logo

Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm (5 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì? Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “tôi muốn” trong lời nói của hạt mầm thứ nhất. Lời nói của hai hạt giống được viết bằng các kiểu câu khác nhau. Nêu ý nghĩa của cách sử dụng các kiểu cầu khác nhau đó? Sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm.

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

CÂU CHUYỆN CỦA HAI HẠT MẦM

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên...

Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân... Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo:

- Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

Trong cuộc sống sẽ luôn có những cơ hội cho những ai dám chấp nhận mạo hiểm, trải nghiệm những thử thách, mạnh dạn vượt qua những khuôn khổ lối mòn để bước lên những con đường mới.

(Theo Hạt giống tâm hồn, Fisrt New và NXB Tổng hợp TP HCM)

Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Ảnh 1

Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Đề số 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2: Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “tôi muốn” trong lời nói của hạt mầm thứ nhất.

Câu 3: Sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm.

Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 6-7 dòng) trình bày suy nghĩ của em về con đường để đạt được ước mơ.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: tự sự.

Câu 2: Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “tôi muốn” trong lời nói của hạt mầm thứ nhất là  nhấn mạnh vào những khát khao, ước mơ của mình.

Câu 3: Sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm là: Hạt mầm thứ nhất sống hướng tới những điều cao đẹp, dũng cảm đương đầu với thử thách. Còn hạt mầm thứ hai chọn cách sống an toàn, sống hèn nhát, luôn sợ hãi, không dám phát triển bản thân.

Câu 4: 

Trong cuộc đời của mỗi người có rất nhiều ước mơ. Vậy làm thế nào để đạt được ước mơ của mình? Có rất nhiều cách tuy nhiên khi bạn có ước mơ bạn phải nỗ lực hết sức để đạt được điều đó. Dám ước mơ, dám thực hiện, bạn sẽ thành công. Khi có ước mơ gì, bạn nên lập những kế hoạch cụ thể và từng bước thực hiện nó. Dù khó khăn đến đâu cũng không được nản chí, không được bỏ cuộc. Không sợ khó, không sợ khổ chính là một yếu tố quan trọng giúp bạn đạt điểm đích dễ dàng. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn có một số người lựa chọn cách sống an toàn, hèn nhát, không dám vươn xa, ngại khó ngại khổ, có ước mơ, có đam mê nhưng không dám thực hiện. Mỗi người chỉ sống một lần nên nếu có điều gì muốn làm, có ước mơ gì muốn thực hiện thì hãy cố gắng mà theo đuổi nó.


Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Đề số 2

Câu 1. Lời nói của hai hạt giống được viết bằng các kiểu câu khác nhau. Nêu ý nghĩa của cách sử dụng các kiểu câu khác nhau đó?

Câu 2. Câu chuyện trên đã sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật nào? Chỉ ra và phân tích hiệu quả của chúng.

Câu 3. Suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề đặt ra trong câu chuyện trên?

Câu 4. Nếu được lựa chọn, anh/ chị sẽ là hạt giống nào? Giải thích lí do sự lựa chọn đó.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Lời nói của hai hạt giống được viết bằng các kiểu câu khác nhau:

- Lời nói của hạt giống thứ nhất được viết theo kiểu câu đơn, tạo nhịp điệu dồn dập, thể hiện mục đích khát vọng sống mãnh liệt.

- Lời nói của hạt giống thứ hai là kiểu câu ghép thể hiện sự do dự, ngại ngần, không dám nghĩ dám làm.

Câu 2:

- Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu chuyện trên là: nhân hoá, ẩn dụ, điệp cấu trúc câu.

→ Tác dụng:

+ Làm cho câu văn trở nên sinh động hơn và cuộc nói chuyện giữa hai loài cây chân thật như hai người nói chuyện.

+ Miêu tả hai lối sống và hai cách suy nghĩ khác nhau, là kiểu sống điển hình trong xã hội hiện nay.

Câu 3: 

Vấn đề đặt ra ở câu chuyện trên là: Sống phải dám mơ ước, dám thực hiện. Không ngại khó khăn, vất vả để phát triển bản thân và tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu 4: 

Nếu được lựa chọn em sẽ lựa chọn là hạt giống thứ nhất. Vì trong cuộc sống, em muốn mình luôn là người có cuộc sống tốt nhất và em không ngại khó khăn để thực hiện những ước mơ của mình.


Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Đề số 3

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Vì sao hạt mầm thứ hai lại nằm im và chờ đợi?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong lời nói của hạt mầm thứ nhất.

Câu 4. Bài học được rút ra cho chúng ta qua câu chuyện trên?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2. 

Hạt mầm thứ hai lại nằm im và chờ đợi vì sợ bén rễ vào những nơi tối tăm, sợ chồi non sẽ bị côn trùng nuốt, sợ trẻ con vặt hoa mà đùa nghịch nên nằm im chờ tới khi nào an toàn.

Câu 3.

- Các biện pháp tu từ trong lời nói của hạt đậu thứ nhất: 

+ Biện pháp điệp - điệp từ và điệp cấu trúc câu: tôi muốn….

+ Ẩn dụ.

+ Nhân hóa: lớn lên thật nhanh, thưởng thức những giọt sương mai,…

+ So sánh: “cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân”

- Tác dụng: nhấn mạnh diễn tả những khát khao, ước mơ của hạt mầm thứ nhất, gợi lối sống mạnh mẽ, đam mê hành động, cống hiến và tận hưởng; khiến câu văn gợi hình ảnh, biểu cảm và giàu nhịp điệu.

Câu 4. 

Bài học được rút ra cho chúng ta qua câu chuyện trên là:

+ Trong cuộc sống co nhiều cơ hội cho chúng ta, vì thế phải biết nắm bắt và mạo hiểm.

