logo

Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Yêu tiếng Việt

Tiếng Việt là tiếng nói hào hùng của toàn thể dân tộc ta, trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, Tiếng Việt ngày càng tươi đẹp và đáng trân trọng. Viết về sự kế thừa và tôn vinh tiếng nói của dân tộc ta nhớ đến bài thơ “Yêu tiếng Việt” của tác giả Huy Cận. Sau đây, mời các em tìm hiểu các đoạn văn viết về “Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Yêu tiếng Việt”.


Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Yêu tiếng Việt – Mẫu 1

Trong phong trào thơ mới, các nhà văn dành những tình cảm da diết đặc biệt cho tiếng Việt. Họ bộc lộ tình cảm ấy qua những vần thơ, tác phẩm tiêu biểu viết về chủ đề ấy là bài thơ “Yêu tiếng Việt” của nhà thơ Huy Cận.

Huy Cận là một nhà thơ đặc biệt của nền văn học Việt Nam. Nếu như trước cách mạng tháng tám, các sáng tác của ông mang nét trầm buồn thì sau cách mạng các tác phẩm lại mang hơi thở mới, tươi vui hẳn lên. Là một người con của cái nôi hình chữ S, ông dành cảm xúc đặc biệt cho ngôn ngữ dân tộc, từ đó ông chắp bút viết nên bài thơ “Yêu tiếng Việt”. 

Mở đầu cho bài thơ là cảm xúc buồn tủi, yêu thương tiếng Việt vô ngần của tác giả. Xót xa bao nhiêu khi phải học tiếng Việt trong giờ ngoại văn " Tiếng là tiếng mẹ con ngồi học/ Mà ở chương trình học ngoại văn…” Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của dân tộc ta, đó không chỉ là tình yêu đối với tiếng Việt đơn thuần mà còn là tình yêu với quê hương, đất nước, với nơi chôn rau cắt rốn. Ta nhận ra khi đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, chúng âm mưu đồng hóa ngôn ngữ của dân ta, tiếng Pháp được sử dụng và lưu truyền rộng rãi còn tác giả phải học tiếng Việt trong giờ ngoại văn. Tuy nhiên dù như vậy, ông vẫn mãi dành tình cảm đặc biệt cho tiếng Việt, chưa bao giờ quên đi ngôn ngữ dân tộc.

Tình cảm sâu sắc mà Huy Cận dành cho tiếng Việt được bộc lộ một cách trực tiếp và vô cùng chân thành. “Buổi ấy anh yêu tiếng nước nhà/ Là yêu hơi thở của ông cha”. Tiếng Việt trải qua bao thăng trầm lịch sử từ thuở ông cha ta dựng nước và giữ nước vô cùng gian lao, vất vả. Tiếng Việt đã có từ lâu đời, dù dân tộc ta bị xâm lược, bị thực dân đô hộ ấy vậy mà vẫn luôn kiên trì, bất khuất bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, bảo lưu những giá trị truyền thống hết sức tốt đẹp. Đó chính là tinh thần yêu nước và giữ nước, nếu chúng ta mất đi tiếng nói của chính mình thì đó cũng là lúc chúng ta mất nước. Ý thức được điều đó, thế hệ đi trước luôn cố gắng gìn giữ bản sắc của tiếng Việt, thật tuyệt vời và xót xa làm sao. Từ đó, bộc lộ được tình cảm và thái độ trân trọng, biết ơn của tác giả Huy Cận. 

Tiếng Việt trong lành, tươi mát nuôi từng thế hệ lớn lên và dần dần trưởng thành. Ở đây tác giả còn ví von so sánh tiếng Việt “như sữa mẹ”. Sữa mẹ chính là thứ nuôi chúng ta lớn, đó là sự gần gũi, gắn bó với mỗi người từ thuở còn nằm trong nôi. Và giờ đây tiếng Việt cũng như vậy, nhờ vào sự nuôi dưỡng của tiếng Việt, mỗi người dân máu đỏ da vàng đã phát triển “nuôi con từng thớ thịt tâm hồn”. Giống như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết:

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh."

Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Yêu tiếng Việt - Ảnh 1

 

Ông cha ta đã trải qua nhiều năm dựng xây đất nước tươi đẹp và vững vàn, thế nên Huy Cận đã gửi lời nhắn nhủ đến “các em”, đến với thế hệ mai sau. “Tiếng nói cha ông trao các em/ Giữ gìn em nhé trau dồi thêm” đó như là một kỉ vật mà ông cha ta truyền lại. Thế hệ mai sau có trách nhiệm tiếp nối, lưu trữ, bảo tồn và phát triển tiếng Việt ngày càng tươi đẹp hơn nữa. Kết thúc bài thơ Huy Cận đã thể hiện tình cảm, cảm xúc đặc biệt của chính mình dành cho tiếng Việt “Nhưng nếu mai sau mà sống lại/ Lòng anh tiếng Việt lại đầu thai” Dù như thế nào, dù mai sau có ra sao, dù sống lại một cuộc đời mới thì tình cảm mà ông dành cho tiếng Việt sẽ không bao giờ thay đổi, nó sẽ mãi trường tồn như một viên ngọc quý báu mà ông giữ trong trái tim mình.

Với thể thơ bảy chữ, ngôn từ mộc mạc và giản dị, bài thơ là lời tâm tình giữa người anh và người em về tình cảm dành cho tiếng Việt. Qua đó người đọc càng trân trọng và yêu thêm ngôn ngữ dân tộc. 


Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ yêu tiếng Việt – Mẫu 2:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Dành tình cảm đặc biệt cho ngôn ngữ dân tộc, Huy Cận đã chắp bút và viết nên bài thơ “Yêu tiếng Việt” với những cảm xúc đặc biệt và tự hào. 

Khổ thơ đầu tiên miêu tả cảm xúc xót xa, tủi thân của chính tác giả, thông qua những câu thơ: 

“Tiếng là tiếng mẹ con ngồi học

Mà ở chương trình học ngoại văn…”

Còn gì đáng buồn hơn khi ngôn ngữ mẹ đẻ của mình lại được học trong giờ học ngôn ngữ nước ngoài. Đó là buồn bã, là sự thất vọng không nói nên lời, xen lẫn vào đó là sự căm hận. Ta hận bọn thực dân phát xít cố ý muốn đồng hoá dân ta mà bắt chúng ta học ngôn ngữ của chúng, không cho dân ta học chữ của ta. Tuy nhiên, mỗi người dân Việt Nam đều chảy trong mình huyết quản của người dân máu đỏ da vàng, đều mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, và vì thế ta luôn kiên trì gìn giữ, lưu truyền ngôn ngữ dân tộc, quyết không khuất phục trước kẻ xâm lăng. 

Tiếng Việt chính là hơi thở của ông cha, là hồn nước đọng lại. Đó là minh chứng rõ ràng cho một trang lịch sử hào hùng ông cha ta từ thuở đầu dựng nước và đánh đuổi giặc ngoại xâm. Tiếng Việt nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người, ở đây Huy Cận vận dụng biện pháp tu từ so sánh vô cùng khéo léo, tài tình, làm cho câu thơ trở nên sinh động và hấp dẫn khi so sánh tiếng Việt “như sữa mẹ”. Nhấn mạnh rằng, chính tiếng Việt đã nuôi dưỡng mỗi người, “nuôi con từng thớ thịt tâm hồn”, làm nền tảng vững chắc cho mỗi người ngày một phát triển và trưởng thành. 

Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Yêu tiếng Việt - Ảnh 2

 

Mỗi người dân sau này phải luôn ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước, ta phải biết yêu ông cha ta bốn nghìn năm trước vừa lo chống giặc vừa lo giữ ngôn ngữ dân tộc để truyền cho thế hệ mai sau. Bài thơ như một lời nhắn nhủ, tâm tình của tác giả khi hướng mỗi bạn đọc, “các em” phải biết “Giữ gìn em nhé trau dồi thêm/ Nói bằng tiếng Việt đời thêm đẹp/ Như máu hồng tươi trở lại tim”. Thế hệ mai sau cần phải giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, không bao giờ để tiếng Việt bị mai một đi. Đó là trách nhiệm không của riêng ai mà là của tất cả mọi người. 

Bài thơ được viết theo thể thơ bảy chữ với sự vận dụng những hình ảnh thơ phong phú, câu từ ngắn gọn, ngôn từ mộc mạc, giản dị nhưng chân thành tha thiết. Bài thơ thể hiện niềm tự hào của tác giả dành cho tiếng Việt thân yêu, lay thức tình yêu tiếng Việt trong mỗi trái tim người dân Việt Nam. Từ đó hướng bạn đọc tới những giá trị tốt đẹp, biết yêu tiếng Việt, yêu thêm quê hương, đất nước.

----------------------------

Trên đây là bài viết các đoạn văn thể hiện cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ “Yêu tiếng Việt” (Huy Cận). Hi vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!

icon-date
Xuất bản : 21/08/2023 - Cập nhật : 22/08/2023