Hướng dẫn trả lời 2 đề Đọc hiểu bài thơ Sông Hồng (Lưu Quang Vũ) trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
một con sông chảy qua thời gian
chảy qua lịch sử
chảy qua triệu triệu cuộc đời
chảy qua mỗi trái tim người
khi êm đềm khi hung dữ
một con sông rì rầm sóng vỗ
trong muôn vàn trang thơ
làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà
tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt
[…]
máu ta mang sắc đỏ sông Hồng
nỗi khổ và niềm vui bất tận
luôn luôn mới đến, luôn luôn ra đi
luôn già nhất và luôn trẻ nhất
sông để lại trước khi về với biển
không phải máu đen độc ác của quân thù
không phải gươm đao ngàn năm chiến trận
không phải nghẹn ngào tiếng nấc
sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào
là bãi mới của sông xanh ngát
là đất đai lấn dần ra biển
là tâm hồn đằm thắm phù sa
dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ
(Trích Sông Hồng, Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr. 286-288)
Câu 1.Theo đoạn trích, sông Hồng đã để lại những gì trước khi về với biển?
Câu 2. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?
“một con sông rì rầm sóng vỗ
trong muôn vàn trang thơ
làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà
tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt”
Câu 4. Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị?
“máu ta mang sắc đỏ sông Hồng
nỗi khổ và niềm vui bất tận”
Câu 5. Từ đoạn trích, hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đáp án
Câu 1.
- Theo đoạn trích, sông Hồng trước khi về với biển, đã để lại:
+ “bãi mới của sông xanh ngát”
+ “đất đai lấn dần ra biển”
+ “tâm hồn đằm thắm phù sa”
+ “dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ”
Câu 2.
- Thể thơ của đoạn trích trên là thơ tự do.
Câu 3.
- Qua đoạn thơ giúp em hiểu về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam:
+ “con sông rì rầm sóng vỗ”: Sông Hồng quen thuộc, gần gũi, thiêng liêng, gắn bó đời sống tinh thần và vật chất với người dân Việt Nam.
+ ”trong muôn vàn trang thơ”: Sông Hồng chính là nguồn cảm hứng bất tận, là chất liệu của thơ ca, nghệ thuật.
+ “làm nên xóm thôn, hoa trái, ngôi nhà”: Sông Hồng đã góp phần tạo nên những giá trị vật chất cùng với người dân Việt Nam.
+ “tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt”: Sông Hồng làm nên những giá trị tinh thần, nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu thương, gắn bó sâu sắc với quê hương, đất nước của người dân Việt Nam.
-> Qua đó, đoạn thơ cũng đã thể hiện được sự tự hào, mến yêu và ca ngợi của tác giả đối với sông Hồng gần gũi, thiêng liêng, chứa đựng những giá trị cao cả trong cả tinh thần và vật chất.
Câu 4.
- Nội dung của hai dòng thơ:
+ “máu ta”: chính là máu của người dân Việt Nam ta.
+ “sắc đỏ sông Hồng”: chính là phù sa màu mỡ mà sông Hồng bồi đắp nên.
+ “nỗi khổ”: con sông như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự khổ đau, mất mát, buồn thương của con người, dân tộc Việt Nam trong thời kì chiến tranh khốc liệt.
+ “niềm vui bất tận”: hòa với niềm vui chiến thắng quân thù, giành độc lập dân tộc của người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
-> Tóm lại qua 2 câu thơ trên, nhấn mạnh vai trò của sông Hồng đối với con người Việt Nam: dòng sông tạo nên đời sống vật chất, giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn và đồng thời nuôi dưỡng đời sống tinh thần, chứa đựng toàn bộ “phần hồn” của người dân Việt Nam, một dòng sông gắn bó tha thiết tựa như một người bạn đồng hành tri kỉ, mãi mãi bên con người Việt Nam ta.
Câu 5.
- Từ đoạn trích em cảm thấy sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc:
+ Điều đó góp phần tạo nên một thước đo giá trị của mỗi cá nhân.
+ Giúp chúng ta gắn bó hơn với đời sống cộng đồng, quê hương, đất nước.
+ Hình thành nên những nhận thức, tri thức về lối sống đúng đắn, tích cực.
+ Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển, hiện đại không còn nhiều thói hư, tật xấu, tệ nạn.
+ Trân trọng những nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc chính là nhiệm vụ của thế hệ trẻ, chúng ta phải kế thừa phát huy truyền thống vẻ vang, tốt đẹp của cha ông ta đã để lại cho đến bây giờ.
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên?
A. Tự do
B. Thất ngôn bát cú đường luật
C. Song thất lục bát
D Bảy chữ
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ?
A. Nghị luận
B. Miêu tả
C. Tự sự
D. Biểu cảm
Câu 3. Xác định phong cách ngôn ngữ văn bản trên.
A. Sinh hoạt
B. Nghệ thuật
C. Báo chí
D. Chính luận
Câu 4. Dòng sông được nhắc đến trong đoạn trích là dòng sông nào?
A. Sông Mê Công
B. Sông Đà
C. Sông Hồng
D. Sông Đồng Nai
Câu 5. Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong đoạn trích trên?
A. Liệt kê
B. Ẩn dụ
C. Nhân hóa
D. Điệp
Đáp án
Câu 1. A => Thể thơ của đoạn trích trên là tự do.
Câu 2. D => Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ là biểu cảm.
Câu 3. B => Phong cách ngôn ngữ văn bản trên là nghệ thuật.
Câu 4. C => Dòng sông được nhắc đến trong đoạn trích là dòng sông Hồng.
Câu 5. D => Biện pháp tu từ điệp được sử dụng nhiều nhất trong đoạn trích trên.