhìn bên ngoài – người kể chuyện quan sát, kể lại suy nghĩ của nhân vật Chiến một cách khách quan
B. Điểm nhìn bên ngoài – người kể chuyện quan sát, kể lại suy nghĩ của nhân vật Chiến từ cảm nhận của những người trong cơ quan về anh
C. Điểm nhìn bên trong – người kể chuyện quan sát, kể lại về nhân vật Chiến xuyên qua cảm nhận, suy nghĩ của chính anh
D. Điểm nhìn bên trong – người kể chuyện quan sát, kể lại về nhân vật Chiến xuyên qua cảm nhận, suy nghĩ của hình tượng con nhện
Câu 2. Phương án nào dưới đây nêu đúng tình huống của truyện?
A. Trần Việt Chiến phát hiện một con nhện chui vào trong mùng và quyết tâm bẫy nó chết mòn bằng sự giam hãm của mình nhưng rốt cuộc anh lại là mồi nhử trong cái bẫy của con nhện.
B. Trần Việt Chiến được phong làm phó phòng lưu động theo sáng kiến của một cô gái yêu anh mà không được đáp lại, anh hồ hởi nhận ngay và phát hiện được nhiều bất ngờ thú vị từ những chuyến đi.
C. Trần Việt Chiến không trở lại trường đại học sau khi đi du học về mà xin vào làm tại một tổng công ty để thử thách bản thân và phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của mình.
D.Trần Việt Chiến phát hiện ra một con nhện chui vào mùng, anh ta thích thú quan sát và phát hiện ra nghệ thuật “săn mồi” bất ngờ, độc đáo của nó.
Câu 3. Giọng điệu chủ đạo trong phần (4) của văn bản là gì?
A. Cảm thương
B.Hài hước
C.Đả kích
D.Giễu nhại
Câu 4. Điểm nhìn trong văn bản ở phần (1) và (2) có gì khác với phần (3) và (4)? Nêu tác dụng của sự thay đổi đó.
Câu 5. Hãy phát biểu thông điệp của văn bản.
Trả lời
Câu 1: C Điểm nhìn bên trong – người kể chuyện quan sát, kể lại về nhân vật Chiến xuyên qua cảm nhận, suy nghĩ của chính anh
Giải thích: Chiến kể lại tình tiết câu chuyện nêu lên cảm nhận, suy nghĩ thông qua chính anh
-> điểm nhìn bên trong
Câu 2: A Trần Việt Chiến phát hiện một con nhện chui vào trong mùng và quyết tâm bẫy nó chết mòn bằng sự giam hãm của mình nhưng rốt cuộc anh lại là mồi nhử trong cái bẫy của con nhện.
Giải thích: Dựa vào ngữ liệu đã cho để rút ra kết luận về tình huống truyện
Câu 3: B Hài hước
Giải thích: Trong đoạn 3 sử dụng giọng điệu chủ đạo là hài hước. Với những tình tiết "Ngắm nghía một lúc, anh rủa thầm, nằm trở lại – Rõ ràng chú mày bủa lưới săn mồi. Nhưng có gì trong cái mùng này mà săn! Chợt nhớ một bức biếm hoạ vẽ một người câu cá giữa sa mạc, anh thích chí cười ha hả." "Vậy là chú mày dám ngang nhiên chung chạ với ta, áp tận đến nơi nghỉ ngơi. Ngứa mắt, anh muốn bắt giết ngay con nhện"....
Câu 4:
- Điểm nhìn trong văn bản ở phần (1) và (2) được tác giả sử dụng điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn khách quan của người kể chuyện để kể về nhân vật chính Trần Việt Chiến
-Đến phần (3) và (4) điểm nhìn đã di chuyển vào bên trong, người kể chuyện quan sát, kể lại về nhân vật Chiến xuyên qua cảm nhận, suy nghĩ của chính anh
- Cách thay đổi điểm nhìn như vậy đã thể hiện một cách rõ ràng sự thay đổi về nhận thức của nhân vật đối với con nhện. Trần Việt Chiến với thái độ kiêu ngạo của mình, Chiến coi mình là trung tâm của vũ trụ, con nhện trong mùng đã khơi gợi bản tính ác trong anh, anh đã định giết con nhện ngay khi thấy nó. Để rồi, anh lại trở thành con mồi trong cái bẫy của con nhện. Chiến vỡ lẽ, sự vỡ lẽ này của anh đã thay đổi anh từ một con ngựa chiến, để " tái sinh" thành một Trần Việt Chiến biết khiêm nhường, biết tôn trọng tự nhiên.
Câu 5:
Qua văn bản trên, tác giả đã đưa đến cho em những thông điệp ý nghĩa rằng con người chỉ là một phần của thiên nhiên, một giống loài trong muôn loài. Trí thông minh vượt trội, khả năng lao động... đã khiến cho con người trở nên kiêu ngạo, thậm trí ác độc với những loài yếu thế hơn. Tuy nhiên, hãy biết tôn trọng tự nhiên, sống bình đẳng và hài hòa với những loài khác. Hãy ngừng việc nghĩ loài người là giống loài thượng đẳng, thống trị tự nhiên. Bởi lẽ, một khi thiên nhiên đã lên tiếng con người có lẽ sẽ nhận những cú " knock out" bất ngờ.
