logo

Thỏ thay răng Đọc hiểu (2 đề)

Trả lời câu hỏi Thỏ thay răng Đọc hiểu: Truyện thuộc thể loại nào? Câu “Có cách gì giúp mình không sợ cáo nữa không?” là suy nghĩ của ai? Giải thích nghĩa của từ “thông cảm” trong câu văn: “Bác sĩ hạc rất thông cảm cho hoàn cảnh của thỏ, liền thay cho nó một hàm răng giống như của sư tử.”

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

THỎ THAY RĂNG

1. Trong một khu rừng nọ có một chú thỏ rất nhát gan. Cứ nhìn thấy bóng dáng của cáo là thỏ vội quay đầu bỏ chạy. Có cách gì giúp mình không sợ cáo nữa không? Suy nghĩ mãi, cuối cùng thỏ nghĩ ra một cách rất hay, ấy là thay một bộ răng trông thật hung dữ. Nó tìm đến bác sĩ hạc, bảo:
– Bác sĩ hạc yêu quý, bác chuyên chữa răng cho mọi người, xin bác thay cho cháu một hàm răng mới.
Bác sĩ hạc ngạc nhiên:
– Sao thế? Răng của cháu vẫn còn rất tốt mà.
– Tuy răng của cháu không bị hỏng, nhưng mà nó quá nhỏ. Bác lắp cho cháu một hàm răng giống như của sư tử ấy.
– Nhưng cháu muốn có hàm răng giống như của sư tử để làm gì vậy?
– Cháu không muốn cứ nhìn thấy cáo là phải chạy trốn nữa. Nếu mà làm cho cáo phải chạy khi nhìn thấy cháu thì hay biết mấy.
Bác sĩ hạc rất thông cảm cho hoàn cảnh của thỏ, liền thay cho nó một hàm răng giống như của sư tử. Thỏ soi gương, sung sướng thốt lên:
– Tuyệt quá, giờ mình sẽ đi tìm cáo!

2. Thỏ vào rừng, xông xáo khắp nơi tìm cáo. Lúc sau, cáo từ bụi cây bước ra, tiến về phía thỏ. Trông thấy cáo từ xa, thỏ sợ quá co giò chạy biến. Nó chạy đến nhà bác sĩ hạc, lắp bắp:
– Bác… bác… sĩ ơi! Xin bác thay cho cháu hàm răng khác.
– Sao thế? Hàm răng này không tốt à?
– Không, không phải ạ! Hàm răng này vẫn nhỏ quá. Bác có hàm răng nào to hơn không ạ?
– Dù có thay hàm răng to hơn thì cũng chẳng có tác dụng gì đâu, cháu sẽ vẫn sợ cáo thôi. Thỏ con này, cháu nên thay tim ấy, bỏ trái tim thỏ đi và thay bằng trái tim sư tử thì mới được.

(https://truyendangian.com/)

Thỏ thay răng Đọc hiểu - Ảnh 1

Thỏ thay răng Đọc hiểu - Đề số 1

Câu 1: Truyện thuộc thể loại nào?

A. Truyện ngụ ngôn

B. Truyện cười 

C. Truyện cổ tích

D. Truyện truyền thuyết

Câu 2: Câu “Có cách gì giúp mình không sợ cáo nữa không?” là suy nghĩ của ai?

A. Bác sĩ hạc

B. Thỏ 

C. Sư tử

D. Cáo

Câu 3: Câu nào sau đây không chứa phó từ?

A. Trong một khu rừng nọ có một chú thỏ rất nhát gan.

B. Tuyệt quá, giờ mình sẽ đi tìm cáo!

C. Thỏ vào rừng, xông xáo khắp nơi tìm cáo.

D. Hàm răng này vẫn nhỏ quá.

Câu 4: Giải thích nghĩa của từ “thông cảm” trong câu văn: “Bác sĩ hạc rất thông cảm cho hoàn cảnh của thỏ, liền thay cho nó một hàm răng giống như của sư tử.”

A. Hiểu thấu hoàn cảnh khó khăn riêng và chia sẻ tâm tư tình cảm.

B. Hiểu thấu sở thích riêng và chia sẻ những sở thích đồng điệu.

C. Hiểu thấu thói quen riêng và chia sẻ những thói quen giống nhau.

D. Hiểu thấu năng lực riêng và chia sẻ những năng lực vượt trội.

Câu 5: Sau khi thay hàm răng mới, nhìn thấy cáo, thỏ đã phản ứng như thế nào?

