logo

Đọc hiểu Kiến và Voi (2 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Kiến và Voi: Truyện Kiến và Voi thuộc thể loại nào? Câu văn “Voi đau buốt đến tận óc” sử dụng biện pháp tu từ nào? Nhân vật Kiến trong câu chuyện khiến ta liên tưởng đến những con người như thế nào trong xã hội? Theo em đâu là phẩm chất mang tính quyết định đến chiến thắng của Kiến trước Voi?

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

KIẾN VÀ VOI

Trong một khu rừng rậm có một con Voi rất hung dữ. Gặp bất kỳ loài vật nào, Voi cũng dùng đôi ngà ghê gớm của mình húc.

Voi chưa chịu thua một loài vật nào. Vì vậy, càng ngày Voi càng kiêu ngạo.

Một hôm, Voi đang nghênh ngang đi dạo thì gặp một đàn Kiến vàng bò qua đường. Cho rằng đàn Kiến bé nhỏ láo xược, Voi quát:

- Đàn Kiến ranh con kia! Chúng bay không biết tao là ai hay sao mà chúng bay dám bò ngang qua đường tao đi? Tao chỉ khẽ dẫm lên lên một cái là chúng mày chết cả nút. Chúng mày không biết thân biết phận tí nào cả.

Trái với Voi nghĩ, đàn Kiến bé nhỏ đã cứng cỏi đáp lại:

- Này bác Voi, chúng tôi là những người biết mình biết người. Chúng tôi không bao giờ kiêu ngạo với ai cả. Nhưng nếu bác cậy sức muốn đánh nhau với chúng tôi thì chúng tôi cũng không sợ. Chúng tôi cũng không chịu lùi bước trước một sức mạnh nào đâu.

Nghe đàn Kiến trả lời như vậy, Voi nổi giận điên người. Voi lồng lên, định dẫm đàn Kiến chết tan xác dưới bàn chân to lớn của mình. Đàn Kiến nhỏ bé đã nhanh nhẹn tản ra, bám ngay lấy chân Voi mà leo lên lưng Voi.

Đàn Kiến bảo nhau xúm cả vào hai mắt Voi mà cắn, khiến Voi không sao mở được mắt nữa. Trong khi hai mắt Voi còn cay xè thì đàn Kiến lại bảo nhau chui vào hai tai Voi mà đục thủng màng nhĩ. Voi đau buốt đến tận óc.

Voi cố lấy vòi để thổi và quét đàn Kiến xuống đất nhưng không xuể vì đàn Kiến đông quá. Đàn Kiến lại chui vào vòi Voi mà đốt, mà cắn. Voi không tài nào chịu nổi, ngã lăn ra, kêu khóc, giãy giụa ầm trời. Đàn Kiến đã đi báo thêm cho nhau biết và kéo tới mỗi lúc một nhiều, xúm vào đốt Voi cho tới khi voi xin tha lỗi mới chịu buông tha.

Từ đấy, họ hàng nhà Voi bảo nhau phải tránh xa giống Kiến nhỏ bé nhưng ghê gớm. Trước khi ăn gì, họ hàng nhà Voi đều cuốn thức ăn vào vòi, giũ thật sạch, hết sức để không còn Kiến nữa rồi mới dám ăn. Và Voi cũng hết sức để ý, không bao giờ để cho Kiến leo được lên trên người mình.

Đọc hiểu Kiến và Voi (2 đề)

Đọc hiểu Kiến và Voi - Đề số 1

Câu 1. Truyện Kiến và Voi thuộc thể loại nào?

A. Truyện đồng thoại

C. Truyện cười

B. Truyện cổ tích

D. Truyện ngụ ngôn

Câu 2. Câu văn “Voi đau buốt đến tận óc” sử dụng biện pháp tu từ nào?

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Nói quá

D. Ẩn dụ

Câu 3. “- Này bác Voi, chúng tôi là những người biết mình biết người. Chúng tôi không bao giờ kiêu ngạo với ai cả. Nhưng nếu bác cậy sức muốn đánh nhau với chúng tôi thì chúng tôi cũng không sợ. Chúng tôi cũng không chịu lùi bước trước một sức mạnh nào đâu.