Câu 1. Hình thức ngôn ngữ nào dưới đây không xuất hiện trong văn bản?
A. Lời đối thoại của nhân vật
B.Lời kể của người kể chuyện (lời gián tiếp)
C.Lời của người kể chuyện nhưng kể qua điểm nhìn nhân vật (lời nửa trực tiếp)
D. Lời độc thoại của nhân vật
Câu 2.Việc kể về những thành tích nổi bật của Trần Việt Chiến trong phần (1) nhằm mục đích gì?
A. Khẳng định mọi người không ưa Chiến vì ghen ghét, đố kị với tài năng và sự tỏa sáng hơn người của anh, qua đó thể hiện chủ đề của truyện.
B. Tạo ra sự đối lập với phần (4) của văn bản để nhấn mạnh sự thất bại thảm hại của con người trước những sinh vật bé nhỏ trong thế giới tự nhiên, qua đó thể hiện chủ đề của truyện.
C.Thể hiện cảm hứng tôn vinh, đề cao con người, qua đó khẳng định con người là trung tâm của vũ trụ, là chúa tể của muôn loài.
D. Nhấn mạnh sự kiêu căng, ngạo mạn, tự mãn về bản thân của Chiến, qua đó nhắn gửi thông điệp con người cần khiêm tốn, biết người, biết ta thì mới thành có công.
Câu 3. Tình huống trong văn bản chủ yếu thuộc loại tình huống nào?
A. Tình huống hành động
B.Tình huống tâm trạng
C.Tình huống nhận thức
D.Tình huống kịch
Câu 4. Theo trình tự kể trong văn bản, thái độ đối với tự nhiên của nhân vật Trần Việt Chiến đã thay đổi như thế nào?
A. Từ cách ứng xử lạnh lùng, tàn nhẫn với tự nhiên đến sự bộc lộ tình yêu và sự hoà hợp với tự nhiên
B. Từ thái độ bàng quan trước thế giới tự nhiên đến sự vỡ lẽ, ngạc nhiên về những sức mạnh kì diệu chưa khám phá hết của thế giới ấy
C. Từ thói hợm hĩnh, coi thường tự nhiên đến lối ứng xử ác độc, tàn bạo với tự nhiên để thoả mãn sự ích kỉ, trịch thượng của bản thân
D. Từ thái độ khinh thường, ngạo mạn, tự cho mình là trung tâm của vũ trụ đến sự vỡ lẽ và kính sợ trước sức mạnh của tự nhiên
Câu 5. Cách đặt tên truyện của Trần Duy Phiên có gì giống và khác với nhan đề truyện Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) của Hemingway? Tác giả Trần Duy Phiên muốn gửi gắm điều gì qua nhan đề truyện?
Trả lời
Câu 1: A Lời đối thoại của nhân vật
Giải thích: Trong ngữ liệu văn bản chỉ có sự độc thoại nội tâm của nhân vật Chiến, không có lời đối thoại.
Câu 2: B Tạo ra sự đối lập với phần (4) của văn bản để nhấn mạnh sự thất bại thảm hại của con người trước những sinh vật bé nhỏ trong thế giới tự nhiên, qua đó thể hiện chủ đề của truyện.
Giải thích: Dựa vào ngữ liệu văn bản đã cho
Câu 3: C Tình huống nhận thức
Giải thích: Tình huống trong văn bản là tình huống nhận thức của Chiến.
Câu 4: D Từ thái độ khinh thường, ngạo mạn, tự cho mình là trung tâm của vũ trụ đến sự vỡ lẽ và kính sợ trước sức mạnh của tự nhiên
Giải thích: Thái độ của Chiến đã thay đổi từ khinh thường con nhện nhỏ trong mùng, ngạo mạn với việc bản thân không cần đụng tay cũng khiến con nhện chết. Chiến coi mình là trung tâm vũ trụ rồi sau đó mắc vào cái bẫy của con nhện nhỏ, vỡ lẽ bản thân đã mắc bẫy, và có sự kính sợ trước sức mạnh thiên nhiên
Câu 5:
Cách đặt tên truyện của Trần Duy Phiên có điểm giống với cách đặt tên nhan đề truyện Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) của Hemingway ở chỗ cả hai nhan đề đều có yếu tố danh từ là con người và thiên nhiên, đều sử dụng từ " và" để kết nối hai yếu tố này vào với nhau
Cách đặt tên truyện của Trần Duy Phiên có điểm khác với cách đặt tên nhan đề truyện Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) của Hemingway ở chỗ vị trí của yếu tố con người và thiên nhiên, trong nhan đề truyện Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) con người được đặt trước thiên nhiên, đến truyện của Trần Duy Phiên, thiên nhiên đặt trước con người.
-> Cách đặt nhan đề Nhện và Người cho thấy rằng trong quan niệm của tác giả, thiên nhiên không chỉ ngang hàng với con người mà thậm chí còn được đặt ở vị trí trước con người. Qua đây thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên, làm thay đổi nhận thức về việc con người là trung tâm của thế giới.