logo

Phân tích cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường học sinh giỏi

Dòng sông là đề tài không thể thiếu trong văn học nhờ vẻ đẹp man mác, trong trẻo và ý nghĩa của con sông nên các tác giả đã hướng đến đề tài về những con sông và đi sâu vào vẻ đẹp của dòng sông. Trong bài viết này Toploigiai sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách lập Dàn ý phân tích cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường hay và chính xác nhất. 


1. Dàn ý phân tích cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường học sinh giỏi

* Mở bài

- Các em có thể mở bài theo hai cách: Mở bài gián tiếp và mở bài trực tiếp

- Giới thiệu về tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có sở trường về bút kí, ông sáng tác rất nhiều và tác phẩm: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”( 1981 ) là bài bút kí xuất sắc nhất trong số những sáng tác của ông. Dấu ấn của tác giả mang tính phát hiện của Hoàng Phủ Ngọc Tường về vẻ đẹp sông Hương.

* Thân bài

- Nêu lên chính của bài nghị luận theo hệ thống ý sau và đi cùng với việc phân tích các yếu tố nghệ thuật trong mỗi cách nhìn của tác giả

+ Luận điểm 1: Nhà văn phát hiện sông Hương có vẻ đẹp thiên tạo, có sức sống mãnh liệt, hoang dại và đầy cá tính.

- Tác giả phát hiện ra cái thế chảy cuộn xoáy của dòng nước sông Hương ở thượng nguồn mạnh mẽ, phóng khoáng và man dại như một cô gái Di-gan.

- Tác giả còn phát hiện vẻ đẹp lãng mạn của sông Hương khi về đồng bằng, so sánh sông Hương như người con gái đẹp nằm mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại…

+ Luận điểm 2: Nhà văn nhìn sông Hương như dòng sông lịch sử: dòng sông biên thuỳ trong sách địa dư của Nguyễn Trãi; dòng sông soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ, sống hoà mình với lịch sử bi tráng của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX và dòng sông làm chứng nhân cho bão táp cách mạng tháng 8, cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968.

+ Luận điểm 3: Nhà văn phát hiện sông Hương là dòng sông văn hoá và thi ca:

- Sông Hương gắn bó trong cái nôi của nền âm nhạc, thi ca dân gian, cổ điển Huế; gắn bó với những tên tuổi danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du. Tác giả đặt mình trong tư thế và tâm thế văn hoá của một con người để chiêm ngưỡng vẻ đẹp sông Hương, nên đã phát hiện ra trong chiều sâu linh hồn của sông Hương chứa đựng bản sắc rất đặc trưng và thật phong phú của một nền văn hoá.

+ Luận điểm 4: Nhà văn nhìn sông Hương trong góc nhìn đời thường: sau những biên cố lịch sử thăng trầm nhưng hết sức oai hùng của dân tộc, sông Hương trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước

* Kết bài

Tác phẩm là sự thể hiện cách nhìn rất độc đáo, tác giả cho thấy nét tài hoa của một ngòi bút ở thể bút kí; nét độc đáo trong ý tưởng phát hiện về phẩm chất của một dòng sông và hệ thống hình ảnh giàu sức gợi, tác giả đã tạo nên những xúc cảm sâu lắng trong tâm hồn người đọc.

Dàn ý phân tích cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường

2. Phân tích cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường học sinh giỏi

Nhà thơ Thu Bồn từng viết rằng: “ Con sông dùng dằng con sông không chảy

                                                        Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

Cũng có một người nghệ sĩ nào từng nói “ Đất nước nào cũng có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ, giống như cuộc đời của mỗi con người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo” và dòng sông để thương để nhớ của mỗi người rất khác nhau. Nếu chúng ta có hình ảnh của dòng sông Lô trong những trang viết của Văn Cao, chúng ta có hình ảnh dòng sông Đuống của Hoàng Cầm thì ở đây chúng ta có hình ảnh của dòng sông Hương song hành cùng trái tim độc giả qua ký “ Ai đã đặt tên cho dòng sông”. 