Câu thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây KHÔNG phù hợp để nói về lời thoại trên của đàn Kiến?

A. Tức nước vỡ bờ.

B. Vừa đấm vừa xoa.

C. Con giun xéo lắm cũng quằn.

D. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

Câu 4. Trong truyện, Voi có tính cách như thế nào?

A. Rất hung dữ, kiêu ngạo, coi thường các con vật khác.

B. Rất hung dữ nhưng dũng cảm và trượng nghĩa.

C. Rất mạnh mẽ, bản lĩnh và luôn bảo vệ những con vật nhỏ bé.

D. Rất lạnh lùng, vô cảm trước tình cảnh tội nghiệp của các loài vật nhỏ bé.

Câu 5. Phản ứng của Kiến khi Voi có những lời lẽ gay gắt, coi thường Kiến cho ta thấy gì về đặc điểm của loài vật này?

A. Kiến bé nhỏ nhưng ghê gớm, hung dữ.

B. Kiến bé nhỏ nhưng cần mẫn, chăm chỉ.

C. Kiến bé nhỏ nhưng dũng cảm, cứng cỏi.

D. Kiến bé nhỏ nhưng gian xảo, hống hách.

Câu 6. Nhân vật Kiến trong câu chuyện khiến ta liên tưởng đến những con người như thế nào trong xã hội?

A. Những người nông dân chăm chỉ.

B. Những người nông dân hiền lành.

C. Những người nông dân trung thực.

D. Những người lao động bé nhỏ.

Câu 7. Việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa trong truyện Kiến và Voi mang lại hiệu quả gì?

A. Thể hiện được mối quan hệ thân thiết giữa các nhân vật trong câu chuyện.

B. Thể hiện được bài học ý nghĩa, sâu sắc được rút ra từ câu chuyện với cuộc sống hiện tại.

C. Thể hiện tình cảm yêu mến của tác giả đối với nhân vật trong truyện.

D. Thể hiện được tính sinh động, chân thật của câu chuyện.

Câu 8. Theo em đâu là phẩm chất mang tính quyết định đến chiến thắng của Kiến trước Voi?

A. Kiên trì.

B. Dũng cảm.

C. Đoàn kết.

D. Thông minh.

Câu 9. Em rút ra được bài học qua câu chuện Kiến và Voi gì cho mình?

Câu 10. Có ý kiến cho rằng: “Đoàn kết tạo nên sức mạnh”. Em hãy viết đoạn văn (khoảng 10 câu) bày tỏ suy nghĩ của em về ý kiến trên. Trong đoạn văn có sử dụng một thành ngữ hoặc một tục ngữ (gạch chân và chú thích rõ thành ngữ/ tục ngữ đã dùng).

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. D

Truyện Kiến và Voi thuộc thể loại truyện ngụ ngôn vì đây là truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi; có nhân vật là loài vật, sử dụng tên chung; đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống…

Câu 2. C

Câu “Voi đau buốt đến tận óc”  sử dụng biện pháp tu từ nói  quá “buốt đến tận óc”

Câu 3. B

“- Này bác Voi, chúng tôi là những người biết mình biết người. Chúng tôi không bao giờ kiêu ngạo với ai cả. Nhưng nếu bác cậy sức muốn đánh nhau với chúng tôi thì chúng tôi cũng không sợ. Chúng tôi cũng không chịu lùi bước trước một sức mạnh nào đâu.

Đoạn văn trên KHÔNG phù hợp với câu “vừa đấm vừa xoa” vì Vừa đấm vừa xoa có nghĩa là gian xảo, đã hại người ta còn tỏ ra nhân ái, đức độ. Câu phù hợp là “Tức nước vỡ bờ”, Con giun xéo lắm cũng quằn, Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

Câu 4. A

Trong truyện, Voi có tính cách rất hung dữ, kiêu ngạo, coi thường các con vật khác (đoạn đầu câu chuyện)

Câu 5. C

Phản ứng của Kiến khi Voi có những lời lẽ gay gắt, coi thường Kiến cho ta thấy: Kiến bé nhỏ nhưng dũng cảm, cứng cỏi.

