logo

Đọc hiểu Hơi ấm ổ rơm

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Hơi ấm ổ rơm hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Hơi ấm ổ rơm đầy đủ nhất.

Hãy đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm

Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:          

– Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ

Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ 

Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm

 

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm

Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng

Trong hơi ấm nhiều hơn chăn đệm

Của những cọng rơm xơ xác gày gò

 

Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no

Riêng cái ấm nồng nàn như lửa

Cái mộc mạc lên hương của lúa

Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

                   (“Hơi ấm ổ rơm”- Nguyễn Duy)  


Đọc hiểu Hơi ấm ổ rơm - Đề số 1

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. Xác định thể thơ?

Câu 2. Ngôi nhà của người mẹ hiện lên như thế nào trong đoạn thơ?

Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 4. Cảm xúc của tác giả trong đoạn thơ hiện lên như thế nào?

Đáp án:

Câu 1.

– Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

– Thể thơ: tự do

Câu 2.

– Ngôi nhà của người mẹ hiện lên:

          + ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm

          + Nhà mẹ hẹp; chiếu chăn chả đủ

          + mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm

– Những hình ảnh trên cho thấy: nhà mẹ nghèo, vất vả nhưng gần gũi, quen thuộc, yêu thương.

Câu 3.

– Phép tu từ: liệt kê. Tác giả liệt kê các hình ảnh: đồng chiêm, nhà tranh, ổ rơm, bà mẹ, hơi ấm, lửa, lúa…

– Tác dụng: phép liệt kê làm hiện lên thật sống động hình ảnh một ngôi nhà thân thương, bình dị. Nơi đó có người mẹ yêu thương hết lòng lo lắng, yêu thương người chiến sĩ. Căn nhà chỉ có ổ rơm mẹ lót con nằm nhưng trong cái nghèo khó vất vả, nhà thơ cảm nhận được hơi ấm ổ rơm, hơi ấm tình mẹ, hơi ấm quê hương, ruộng đồng quanh mình.

Câu 4.

          Cảm xúc của tác giả: xúc động, yêu thương trước sự chăm sóc bình dị của mẹ; thao thức trong hơi ấm ổ rơm vì nhận ra mùi đồng ruộng quê hương mộc mạc, ân tình.


Đọc hiểu Hơi ấm ổ rơm - Đề số 2

Câu 1. Chỉ ra không gian và thời gian được nhắc miêu tả trong bài thơ.

Câu 2. Theo anh/chị, nhan đề Hơi ấm ổ rơm có những cách hiểu nào.

Câu 3. Nhận xét về việc sử dụng các từ láy xơ xác, gầy gò trong câu thơ Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò .

Câu 4. Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người mẹ hiện lên trong bài thơ. Trả lời trong khoảng từ 5~7 dòng .

Đáp án:

Câu 1.

Không gian: Một ngôi nhà tranh bé nhỏ ven đồng chiêm. Thời gian: Ban đêm

Câu 2. Nhan đề Hơi ấm ổ rơm có thể hiểu như sau. .

- Đó là hình ảnh tả thực: người lính không có chăn đắp nên dùng rơm thay chăn, hơi ấm này có thể là hơi ấm thật từ những ổ rơm mang lại cho người lính.

- Thứ hai, hơi ấm ổ rơm có thể là ẩn dụ của hơi ấm tình thương của bà mẹ vùng đồng chiêm mà người lính được thụ hưởng trong đếm đi công tác lỡ đường, (ổ rơm - tình người)

Câu 3. Việc sử dụng các từ láy xơ xác, gầy gò trong câu thơ Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò đem lại nhiều hiệu quả nghệ thuật.

Từ láy có tác dụng tả thực vì để lâu nên những cọng rơm “xơ xác, gầy gò”. Nhưng chúng còn cho hơi ấm hơn cả chăn đệm dày dặn và cao sang. Nhưng người đọc biết rằng, tác giả không chỉ nói điều đó mà còn ẩn chứa một liên tưởng sâu xa: những cọng rơm nhỏ bé đó cho hơi ấm cũng giống như một bà mẹ già trong ngôi nhà tranh bé nhỏ ở ven đồng chiêm cho tình thương ấm áp, ấp ủ người lính.

Câu 4. Câu hỏi kiểm tra năng lực cảm thụ cá nhân, thí sinh có thể tự do trình bày những cảm nhận của riêng mình. Tham khảo một số ý cơ bản sau.

Người mẹ trong đoạn trích là một người mẹ tuy rằng xa lạ với người chiến sĩ, nhưng khi người chiến sĩ lỡ đường xin ở qua một đêm mẹ liền nồng hậu đón tiếp với tất cả tình cảm yêu thương nhất, “chật nhà nhưng rộng tình thương”, sẵn lòng thu xếp cho nơi ngủ. Chỉ cần gặp người lính trong hoàn cảnh ấy là bà mẹ đã hiểu người lính cần gì, không cần đợi anh trình bày, vì có thể anh đâu phải là người lính đầu tiên ghé vào nhà mẹ. Mẹ nói ngay: “Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ...” Hình ảnh người mẹ nghèo nhưng rất giàu tình thương đó hiện lên thật cảm động và đẹp đẽ. Ngoài ra bài thơ cũng ca ngợi tình cảm quân dân gắn bó... Chấp nhận nhiều cách diễn đạt khác nhau. Giáo viên linh hoạt cho điểm

icon-date
Xuất bản : 21/09/2021 - Cập nhật : 21/09/2021