Người ta thường nói rằng sông Hương luôn mang một bản sắc dịu dàng và phù hợp với bản ngã văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông rất yêu Huế nên muốn chọn một hình ảnh phù hợp với văn phong của mình. Viết về sông Hương quả thực là đây là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp của người nghệ sĩ này.  Mở đầu đoạn văn tác giả khẳng định đầy tự hào: “ Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ có dòng sông Hương là thuộc về  một thành phố duy nhất”  trong lời mở đầu ấy tác giả đã đặt vị trí của sông Hương ngang bằng với những dòng sông đẹp nhất của thế giới. Nhưng tác giả khẳng định rằng sông Hương chỉ thuộc duy nhất một thành phố, sông Hương là của Huế, dòng sông đã bù đắp đầy phù xa và làm nên xứ Huế mộng mơ. Lời khẳng định ấy cũng chính là niềm tự hào là tình yêu của tác giả dành cho con sông quê hương. Ở góc nhìn địa lý thì dòng sông Hương là con sông duy nhất chảy qua một thành phố nhưng dưới góc nhìn tình yêu, đó là vẻ đẹp chung thủy của tình yêu. HPNT có một vốn hiểu biết và sâu sắc về cấu trúc địa lý lãnh thổ về sự phức tạp, hiểm trở của đại ngàn Trường Sơn cho nên ông đã bắt rất đúng nhịp, đúng thần thái của con sông và tác giả đã vẩy bút mà viết: “ Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và có những lúc trở nên dịu dàng và say đắm, dưới những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Chúng ta có một câu văn rất dài được liệt kê ra miên man, trùng điệp, những hình ảnh, những động từ, tính từ liên tục xuất hiện để nói về vẻ đẹp của sông Hương và cái tài năng đặc biệt về ngôn ngữ của tác giả. Ngôn ngữ ấy khi đọc lên vừa có căn chương vừa có hội họa vừa có địa lý vừa có triết học. Nếu nói văn học là nghệ thuật của ngôn từ thì chữ nghĩa là nơi phô bày tất cả tài nghệ của nhà văn, có thể hình dung sự tinh xảo của nhà văn khi chạm khắc tượng đài nghệ thuật của ngôn từ là nằm ở con chữ, lời văn nó tạo nên thảm lụa của ngôn ngữ. Và  men theo con sông, men theo thảm lụa ngôn ngữ ấy chúng ta thấy sông Hương hiện lên ở vùng thượng nguồn thật hùng vĩ. Ít ai biết được rằng trước khi về với vùng châu thổ êm đềm thì sông Hương đã trải qua cuộc hành trifng đầy gian lao nhọc nhằn với bao nhiêu dốc thẳm, vực sâu, ghềnh thác và dòng chảy ấy đã được tác giả so sánh ví von giống như bản trường ca của rừng già. Và bản trường ca thường có nhiều trường đoạn, có nhiều tiết tấu lúc thì nó bổng khi thì nó trầm, lúc tha thiết bi ai có khi sử thi hùng tráng và liên tưởng như vậy kết hợp với biện pháp so sánh như cơn lốc xoáy vào đáy vực bí ẩn nhà văn đã mang đến cho người đọc một con sông với dòng chảy hùng vĩ, tráng lệ. Đặc biệt tả hành trình gian lao ấy, tác giả sử dụng câu văn dài chia thành nhiều vế huy động một loạt tính từ động từ, phép so sánh, nhân cách hóa, những liên tưởng độc đáo như liên tưởng đến trường ca, liên tưởng đến lốc xoáy sử dụng những từ ngữ âm thanh như rầm rộ, mãnh liệt cuộn xoáy, rồi những từ ngữ thể hiện sự mê hoặc như bí ẩn tác giả đã gợi lại những dư vang trường ca tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, hùng tráng của con sông giữa rừng già và làm cho dòng sông đó trở nên sinh động. Ta có thể hình dung được âm thanh bùng nổ đó là tiếng nước thác  gào thét, hung hãn, băng băng rầm rộ giữa rừng già trường sơn. Và đặc biệt đến địa hình dốc cao vực thẳm thì sông Hương trở nên mãnh liệt, nó băng qua thác ghềnh, có lúc dữ dội, xoáy trào ào ào cuộn xoáy như lốc dữ vào đến đáy vực bí ẩn. 

  Trong cái nhìn của nhà văn sông Hương hiện lên như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Cô gái Di-gan là biểu tượng của vẻ đẹp phương Tây, thường được nhắc đến với lối sống phóng khoáng yêu tự do thích ca hát. Và cách liên tưởng so sánh, phóng túng từ Đông sang Tây ta thấy cái nhìn đa chiều của tác giả. Bởi vậy, dòng chảy ấy trong hình dung của tác giả nó giống như một vũ điệu của cô gái Di-gan, một vũ khúc giữa rừng già. Hai tính từ “phóng khoáng” và “man dại” gợi liên tưởng thú vị độc đáo về một cuộc sống tự do của cô thiếu nữ. Sự liên tưởng đó đã mang đến một dòng chảy hung hãn, mãnh liệt và dạt dào sức sống của sông Hương ở vùng thượng nguồn. Nên có thể nói con sông ở thượng nguồn mang vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn, hùng vĩ của rừng già mà cũng thơ mộng, trữ tình, đầy sức sống. Tất cả những cảm nhận đó được gợi lên qua cái nhìn suy tư thấm đẫm tình yêu của tác giả đối với con sông xứ Huế.

Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ dòng sông Hương  mà sông Hương còn mang vẻ đẹp bởi  “ vẻ dịu dàng, say đắm, đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Câu văn giúp ta thấy được lối hành văn uyển chuyển, với ngôn từ đa dạng, và hình ảnh phong phú, từng từ từng chữ đều mang đậm lối tài hoa của người nghệ sĩ. Tính từ “dịu dàng” mang vẻ đẹp hiền dịu, thùy mị của người con gái. Hai chữ “say đắm” lại gợi ra dòng chảy êm đềm nhẹ nhàng mê hoặc. Có thể hình dung hai bên bờ sông hoa đỗ quyên nở đỏ rực rỡ, màu đỏ chói lọi soi xuống dòng sông Hương làm cho con sông ấy thêm phần quyến rũ, gợi bao nhớ thương,  là tính cách hiền dịu trong sáng mà kiêu sa lộng lẫy của dòng sông khi chảy giữa bao la cánh rừng già. Có thể nói hai nét tính cách hùng vĩ và thơ mộng đã đan cài, dệt nên chất thơ chất của dòng sông mang tên một người con gái.

Sông Hương ở thượng nguồn còn mang vẻ đẹp chiều sâu tâm hồn và trí tuệ. Tác giả viết “ Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học đã chế ngự được bản năng của người con gái của mình để khi ra khỏi rừng sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa sứ sở”. Tiếp tục sử dụng phong cách hóa và bút pháp miêu tả kết hợp với nhưng liên tưởng thú vị thì HPNT đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về sông Hương, ông nhận ra rằng sức mạnh rừng già đã chế ngự bản năng của người con gái, để khi ra khỏi rừng già dòng sông nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng của trí tuệ, trở thành người mẹ của phù sa, của môt vùng văn hóa xứ sở. Nếu như trước đó sông Hương hiện lên với từ ngữ góc cạnh dữ dội làm toát lên vẻ đẹp linh thiêng hùng vĩ của dòng chảy thượng nguồn thì ở đoạn này tác giả lại dùng nhiều tính từ mỹ miều để tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương như “ dịu dàng, trí tuệ, người mẹ phù sa”. Và những mĩ từ ấy đã góp phần tô đậm vẻ đẹp, yêu kiều của dòng sông, có thể hiểu người con gái ấy sau bao thác ghềnh dữ dội đã tìm cho mình nét đẹp dịu dàng sau bao trải nghiệm gian truân đã làm cho mình một tâm hồn trí tuệ. Và người mẹ đại ngàn, bao la ấy đã bồi đắp cho đứa con gái yêu quý của mình tất cả những nét đẹp bản năng lẫn tinh thần cao đẹp để từ đây sông Hương đã hiến tặng cho Huế để bồi đắp phù sa cho mảnh đất này. Với phép nhân cách hóa ấy thì sông Hương giống như một đấng sáng tạo, góp phần tạo nên và gìn giữ, bảo tổn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứ sở. Đây là một phát hiện độc đáo của sông Hương chỉ có thể có ở người gắn bó và am tường mảnh đất cố đô như là HPNT. Bởi vậy khi ra khỏi rừng già sông Hương đã hóa thân là người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng châu hóa đầy hoa dại, nàng mang nét đẹp trầm mạc như triết lý khi về Huế.

“Nếu chỉ mải mê ngắm nhìn khuôn mặt kinh thành, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu nổi một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua”. Lời trữ tình ấy như một lời nhắn nhủ, lời dãi bày, trăn trở băn khoăn đến Huế nếu chúng ta chỉ ngắm nhìn sông Hương chảy qua kinh thành Huế với vẻ đẹp thơ mộng trữ tình thì chúng ta không hiểu hết bản chất của sông Hương, không hiểu qua được hình trình gian khổ của sông Hương vượt đến Huế điểm tô cho khuôn mặt kinh thành. Sông Hương cũng là hình ảnh dòng sông đầy cá tính.

>>> Tham khảo: Phân tích vẻ đẹp dòng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

----------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu cách phân tích cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường học sinh giỏi. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt. 

icon-date
Xuất bản : 19/10/2022 - Cập nhật : 20/10/2022