Câu 6. D

Nhân vật Kiến trong câu chuyện khiến ta liên tưởng đến những con người lao động bé nhỏ trong xã hội bị những kẻ có quyền lực đe dọa, bắt nạt và họ sẵn sàng đứng lên đáp trả.

Đọc hiểu Kiến và Voi (2 đề)

Câu 7. B

Việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa trong truyện Kiến và Voi mang lại hiệu quả thể hiện được bài học ý nghĩa, sâu sắc được rút ra từ câu chuyện với cuộc sống hiện tại.

Câu 8. C

Đoàn kết là phẩm chất mang tính quyết định đến chiến thắng của Kiến trước Voi.

Câu 9. Bài học rút ra từ câu chuyện Kiến và voi là:

- Không nên kiêu ngạo, huênh hoang mà coi thường hay bắt nạt người khác, không cậy vào những lợi thế về hình thể để bắt nạt, chèn ép những người yếu đuối, nhỏ bé hơn.

- Kẻ yếu nếu biết tin vào chính nghĩa, biết đoàn kết và chiến đấu mưu trí, dũng cảm, nhất định sẽ đánh thắng kẻ mạnh. 

Câu 10.

Người việt nam ta có truyền thống đoàn kết từ xa xưa, chính đoàn kết đã đem lại nền hòa bình như ngày nay. Vì thế, câu nói: “Đoàn kết là tạo nên sức mạnh” là hoàn toàn đúng đắn.

Đoàn kết là việc con người trong một tổ chức, một tập thể cùng hướng đến một mục tiêu một lý tưởng và nỗ lực hết sức để thực hiện một mục tiêu chung ấy. Sở dĩ, đoàn kết tạo nên sức mạnh là vì có sự kết hợp của nhiều người, mỗi người có một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả cùng chung tay làm một việc thì sẽ tăng khả năng thành công của việc đó. Tinh thần đoàn kết giúp con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn. Trước những khó khăn thử thách lớn của cộng đồng, tinh thần đoàn kết là lá chắn vững mạnh nhất để cộng đồng chung sức vượt qua khó khăn thử thách đó. Dân gian ta có câu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là để nói về sức mạnh của đoàn kết. Một cây có thể yếu ớt, không làm được việc lớn nhưng ba cây (nhiều cây) cùng hợp lực, đoàn kết lại sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Có rất nhiều dẫn chứng cho đoàn kết như: Trong chiến tranh, một người có thể không làm thành chiến thắng, nhưng toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết lại đã đánh đuổi giặc Mỹ, Pháp. Hay đại dịch covid vừa qua, với tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã chiến thắng đại dịch. Nơi nào có sự đoàn kết, nơi đó sẽ có chiến thắng. Bởi thế, hãy nắm chặt tay nhau, đoàn kết lại để tăng cường sức mạnh, hoàn thành tốt nhất công việc và xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

>>> Xem thêm: Dẫn chứng về tinh thần đoàn kết


Đọc hiểu Kiến và Voi - Đề số 2

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Biểu cảm

Câu 2. Câu nào sau đây miêu tả đặc điểm của con voi?

A. Con voi hiền lành và thân thiện với mọi loài vật.

B. Con voi rất hung dữ và luôn dùng đôi ngà ghê gớm để húc chết bất kỳ loài vật nào.

C. Con voi là loài vật cực kỳ nhút nhát và sợ hãi trước các động vật khác.

D. Con voi luôn biết kính trọng và tôn trọng các loài vật khác.

Câu 3. Đàn kiến đã đáp lại Voi như thế nào khi Voi chê bai đàn Kiến bé nhỏ?

A. Đàn Kiến nhỏ nhẹ bày tỏ sự sợ hãi và nể phục Voi.

B. Đàn Kiến bé nhỏ bất ngờ và thất vọng trước sự kiêu ngạo của Voi.

C. Đàn Kiến bé nhỏ tỏ ra lạnh lùng và không quan tâm đến Voi.

D. Đàn Kiến nhỏ bé đã đáp lại Voi một cách kiên quyết và cứng rắn.

Câu 4. Đàn kiến đã đánh bại con voi bằng cách nào?

