logo

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu học sinh giỏi

Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm mang lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc bởi những tình huống éo le trong cuộc sống con người nơi làng chài. Trong bài viết này Toploigiai sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu học sinh giỏi hay và chính xác nhất. 


1. Dàn ý phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu học sinh giỏi

Mở bài

- Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm

+ Giới thiệu tác giả: Nguyễn Minh Châu là cây bút đi tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Phong cách nghệ thuật của ông thay linh hoạt theo từng thời kì. Trước 1975: Là cây bút sử thi có khuynh hướng trữ tình lãng mạn. Sau 1975 (đầu những năm 1980): Chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh. Ông đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

+ Tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa - mang đặc điểm phong cách nghệ thuật riêng biệt của Nguyễn Minh Châu

Thân bài

- Ở phát hiện thứ nhất, hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện

+ “Cảnh đắt trời cho”:

Hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.

=> Là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến.

+ Cảm nhận của người nghệ sĩ khi nhìn thấy “cảnh đắt trời cho”

Thấy rung động.

Thấy tâm hồn mình được thanh lọc, gột rửa.

Thấy hạnh phúc.

- Hình ảnh bạo lực trên thuyền gắn liền với phát hiện về cuộc sống của người nghệ sĩ.

+ Đằng sau cái đẹp toàn mỹ là hiện thân của cái xấu, là hiện thực trần trụi: bước ra khỏi chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là người đàn bà xấu xí trạc ngoài 40 tuổi, rỗ mặt…Đi sau người đàn bà là người đàn ông cao lớn, dữ dằn, tấm lưng rộng và cong như lưng của một chiếc thuyền…

+ Đằng sau cái đẹp được gọi là toàn thiện là hiện thân của cái ác, là cảnh tượng tàn nhẫn, điển hình của bạo lực gia đình: người đàn bà đi trước, người đàn ông lẳng lặng đi sau không nói câu nào…đột nhiên bỗng trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay,…, dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp lên người của người đàn bà, người đàn bà đứng im không chống trả, đứa bé chạy ra…

=> Cảm nhận của nghệ sĩ Phùng: “kinh ngạc đến thẫn thờ”, “mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “chết lặng”,…

- Nhận thức của người nghệ sĩ: Cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng rất nhiều nghịch lý. Cuộc sống luôn tồn tại những điều tốt - xấu, thiện - ác.

- Sứ mệnh người nghệ sĩ: Đừng bao giờ nhầm lẫn hiện tượng và bản chất, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình thức bề ngoài với nội dung thực chất bên trong, đừng vội đánh giá sự vật, con người ở dáng vẻ bên ngoài mà phải tìm hiểu thực chất bề sâu đằng sau vẻ ngoài ấy.

Kết bài

- Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Tồn tại những khoảng cách và mâu thuẫn, người nghệ sĩ phải có cái nhìn toàn diện.

Dàn ý phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

2. Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu học sinh giỏi

Chiếc thuyền là biểu tượng cho bức tranh thiên nhiên đẹp, cho cuộc sống xinh đẹp của người dân làng chài, “trước mặt tôi là một bức tranh bằng mực tàu của một danh họa thời cổ mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe trong bóng sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào, vài bóng người lớn và trẻ con ngồi lặng im phăng phắc như tượng trên chiếc mũi khum khum đang hướng mặt vào bờ” . Về mặt nghĩa biểu tượng thì chiếc thuyền ngoài xa là ẩn dụ mối quan hệ và cuộc đời, đó là chiếc thuyền có thật trên cuộc đời, là không gian sinh sống của gia đình người hàng chài cuộc sống gia đình đông con, khó kiếm ăn, cuộc sống túng quẫn là nguyên nhân làm cho người chồng trở nên cọc cằn thô lỗ và biến vợ thành đối tượng của những trận đòn. Những cảng tượng đó, những thân phận đó nếu ta nhìn từ xa thì sẽ không thấy được, do ở ngoài xa nên con thuyền mới cô đơn của con thuyền nghệ thuật trên biển lớn, đơn độc của con người trên cuộc đời. Chính sự thiếu gần gũi sẻ chia ấy là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc và lầm lạc Phùng đã chụp được chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích, một chân lý của sự toàn diện. Nhưng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ lại chứng kiến cảnh đánh đập vợ của người đàn ông kia, anh ta đã kinh ngạc và vứt chiếc máy ảnh xuống đất, anh nhận ra rằng vẻ đẹp ở ngoài xa kia cũng chính là vẻ đẹp oái oăm, ngang trái nghịch lý nếu không đến gần thì không bao giờ nhận ra được. Xa và gần là hai khoảng cách khác nhau là sự mâu thuẫn giữa bên ngoài và sâu thẩm bên trong đó cũng là cách nhìn cách tiếp cận nghệ thuật chân chính của Phùng. Nếu nói về thành công của Chiếc thuyền ngoài xa thì ta không thể không kể đến tình huống truyện đặc sắc. Trong một tác phẩm truyện ngắn thì tình huống sẽ quyết định đến sự thành bại của tác phẩm. Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện đại VN, là cây bút văn xuôi đóng góp xuất sắc cho văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông thuộc trong những nhà văn đã mở đường cho công cuộc mới cho văn học VN sau những năm 1975. Ông không chỉ là người viết dựa vào khả năng thiên bẩm mà còn luôn quan sát, suy nghĩ một cách thấu đáo về công việc của mình. Sau 1975, những bức tranh sống động nổi lên bởi chất vẽ sơn dầu, bởi những mảng màu tương phản gay gắt, với chính hiện thực đời sống con người, vì thế vừa có thiên thần vừa có quỷ dữ. Bến quê và chiếc thuyền ngoài xa là những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn chương ấy. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa ẩn chứa nhiều triết lý nghệ thuật và quan niêm nhân sinh sâu sắc thông qua tình huống truyện đặc sắc. 

