logo

Đọc hiểu Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh (2 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh: Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên. Tác giả thể hiện tình cảm, thái độ gì trong văn bản trên? Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của văn bản. Viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu so sánh những câu thơ sau.


Đọc hiểu Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh - Đề số 1

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

 

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

 

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Tác giả thể hiện tình cảm, thái độ gì trong văn bản trên?

Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của văn bản.

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu so sánh những câu thơ sau:

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biếu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản là biểu cảm.

Câu 2. 

Qua đoạn văn bản, tác giả đã thể hiện tình cảm, thái độ là nỗi nhớ da diết về người mình yêu và luôn có một niềm tin vô cùng mãnh liệt với tình yêu. 

Câu 3. 

Trong khổ thơ thứ nhất của văn bản, tác giả đã sử dụng hai biện pháp tu từ là nhân hóa và câu hỏi tu từ.

- Tác giả đã nhân hóa “Ngôi sao nhớ ai” và “ngọn lửa nhớ ai” là hai hình ảnh chỉ sự vật nhưng lại có cảm xúc “nhớ”.

- Sử dụng câu hỏi tu từ “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh” nhằm nhấn mạnh thêm nỗi nhớ da diết của người chiến sĩ dành cho người mình yêu. Từ đó, chúng ta càng thêm ngưỡng mộ sức mạnh kì diệu của tình yêu trong thời kì chiến tranh.

Câu 4. 

Gợi ý:

- Ở hai tác giả đều có nét tương đồng là sử dụng biện pháp tu từ so sánh để diễn tả được rõ nét từng cung bậc cảm xúc trong tình yêu của đôi lứa và hơn hết tình yêu ấy đều gắn với tình yêu đất nước.

- Sự khác biệt trong hình ảnh so sánh của hai tác giả được thể hiện như sau:

+ Đối với tác giả Nguyễn Đình Thi, ông đã thể hiện thành công bức tranh tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu đất nước qua câu thơ “Anh yêu em như anh yêu đất nước”. Đó là tình yêu vĩnh cửu, mãi trường tồn theo về dày lịch sử của đất nước. Và ở câu thơ thứ hai “Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”, tác giả đã giúp người đọc hình dung được hết thảy những khó khăn và thử thách trong tình yêu mà họ phải  vượt qua khi đất nước đang lâm vào hoàn cảnh chiến tranh. Đồng thời, tác giả đã đanh thép khẳng định vẻ đẹp và niềm tin của tình yêu đôi lứa.

+ Đối với tác giả Chế Lan Viên, ông đã sử dụng hàng loạt hình ảnh so sánh lạ, độc đáo, lôi cuốn tính tò mò của người đọc để diễn tả nỗi nhớ da diết của tình yêu. Tác giả thể hiện hình ảnh tình yêu như cánh kiến hoa vàng, xuân đến chim rừng lông trở biếc để gợi nên bức tranh xinh đẹp, đầy sức sống trong tình yêu đôi lứa trẻ trung và sôi nổi. Tình yêu được tác giả nhắc đến ở đây không chỉ là tình yêu lứa đôi mà có lẽ đó còn là sự kết tinh của tình yêu quê hương đất nước, quê hương.

Đọc hiểu Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh (2 đề)

Đọc hiểu Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh - Đề số 2

Đọc đoạn trích sau:

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây 

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn thơ gợi ra khung cảnh gì? 

Câu 2. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình được thể hiện bằng những biện pháp tu từ nào? Phân tích giá trị biểu đạt. 

Câu 3. Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? 

Câu 4. Tình cảm lớn nhất mà tác giả đề cập đến trong đoạn thơ là gì?


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.  

Đoạn thơ gợi ra khung cảnh người chiến sĩ trên đường hành quân qua những nơi đèo mây, núi rừng đầy rẫy những hiểm trở và được soi sáng, dẫn lối bởi những ánh sao sáng trên bầu trời đêm.

Câu 2. 

- Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình được thể hiện bằng biện pháp tu từ nhân hóa hình ảnh ngôi sao và ngọn lửa cũng biết nhớ thương - "Ngôi sao nhớ ai", "Ngọn lửa nhớ ai". Bên cạnh đó, tác giả còn đưa biện pháp tu từ ẩn dụ hình ảnh ánh sao - "soi sáng đường, sưởi ấm lòng" như hơi ấm của tình yêu giữa bầu không khí lạnh trời đêm nơi chiến trường

- Giá trị biểu đạt: Tác giả đã thành công khắc họa nên bức tranh khung cảnh nơi chiến trường vô cùng sinh động và giàu cung bận cảm xúc. Tác giả đã bày tỏ lòng thương xót với nỗi nhớ da diết của người chiến sĩ với người mình yêu, cùng với đó là sự đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng tình cảm của tình yêu đôi lứa. 

Câu 3. 

Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là người chiến sĩ trên chiến trường. 

Câu 4. 

Tình cảm lớn nhất mà tác giả đề cập đến trong đoạn thơ là tình cảm mong nhớ về gia đình, quê hương, đất nước. Tình cảm ấy đã trở thành động lực vô cùng lớn trong tác giả, tạo nên một sức mạnh to lớn với mong ước xây dựng đất nước hòa bình và bảo vệ tổ quốc.

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

icon-date
Xuất bản : 06/05/2023 - Cập nhật : 29/06/2023