logo

Đọc hiểu Bố đứng nhìn biển cả

Bố đứng nhìn biển cả 

Bố đứng nhìn biển cả 

Con xếp giấy thả diều 

Bố trời chiều bóng ngả 

Con sóng sớm bừng reo. 

Chuyện bố bố con con 

Dập dồn như lớp sóng 

Biển bốn phía biển tròn 

Diều bay trong gió lộng 

Bố dạy con hình học 

Đo góc biển chân trời 

Khi vừng dương mới mọc 

Nhuộm tím màu xa khơi. 

Ống nhòm theo biển dài 

Thấy buồm lên thích quá! 

Theo con nhìn tương lai 

Khấp khởi mừng trong dạ 

Trên boong tàu gió mát 

Trên biển cả sóng cồn 

Diều con lên bát ngát 

Tưởng mọc vừng trăng non. 

7 – 1982 

(Huy Cận, Hạt lại gieo, NXB Văn học, Hà Nội, 1984, tr. 48 – 49)  

Câu hỏi

1. Bài thơ Bố đứng nhìn biển cả thuộc thể thơ nào? Nêu nhận xét của em về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ. 

2. Trong bài thơ, khi đứng nhìn biển cả, người bố có những suy tư, cảm xúc như thế nào? 

3. Hình ảnh biển cả có ý nghĩa gì? 

4. Tìm một số từ láy trong bài thơ và nêu tác dụng của các từ láy đó. 

5. Tìm cụm động từ trong những dòng thơ sau. Xác định động từ trung tâm và những ý nghĩa mà động từ đó được bổ sung. 

a. Bố dạy con hình học. 

b. Diều bay trong gió lộng. 

Từ mỗi động từ trung tâm đó, hãy tạo thêm ba cụm động từ mới.

Đọc hiểu Bố đứng nhìn biển cả

Trả lời

1. Bài thơ Bố đứng nhìn biển cả thuộc thể thơ năm chữ. Bài thơ sử dụng vần chân, kiểu vần gián cách (cả – ngả, diều – reo, con – tròn, sóng – lộng,…). Nhịp chính của bài thơ là 3/2:

Bố đứng nhìn / biển cả
Con xếp giấy / thả diều
Bố trời chiều / bóng ngả
Con sóng sớm / bừng reo.

Nhịp thơ và vần được gieo đều đặn, gợi cảm giác về con tàu bồng bềnh, dập dềnh trên sóng nước.

2. Trong bài thơ, khi đứng nhìn biển cả, người bố có những suy tư, cảm xúc sau:

– Cảm nhận được sự tiếp nối của cuộc đời con với cuộc đời mình – một sự tiếp nối tươi trẻ, đầy sức sống và hi vọng: Bố trời chiều bóng ngả / Con sóng sớm bừng reo.

– Ý thức được trách nhiệm dạy con tri thức để con trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống: Bố dạy con hình học / Đo góc biển chân trời.

– Hạnh phúc khi cùng con nhìn về tương lai, hi vọng, tin tưởng về một ngày mai tốt đẹp: Theo con nhìn tương lai / Khấp khởi mừng trong dạ.

3. Hình ảnh biển cả có những ý nghĩa sau:

– Tượng trưng cho cuộc đời rộng lớn, nhiều thử thách.

– Tượng trưng cho kho tàng tri thức, những bí ẩn mà con người cần khám phá.

– Tượng trưng cho tương lai rộng mở đang chờ con phía trước.

4. Một số từ láy trong bài thơ và tác dụng của các từ láy đó:

– Dập dồn: diễn tả những lớp sóng xô nhau liên tục, nhanh, mạnh trên biển cả.

Những câu chuyện của hai bố con được so sánh với trạng thái dập dồn của những con sóng biển, cho thấy đó là những câu chuyện tuôn trào không dứt với nhiều cung bậc cảm xúc.

– Khấp khởi: vui mừng rộn rã nhưng kín đáo. Trong bài thơ, từ này diễn tả trạng thái cảm xúc của người bố khi cùng con nhìn về tương lai.

– Bát ngát: Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê Chủ biên), bát ngát vốn có nghĩa “rộng lớn đến mức tầm mắt không sao bao quát hết được”.

Trong dòng thơ Diều con lên bát ngát, từ bát ngát gợi lên một không gian cao rộng, nơi cánh diều chao liệng và bay lên cao mãi. Hình ảnh này cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho khát vọng bay cao, bay xa của con đến những chân trời mới.

5. a. Cụm động từ: dạy con hình học.

Động từ trung tâm: dạy.

Phần phụ sau: con, hình học → bổ sung ý nghĩa đối tượng của hành động.

b. Cụm động từ: bay trong gió lộng.

Động từ trung tâm: bay.

Phần phụ sau: trong gió lộng → bổ sung ý nghĩa về địa điểm.

Từ mỗi động từ trung tâm đó, tạo thêm ba cụm động từ mới. Gợi ý:

– Với động từ dạy, có thể tạo thêm các cụm động từ: đang dạy học sinh trên lớp, dạy Văn rất giỏi, dạy làm thơ rất hay,…

– Với động từ bay, có thể tạo thêm các cụm động từ: đang bay rất nhanh, bay trên không trung,…

>>> Xem đầy đủ: Soạn SBT Ngữ Văn 7 Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn - KNTT

icon-date
Xuất bản : 16/07/2022 - Cập nhật : 19/11/2022