logo

Đọc hiểu Mùa Cam trên xứ Nghệ

Mùa Cam trên đất Nghệ

Mùa ngọt dần lên ngọn 

Gió heo may chớm sang 

Trái hồng vừa trắng cát 

Vườn cam cũng hoe vàng 

Cam Xã Đoài mọng nước 

Giọt vàng như mật ong 

Bổ cam ngoài cửa trước 

Hương bay vào nhà trong 

Bà mẹ thôn Nghi Vạn 

Con tòng quân vắng nhà 

Trẩy cam mỗi buổi sáng 

Bồn chồn nhớ con xa 

– “Cam này thơm lại ngọt 

Các con ăn mẹ gọt  

[…] Các con mẹ đi mãi 

Không ăn cam vườn nhà 

Đã có phần cây quả 

Của các mẹ quê xa” 

Ra trận là dũng sĩ 

Bên mẹ thành trẻ con 

Bầu sữa quê ta đó 

Rót vào chùm quả ngon. 

(Phạm Tiến Duật, Vầng trăng quầng lửa, 

NXB Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 27 – 28) 

Câu hỏi:

1. Xác định thể thơ của bài thơ Mùa cam trên đất Nghệ. Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ. 

2. Hình ảnh trái cam, mùa cam trên đất Nghệ được miêu tả như thế nào và có ý nghĩa gì? 

3. Xác định biện pháp tu từ trong các dòng thơ dưới đây và nêu tác dụng của chúng: Cam Xã Đoài mọng nước Giọt vàng như mật ong. 

4. Tình cảm của người mẹ thôn Nghi Vạn nói riêng và của các bà mẹ Việt Nam nói chung dành cho những người con đi chiến đấu xa nhà thể hiện như thế nào? 

5. Nêu cảm nhận của em về tình cảm của người lính dành cho những người mẹ và quê hương. 

6. Chỉ ra những nét tương đồng giữa hai bà mẹ trong hai bài thơ Gặp lá cơm nếp và Mùa cam trên đất Nghệ.

Đọc hiểu Mùa Cam trên xứ Nghệ

Trả lời

1. Bài thơ Mùa cam trên đất Nghệ được viết theo thể thơ năm chữ.

– Cách gieo vần: Bài thơ gieo vần chân cách quãng. Ví dụ:

Cam Xã Đoài mọng nước
Giọt vàng như mật ong
Bổ cam ngoài cửa trước
Hương bay vào nhà trong.

– Ngắt nhịp: Bài thơ ngắt nhịp 3/2, 2/3, phù hợp để diễn tả tình cảm, cảm xúc.

Bà mẹ / thôn Nghi Vạn
Con tòng quân / vắng nhà
Trẩy cam / mỗi buổi sáng
Bồn chồn / nhớ con xa

Ví dụ, cách ngắt nhịp 2/3 ở dòng thơ Bồn chồn / nhớ con xa làm nổi bật tâm trạng nôn nao, thấp thỏm nhớ thương, lo lắng cho người con cầm súng chiến đấu xa nhà của người mẹ.

2. Mùa cam trên đất Nghệ được tác giả miêu tả rất tinh tế. Đó là thời khắc giao mùa, gió heo may chớm sang. Trái cây bước vào độ chín. Nhà thơ đã mở rộng các giác quan để cảm nhận sự vận động đó của thiên nhiên (vị giác để cảm nhận độ ngọt của cây trái, xúc giác để cảm nhận gió heo may về, thị giác để cảm nhận màu trắng cát của trái hồng chín, màu hoe vàng của trái cam vừa
độ hái).

Trong những hương vị phong phú của quê hương xứ Nghệ, nhà thơ đặc biệt ấn tượng với trái cam Xã Đoài – một đặc sản nổi tiếng. Qua vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm nổi bật hình ảnh trái cam Xã Đoài: vỏ mỏng, mọng nước; nước cam vàng óng, đặc sánh như mật ong; hương thơm nồng nàn lan toả trong không gian.

Trái cam ngon ngọt kết tinh tình cảm của những bà mẹ nói riêng, ngườidân xứ Nghệ nói chung, rộng ra là tình cảm của người dân mọi miền quê dành cho những người con đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước.

3. Trong hai dòng thơ Cam Xã Đoài mọng nước / Giọt vàng như mật ong, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hình ảnh mật ong giúp người đọc hình dung được màu vàng đậm, hương vị ngọt ngào, độ đặc sánh của những giọt nước cam Xã Đoài – đặc sản xứ Nghệ. Từ đó, người đọc cảm nhận được hương vị thơm ngon của một loại quả quý.

4. Tình cảm của người mẹ thôn Nghi Vạn nói riêng và của các bà mẹ Việt Nam nói chung dành cho những người con đi chiến đấu xa nhà:

– Xa con, mẹ không nguôi lo lắng, thương nhớ con. Không được chăm sóc, thể hiện trực tiếp tình yêu dành cho con mình, mẹ trao tình cảm, sự chăm lo cho những người con của các bà mẹ khác cũng xa nhà đi chiến đấu. Mẹ chăm sóc tỉ mỉ, dành cho các anh những gì thơm ngọt nhất của quê hương.

– Tình mẫu tử đã mở rộng, nâng lên thành tình yêu quê hương, đất nước. Các mẹ chính là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến vững tâm chiến đấu, giành lại bình yên cho quê hương.

5. Tình cảm của người lính dành cho những người mẹ và quê hương được thể hiện:

– Thấu hiểu tấm lòng, tình cảm bao la của mẹ dành cho những người lính qua những cử chỉ chăm sóc ân cần, tỉ mỉ, giản dị: gọt cam cho các anh ăn. Sự chăm sóc đó khiến các anh thấy mình trở nên nhỏ bé bên mẹ: Ra trận là dũng sĩ / Bên
mẹ thành trẻ con.

– Lên đường chiến đấu để bảo vệ sự bình yên cho mẹ và quê hương.

6. Những nét tương đồng giữa hai bà mẹ trong hai bài thơ Gặp lá cơm nếp và Mùa cam trên đất Nghệ:

– Cuộc sống lam lũ, vất vả.

– Tần tảo vun vén, chắt chiu cho con.

– Yêu con vô bờ bến.

– Tình yêu gia đình gắn với tình yêu quê hương, đất nước. Các mẹ sẵn sàng tiễn các con ra đi chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc.

>>> Xem đầy đủSoạn SBT Ngữ Văn 7 Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn - KNTT

icon-date
Xuất bản : 16/07/2022 - Cập nhật : 19/11/2022