logo

Đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới

Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam, ông là một nhà thơ của lí tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu đặc biệt tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Trong những sáng tác của ông thì bài thơ “Ta đi tới” đã để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Sau đây, mời các em cùng tìm hiểu các đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới.


Đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới – Mẫu 1

Đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới - ảnh 1

Đặng Thai Mai đã từng nhận xét rằng “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ”. Bài thơ Ta đi tới được in trong tập thơ nổi tiếng Việt Bắc, bài thơ được sáng tác vào tháng 8/1954 đây là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi và đất nước bước vào giai đoạn chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Bài thơ đã ca ngợi tinh thần hào hùng, kiên cường, chiến thắng oanh liệt, vang dội của dân tộc ta trước kẻ thù cũng như là những suy nghĩ về chặng đường phía trước mà ta sắp trải qua. Bài thơ được viết nên bởi những cảm xúc đặc biệt, đó là niềm tự hào của chính tác giả dành cho những chiến thắng vinh quang của dân tộc, những chi tiết đó hiện rõ qua không gian vô cùng rộng lớn, được gợi nhắc bởi nhiều địa danh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Khoảng thời gian bài thơ ra đời cũng gợi lên cho người đọc rất nhiều cảm xúc, để dành được chiến thắng huy hoàng là những tháng ngày dân ta phải oằn mình trước bom đạn, suốt những con đường Phú Thọ, Trung Hà… ai cũng khiếp sợ thì giờ đây quân địch đã bị “cuốn sạch rồi”, đó là những tháng ngày xuôi thuyền theo dòng sông Thao không ngơi nghỉ “bắp chân, đầu gối vẫn săn gân”. Đất nước ta đã luôn vững vàng như thế, nhân dân ta đã luôn kiên cường đến thế, ta đều xông pha chiến đấu, không sợ hiểm nguy hay chết chóc, chỉ cần giành lại độc lập cho dân tộc thì đó chính là niềm tự hào to lớn. Có thể thấy, Tố Hữu đã gửi trọn tấm chân tình của mình vào bài thơ, đó là những cảm xúc đong đầy, ông khẳng định một tấm lòng kiên trung, yêu Tổ quốc của toàn thể dân tộc ta. Những người dân Việt Nam máu đỏ da vàng đều đồng lòng, không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do. Bài thơ ra đời ngay thời điểm đó nhắc nhở bạn đọc nhớ về những công lao của bậc cha anh đi trước, cổ vũ thêm tinh thần chiến đấu cho chiến sĩ và hướng người đọc suy nghĩ về tương lai của đất nước sau này.


Đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới – Mẫu 2

Đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới - ảnh 2

Những chiến thắng oanh liệt trong lịch sử, những sự kiện hào hùng luôn là cảm hứng bất tận trong thi ca. Viết về đề tài ấy, người đọc sẽ không thể không nhắc đến bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu. Tố Hữu là một nhà thơ có giọng điệu thâm tình, tha thiết, gắn bó vận mệnh của mình với đất nước, thơ của ông tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình chính trị. Bài thơ Ta đi tới là một áng thơ vô cùng đặc biệt, nó thể hiện sự tài ba và những tâm tư tình cảm của chính Tố Hữu. Ta đi tới được in trong tập thơ Việt Bắc, bài thơ ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã giành chiến thắng vào tháng 8/1954, khi đó đất nước đang bắt đầu chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Bao trùm lên toàn bộ bài thơ là không gian được gợi mở rộng lớn và bao la với sự xuất hiện của hàng loạt địa danh trên khắp mọi miền Tổ quốc: “ Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, Tây Bắc. Bình Ca, Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa,…” những địa danh xuất hiện hàng loạt là minh chứng rõ ràng nhất cho những chiến thắng, những niềm vui hân hoan trải dài từ Bắc vào Nam. Đoạn trích Ta đi tới ra đời vào khoảng thời gian mùa thu tháng 8/1945 đến tháng 9/1954 khi mà chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ của nhân dân ta dành thắng lợi, chính chiến thắng này đã kết thúc những tháng ngày dân ta bị thực dân Pháp đô hộ. Thời điểm bài thơ ra đời cũng gợi ra rất nhiều cảm xúc trong lòng người đọc, đó là hành trình “ba ngàn ngày không nghỉ”, đó là sự khâm phục, sự tự hào khi nhân dân ta quyết tâm đoàn kết chống giặc, kiên cường, bất khuất và hiên ngang. Và đây không chỉ là cảm xúc của riêng tác giả Tố Hữu mà còn là cảm xúc của toàn thể dân tộc Việt Nam, lúc này đây nguồn cảm hứng cho bài thơ vô cùng đặc biệt vì cái “tôi” của tác giả đã và đang hòa quyện vào cái “ta” chung của dân tộc. Tác phẩm là một bài thơ xuất sắc, thể hiện ý chí kiên cường và sức mạnh của toàn dân ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, không những vậy, qua những vần thơ ta còn cảm nhận được sự tự hào, sự hạnh phúc và một niềm tin vững vàng vào tương lai của đất nước như chính nhan đề của bài thơ.

--------------------------------------------

Trên đây là các đoạn văn trình bày bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng được gợi lên trong bài Ta đi tới. Hi vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!

icon-date
Xuất bản : 26/08/2023 - Cập nhật : 27/08/2023