Phùng đã chụp được một cảnh đắt giá giống như trời cho, một bức tranh đẹp thủy mặc cổ điển, đó là hình ảnh biển khơi trong làn sương mờ đục như sữa hiện ra một con thuyền. Trên mũi thuyền lô nhô hình ảnh của những con người, người lớn có, trẻ con có, phía sau là một màu hồng, màu hồng của nắng sớm bình minh tất cả đều được phô bày, đều được nhìn nhận qua mắt của một chiếc lưới vó xòa ra hai bên con thuyền như hai chiếc cánh dơi. Phùng sung sướng đến nghẹt thở trái tim của anh như có ai bóp nghẹt lại vì cái đẹp, bao nhiêu triết lý nghệ thuật đẹp đẽ đã vang lên trên đầu Phùng, Phùng đưa máy ảnh lên bấm liên tục, liên thanh và sững sờ trước vẻ đẹp ấy. Vẻ đẹp ấy Nguyễn Tuân đã từng nói: “ Cái đẹp cảm hóa lòng người, trái tim người nghệ sĩ như bị bóp nghẹt lại vì cái đẹp”. Đó là khi Phùng nhìn thấy con thuyền ở ngoài xa, con thuyền của nghệ thuật. Từ trong chiếc thuyền giữa khung cảnh đẹp, một người đàn bà một người đàn ông từ con thuyền bước xuống lội vào bờ thẳng chỗ Phùng đứng. Nguyễn Minh Châu miêu tả rất kỹ, rất chi tiết từng cử chỉ từng hành động của hai người này. Người đàn ông đi sau nhìn chằm chằm vào chiếc lưng áo đã bạch phếch và rách rưới của người đàn bà, gương mặt mệt mỏi sau một đêm dài kéo vó, lặng lẽ, người đàn ông lập tức bỗng trở nên hùng hổ vừa đáng người đàn bà một cách dã man, vừa rên rỉ vừa kêu lên “ mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” cuộc đánh đập tàn nhẫn ấy chỉ dừng lại khi thằng Phác, thằng con trai lớn của nhà này từ dưới thuyền lao lên giật chiếc thắt lưng từ tay người đàn ông. Điều càng cho Phùng kinh ngạc và kinh sợ hơn là khi nhìn thấy cảnh thằng Phác lao vun vút đến chỗ bố nó lấy thắt lưng có khóa sắt quật vào ngực bố nó, nó muốn bảo vệ mẹ nó. 

Tình huống truyện này đưa ra những vấn đề đầy nghịch lý, nghịch lý giữa cái đẹp của nghệ thuật và cái trần trụi đầy bi đát của cuộc sống thực. Nghịch lý giữa người vợ bị hành hạ nhưng lại không dám bỏ chồng, nghịch lý giữa sự vũ phu tàn bạo của anh hàng chài với vợ nhưng không bỏ vợ. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề rất nghiêm trọng để người đọc phải suy nghĩ đó là mối quan hệ giữa văn chương nghệ thuật và cuộc đời. Nghệ thuật là một cái gì đó rất xa vời như chiếc thuyền ngoài xa hiện lên mờ ảo trong sương sớm, đó là màu phất hồng nắng sớm của bình minh, đó là một vẻ đẹp của một bức tranh toàn bích. Tác giả cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống phải phản ánh chân thật được cuộc sống, và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn. 

>>> Tham khảo: Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa học sinh giỏi

----------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu cách phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu học sinh giỏi. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt. 

icon-date
Xuất bản : 19/10/2022 - Cập nhật : 20/10/2022