A. Xông xáo khắp nơi

B. Muốn thay một trái tim mới 

C. Sung sướng, đi tìm cáo

D. Co giò chạy biến

Câu 6: Dấu chấm lửng trong câu văn “Bác…bác…sĩ ơi!” có tác dụng gì?

A. Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.

B. Thể hiện chỗ lời nói ngập ngừng, ngắt quãng.

C. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của nhiều từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ.

D. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của nhiều từ ngữ biểu thị nội dung hài hước, châm biếm.

Câu 7: Nhân vật thỏ trong truyện đại diện cho kiểu người nào trong cuộc sống?

A. Luôn muốn làm mới bản thân.

B. Thích thử thách bản thân.

C. Nhát gan, luôn sợ hãi.

D. Dựa dẫm, lợi dụng.

Câu 8: Từ “thỏ” lặp lại trong những câu văn “Thỏ vào rừng, xông xáo khắp nơi tìm cáo. Lúc sau, cáo từ bụi cây bước ra, tiến về phía thỏ.” có tác dụng:

A. Liên kết các từ trong câu văn

B. Liên kết các vế câu trong câu văn 

C. Liên kết các câu trong đoạn văn

D. Liên kết các đoạn trong văn bản

Câu 9: Nếu là thỏ con trong câu chuyện, em sẽ làm gì khi nghe những lời khuyên của bác sĩ hạc?

Câu 10: Qua câu chuyện, em rút ra bài học gì trong cuộc sống?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. A

Truyện Thỏ thay răng thuộc thể loại truyện ngụ ngôn

Câu 2. B

Câu “Có cách gì giúp mình không sợ cáo nữa không?” là suy nghĩ của Thỏ.

Câu 3. C

Câu không có phó từ là :Thỏ vào rừng, xông xáo khắp nơi tìm cáo.

Câu 4. A

Nghĩa của từ “thông cảm” trong câu văn: “Bác sĩ hạc rất thông cảm cho hoàn cảnh của thỏ, liền thay cho nó một hàm răng giống như của sư tử.” là Hiểu thấu hoàn cảnh khó khăn riêng và chia sẻ tâm tư tình cảm.

Câu 5. D

Sau khi thay hàm răng mới, nhìn thấy cáo, thỏ đã co giò chạy biến

Câu 6. B

Dấu chấm lửng trong câu văn “Bác…bác…sĩ ơi!” có tác dụng thể hiện chỗ lời nói ngập ngừng, ngắt quãng.

Câu 7. C

Nhân vật thỏ trong truyện đại diện cho kiểu người nhát gan, luôn sợ hãi

Câu 8. C

Từ “thỏ” lặp lại trong những câu văn “Thỏ vào rừng, xông xáo khắp nơi tìm cáo. Lúc sau, cáo từ bụi cây bước ra, tiến về phía thỏ.” có tác dụng: Liên kết các câu trong câu văn.

Câu 9.

Nếu là thỏ con trong câu chuyện, em sẽ không nghe theo lời khuyên của bác sĩ Hạc, không thay răng mới, cũng không thay tim vì mỗi người có những đặc điểm riêng, không phải thay đổi ngoại hình là thay đổi bản chất con người. Vì thế, hãy rèn luyện cho mình có tinh thần dũng cảm để không phải nhút nhát, sợ hãi mỗi khi gặp cáo.

Câu 10.

Bài học rút ra từ chuyện Thỏ thay răng là:

- Việc thay đổi ngoại hình không làm thay đổi bản chất con người.

- Muốn thay đổi bản thân, rèn luyện sự dũng cảm thì hãy thay đổi từ bên trong.

- Cần tỉnh táo trước những lời khuyên của người khác vì xã hội vẫn có những người chỉ biết lợi ích bản thân mà làm lại người khác.


Thỏ thay răng Đọc hiểu - Đề số 2

Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản trên:

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba 

D. Không có ngôi kể

Câu 2. Câu thành ngữ nào phù hợp để nói về chú thỏ trong VB trên?

A. Nhanh như thỏ đế

B. Nhát như thỏ đế

C. Thông minh như thỏ đế

D. Huênh hoang như thỏ đế

Câu 3. Trong VB, thỏ đã nghĩ ra cách gì để giúp mình không sợ cáo nữa?

