logo

Đọc hiểu Giá trị của hòn đá

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Giá trị của hòn đá: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì? Câu chuyện trong tác phẩm là lời kể của ai? Vì sao người thầy trong câu chuyện lại yêu cầu học trò của mình mang hòn đá xấu xí đi hỏi giá mà lại không bán? Chi tiết tiêu biểu trong văn bản trên là gì? Tác dụng của điệp từ bán, mua trong văn bản trên có tác dụng gì?

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

GIÁ TRỊ CỦA HÒN ĐÁ

Có một học trò hỏi thầy mình rằng:

- Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?

Người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn:

- Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.

Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá về và than thở:

- Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có người hỏi mua với giá một đồng thầy ạ.
Người thầy mỉm cười và nói:

- Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.
Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:

- Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.

Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:

- Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.

Đọc hiểu Giá trị của hòn đá

Đọc hiểu Giá trị của hòn đá

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là:

A. Biểu cảm

B. Miêu tả

C. Tự sự

D. Nghị luận

Câu 2. Chủ đề của văn bản trên là:

A. Giá trị cuộc sống

B. Lòng biết ơn

C. Đức tính trung thực

D. Lòng hiếu thảo

Câu 3. Câu chuyện trong tác phẩm là lời kể của ai?

A. Người học trò

B. Người kể chuyện

C. Hòn đá

D. Người thầy

Câu 4. Vì sao người thầy trong câu chuyện lại yêu cầu học trò của mình mang hòn đá xấu xí đi hỏi giá mà lại không bán?

A. Để người học trò hiểu được giá trị to lớn của hòn đá.

B. Để người học trò biết được hòn đá là một viên ngọc quý, tuyệt đối không được bán.

C. Để người học trò nhận ra giá trị của hòn đá thông qua cách định giá của những người hiểu và không hiểu về nó, từ đó rút ra bài học về cách nhìn nhận về cuộc sống.

D. Để người học trò nhận ra giá trị của hòn đá. Tuy bề ngoài xấu xí nhưng thực chất nó là một khối ngọc quý đáng giá cả một gia tài.

Câu 5. Những từ nào sau đây là từ láy bộ phận?

A. Xem xét, nhìn nhận, xấu xí

B. Than thở, xem xét, háo hức

C. Háo hức, xem xét, nhìn nhận

D. Xấu xí, than thở, háo hức

Câu 6. Chi tiết tiêu biểu trong văn bản trên là:

A. Hòn đá

B. Người học trò

C. Người thầy

D. Chủ tiệm đồ cổ

Đọc hiểu Giá trị của hòn đá

Câu 7. Cụm từ ngồi cả ngày trong câu văn: Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng là thành phần mở rộng câu bởi?

A. Trạng ngữ

B. Cụm danh từ

C. Cụm động từ

D. Cụm tính từ

Câu 8. Tác dụng của điệp từ bán, mua trong văn bản trên có tác dụng gì?

A. Thể hiện công việc mà người học trò phải làm theo lời dặn của thầy, qua đó phê phán sự thiếu chủ động, thiếu tích cực trong cách sống, cách làm việc của cậu học trò.

B. Thể hiện công việc của người học trò làm theo lời dặn của thầy để người học trò nhận ra giá trị của hòn đá, từ đó rút ra bài học về cách nhìn nhận cuộc sống.

C. Thể hiện sự thiếu chủ động, tích cực của người học trò trong học tập và cuộc sống.

D. Thể hiện công việc của người học trò làm theo lời dặn của thầy, qua đó nhấn mạnh giá trị của hòn đá.

Câu 9. Thông điệp mà em tâm đắc nhất sau khi đọc văn bản trên là gì?


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. C. Tự sự

Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên là tự sự: Kể lại chuỗi sự việc về hòn đá và giá trị của mỗi con người.

Câu 2. A. Giá trị cuộc sống

Chủ đề của văn bản trên là giá trị của cuộc sống.

Câu 3. B. Người kể chuyện

Câu chuyện trong tác phẩm là lời kể của người kể chuyện.

Câu 4. C

Người thầy trong câu chuyện lại yêu cầu học trò của mình mang hòn đá xấu xí đi hỏi giá mà lại không bán vì để người học trò nhận ra giá trị của hòn đá thông quá cách định giá của những người hiểu và không hiểu về nó, từ đó rút ra bài học về cách nhìn nhận về cuộc sống.

Câu 5. D. Xấu xí, than thở, háo hức

Từ láy bộ phận: xấu xí, than thở, háo hức vì láy phần âm hoặc vần, còn phụ âm đầu giống nhau.

Câu 6. A. Hòn đá

Chi tiết tiêu biểu trong văn bản trên là Hòn đá vì toàn bộ văn bản nói về giá trị của hòn đá.

Câu 7. C. Cụm động từ

Cụm từ “ngồi cả ngày” trong câu văn: “Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng” là thành phần mở rộng câu bởi cụm động từ.

Câu 8. B.

Tác dụng của điệp từ bán, mua trong văn bản trên có tác dụng: Thể hiện công việc của người học trò làm theo lời dặn của thầy để người học trò nhận ra giá trị của hòn đá, từ đó rút ra bài học về cách nhìn nhận cuộc sống.

Câu 9. Thông điệp em tâm đắc trong đoạn trích là:

Mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau về giá trị của cuộc sống. Có người hiểu thì thấy cuộc sống này vô cùng quý giá, nhưng có người không hiểu thì cuộc sống không đáng một xu. Vì vậy, hãy tôn trọng những quyết định của người khác bởi chỉ mình mới biết những gì có giá trị với mình, và người khác cũng vậy.

---------------------------------

Trên đây là bài Đọc hiểu Giá trị của hòn đá. Hy vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 28/07/2023 - Cập nhật : 19/08/2023