A. Chúng tấn công Voi và cắn chết nó.

B. Chúng đâm Voi bằng các mũi đinh sắc nhọn.

C. Chúng cào xé Voi bằng móng vuốt sắc nhọn.

D. Chúng tấn công Voi bằng cách đâm vào những điểm yếu của nó.

Câu 5. Đàn kiến đã làm gì khi Voi định dẫm đàn kiến chết?

A. Chúng đã chạy trốn

B. Chúng đã đuổi theo Voi

C. Chúng đã leo lên lưng Voi

D. Chúng đã bám vào vòi của Voi

Câu 6. Họ hàng nhà voi đã học được bài học gì sau sự việc này?

A. Họ đã học cách chống lại đàn kiến.

B. Họ đã học cách tránh xa đàn kiến.

C. Họ đã học cách ăn thức ăn mà không bị đàn kiến tấn công.

D. Họ đã học cách kiểm soát sự kiêu ngạo của mình.

Đọc hiểu Kiến và Voi (2 đề)

Câu 7. Tại sao Voi lại cảm thấy kiêu ngạo và xem thường đàn kiến?

A. Voi đã thắng mọi trận đánh với các loài vật khác trong rừng.

B. Voi cho rằng đàn kiến nhỏ bé không thể đe dọa mình.

C. Voi cho rằng đàn kiến không có sức mạnh để tấn công mình.

D. Voi đã thấy đàn kiến chạy trốn khi gặp mình trước đó.

Câu 8. Anh/chị hãy nêu chủ để của câu chuyện “Kiến giết voi”

Câu 9. Theo anh/chị việc xây dựng nhân vật có phần đối lập ngoại hình, tính cách, kết hợp với việc sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ có tác dụng gì?

Câu 10. Anh chị rút ra được bài học, thông điệp gì sau khi đọc văn bản?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. B

Phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự

Câu 2. B

Đặc điểm của con Voi là Con voi rất hung dữ và luôn dùng đôi ngà ghê gớm để húc chết bất kỳ loài vật nào

Câu 3. D

Khi Voi chê bai đàn Kiến bé nhỏ, đàn Kiến nhỏ bé đã đáp lại Voi một cách kiên quyết và cứng rắn.

Câu 4. A

Đàn kiến đã đánh bại con voi bằng cách chúng tấn công Voi và cắn chết nó.

Câu 5. C

Khi Voi định dẫm đàn kiến chết, Chúng đã leo lên lưng Voi

Câu 6. B

Sau sự việc này, họ hàng nhà Voi đã học cách tránh xa đàn kiến

Câu 7. B

Voi lại cảm thấy kiêu ngạo và xem thường đàn kiến vì Voi cho rằng đàn kiến không có sức mạnh để tấn công mình.

Câu 8. 

Chủ đề của câu chuyện Kiến giết Voi là khuyên mỗi người không nên có tính kiêu ngạo, coi thường người khác và ức hiếp kẻ yếu hơn mình.

Câu 9.

 Việc xây dựng nhân vật có phần đối lập ngoại hình, tính cách, kết hợp với việc sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ có tác dụng:

+ Làm tăng sự đối lập về Kiến và Voi để thấy được sức mạnh đoàn kết của loài Kiến nhỏ bé đã chiến thắng Voi hung dữ.

+ Tạo sự thu hút cho người đọc và giúp tác giả truyền tải thông điệp sâu sắc hơn đến độc giả.

+ Các biện pháp nhân hóa giúp lời thoại của nhân vật thêm hấp dẫn, cùng những tình huống hài hước làm cho câu chuyện cuốn hút người đọc.

Câu 10.

Từ câu chuyện Kiến và Voi, dân gian ta muốn gửi gắm tới chúng ta thông điệp tới những người sống kiêu ngạo, huênh hoang, tự cho mình là to lớn, tài giỏi thì sẽ gặp những kết cục không tốt.

-----------------------------

Trên đây là bài Đọc hiểu Kiến và Voi. Hy vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/08/2023 - Cập nhật : 19/08/2023