A. Thay bộ răng trông thật hung dữ

B. Nhờ bác sĩ hạc dạy dỗ cáo giúp mình 

C. Đi tìm cáo để dạy cho cáo một bài học

D. Nhờ bác sĩ hạc thay trái tim sư tử cho mình

Câu 4: Đề tài của truyện ngụ ngôn trên là:

A. Thỏ thay răng

B. Thỏ và cáo

C. Bài học bản tính con người

D. Bài học về lòng dũng cảm

Câu 5. Nêu công dụng của dấu chấm lửng trong câu văn sau: “- Bác...bác...sĩ ơi! Xin bác thay cho cháu hàm răng khác.”

A. Biểu đạt ý còn nhiều sự việc chưa liệt kê hết

B. Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng

C. Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt

D. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở, ngập ngừng hay ngắt quãng

Thỏ thay răng Đọc hiểu - Ảnh 2

Câu 6. Xác định không gian của câu chuyện ngụ ngôn trên:

A. Nhà bác sĩ hạc

B. Nhà của thỏ và cáo

C. Trong khu rừng

D. Không xác định được

Câu 7. Truyện ngụ ngôn trên sử dụng biện pháp tu từ nào?

A. Ẩn dụ, nhân hoá

B. Hoán dụ, nhân hoá

C. So sánh, ẩn dụ

D. Nhân hoá, so sánh

Câu 8. Câu văn: “Có cách gì giúp mình không sợ Cáo nữa không?” là suy nghĩ của ai?

A. Bác sĩ hạc

B. Cáo

C. Người kể chuyện

D. Thỏ

Câu 9. Nêu cách hiểu của em về lời khuyên của bác sĩ hạc dành cho chú thỏ: “Dù có thay hàm răng to hơn thì cũng chẳng có tác dụng gì đâu, cháu sẽ vẫn sợ cáo thôi. Thỏ con này, cháu nên thay tim ấy, bỏ trái tim thỏ đi và thay bằng trái tim sư tử thì mới được”.

Câu 10. Qua câu chuyện trên, em rút ra bài học gì trong cuộc sống? (Viết đoạn văn 4 – 5 câu bày tỏ suy nghĩ của em về bài học đó)
Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. C

Ngôi kể của văn bản thỏ thay răng là ngôi thứ ba.

Câu 2. B

Câu thành ngữ nào phù hợp để nói về chú thỏ trong VB trên là Nhát như thỏ đế

Câu 3. A

Trong VB, thỏ đã nghĩ ra cách để giúp mình không sợ cáo nữa là Thay bộ răng trông thật hung dữ

Câu 4. C

Đề tài của truyện ngụ ngôn trên là bài học về bản tính con người.

Câu 5. B

Công dụng của dấu chấm lửng trong câu văn sau: “- Bác...bác...sĩ ơi! Xin bác thay cho cháu hàm răng khác.” là Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng

Câu 6. C

không gian của câu chuyện ngụ ngôn trên

Câu 7. A

Truyện ngụ ngôn trên sử dụng biện pháp tu từ Ẩn dụ, nhân hoá

Câu 8. D

Câu văn: “Có cách gì giúp mình không sợ Cáo nữa không?” là suy nghĩ của Thỏ

Câu 9. Cách hiểu về lời khuyên của bác sĩ hạc dành cho thỏ:

- Việc thay răng không khiến thỏ bớt nỗi sợ đối với cáo bởi vì nỗi sợ đó không xuất phát từ bộ răng của thỏ mà xuất phát từ trái tim của thỏ- trái tim đó ẩn dụ cho bản tính nhát gan của thỏ.

- Vì vậy, muốn thỏ không sợ cáo nữa chỉ có cách thay đổi trái tim, từ trái tim thỏ nhút nhát thành trái tim sư tử dũng mãnh – thay đổi bản tính, rèn luyện lòng dũng cảm của mình. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ.

Câu 10. Bài học rút ra từ câu chuyện trên là:

Vẻ bề ngoài không thể làm thay đổi được bản chất bên trong. Bản tính của mỗi người là rất khó thay đổi. Muốn chiến thắng nỗi sợ hãi và những hạn chế của bản thân cần có sự thay đổi tích cực từ bên trong của con người.

-------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các em các câu hỏi giải đáp cho đề Đọc hiểu Thỏ thay răng. Hy vọng các câu trả lời trong bộ đề sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các em.

icon-date
Xuất bản : 24/08/2023 - Cập nhật : 25/08/2023