+ Đừng chờ đợi cơ hội tốt nhất đến với mình, mà bản thân mình phải tự nắm bắt cơ hội mới có thể thành công.


Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Đề số 4

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2. Tìm các từ láy có trong văn bản trên

Câu 3. Hãy chỉ ra tác dụng của biện pháp điệp ngữ tôi muốn trong lời nói của hạt mầm thứ nhất.

Câu 4. Hãy chỉ ra sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm.

Câu 5. Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến bạn đọc điều gì? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Phương thức biểu đạt: Tự sự

Câu 2.

Các từ láy có trong văn bản: màu mỡ, dịu dàng, tối tăm, loanh quanh, lạc lõng.

Câu 3.

Tác dụng của biện pháp điệp ngữ “tôi muốn…” trong lời nói của hạt mầm thứ nhất là: nhấn mạnh mong muốn của hạt mầm thứ nhất muốn trưởng thành thật nhanh, tăng nhịp điệu cho câu văn và tăng gợi hình, gợi cảm.

Câu 4.

sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm là:

-  Hạt mầm thứ nhất: Chủ động, thích được trải nghiệm những thử thách, những điều khó khăn trong cuộc sống và dũng cảm, mạo hiểm đương đầu , vượt qua lối mòn để đạt được những gì mong đợi.

- Hạt mầm thứ hai: thụ động, không có ý chí trong cuộc sống, sợ những khó khăn, trốn tránh, không dám đối mặt với thử thách của cuộc sống .

Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Ảnh 2

Câu 5.

Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến bạn đọc: Trong cuộc sống, có rất nhiều khó khăn thử thách buộc chúng ta cần phải đối mặt. Chúng ta không thể ngồi chờ cơ hội hoặc nhờ người khác giúp đỡ mà bản thân phải tự đối mặt với những thử thách và tìm cách vượt qua nó. Không có con đường nào trải hoa hồng mà luôn có những trở ngại cần vượt qua. Khi đó, con người sẽ trưởng thành hơn và đạt được thành công.


Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm - Đề số 5

Câu 1. Hai hạt mầm đã trao đổi với nhau về vấn đề gì?

A. Hai hạt mầm nói sẽ cùng nhau đi đến một mảnh đất màu mỡ hơn.

B. Hai hạt mầm trao đổi với nhau về việc muốn mọc thành cây.

C. Hai hạt mầm trao đổi với nhau về cách hút chất dinh dưỡng dưới lòng đất.

D. Hai hạt mầm trao đổi với nhau về việc sẽ sinh ra các hạt mầm nhỏ bé tiếp theo.

Câu 2. Hạt mầm thứ nhất suy nghĩ điều gì khi vươn mình lên đất?

A. Muốn mọc thành cây, đâm rễ xuống đất, đón ánh mặt trời và sợ tổn thương chồi non.

B. Muốn mọc thành cây, vươn mầm nhú chồi non và sợ lũ ốc.

C. Muốn mọc thành cây, sợ lũ ốc, sợ đất cứng, sợ lũ trẻ ngắt hoa.

D. Muốn mọc thành cây, đâm rễ xuống đất, vươn mầm và nhú chồi non.

Câu 3: Cặp từ trái nghĩa nào tượng trưng cho suy nghĩ của hai hạt mầm?

A. Tích cực- tiêu cực 

B. Quyết tâm- lo lắng

C. Cố gắng – nhút nhát 

D. Hành động – nản chí

Câu 4: Sau khi chờ đợi, kết quả hạt mầm thứ hai nhận được gì?

A. Hạt mầm thứ hai bị kiến tha đi. 

B. Trở thành một cây mầm tươi đẹp

C. Hạt mầm thứ hai bị gà ăn 

D. Trở thành một cây mầm bị thối.

Câu 5: Qua câu chuyện trên em học được gì từ hạt mầm thứ nhất?

Câu 6: Đặt câu hỏi với bộ phận in đậm dưới đây:

A. Hai hạt giống nằm cạnh nhau trên mảnh đất mùa xuân màu mỡ

B. Thế là hạt thứ hai tiếp tục đợi.

Câu 7: Câu văn nào dưới đây có sử dụng hình ảnh so sánh?( chọn nhiều đáp án)

A. Đêm tối ở thành phố ồn ã, sôi động chứ không yên tĩnh như ở quê.

B. Cả đàn ong là một khối hoà thuận.

C. Cây mai cao trên hai mét, dáng thanh, thân thẳng như thân trúc.

Câu 8: Các từ chỉ hoạt động, trạng thái trong câu: “Tôi ao ước được đón ánh mặt trời mơn man trên lá và những giọt sương lóng lánh đọng lại trên hoa” là gì?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. B

Câu 2. D

Câu 3. A

Câu 4. C

Câu 5. 

Qua câu chuyện trên em học được từ hạt mầm thứ nhất là: hãy chủ động, dám đối mặt với những khó khăn thử thách, biết nắm bắt cơ hội để có kết quả tốt nhất.

Câu 6. 

A. Mảnh đất này rất màu mỡ

B. Hạt giống này là hạt thứ hai.

Câu 7. A và C

Câu 8.

Các từ chỉ hoạt động trạng thái trong câu: “Tôi ao ước được đón ánh mặt trời mơn man trên lá và những giọt sương lóng lánh đọng lại trên hoa” là:

- Từ chỉ hoạt động: ao ước, đón, đọng

- Từ chỉ trạng thái: mơn man, lóng lánh

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Câu chuyện của hai hạt mầm. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

icon-date
Xuất bản : 05/04/2021 - Cập nhật : 21/08/2023