Hướng dẫn trả lời 2 đề Đọc hiểu Người cũ bao giờ cũng bắt đầu từ câu chuyện xưa trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi
Người cũ bao giờ cũng bắt đầu từ những câu chuyện ngày xưa
Người cũ tự hào vì câu chuyện cũ
Và thế họ sống được tới hôm hay
Lũ trẻ không hiểu gì chỉ lặng im
Không hiểu niềm kiêu hãnh tự hào
Câu chuyện cũ của ông cha, câu nói cửa miệng
Miếng ăn, nước uống thường ngày
Vô cảm, không rung động
Lớp trẻ trong veo trong sương mai buổi sớm
Câu chuyện cũ rất buồn
Không có tiếng vỗ tay
Không ánh mắt trẻ thơ ngưỡng mộ
Niềm kiêu hãnh giấu vào câm lặng
Thời gian trôi qua cuộc sống vô thường
An ủi câu chuyện cũ người cũ
… …
(Trích Cổ tích, Thơ Hữu Ước, Viết và đọc – Chuyên đề mùa Hạ 2020, NXB Hội nhà văn, tr.209)
Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2: Những từ ngữ, hình ảnh trong đoạn trích thể hiện thái độ của “lớp trẻ” trước những “câu chuyện cũ người cũ”
Câu 3: Nêu nội dung của những dòng thơ sau
Câu chuyện cũ rất buồn
Không có tiếng vỗ tay
Không ánh mắt trẻ thơ ngưỡng mộ
Niềm kiêu hãnh giấu vào câm lặng
Thời gian trôi qua cuộc sống vô thường
An ủi câu chuyện cũ người cũ
Câu 4: Từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích, anh/ chị rút ra bài học gì cho bản thân về cách ứng xử với “chuyện cũ người cũ”
Đáp án
Câu 1:
Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ Tự do
Câu 2:
Những từ ngữ, hình ảnh trong đoạn trích thể hiện thái độ của “lớp trẻ” trước những “câu chuyện cũ người cũ” là: “không hiểu gì” “lặng im” “Không hiểu niềm kiêu hãnh tự hào” “Vô cảm, không rung động” “Không có tiếng vỗ tay/ Không ánh mắt trẻ thơ ngưỡng mộ”
Câu 3:
Từ những dòng thơ trên ta có thể thấy được thái độ của người trẻ đối với những câu chuyện cũ của “người cũ”, khoảng cách thế hệ đã khiến những người trẻ tuổi không còn hứng thú với những câu chuyện cũ của người thế hệ trước, vậy nên mới có thái độ thờ ơ, không còn những tiếng vỗ tay, không còn ánh mắt trẻ thơ ngưỡng mộ, những câu chuyện xưa cũ dần đi vào quên lãng.
Câu 4:
Từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích, em rút ra bài học cho bản thân về cách ứng xử với “chuyện cũ người cũ”. Những câu chuyện cũ của thế hệ trước tuy không mấy hấp dẫn đối với những người trẻ chúng ta do khoảng cách thế hệ tạo nên nhiều khác biệt, tuy nhiên những câu chuyện tưởng chừng nhàm chán đó đôi khi lại ẩn chứa những bài học cuộc sống mà thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta đã trải qua. Ứng xử với “chuyện cũ người cũ” là điều không dễ dàng, tuy nhiên hãy học cách trân trọng quá khứ, sống cho hiện tại, thay đổi những điều đã cũ, buông bỏ những điều không thể thay đổi, tự tin và mạnh mẽ, trân trọng những điều hiện tại, hướng bản thân đến những điều tốt đẹp nhất.
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên
A. Biểu cảm
B. Tự sự
C. Thuyết minh
D. Miêu tả
Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ trên
A. Sinh hoạt
B. Nghệ thuật
C. Chính luận
D. Báo chí
Câu 3: Theo đoạn trích, tại sao người cũ lại tự hào về những câu chuyện cũ?
Câu 4: Theo em, thế hệ trẻ ngày nay cần làm gì để trân trọng những điều tốt đẹp trong quá khứ.
Đáp án
Câu 1: A
Giải thích: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là biểu cảm
Câu 2: B
Giải thích: Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật vì có sử dụng những biện pháp nghệ thuật
Câu 3:
Người cũ tự hào vì những câu chuyện cũ vì trải qua những biến cố thăng trầm ấy, họ mới sống được đến hôm nay, đó có thể là những chiến công hào hùng của ông cha, là chiến tích của một quá khứ đã qua, niềm kiêu hãnh suốt cuộc đời của những thế hệ đi trước.
Câu 4:
Trân trọng quá khứ là một nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát huy trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay. Quá khứ đã qua ẩn chứa những kho tàng tri thức quý giá, là nguồn cảm hứng cho hiện tại và cả tương lai. Để trân trọng những điều tốt đẹp ấy, thế hệ trẻ ngày nay cần:
- Học hỏi, tìm hiểu về lịch sử: thế hệ trẻ cần tăng cường việc tìm hiểu về lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc, về những chiến công hiển hách của cha ông ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước
- Lắng nghe những câu chuyện và học hỏi từ thế hệ đi trước: những câu chuyện của thế hệ trước chính là những bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta, đó là những giá trị đạo đức, lối sống đẹp của ông bà, cha mẹ muốn truyền lại cho chúng ta
- Giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp: thời đại hội nhập 4.0 chóng mặt như hiện nay, mỗi người cần mở mang tầm mắt của bản thân, tiếp thu những giá trị văn hóa mới mẻ tuy nhiên cần chú ý hòa nhập chứ không hòa tan, chắt lọc, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cha ông ta để lại.