logo

Cảm nghĩ về bài thơ Nắng thu tác giả Chu Long

Thơ là sự chín đỏ trong từng cảm xúc! Thơ len lỏi vào mạch nguồn của con người chính bởi sự đồng điệu về mặt tâm hồn. Người ta tìm đến thơ như kiếm tìm một người đồng âm tri kỷ. Sau đây, mời các bạn cùng Toploigiai tìm hiểu bài viết Cảm nghĩ về bài thơ Nắng thu tác giả Chu Long để hòa mình vào bức tranh thiên nhiên mang đậm tâm tư tình cảm của nghệ sĩ.

Cảm nghĩ về bài thơ Nắng thu tác giả Chu Long

“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là với những tâm hồn cao cả, đa cảm” (Voltaire). Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những điệu của tâm hồn. Chính bởi vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải lớn tới người đọc. Và có những bài thơ đã ra đời khá lâu nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. “Nắng thu” của Chu Long là một thi phẩm như vậy. Trong bài thơ có những vần thơ ngân lên khiến người đọc không khỏi xao xuyến: 

“Nắng thu gió với lao xao

Màu vàng non nhẹ đầy trào khoảng không

Con đò đợi khách bên sông

Nước mềm như dải lụa hồng vắt ngang.

 

Thơm thơm hoa bưởi cúc vàng

Quyện hương xanh cốm dịu dàng lâng lâng

Tiếng ve tiếc hạ mắt quầng

Để cành phượng vĩ lá bâng khuâng buồn.

 

Áo dài ôm chiếc lưng thon

Thướt tha mềm mượt nét son dịu dàng

Tay nhặt sợi nắng thu vàng

Thả lên đồng ruộng sắp sang vụ cày.

 

Nắng thu nhẹ lá vàng bay

Em là ánh nắng thu say bao người

Em mãi là nắng thu ơi

Nắng thu em mãi trọn đời xuân tôi!”

Cảm nghĩ về bài thơ Nắng thu tác giả Chu Long

“Nắng thu” được trích từ tập “Những bài thơ cuối cùng”, sáng tác vào khoảng những năm 1960-1970, một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Đó là quãng thời gian đất nước đang trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt và nhân dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ. Trước sự biến động của thời đại ấy, ông đã mang đến thông điệp về sự kiên trì, kiên cường của con người Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào, tình yêu thiên nhiên. Với sự uyển chuyển, linh hoạt trong việc sử dụng biện pháp nghệ thuật Chu Long đã nhẹ nhàng ghi dấu ấn vào trái tim. 

Ngay ở những câu thơ đầu, độc giả đã bị thu hút bởi sự rộn ràng của mùa thu. Từ “nắng thu” được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Mùa thu không chỉ là cái gió nhè nhẹ làm “lá lao xao”, hay làm người ta thấy dễ chịu hơn sau một mùa hè oi bức, mùa thu còn đẹp còn thơ mộng trong con mắt “kẻ si tình”. Hẳn là Chu Long phải là người rất yêu mùa thu, rất tinh tế khi quan sát, lắng nghe được cả những tĩnh động của khung cảnh. Qua lăng kính của Chu Long, mùa thu không chỉ đẹp bởi sắc vàng của lá, còn đẹp bởi “con đò bên sông nước”, “nước mềm như dải lụa hồng”, “cành phượng vĩ buồn bâng khuâng”,… tạo nên một bức tranh thiên nhiên yên bình, êm ả, thơ mộng. Nếu như Hữu Thỉnh nhận ra mùa thu tới bằng “hương ổi”, “gió se”, “sương”: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về” thì Chu Long lại vận dụng ngũ quan để thể hiện niềm vui, háo hức, mong chờ khi thu về như mùi hoa bưởi, mùi hoa cúc vàng, cốm xanh, lá vàng, tiếng ve mùa hạ dần thưa đi, cành phượng vĩ buồn bởi có lẽ lưu luyến chưa muốn chia tay mùa hạ. Với phép nhân hóa “Tiếng ve tiếc hạ mắt quầng/Để cành phượng vĩ lá bâng khuâng buồn” kết hợp từ láy “thơm thơm”, “lâng lâng” đã đánh thức mọi giác quan của độc giả, để nhận ra rằng, hạ chí đã nhường chỗ cho thu sang. Dường như thiên nhiên đất trời cùng hòa quyện, chuyển mình đón thu. Yêu biết mấy khoảnh khắc này. Qua đây, ta thấy được nhà thơ yêu thiên nhiên, yêu thu đến nhường nào. 

Không chỉ đem đến cho người đọc hình ảnh thiên nhiên thơ mộng, yên bình, Chu Long còn phác họa hình ảnh người con gái thướt tha, dịu dàng trong tiết thu trong tà áo dài truyền thống Việt Nam. Người con gái ấy với xuất hiện với “chiếc lưng thon”, đôi môi đỏ son, tay nhặt sợi nắng thu vàng đã làm thổn thức trái tim bao người. Người con gái ấy vừa xinh đẹp, kiêu sa, hiền dịu lại vừa mang dáng dấp của đồng quê Việt Nam. Trong tiết thu với nắng gió nhè nhè, “em” đã làm xao lòng “tôi”, “tôi” đã say mê, tương tư, thương nhớ “em”. “Em” có thể là nắng thu, là tiết trời thu, là mùa thu nhưng cũng có thể là người con gái trong tà áo dài ấy. Để rồi Chu Long phải kết thi phẩm bằng dòng cảm xúc “Nắng thu em mãi trọn đời xuân tôi!” đã bày tỏ được sự gắn kết bất diệt giữa thi sĩ và mùa thu, giữa con người và quê hương. 

Mỗi dòng thơ là mỗi dòng cảm xúc mà nhà thơ Chu Long đã gửi gắm. Đó là tất cả tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người và quê hương Việt Nam. Qua bài thơ còn lây lan, khơi gợi tình yêu, niềm tự hào cảnh sắc thiên nhiên, quê hương đất nước trong trái tim mỗi người. 

icon-date
Xuất bản : 27/10/2023 - Cập nhật : 07/12/2023